Các tiếp cận khác nhau về nguyên tắc quản lý

Nguyên tắc quản lý là nhân tố đặc biệt quan trọng của hoạt động quản lý. Nó là cơ sở nền tảng có vai trò chi phối và tác động tới toàn bộ nội dung và phương thức hoạt động của chủ thể quản lý và đối tượng quản lý. Vì vậy, làm rõ bản chất của nguyên tắc quản lý và đặc trưng của các nguyên tắc quản lý cơ bản là vấn đề hết sức cần thiết. Tuy nhiên, quản lý là lĩnh vực rộng lớn và phức tạp, vì vậy trong lịch sử tư tưởng quản lý, tuỳ thuộc vào các cách tiếp cận và quan niệm khác nhau về quản lý mà có nhiều cách hiểu khác nhau về nguyên tắc quản lý.

Nhiều tác giả thuộc “trường phái kinh nghiệm” hoặc “theo trường hợp” do nhấn mạnh đến vai trò của cá nhân hay tình huống trong quản lý mà phủ nhận sự tồn tại của các nguyên tắc quản lý.

Nhiều tác giả thuộc các trường phái khác nhau do không nhận thấy vai trò đặc biệt quan trọng của nguyên tắc quản lý mà không dành cho nó một sự ưu tiên đáng có để luận bàn một cách trực tiếp như một vấn đề có tính độc lập.

Một số tác giả trong khi bàn về quản lý lại chỉ tập trung luận giải nguyên tắc quản lý ở những khía cạnh, nội dung cụ thể của hệ thống quản lý. Vì vậy, số lượng các nguyên tắc quản lý được đưa ra là không giống nhau và thậm chí là không có giới hạn.

F.W Taylor với thuyết quản lý theo khoa học đã có những đóng góp quan trọng trong việc đưa ra nhiều tư tưởng quản lý có giá trị. Tuy nhiên, đối với vấn đề nguyên tắc quản lý, Taylor cũng chưa giành một sự quan tâm cần thiết mà mới gợi mở một số ý tưởng mờ nhạt mang tính tổng quan. Xuất phát từ nguyên lý phân công theo chức năng, Taylor cho rằng:

+ Phải coi chức năng kế hoạch và chức năng thừa hành như là những chức năng có tính độc lập.

+ Phải phân định rõ ràng các chức năng của quản lý

+ Phải phân biệt công việc thông thường với công việc bất thường để thực hiện nguyên tắc ngoại lệ trong quản lý.

Đó là những nguyên tắc cơ bản mà Taylor đưa ra song thực chất chỉ là những nguyên tắc liên quan tới phân công lao động trong quản lý.

H.Fayol lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng quản lý đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nguyên tắc quản lý, coi nguyên tắc quản lý là phương hướng của hoạt động quản lý, là một ngọn đèn pha giúp con người khỏi tình trạng tối tăm và rối loạn. Căn cứ vào kinh nghiệm, Fayol đã khái quát 14 nguyên tắc quản lý cơ bản. Những nguyên tắc quản lý mà Fayol đưa ra vẫn còn có giá trị thực tiễn nhất định. Tuy nhiên phải thấy rằng: Một số nguyên tắc có thể gộp lại với nhau vì chúng có nội dung trùng nhau (nguyên tắc 4, 5 và 8; các nguyên tắc 3 – 10, hay các nguyên tắc 6, 7 và 11). Đồng thời có những nguyên tắc mâu thuẫn nhau (nguyên tắc 3 và 13). Hơn nữa, 14 nguyên tắc mà Fayol đưa ra còn thiếu tính khái quát.

H.Koontz cho rằng: Thuật ngữ nguyên tắc có nghĩa là chân lý cơ bản, có khả năng áp dụng vào một tập hợp các hoàn cảnh đã cho mà chúng có giá trị trong việc dự đoán trước các kết quả. Như vậy, các nguyên tắc mang tính chất mô tả và dự đoán chứ không phải có tính mệnh lệnh cứng nhắc như nhiều người lầm tưởng.

Từ việc kế thừa những hạt nhân hợp lý của các cách tiếp cận về nguyên tắc quản lý trong lịch sử tư tưởng quản lý, có thể thấy rằng việc xây dựng các nguyên tắc quản lý là một tất yếu. Hơn nữa, phải khái quát từ thực tiễn quản lý để tạo lập các nguyên tắc quản lý mang tính phổ quát.