Trung Quốc hiện đang là quốc gia có nền kinh tế phát triển đáng kinh ngạc trong những năm gần đây khi tốc độ tăng trưởng vượt qua 3 trụ cột kinh tế chính của thế giới là Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu khiến cho vai trò của nước này đang ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Có được thành công trên không thể không kể đến những chính sách thương mại quốc tế mà Trung Quốc đang áp dụng đã phát huy rất tốt tính hiệu quả của nó, giúp nước này đang dần trở thành nguồn cung cấp hàng hóa cho toàn thế giới.
Trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO, Trung Quốc phải cam kết xóa bỏ sự phân biệt đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường trong nước, xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan, mở cửa khuyến khích các ngành dịch vụ chẳng hạn như ngân hàng, chứng khoán, viễn thông,… và cho phép các công ty nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu và tạo điều kiện cho hoạt động phân phối hàng tại Trung Quốc.
Đồng thời, trong thời gian này, Trung Quốc cũng áp dụng các chính sách thúc đẩy xuất khẩu được chia làm 3 giai đoạn rõ ràng: từng bước chuyển từ xuất khẩu các sản phẩm thô sơ (chủ yếu là nông sản và khoáng sản) sang các sản phẩm công nghiệp nhẹ, chế biến; sau đó sẽ chuyển tiếp sang xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp nặng và hóa chất và cuối cùng là tiến đến xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao. Các sản phẩm công nghệ cao sẽ tập trung vào các mặt hàng thế mạnh của đất nước để xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển. Đối với nhập khẩu, Trung Quốc ưu tiên các sản phẩm máy móc thiết bị và nguyên liệu phục vụ cho hàng xuất khẩu.
Về chính sách thị trường, Trung Quốc tăng cường thâm nhập thị trường hiện có cũng như tìm kiếm thị trường tiềm năng mới bằng cách tung ra thị trường những sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Bằng chính sách này, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu đa dạng hóa thị trường cũng như mở rộng được mối quan hệ quốc tế không chỉ cho lĩnh vực xuất khẩu mà còn rất nhiều lĩnh vực khác. Song song với đó, Trung Quốc còn áp dụng các biện pháp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào thị trường xuất khẩu bằng cách tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm và đánh giá thị trường, sử dụng công nghệ phù hợp và tư vấn về chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã cho các sản phẩm nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước luôn được cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về thị trường và được hỗ trợ nếu muốn tìm kiếm khách hàng hay quảng bá sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Đặc biệt, Trung Quốc rất quan tâm đến việc đơn giản hóa và nhanh gọn hệ thống văn bản pháp luật và thủ tục giúp hàng hóa ra nước ngoài cũng như các nhà đầu tư trên thế giới có thể dễ dàng đầu tư và kinh doanh tại thị trường Trung Quốc.
Sau khi gia nhập WTO (từ năm 2002 cho đến nay), Trung Quốc đi theo mô hình chính sách tiếp túc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu kết hợp với tự do hóa thương mại theo các quy định và điều kiện gia nhập WTO. Trong thời gian này, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian trước đó đồng thời chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật để hoạt động xuất khẩu được dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Cụ thể, Trung Quốc ban hành luật thuế đối kháng và chống bán phá giá để hàng nội địa và hàng hóa nước ngoài được cạnh tranh một cách tự do bình đẳng trên thị trường bước này. Ngoài ra, để tạo môi trường làm việc hiện đại, đạt hiệu quả năng suất lao động cao, chính phủ Trung Quốc cũng rất quan tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng (đường cao tốc, cáp quang, đường sắt,…) nên ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tích cực thực hiện các biện pháp xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước có thể phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Từ khi gia nhập WTO, thay vì các biện pháp hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Trung Quốc chuyển sang chính sách xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển thông qua Quỹ phát triển, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đi đầu trong các lĩnh vực xuất khẩu, mở rộng quyền hạn cho các tổng công ty xuất khẩu trong nước, cho phép các các địa phương thành lập các công ty ngoại thương để tự chủ trong hoạt động xuất khẩu của mình. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có những biện pháp hạn chế rủi ro, chẳng hạn như tăng cường dự trữ ngoại tệ nhằm bình ổn tỷ giá hối đoái, xúc tiến các hoạt động hỗ trợ thanh toán từ ngân hàng trung ương cũng như áp dụng các biện pháp kiểm tra và giám định chặt chẽ các mặt hàng xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng và tăng cường tính cạnh tranh trên thương trường.
Đối với đầu tư nước ngoài, Trung Quốc khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao như cải cách nông nghiệp, kỹ thuật sinh học, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển, các khu công nghiệp cao, hoặc các dự án có đầu tư, áp dụng công nghệ và thiết bị hiện đại để thay đổi các ngành công nghiệp truyền thống. Đồng thời, Trung Quốc cũng áp dụng các biện pháp quản lý nhập khẩu dựa theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đặc biệt là tiêu chuẩn về về sinh an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn về môi trường. Chính điều này khiến cho các nhà đầu tư rất an tâm và mong muốn đầu tư vào thị trường nước này.
Nhờ áp dụng một cách đồng bộ và hiệu quả các chính sách trên đây, GDP của Trung Quốc đã có sự tiến triển rõ rệt trong thời gian trước và sau khi gia nhập WTO, cụ thể như sau:
Hình 10.2: GDP của Trung Quốc trước khi gia nhập WTO (1999 – 2001) và sau khi gia nhập WTO (2002 – 2005) và trong những năm gần đây (2012 – 2015)
Đơn vị: Tỷ USD
Nguồn: Global Edge
Nhìn vào biểu đồ trên đây có thể thấy sau khi gia nhập WTO và áp dụng những chính sách thương mại quốc tế phù hợp, nền kinh tế Trung Quốc đã có nhiều khởi sắc khi GDP tăng trưởng đều qua các năm, đặc biệt là trong những năm gần đây, GDP năm 2015 đã tăng gấp 13 lần so với thời điểm bắt đầu gia nhập WTO (2002) và mức tăng trưởng này sẽ còn cao hơn trong những năm tới.
Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.
3 Th8 2022
2 Th8 2022
29 Th7 2022
7 Th1 2022
7 Th1 2022
5 Th1 2022