Thực tế áp dụng thuyết lợi thế tương đối Heckscher – Ohlin

Phân tích thực nghiệm đối với định lý Heckscher – Ohlin là chủ để của nhiều nghiên cứu, trong đó nổi bật là Leontief (1953), khi tác giả áp dụng phân tích thống kê các yếu tố đầu vào – đầu ra của xuất – nhập khẩu của Mỹ năm 1947. Leontief đã tính toán tổng các yêu cầu đầu vào (trực tiếp và gián tiếp) của vốn và lao động trên mỗi đơn vị hàng hóa xuất và nhập khẩu của Mỹ. Bằng cách so sánh 1 đơn vị nhập khẩu so với 1 đơn vị xuất khẩu, Leontief (1953) phân tích xem nước Mỹ có xuất khẩu các hàng hóa sản xuất trong nước mà có sử dụng số lượng lớn vốn và ít về lao động, và nhập các sản phẩm và dịch vụ nước ngoài có sử dụng nhiều lao động mà ít vốn hay không. Các kết quả chính của phân tích được tổng hợp trong bảng dưới đây:

Bảng 4.1: Nhu cầu vốn và lao động trên mỗi triệu USD xuất và nhập khẩu của Mỹ năm 1947.

Nguồn: Leontief (1953)

Từ cột cuối của của bảng trên cho thấy nước Mỹ xuất khẩu các hàng hóa sử dụng nhiều lao động và nhập khẩu các hàng hóa sử dụng nhiều vốn. Lúc này do Mỹ được xem là 1 quốc gia thừa dư vốn so với tất cả các đối tác thương mại của mình thì các phát hiện của Leontief là 1 phủ định mạnh mẽ đối với định lý Heckscher – Ohlin (khi đáng lý ra Mỹ phải xuất khẩu các hàng hóa có sử dụng nhiều vốn).

Cho đến nay đã và đang có nhiều nghiên cứu về nghịch lý của Leontief cả về các phương diện thống kê và lý thuyết. Một sộ nghiên cứu điển hình đã được thực hiện nghiên cứu về phân tích của Leontief đối với định lý Heckscher – Ohlin như Chipman (1965), Stern (1975), Leamer (1984).

Những nghiên cứu nhằm lý giải nghịch lý của Leontief được chia thành 2 nhóm. Nhóm đầu tiên bao gồm những nghiên cứu cho rằng tồn tại những lỗi nghiêm trọng hoặc ít nhất có tính toán sai lầm trong quá trình chuyển từ lý thuyết đến thực nghiệm. Và vì thế mà những suy luận của Leontief không có giá trị và không thể được xem như một phản luận đối với định lý Heckscher – Ohlin. Nhóm thứ 2 bao gồm những nghiên cứu cho rằng có 1 hoặc nhiều giả thiết cơ bản không được thực hiện trong thực tế, vì thế định lý tự bản thân nó đã đánh mất tất cả giá trị của nó. Các nghiên cứu này cũng yêu cầu cần tiến hánh các phân tích thực nghiệm cần thiết để xác nhận tính chất không đúng đắn của định lý.

Với nhóm nghiên cứu đầu tiên, những nghiên cứu sau này đã không xác nhận hệ số đảo ngược 3 giả thiết của Leontief. Kreinin (1965) đã phỏng vấn các quản lý và kỹ sư của khoảng 2000 công ty Mỹ hoạt động ở cả trong và ngoài nước Mỹ thông qua bảng hỏi. Những cuộc phỏng vấn này hướng đến xem xét tổng số thời gian lao động được yêu cầu để sản xuất ra 1 đơn vị sản lượng tương tự, với cách thức tổ chức và trang thiết bị lao động tương tự ở tại các nhà máy Mỹ. Hầu hết những người được phỏng vấn đánh giá lao động Mỹ năng suất hơn các đối tác nước ngoài của mình từ 20 – 25%. Kết quả là hệ số đảo ngược 1.20 hoặc 1.25 thấp xa so với hệ số 3 giả thiết mà theo Leontief sẽ làm cho Mỹ là quốc gia dư thừa tương đối về lao động.

Các nhà nghiên cứu khác đã phê phán nghiên cứu của Leontief và cho rằng Leontief sai khi chỉ xem xét 2 yếu tố sản xuất (vốn vật chất và lao động). Theo Diab (1956) và Vanek (1959), người ta phải xem xét thêm ít nhất 1 yếu tố khác là tài nguyên thiên nhiên. Hai nhà nghiên cứu đưa ra ví dụ, cùng với trang thiết bị, lao động và tổ chức như nhau hoạt động trong ngành công nghiệp lọc dầu thì kết quả ở Venezuela hoặc các nước A rập sẽ tốt hơn ở Mỹ, lý do đơn giản là trữ lượng dầu của Mỹ ít hơn so với các quốc gia trên. Do đó, nếu người ta bỏ qua yếu tố tài nguyên thiên nhiên thì sẽ dẫn đến kết quả không chính xác, và ngịch lý cũng sẽ không xuất hiện nếu yếu tố này được đưa vào xem xét. Trong thực tế, Vanek (1959), bên cạnh dữ liệu của Leontief (Bảng nhu cầu vốn và lao động của Leontief ở trên) đã tính toán đầu vào (của những sản phẩm có hàm lượng cao) đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên được yêu cầu để sản xuất 1 đơn vị xuất khẩu và 1 đơn vị thay thế nhập khẩu, kết quả tương ứng là 340.000 USD và 630.000 USD theo giá năm 1947. Do đó, Mỹ nhập khẩu những hàng hóa sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên (dù là sự thâm dụng này được tính so với vốn hoặc với lao động hay không), 1 yếu tố tương đố ít dư thừa, và xuất khẩu những hàng hóa sử dụng nhiều vốn và lao động so với tài nguyên thiên nhiên (2 yếu tố đầu dư thừa nhiều hơn so với yếu tố thứ 3). Và với kết quả này, 2 nhà nghiên cứu phản bác lại những nghịch lý đối với định lý Heckscher – Ohlin.

Những nhà nghiên cứu khác như Stern và Maskus (1981) và Lane (1985) thì nhấn mạnh vào tầm quan trọng của yếu tố vốn nhân lực. Những xem xét của các tác giả đã củng cố giả thuyết xuất khẩu của Mỹ thâm dụng về vốn nhân lực (1 yếu tố tương đối dư thừa ở Mỹ) so với những thay thế nhập khẩu, phù hợp với định lý Heckscher – Ohlin.

Casas và Choi (1985), chỉ ra rằng, định lý Heckscher – Ohlin giả định hoàn toàn 1 tình trạng thương mại cân bằng. Nhưng trong thực tế thì cân bằng thương mại không bao giờ ở trong trạng thái cân bằng, vì thế mà những kết quả thực nghiệm nghịch lý có thể do không kiểm chứng điều kiện cần thiết này.

Còn đối với một số tác giả khác như Clifton và Marxsen (1984), Leamer (1984) thì thử nghiệm của Leontief và những tác giả sau đó là không chính xác. Các tác giả đã thực hiện một thử nghiệm xem xét lại đã cho thấy mô hình thương mại Mỹ năm 1947 phù hợp với định lý Heckscher – Ohlin, ngoài ra còn đúng với nhiều quốc gia khác (dù không phải là tất cả) (Clifton và Marxsen, 1984).

Với nhóm các nghiên cứu thứ 2, theo cấu trúc nhu cầu không tương đồng thì nếu Mỹ có có xu hướng ưa thích mạnh mẽ đối với các sản phẩm thâm dụng vốn (giả sử là yếu tố dư thừa) thì có nghĩa Mỹ sẽ nhập những loại hàng hóa này. Tuy nhiên, Houthakker (1957) đã đưa ra bằng chứng ngược lại, gọi là sự tương đồng của các hàm nhu cầu ở những quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, đó cũng là một hiện tượng phổ biến khi thu nhập đầu người tăng lên thì xã hội có xu hướng chi tiêu nhiều hơn vào những sản phẩm thâm dụng lao động như các dịch vụ. Do đó vào thời gian mà Leontief xem xét thì cấu trúc nhu cầu Mỹ nên có xu hướng thích các loại sản phẩm thâm dụng lao động so với phần còn lại của thế giới.

Một vấn đề khác trong nghịch lý Leontief là hiện tượng đảo ngược lợi thế về yếu tố được xem là hiện tượng bình thường. Minhas (1962) bằng cách sử dụng hàm sản xuất co dãn thay thế không đổi (CES) phát hiện đảo ngược lợi thế về yếu tố khá thường xuyên ở trong thực tế. Tuy nhiên những nghiên cứu sau đưa ra những kết quả khác nhau, do đó mà không thể đưa đến 1 kết luận rõ ràng. Tuy nhiên, Fisher và Hillman (1984) cho thấy khả năng hiển diện của đảo ngược cường đạo yếu tố tại cấp độ các sản phẩm đơn hoặc ngành công nghiệp không có mối liên hệ trực tiếp với lý giải gộp chung (2 x 2 x 2) của định lý Heckscher – Ohlin.

Theo Brecher and Choudhri (1984), nếu người ta đưa sản phẩm mới vào mô hình Heckscher – Ohlin thì có thể đưa ra giải thích thỏa đáng cho nghịch lý Leontief. Bên cạnh đó có những nghiên cứu cho thấy những lời giải thích đó không quá chính xác, ví dụ như Stern and Maskus (1981) xác nhận có sự hiển diện của nghịch lý Leontief khi sử dụng bảng nhập xuất 1958 của Mỹ, trong khi sử dụng bảng 1972 thì nghịch lý Leontief không xuất hiện.

Lý thuyết Heckscher – Ohlin giả thiết có sự tương đồng về công nghệ giữa các quốc gia. Công nghệ và những khác biệt về cung ứng các yếu tố được nhận thức rộng rãi là có thể tham gia quyết định lợi thế tương đối. Harrigan (1997) đề xuất 1 mô hình thực hiện với mục đích đánh giá tác động của những công nghệ khác nhau và những năng lực khác nhau của các yếu tố trong thương mại và chuyên môn hóa quốc tế. Harrigan giả thiết công nghệ trung tính Hicks khác nhau giữa các quốc gia, bên cạnh những khác biệt về các năng lực yếu tố. Sự đánh giá thực nghiệm dựa trên dữ liệu của 1 nhóm 10 quốc gia công nghiệp trong 20 năm của 7 lĩnh vực sản xuất khác nhau. Kết quả cho thấy, những khác biệt về công nghệ là một yếu tố quyết định quan trọng về chuyên môn hóa, và chỉ riêng các nguồn cung ứng yếu tố không thể giải thích quốc gia công nghiệp nào sản xuất sản phẩm nào.

Trong những năm 1959 – 1962, đã có nhiều nghiên cứu được hiện xem xét nhiều quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Đông Đức và Canada. Các nghiên cứu này ở một số trường hợp khẳng định nghịch lý của Leontief, còn một số khác thì không. Nghiên cứu của Clifton and Marxsen (1984) cũng cho thấy mô hình thương mại ở nhiều quốc gia (Australia, Ireland, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, Mỹ) phù hợp với định lý Heckscher – Ohlin, trong khi những quốc gia khác (Israel, Kenya và Anh) thì không đúng với định lý Heckscher – Ohlin.

Xuất khẩu ròng trên mỗi lao động của 10 nhóm hàng hóa trong các năm 1958, 1965, 1974, và 1988 ở các nước Thụy Điển, Tây Đức, Mỹ và Nhật Bản được minh họa trong các con số từ 11 – 14 (những con số thương mại theo lĩnh vực được phân chia bởi các con số cung ứng nhân công ở khắp các nền kinh tế). Quy mô tương tự nhau trong những năm 1958 và 1965 nhưng lớn hơn vào những năm 1974 và 1988. Những dữ liệu phù hợp với định lý 3 yếu tố của Heckscher – Ohlin. Năm 1965, Mỹ là quốc gia không phụ thuộc đặc biệt vào thương mại, xuất khẩu hàng loạt các sản phẩm được chế tạo, đặc biệt là máy móc. Đức xuất khẩu nhiều sản phẩm được lắp ráp và nhập khẩu tất cả nguyên vật liệu thô. Nhật Bản không tham gia thương mại quốc tế đáng kể nhưng có 1 lợi thế tương đối trong sản xuất chế tạo là thấp hơn trong thang phát triển (LAB và CAP).

Mô hình thương mại Thụy Điển đặc biệt đáng chú ý, vì xuất khẩu ròng tập trung hoàn toàn vào các sản phẩm lâm nghiệp. Xuất khẩu ròng của các sản phẩm nông nghiệp lên tới 200 USD cho mỗi lao động trả cho khối lượng các sản phẩm nhập khẩu, bao gồm dầu mỏ, sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, các loại hàng hóa thâm dụng lao động và các chất hóa học. Chúng ta cần phải xem nguồn tài nguyên rừng gỗ mềm như một trong những yếu tố sản xuất để hiểu về mô hình thương mại của Thụy Điển. Những nguồn gỗ mềm này gay ra 1 “đại dịch Hà Lan” cho Thụy Điển, cụ thể là hạn chế công nghiệp hóa của Thụy Điển do thừa thãi nguồn lực tự nhiên. Trong khi đó, Mỹ có một lợi thế tương đối tương tự trong ngũ cốc.

Có một sự gia tăng đáng kể trong tổng số thương mại từ 1958 đến 1965. Cả Đức và Mỹ từng bước trở thành quốc gia phát triển và trở thành những nhà nhập khẩu hàng hóa thâm dụng lao động, và Mỹ cũng trở thành nhà nhập khẩu ròng các sản phẩm thâm dụng vốn. Nhật Bản nổi lên như một đối thủ chính trên toàn cầu trong sản xuất, tập trung thấp trong thang phát triển bằng cách xuất khẩu những sản phẩm thâm dụng lao động nhưng không bao gồm chất hóa học. Xuất khẩu sản phẩm lâm nghiệp của Thụy Điển tăng từ 200 USD lên 300 USD mỗi lao động và lĩnh vực máy móc cũng bắt đầu phát triển.

Sự nổi lên của lĩnh vực máy móc trong xuất khẩu ròng của Thụy Điển rất rõ ràng trong năm 1974 và sự gia tăng lớn trong giá dầu mỏ là bằng chứng ở tất cả 4 quốc gia, cho thấy nhập khẩu dầu mỏ đã tăng lên rất lớn. Thụy Điển đã thanh toán chi phí dầu mỏ với sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu các sản phẩm lâm nghiệp và máy móc. Người ta có lẽ nghi ngờ giá dầu mỏ cao hơn là nguyên nhân làm tăng xuất khẩu ròng về máy móc – 1 trường hợp xảy ra ở Hà Lan. Nói cách khác, bức tranh 1974 rất giống với năm 1965, mặc dù Nhật Bản đang bắt đầu từ bỏ các hàng hóa thâm dụng lao động.

Từ 1974 đến 1988, xuất khẩu hàng hóa của Đức và Nhật Bản đều tăng với số lượng lớn, đẩy Thụy Điển phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu ròng các sản phẩm thâm dụng vốn, đặc biệt là sắt và thép. Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc cạnh tranh này và chịu hậu quả trông giống như một xã hội nông nghiệp nhưng mà có đủ nguồn nhân lực để trợ giúp lĩnh vực hóa chất thành công một cách rất khiêm tốn. Trừ khi thâm hụt thương mại Mỹ được bù đắp bởi xuất khẩu các dịch vụ ròng, mô hình Mỹ năm 1988 có vẻ như không bền vững.

Về tình trạng xuất nhập khẩu của nước ta trong những năm gần đây thì tổng kim ngạch liên tục tăng, trong đó nhập siêu vẫn là xu hướng chủ đạo. Năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt 327,76 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong giai đoạn 5 năm từ 2011 – 2015 tăng hơn 124 tỷ USD (từ 203,7 tỷ năm 2011 lên 327,76 tỷ USD năm 2015). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta liên tục tăng cho thấy sự hội nhập sâu rộng cũng như là sự mở rộng và tăng cường giao thương quốc tế của nước ta với các quốc gia khác.

Những sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chính của nước ta là các loại linh kiện điện tử, thiết bị phụ tùng, hàng dệt may, giày dép, sợi dệt, túi xách, gỗ và sản phẩm gỗ, dầu thô, gạo, cà phê, hàng thủy sản…. Ví dụ như các sản phẩm điện thoại và linh kiện, năm 2015 xuất khẩu đạt 30,18 tỷ USD tăng 27,9% so với năm 2014, là nhóm sản phẩm dẫn đầu về giá trị kim ngạch trong xuất khẩu năm 2015. Một số sản phẩm khác như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử đạt 15,61 tỷ USD, hàng dệt may đạt 22,81 tỷ USD, giày dép các loại đạt 12,01 USD. Qua đó cho thấy, các sản phẩm xuất khẩu chính của nước ta chủ yếu thuộc nhóm các sản phẩm thâm dụng lao động, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên. Ngược lại với xuất khẩu thì các loại hàng hóa nhập khẩu chủ yếu thuộc nhóm các sản phẩm thâm dụng công nghệ và vốn như: máy móc, trang thiết bị điện tử, sắt thép và các sản phẩm từ thép, ô tô nguyên chiếc…. Ví dụ như máy móc, thiết bị và phụ tùng, năm 2015 giá trị nhập khẩu các sản phẩm này đạt 27,59 tỷ USD, tăng mạnh 23,1% so với năm 2014. Một số sản phẩm khác có kim ngạch nhập khẩu lớn như: máy vi tính, sản phẩm và linh kiện điện tử: 23,13 tỷ USD, điện thoại và linh kiện: 10,6 tỷ USD, sản phẩm từ sắt thép: 3,81 tỷ USD. Qua cơ cấu xuất nhập khẩu của nước ta trong năm 2015, về cơ bản xuất nhập khẩu của nước ta phản ánh rõ định lý của Heckscher – Ohlin khi nhập khẩu những hàng hóa khan hiếm yếu tố sản xuất và xuất khẩu những hàng hóa thừa dư yếu tố sản xuất. Tuy nhiên, một số mặt hàng khác cũng có giá trị nhập khẩu lớn như nguyên, phụ liệu ngành may, da, giày (18,3 tỷ USD), thức ăn gia súc và nguyên liệu (3,39 tỷ USD), trong khi đây là những loại sản phẩm mà nước ta cũng có lợi thế so sánh tương đối. Điều này cho thấy, nước ta cần có sự xem xét trong điều chỉnh cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu.

Kết chương: Lý thuyết Heckscher – Ohlin khẳng định mỗi quốc gia xuất khẩu mạnh các loại hàng hóa sử dụng yếu tố thâm dụng của mình và nhập khẩu các loại hàng hóa mà quốc gia khan hiếm về các yếu tố đó. Một trong những hạn chế trong lý thuyết của Heckscher – Ohlin là giới hạn xem xét giao thương quốc tế trong một phạm vi hẹp với chỉ 2 quốc gia, 2 sản phẩm cuối cùng và 2 yếu tố (hay còn gọi là mô hình 2 x 2 x 2). Sau này Vanek (1968) đã bổ sung thêm các yếu tố trong khi xem xét mô hình của Heckscher – Ohlin, vì thế còn được gọi là lý thuyết Heckscher – Ohlin – Vanek.

Phê phán mạnh mẽ nhất đối với định lý Heckscher – Ohlin là nghịch lý Leontief khi các kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Leontief không đúng với định lý của Heckscher – Ohlin. Sau này có nhiều nghiên cứu về nghịch lý của Leontief cả về các phương diện thống kê và lý thuyết. Các kết quả nghiên cứu không có sự thống nhất, có những nghiên cứu cho thấy sự hiển diện của nghịch lý Leontief trong giao thương quốc tế nhưng cũng có kết quả phản bác lại nghịch lý Leontief. Mặc dù vậy, lý thuyết Heckscher – Ohlin cho đến nay vẫn có giá trị quan trọng trong thương mại quốc tế về dự báo xu hướng xuất nhập khẩu và định hướng chính sách xuất nhập khẩu nhằm tận dụng lợi thế so sánh, mang lại lợi ích tối đa nhất trong giao thương.

Một trong những lý giải phản bác nghịch lý Leontief và khẳng định định lý Heckscher – Ohlin cho rằng Leontief chỉ xem xét 2 yếu tố sản xuất là vốn vật chất và lao động. Trong khi đó, ngay cả bản thân định lý Hecscher – Ohlin cũng có những hạn chế nhất định khi chỉ bó hẹp trong 2 yếu tố xem xét là vốn và lao động, và chỉ khi Vanek bổ sung thêm các yếu tố (trong khái niệm hàm lượng các yếu tố sản xuất trong thương mại ) thì định lý mới trở nên đầy đủ hơn. Trong thực tiễn, mỗi một đơn vị sản phẩm có sự tham gia cấu thành của nhiều yếu tố (mà theo khái niệm bổ sung của Vanek là hàm lượng các yếu tố sản xuất trong thương mại ) khác nhau. Vì thế, điều quan trọng và để áp dụng chính xác định lý Heckscher – Ohlin là cần phải xác định hàm lượng các yếu tố sản xuất trong thương mại trong mỗi đơn vị sản phẩm đúng với thời điểm đang xem xét.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.