Chi phí cơ hội

Trong những lý thuyết trước đó, lý thuyết về lợi thế so sánh của David Ricardo được xây dựng dựa trên nhiều giả định phi thực tế. “Lao động là yếu tố sản xuất duy nhất tạo nên sản phẩm hàng hóa, dịch vụ” (Ricardo, 1817). Hơn nữa, Ricardo giả sử lao động là yếu tố đồng nhất, như vậy giá trị của hàng hóa được xác định bởi số lượng lao động được vận dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, quá trình sản xuất sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cần nhiều yếu tố hơn như vốn, nguồn đất… chứ không đơn giản chỉ cần một yếu tố duy nhất là lao động. Trong cuốn sách “Lý thuyết thương mại quốc tế – The Theory of International Trade” của Haberler (1936), các yếu tố nhằm sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa dịch vụ bao gồm lao động, vốn, đất đai và công nghệ. Lao động có tính chất không đồng nhất bởi vì bản thân mỗi lao động với nhau có sự khác biệt lớn về hiểu biết, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và tay nghề và cuối cùng là năng suất lao động. Như vậy, lý thuyết về chi phí cơ hội (Opportunity Cost) trong thương mại quốc tế của Haberler đã khắc phục được những hạn chế trong lý thuyết của Ricardo.

Theo Haberler, chi phí cơ hội của một sản phẩm là số lượng sản phẩm khác cần phải hy sinh để có đủ các yếu tố sản xuất nhằm tăng thêm một đơn vị sản phẩm ban đầu. “Nếu một lượng các yếu tố sản xuất (bao gồm sự kết hợp của vốn, lao động và đất đai) có thể sản xuất một đơn vị hàng hóa X và một đơn vị hàng hóa Y, như vậy chi phí cơ hội của một đơn vị hàng hóa X là sự hy sinh của một đơn vị hàng hóa Y” (Haberler, 1936).

Cũng theo Haberler, nếu một quốc gia có chi phí cơ hội thấp trong viêc sản xuất một loại sản phẩm nào đó thì sẽ có được lợi thế so sánh đối với sản phẩm này và không có lợi thế so sánh khi sản xuất các sản phẩm khác. Một quốc gia sẽ chuyên môn hóa sản xuất để xuất khẩu những sản phẩm được sản xuất với chi phí cơ hội thấp hơn để thu được thặng dư thương mại và ngược lại, nếu chi phí cơ hội của việc sản xuất một loại sản phẩm trong nước cao, quốc gia đó sẽ tiến hành nhập khẩu loại hàng hóa này thay vì tự sản xuất chúng nhằm giảm thiểu được chi phí đơn vị sản phẩm.

Như vậy, tỷ lệ trao đổi giữa các loại hàng hóa được giải thích bằng cơ hội sản xuất bị bỏ lỡ đối với các hàng hóa khác tại cùng một sự kết hợp của các yếu tố sản xuất. Tập hợp các số lượng khác nhau của hàng hóa X và Y có thể sản xuất từ cùng một sự kết hơp các yếu tố sản xuất được gọi là đường giới hạn năng lực sản xuất.

Hình 3.14: Đường giới hạn năng lực sản xuất

Nguồn: Haberler (1936)

Nếu một quốc gia sản xuất hàng hóa trong điều kiện các loại chi phi phí gia tăng thì đường giới hạn năng lực sản xuất là đường cong lõm về phía gốc tọa độ. Và nếu quốc gia đó sản xuất hàng hóa trong điều kiện các chi phí sản xuất giảm dần thì đường giới hạn năng lực sản xuất là đường cong lồi về phía gốc tọa độ. Nếu một quốc gia không tham gia vào thương mại quốc tế, quốc gia này sẽ tham gia sản xuất hai loại hàng hóa X và Y sao cho tổng phúc lợi của cộng đồng đạt cực đại. Đồng thời người tiêu dùng cũng sẽ tối đa hóa lợi ích cho mình bằng cách cân bằng tỷ lệ lợi ích biên giữa hai loại hàng hóa tương ứng với tỷ lệ chi phí biên của chúng. Tương tự như vậy, nhà sản xuất sẽ luôn tìm cách tối đa hóa lợi nhuận của mình bằng cách tính toán sao cho tỷ số giá giữa hai loại hàng hóa bằng với tỷ lệ chi phí cận biên.

Chi phí cơ hội thường được thể hiện dưới dạng giá tương đối, tức là giá của một lựa chọn trong sự tương quan với lựa chọn khác. Ví dụ, tại Việt Nam, chi phí sản xuất một chiếc điện thoại cần một lượng vốn (K) và lao động (L) và nếu sử dụng lượng vốn và lao động này vào sản xuất tai nghe thì có thể sản xuất được 5 chiếc tai nghe. Như vậy, chi phí cơ hội của một chiếc điện thoại là 5 chiếc tai nghe. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, để sản xuất 1 chiếc điện thoại như vậy chỉ cần một lượng vốn (K) và lao động (L) đủ để sản xuất 3 chiếc tai nghe. Chi phí cơ hội sản xuất 1 chiếc điện thoại của Nhật Bản thấp hơn của Việt Nam. Do đó, Việt Nam sẽ lựa chọn việc sản xuất tai nghe để xuất khẩu và nhập khẩu điện thoại từ Nhật Bản để tối đa hóa được lợi ích cho mình.

Nhìn chung, hầu hết các chi phí cơ hội rất khó so sánh. Chi phí cơ hội chỉ có ý nghĩa trong điều kiện khan hiếm nguồn lực, vì khi đó các nhà sản xuất sẽ buộc phải đánh đổi để có thể có đủ các yếu tố sản xuất. Do nguồn lực của mỗi quốc gia đều hữu hạn nên các quốc gia sẽ phải lựa chọn những sản phẩm có lợi thế so sánh, chi phí cơ hội càng thấp càng tốt để sản xuất và trao đổi với nhau. Thương mại quốc tế giúp cho các quốc gia có thể mở rộng năng lực sản xuất (thể hiện trên đồ thị bằng việc mở rộng đường giới hạn sản xuất) của mình.

Hình 3.15: Tối đa hóa lợi ích bởi cộng đồng

Nguồn: Haberler (1936)

Như vậy, tổng phúc lợi của cộng đồng được tối đa hóa đúng bằng tỷ lệ thay thế cận biên (MRS) trong tiêu dùng (tỷ lệ thay thế cận biên – MRS là số lượng sản phẩm này phải giảm đi để có được một đơn vị sản phẩm khác trong khi mức độ thỏa mãn không đổi, được đo bằng độ dốc của đường bàng quan), tỷ lệ chuyển đổi cận biên trong sản xuất -MRTP (mức chi phí cơ hội gia tăng được gọi là tỷ lệ chuyển đổi cận biên -MRT, được đo bằng độ dốc của đường tiếp tuyến với đường giới hạn năng lực sản xuất tại điểm sản xuất) và giá của các sản phẩm. Trong sơ đồ dưới đây, mức độ hài lòng cao nhất của quốc gia đạt được tại điểm F trên đường bàng quan của cộng đồng (IC2).

Trong lý thuyết của mình, Haberler (1936) giả định chi phí cơ hội là không đổi trong suốt quá trình sản xuất. Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất ngày càng được chuyên môn hóa thì giả định này không còn đúng đắn nữa. Chi phí cơ hội ngày càng tăng có nghĩa rằng quốc gia phải hy sinh ngày càng nhiều hơn sản phẩm này để có thể có đủ yếu tố sản xuất cho một đơn vị sản phẩm kia. Trong trường hợp nhiều yếu tố sản xuất, chi phí cơ hội không cố định mà luôn luôn thay đổi. Cùng với sự tiến bộ không ngừng của khoa học kĩ thuật, chi phí cơ hội từ các yếu tố điều kiện tự nhiên, đất đai, lao động dần dần được thay thế bởi chi phí cơ hội do yếu tố khoa học – công nghệ. Quốc gia nào có trình độ khoa học – kĩ thuật tiến bộ sẽ giảm thiểu được chi phí cơ hội do tốn kém các yếu tố sản xuất cũ, từ đó phát huy được lợi thế so sánh và tối đa hóa được lợi ích trong thương mại quốc tế. Khi xác định được lợi thế so sánh, mỗi quốc gia sẽ chuyên môn hóa vào sản xuất sản phẩm đó để trao đổi với quốc gia còn lại trong thương mại quốc tế, tuy nhiên càng chuyên môn hóa thì chi phí cơ hội càng tăng lên. Do đó cả hai quốc gia chỉ chuyên môn hóa đến khi giá cả của cùng một loại sản phẩm ở cả hai quốc gia bằng nhau.

Ví dụ, ông A có cửa hàng nằm trên mặt đường với diện tích 50m2. Ông A đang cân nhắc 3 phương án như sau. Phương án 1: Mở một cửa hàng kinh doanh nội thất. Mỗi tháng, ông A phải chi ra 500 triệu tiền giá vốn hàng bán, 50 triệu cho chi phí điện thoại, điện, nước, thuế môn bài … liên quan đến hoạt động kinh doanh. Doanh thu của cửa hàng đạt 700tr/tháng, lợi nhuận thu về là 150 triệu/tháng. Phương án 2: Cho thuê lại cửa hàng với giá 30 triệu/tháng, ông A đi làm thuê tại công ty khác với mức lương là 10 triệu/tháng. Như vậy tổng thu nhập của ông A là 40 triệu/tháng. Phương án 3: Ông A cho một người bà con mượn cửa hàng để làm ăn và đi làm thuê với mức lương 10 triệu, tổng thu nhập mỗi tháng là 10 triệu. Cuối cùng, ông A lựa chọn phương án thứ nhất. Vậy, chi phí cơ hội cho sự lựa chọn phương án này là 40 triệu.

Như vậy, chi phí cơ hội còn là giá trị của sự lựa chọn tốt nhất không thể lựa chọn vì không thể nào cùng một lúc sử dụng nhiều lựa chọn thay thế được.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2016), Marketing nhân sự, NXB Thống kê.