Singapore được coi là một trong bốn con rồng của châu Á với rất nhiều thành tựu kinh tế đáng nể. Bằng việc thực hiện mô hình chính sách tự do hóa thương mại và thúc đẩy xuất khẩu nên mặc dù chỉ là một quốc đảo nhỏ với nguồn tài nguyên thiên nhiên không đáng kể, Singapore đã xây dựng được một nền kinh tế phát triển năng động và bền vững. Theo thống kê, từ mức GDP chỉ đạt 0,7 tỷ USD năm 1960, đến năm 2014, con số này đã lên tới 307,86 tỷ USD, tức là tăng gần 440 lần. Quốc gia này cũng đứng trong top 10 nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới, đạt mức 56.264 USD. Tính đến đầu năm 2015, 339 tỷ USD là tổng GDP của Singapore, giúp nước này vững vàng ở vị trí thứ 3 trên toàn thế giới, và mức thu nhập bình quân đứng thứ 7 trên thế giới (62.400 USD/ người). Cụ thể, quốc gia này đã áp dụng các chính sách thương mại quốc tế như sau:
Thứ nhất, chính phủ Singapore tạo ra một thị trường hoàn toàn tự do với rất nhiều ưu đãi dành cho các công ty nước ngoài đang hoạt động tại đây. Ngoài ra, quốc gia này không sử dụng hàng rào phi thuế quan cũng như không trợ giá xuất nhập khẩu. Đặc biệt, thủ tục xuất nhập khẩu tại Đảo quốc này rất đơn giản và nhanh chóng nhờ vào những tiến bộ của công nghệ thông tin, nhất là khi Singapore tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các quốc gia khác thuộc nhiều tổ chức trên thế giới như WTO, ASEAN, APEC… nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm, dịch vụ của mình. Có thể thấy, các chính sách thương mại của Singapore rất phù hợp và mang lại nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của quốc gia này cũng như cơ hội bình đẳng cho các công ty trong và ngoài nước. Nhờ thế, hàng năm Singapore đã thu hút được nguồn vốn FDI rất lớn, nhất là từ Mỹ khiến nền kinh tế không ngừng phát triển nhanh chóng.
Thứ hai, Singapore không ngừng nghiên cứu và cải cách các chính sách thương mại quốc tế qua từng thời kỳ, đặc biệt là các chính sách về xuất nhập khẩu. Có thể kể đến một số cải tiến trong lĩnh vực này như sau: Trước hết, Singapore luôn tiên phong trong việc áp dụng những tiến bộ mới trong khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực xuất nhập khẩu, chẳng hạn như hình thức “thương mại không giấy tờ” nhằm đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, hệ thống cấp phép tự động cho phép các nhà xuất nhập khẩu có thể nhận được giấy phép trong vòng 3 phút.
Thứ ba, Singapore chủ trương áp dụng chính sách hỗ trợ tín dụng nhằm tăng cường vốn cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời hỗ trợ bảo hiểm hàng hóa giúp nhà sản xuất yên tâm hơn về hàng hóa mình sản xuất ra để tự tin mở rộng thị trường ra quốc tế. Bên cạnh đó, nước này còn thành lập Cục Xúc tiến Thương mại Singapore chịu trách nhiệm tăng khả năng cạnh tranh các mặt hàng của nước này trên thị trường quốc tế, bảo vệ quyền lợi kinh tế của đất nước và tìm kiếm thị trường tiềm năng cho các sản phẩm xuất khẩu. Cho đến nay, Cục Xúc tiến Thương mại Singapore đã có trên 30 văn phòng thương mại trên khắp thế giới nhằm hỗ trợ cho các công ty Singapore một cách hiệu quả nhất.
Thứ tư, Singapore còn tích cực thực hiện tự do hóa thương mại thông qua các hoạt động cắt giảm thuế quan. Cụ thể hơn, nước này tham gia vào hoạt động của nhiều tổ chức thương mại đa phương trong khu vực và trên thế giới như WTO, APEC, ASEAN,…và thực hiện các chính sách cắt giảm thuế theo đúng với quy định của từng tổ chức này. Có thể nói, Singapore đã tạo ra một thị trường xuất khẩu hoàn toàn tự do (có tới 96% hàng hóa xuất nhập khẩu không có thuế) nên các hoạt động thương mại quốc tế của đất nước này ngày càng được mở rộng với sự tham gia của nhiều nước trên khắp thế giới.
Thứ năm, về các đối tác thương mại, nếu như trước kia Singapore chú trọng phát triển quan hệ thương mại với các nước phát triển như Tây Âu, Mỹ, Nhật nhằm thu hút các khoản đầu tư nhưng lại khiến Đảo quốc bị phụ thuộc vào vốn, công nghệ và thị trường thì nay Singapore đã mở rộng thị trường sang các nước đang phát triển để tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới và trở nên độc lập hơn về công nghệ và vốn.
Từ việc áp dụng hiệu quả các chính sách thương mại quốc tế trên đây, có thể kể đến một số thành tựu trong xuất khẩu của nước này trong năm 2014 như sau:
Bảng 10.2: Kết quả xuất khẩu của Singapore trong năm 2014
Nhìn chung, Singapore đã thực hiện thành công mô hình chính sách tự do hóa thương mại và thúc đẩy xuất khẩu và trở thành một trong những trung tâm thương mại của khu vực ASEAN nói riêng và Châu Á nói chung. Singapore là một nước nghèo về tài nguyên nhưng không nghèo về kinh tế và con rồng châu Á này đã giàu lên nhờ sự vận dụng thông minh khôn khéo các chính sách thương mại quốc tế về mậu dịch tự do và chính sách cạnh tranh trong môi trường bình đẳng cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.
5 Th1 2022
7 Th1 2022
3 Th8 2022
29 Th7 2022
3 Th8 2022
3 Th8 2022