Yêu cầu đặt ra đối với hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế của Việt Nam

1. Mục tiêu của chính sách thương mại

Theo chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 – 2020 phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cùng với Quyết định số 2471/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến 2030, nêu rõ chiến lược và chính sách ngoại thương của Việt Nam với mục tiêu rõ ràng như sau:

Mục tiêu xuất khẩu hàng hóa với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11 – 12%/năm trong thời kỳ 2011 – 2020, trong đó giai đoạn 2011 – 2015 tăng trưởng bình quân 12%/năm; giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 11%/năm. Duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 10% thời kỳ 2021 – 2030. Để đạt được điều đó chiến lược đưa ra định hướng xuất khẩu là chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu một cách hợp lý theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm thân thiện với môi trường trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.

Với định hướng chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, đồng thời phát triển sản xuất nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ các ngành hàng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ, kiểm soát chặt việc nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu trong dài hạn. Đáp ứng yêu cầu nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị và công nghệ cao phù hợp với nguồn lực, trình độ sản xuất trong nước và tiết kiệm năng lượng, vật tư; định hướng nhập khẩu ổn định cho các ngành sản xuất sử dụng các nguyên, nhiên, vật liệu mà khai thác, sản xuất trong nước kém hiệu quả hoặc có tác động xấu đến môi trường. Theo đó mục tiêu nhập khẩu hàng hóa là tốc độ tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 10 – 11%/năm trong thời kỳ 2011 – 2020, trong đó giai đoạn 2011 – 2015 tăng trưởng bình quân dưới 11%/năm; giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân dưới 10%/năm.

Với dịch vụ, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020 xác định, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng và có sức cạnh tranh. Cụ thể :Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như du lịch, hàng hải, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, y tế. Hình thành một số trung tâm dịch vụ, du lịch có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Mở rộng thị trường nội địa, phát triển mạnh thương mại trong nước; đa dạng hoá thị trường ngoài nước, khai thác có hiệu quả các thị trường có hiệp định mậu dịch tự do và thị trường tiềm năng, tăng nhanh xuất khẩu, giảm nhập siêu cả quy mô và tỷ trọng, phấn đấu cân bằng xuất nhập khẩu. Chủ động tham gia vào mạng phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Đa dạng hóa sản phẩm và các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng để đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistics và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác”.

2. Những yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế của Việt Nam

  • Chính sách thương mại quốc tế phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Mục tiêu của chúng ta là phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân từ đó giúp ổn định an ninh chính trị quốc gia, từ đó mở rộng quan hệ quốc tế. Chính sách thương mại quốc tế phải gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Do đó, chính sách thương mại quốc tế phải nằm trong hệ thông các chính sách phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh hội nhập chính sách thương mại quốc tế sẽ gắn kết thị trường trong nước với quốc tế qua đó tế sẽ tạo điều kiện nhập khẩu những nhóm mặt hàng mà nước ta đang rất thiếu và rất cần. Bên cạnh đó chúng ta cũng chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao từ đó thúc đẩy phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước.

Chính sách thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế khi nó giải quyết được các vấn đề mà đất nước đang cần như nguồn vốn, khoa học công nghệ… Để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển chúng ta cần rất nhiều vốn, để thu hút vốn cần có chính sách thương mại hiệu quả. Khi có chính sách thương mại tốt sẽ thu hút đầu tư được nhiều hơn, hoạt động thương mại phát triển mạnh mẽ, từ đó hoạt động trao đổi hàng hóa giữa các nước cũng phát triển theo. Từ đó, chúng ta có nguồn vốn để đáp ứng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đề ra.

Khoa học công nghệ là yếu tố chủ đạo hướng tới công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, khoa học công nghệ của chúng ta vẫn lạc hâu, chưa phát triển. Chính sách thương mại sẽ giúp chúng ta thu hút được những công nghệ tiên tiến, đồng thời như hạn chế được các công nghệ cũ, lạc hậu nhập khẩu. Từ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm với các nước góp phần phát triển kinh tế xã hội.

  • Hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế phải góp phần phát triển mạnh các ngành dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng và có sức cạnh tranh

Dịch vụ ngày càng đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Khi dịch vụ phát triển thì kinh tế của đất nước sẽ phát triển. Hiện nay, tuy dịch vụ của Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng tuy nhiên vẫn chỉ đạt 40%GDP trong khi các nước khác trên thế giới chiếm tới hơn 60%GDP. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế xuất nhập khẩu dịch vụ việt nam gặp nhiều thách thức. Trong định hướng chiến lược phát triển xuất khẩu xác định rõ vị trí và vai trò của cả xuất khẩu hàng hoá và xuất khẩu dịch vụ, trong đó tốc độ tăng trưởng của XK dịch vụ phải cao hơn XK hàng hóa. Điều đó có nghĩa rằng xuất khẩu hàng hóa muốn phát triển thì xuất khẩu dịch vụ phải phát triển cao hơn một bậc. Trước tầm quan trọng của phát triển dịch vụ đòi hỏi chúng ta phải có những chính sách thương mại về dịch vụ trong thời gian tới. Trong đó chính sách thương mại dịch vụ cần hướng tới phát triển các ngành dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng và có sức cạnh tranh trong nước để từ đó thúc đẩy sản xuất và thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa được tốt hơn.

  • Chính sách thương mại quốc tế phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc chung của các tổ chức mà Việt Nam tham gia nhằm xây dựng, củng cố các đối tác hợp tác chiến lược để phát triển thị trường bền vững

Khi tham gia các tổ chức cũng như ký kết các hiệp định song phương, đa phương Việt nam cần tuân thủ quy tắc chung mà tất cả các thành viên phải chấp nhập. Chẳng hạn như nguyên tắc (i) không phân biệt đối xử thông qua thực hiện quy chế tối huệ quốc (MFN) và nguyên tắc đãi ngộ quốc gia (NT); (ii) nguyên tắc về thương mại tự do hơn (ngày càng giảm dần các biện pháp can thiệp vào thương mại); (iii) nguyên tắc về tính có thể dự đoán và đảm bảo minh bạch hoá quá trình thiết kế và thực thi chính sách; (iv) đảm bảo cạnh tranh công bằng; (v) khuyến khích phát triển và cải cách kinh tế khi gia nhập WTO, APEC, ASEAN, Hiệp định thương mại Việt Nam Hoa kỳ. Các lộ trình thay đổi về giảm thuế, các rào cản thương mại cũng cần được thông báo và cập nhật tuân thủ khi tham gia đàm phán. Hay khi tham gia đàm phán các hiệp định song phương chúng ta cũng phải theo nguyên tắc cạnh tranh công bằng, đối xử bình đẳng giữa các hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu trong nước với ngoài nước.

Do đó chính sách thương mại phải giải quyết được những vấn đề đó sao cho hài hòa, đúng nguyên tắc và có lợi nhất cho hàng hóa, dịch vụ trong nước mà không ảnh hưởng tới quy định chung của đối tác.

  • Chính sách thương mại quốc tế phải khai thác tốt lợi thế so sánh của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh xuất nhập khẩu

Chính sách thương mại phải có những biện pháp khuyến khích khai thác hiệu quả nhất mọi nguồn lực trong nước đặc biệt là những nguồn lực trong nước có lợi thế. Đồng thời thu hút nguồn lực tốt nhất bên ngoài để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng cạnh tranh với các nước khác. Chính sách thương mại phải hài hòa giữa tự do hóa những hàng hóa, dịch vụ có khả năng cạnh tranh cao và bảo hộ có lựa chọn để có thể hỗ trợ những hàng hóa, dịch vụ khác kém khả năng cạnh tranh khác. Chính sách thương mại quốc tế cũng cũng tạo ra sự trong sạch, công bằng để các doanh nghiệp trong nước có thể phát triển và khai thác triệt để thế mạnh của mình, đồng thời thu hút được nhiều vốn và công nghệ cao của nước ngoài vào sản xuất.

  • Hoàn thiện chính sách thương mại phải có sự liên kết phối hợp giữa các bên như doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước

Hoàn thiện chính sách thương mại không thể thành công khi không có sự phối hợp giữa các bên trong nền kinh tế. Sự tham gia của các bên sẽ được thể hiện bằng việc chia xẻ trách nhiệm, nguồn lực và lợi ích trong việc hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế.

Trước đây xây dựng chính sách thương mại Việt Nam thời ban đầu do Bộ Thương mại chủ trì, nay Bộ Thương mại hợp nhất với Bộ Công nghiệp thành Bộ Công Thương. Theo Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, quy định thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại. Nghị định cũng quy định Bộ Công Thương được thành lập các Vụ kế hoạch, Cục xúc tiến thương mại, Viện nghiên cứu chính sách thương mại… để giúp đỡ xây dựng chính sách thương mại. Bên cạnh đó, các bộ, ngành như Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Khoa học & Công nghệ… cũng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng thương mại quốc tế. Các doanh nghiệp trong nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định các chính sách thương mại của Việt Nam. Doanh nghiệp được xem là chủ thể để đưa ra quyết định tiến trình hội nhập kinh tế và tham gia đàm phán hội nhập.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.