Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên Minh kinh tế Á Âu (2014)

Đàm phán FTA Việt Nam – EAEU bắt đầu khởi động từ tháng 3/2013 (với FTA giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga – Belarus Kazakhstan). Sau 8 vòng đàm phán chính thức và nhiều vòng không chính thức vào ngày 15/12/2014, hai bên đã ký Tuyên bố chung kết thúc đàm phán. Vào ngày 29/5/2015, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) đã chính thức ký kết FTA Việt Nam – EAEU. Hiệp định này hiện vẫn đang trong quá trình phê chuẩn tại nội bộ mỗi nước và chưa có hiệu lực (dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2016).

Nội dung của FTA Việt Nam-EAEU bao gồm 15 chương với các chương chính thuộc (i) nhóm hàng hóa (Chương Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Phòng vệ thương mại, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Thuận lợi hóa và hải quan…) và (ii) nhóm khác (Chương Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Pháp lý và thể chế). Đặc biệt đối với nội dung Thương mại Dịch vụ, Đầu tư và di chuyển thể nhân được đàm phán song phương giữa Việt Nam và Liên Bang Nga và các cam kết đạt được chỉ áp dụng song phương giữa hai nước.

Biểu thuế được đàm phán bao gồm 11.360 dòng thuế. Các cam kết về thuế quan của EAEU được chia thành các nhóm sau:

  • Nhóm loại bỏ thuế quan ngay sau khi hiệp định có hiệu lực (EIF) (6.718 dòng thuế, ~59% biểu thuế)
  • Nhóm loại bỏ thuế quan theo lộ trình cắt giảm từng năm và sẽ loại bỏ thuế quan ở năm cuối của lộ trình (muộn nhất là đến 2025) (2.876 dòng thuế, ~ 25% biểu thuế)
  • Nhóm giảm ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực 25% so với thuế hiện tại và sau đó giữ nguyên (131 dòng thuế, ~ 1% biểu thuế).
  • Nhóm không cam kết (N/U) (1.453 dòng thuế, ~ 13% biểu thuế)
  • Nhóm áp dụng biện pháp Phòng vệ ngưỡng (Trigger) (180 dòng thuế, ~1,58% biểu thuế). Áp dụng cho một số sản phẩm trong nhóm Dệt may, Da giầy và Đồ gỗ được quy định trong Phụ lục của Hiệp định
  • Nhóm Hạn ngạch thuế quan: chỉ bao gồm 2 sản phẩm là gạo và lá thuốc lá chưa chế biến

Các cam kết về thuế quan của Việt Nam được chia làm 4 nhóm:

  • Nhóm loại bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực (EIF) ~53% biểu thuế
  • Nhóm loại bỏ thuế quan theo lộ trình cắt giảm từng năm và sẽ loại bỏ thuế quan ở năm cuối của lộ trình (muộn nhất là đến 2026) ~ 35% tổng số dòng thuế, cụ thể:
    • Nhóm đến năm 2018 loại bỏ thuế quan hoàn toàn ~1,5% tổng số dòng thuế trong biểu thuế (chế phẩm từ thịt, cá, và rau củ quả, phụ tùng máy nông nghiệp, máy biến thế, ngọc trai, đá quý…)
    • Nhóm đến năm 2020 loại bỏ thuế quan hoàn toàn ~22,1% tổng số dòng thuế trong biểu thuế (giấy, thủy sản, đồ nội thất, máy móc thiết bị điện, rau quả, sản phẩm sắt thép…)
    • Nhóm đến năm 2022 loại bỏ thuế quan hoàn toàn ~1% tổng số dòng thuế trong biểu thuế (bộ phận phụ tùng ô tô, một số loại động cơ ô tô, xe máy, sắt thép…)
    • Nhóm đến năm 2026 loại bỏ thuế quan hoàn toàn ~10% tổng số dòng thuế trong biểu thuế (rượu bia, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, ô tô nguyên chiếc (xe tải, xe buýt, ô tô con, ô tô trên 10 chỗ…)
  • Nhóm không cam kết (U) ~11% tổng số dòng thuế trong biểu thuế
  • Nhóm cam kết khác (Q): áp dụng Hạn ngạch thuế quan…

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.