Công cụ thuế quan của chính sách thương mại quốc tế

1. Khái niệm và mục đích

Thuế quan là khoản thuế đánh vào hàng hóa, dịch vụ khi chúng được chuyển qua biên giới quốc gia (Gandolfo, 2014), là loại thuế đánh vào hàng hóa khi hàng hóa đó đi qua lãnh thổ hải quan của một nước (Đỗ Đức Bình và Nguyễn Thường Lạng, 2013), có thể được áp dụng đối với cả hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu.

Thông thường, thuế quan được Chính phủ giao cho một tổ chức thuộc Chính phủ (hải quan) chuyên trách về việc kiểm tra, tính toán và thu thuế. Theo nguyên tắc, thuế quan phải được nộp trước khi thông quan để người xuất khẩu có thể giao hàng hóa cho người chuyên chở hay người nhập khẩu có thể đưa mặt hàng nhập khẩu vào lưu thông trong nội địa, trừ khi có các chính sách ân hạn thuế hay có bảo lãnh nộp thuế. Đây là một trong những loại thuế dễ thu nhất và chi phí để thu thường là khá nhỏ.

Khi sử dụng công cụ này cần phải xem xét ai là người được lợi và ai sẽ chịu thiệt. rõ ràng Chính phủ sẽ là người được lợi vì thuế quan là nguồn thu cho ngân sách Chính phủ. Các nhà sản xuất trong nước cũng sẽ được hưởng lợi bởi vì thuế quan sẽ làm tăng chi phí của hàng hóa nước ngoài nhập khẩu. Còn người tiêu dùng là những người chịu thiệt vì họ phải trả tiền nhiều hơn cho những hàng hóa nhập khẩu nhất định. Trong thực tế, mức độ lợi ích thu về của Chính phủ và các nhà sản xuất nội địa lớn hơn hay nhỏ hơn thiệt hại của người tiêu dùng sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố chẳng hạn như mức độ đánh thuế, mức độ quan trọng của hàng nhập khẩu đối với người tiêu dùng trong nước, …

Như vậy, thuế quan là một khoản tiền mà người chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hoặc quá cảnh phải nộp cho hải quan (cơ quan đại diện cho nước chủ nhà). Kết quả của thuế quan là làm tăng chi phí của việc đưa hàng hóa đến một quốc gia.

Thuế quan có thể được tính theo giá trị hoặc theo số lượng đơn vị hàng hóa nhập khẩu/ xuất khẩu. Đối với một số lượng nhỏ hàng hóa buôn bán trên thế giới, người ta áp dụng thuế quan hỗn hợp bằng cách kết hợp hai cách tính thuế nói trên. Thuế quan là một công cụ chính sách của Chính phủ được sử dụng nhằm đạt được những mục tiêu nhất định trong quá trình tổ chức quản lý nền kinh tế quốc gia.

Công cụ thuế quan nhằm những mục đích sau:

  • Thuế nhập khẩu có thể được dùng để:
    • Giảm nhập khẩu bằng cách làm cho giá cả một số hàng hóa đắt hơn so với các mặt hàng thay thế trong nước, qua đó làm giảm thâm hụt cán cân thương mại.
    • Bảo vệ các lĩnh vực sản xuất then chốt.
    • Bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ đến khi chúng đủ mạnh để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
    • Chống lại các hành vi phá giábằng việc tăng giá hàng nhập khẩu của mặt hàng phá giá lên tới mức giá chung của thị trường.
    • Trả đũa các hành vi dựng hàng rào thuế quan do quốc gia khác đánh thuế đối với hàng hóa xuất khẩucủa uốc gia mình.
  • Thuế xuất khẩu có thể được dùng để:
    • Giảm xuất khẩu các mặt hàng sử dụng các nguồn tài nguyên khan hiếm đang bị cạn kiệt hay các mặt hàng có tính chất quan trọng đối với sự an toàn lương thựchay an ninh quốc gia.

Ngoài ra, thuế xuất nhập khẩu có thể được dùng để tăng thu ngân sách cho Chính phủ. Tùy từng yêu cầu tại từng thời điểm đối với từng quốc gia mà một hay một vài mục đích nói trên sẽ được đề cao để giúp Chính phủ đạt được những mục tiêu đề ra và để đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia mình.

2. Phân loại thuế quan

Hiện nay, thuế quan thường được phân loại theo 3 tiêu chí chính:

Theo đối tượng đánh thuế, thuế quan gồm 3 loại: thuế quan xuất khẩu, thuế quan nhập khẩu và thuế quan quá cảnh. Trong đó, thuế quan nhập khẩu là loại thuế có vị trí quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia.

  • Thuế quan nhập khẩu là thuế đánh vào mỗi đơn vị hàng hóa nhập khẩu, được áp dụng phổ biến trên thế giới.
  • Thuế quan xuất khẩu là thuế đánh vào mỗi đơn vị hàng hóa xuất khẩu. Loại thuế này hiện nay ít được các quốc gia trên thế giới áp dụng vì cạnh tranh trên thị trường quốc tế đang diễn ra quyết liệt. Nguyên nhân là do khi sử dụng loại thuế này sẽ làm tăng giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế và giữ giá thấp hơn ở thị trường trong nước. Điều đó có thể làm giảm lượng khách hàng ở nước ngoài do họ có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm thay thế với mức giá hợp lý hơn. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh mở rộng, Chính phủ chỉ đánh thuế cho các mặt hàng có kim ngạch lớn, mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia …
  • Thuế quan quá cảnh là thuế áp dụng cho hàng hóa không nhập vào nội địa cho sử dụng. Quá cảnh hàng hóa là việc vận chuyển hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ của một quốc gia, kể cả việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải và các công việc khác được thực hiện trong thời gian quá cảnh. Việc quá cảnh hàng hóa đã tạo ra sự thuận tiện cũng tiết kiệm chi phí một cách hiệu quả.

Hiện nay, do yêu cầu của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế, nhà nước còn ban hành thêm thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá. Về bản chất, đây là hai loại thuế bổ sung cho thuế xuất khẩu, nhập khẩu trong những trường hợp có căn cứ cho rằng hàng hoá đó có trợ cấp của Chính phủ hoặc có hành vi bán phá giá nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh.

Theo phương pháp đánh thuế, thuế quan bao gồm:

  • Thuế quan tính theo đơn vị vật chất của hàng hóa, là loại thuế đơn giản nhất đánh vào một đơn vị hàng hóa.

P1 = P0 + Ts

Trong đó:

P0 và P1 là giá cả hàng hóa trước và sau khi đánh thuế

Ts là mức thuế đánh vào một đơn vị hàng hóa.

  • Thuế đánh theo giá trị hàng hóa:

P1 =P0(1+ t)

Trong đó: t là mức % theo giá trị hàng.

Theo mục đích đánh thuế, thuế quan được chia thành 2 loại:

  • Thuế tài chính là loại thuế nhằm làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
  • Thuế bảo hộ là loại thuế nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước, làm giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.