Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là giải pháp hữu hiệu góp phần đưa Việt Nam ra khỏi tình thế khó khăn trong những năm qua. Đầu tư nước ngoài mang lại nguồn vốn to lớn cho phát triển kinh tế của toàn quốc gia, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng xuất lao động, thay đổi công nghệ, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, phát triển nguồn nhân lực…
Hiện nay Việt nam đang là điểm đầu tư hấp dẫn của các nước trên thế giới. Trong đó một số tập đoàn lớn như Toyota, Canon, Samsung, Intel, LG, Nokia – Microsoft, Formosa… đã và đang mở rộng đầu tư giúp cho các ngành công nghiệp của Việt Nam vươn ra trên thị trường thế giới. Năm 2015 cả nước có 2827 dự án với tổng số vốn đăng ký là 22,757 tỷ USD và tổng số vốn thực hiện là 14,5 tỷ USD. Xuất khẩu của khu vực ĐTNN năm 2015 đạt 115,1 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 70,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực này năm 2015 đạt 97,9 tỷ USD, chiếm 59,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Đầu tư nước ngoài chủ yếu vào các lĩnh vực như Công nghiệp chế biến, chế tạo với 955 dự án đầu tư đăng ký mới và 517 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 15,23 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư. Kinh doanh bất động sản với 34 dự án đầu tư mới và 12 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,39 tỷ USD chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư.
Với nhiều các quốc gia đầu tư vào Việt nam trong đó đặc biệt phải kể đến một số nước Châu Á đứng đầu như Malaysia, Hàn quốc, Nhật Bản, Đài loan… Điểm đến của các doanh nghiệp đầu tư giải khắp đất nước trong đó một số tỷnh dẫn đầu như Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,46 tỷ USD năm 2015. TP Hồ Chí Minh đứng thứ hai và Bình Dương với tổng vốn đầu tư là 3,32 tỷ USD và 2,95 tỷ USD, tiếp đó là các tỷnh Trà Vinh và Đồng Nai với tổng vốn đầu tư lần lượt là 2,52 tỷ USD và 1,94 tỷ USD.
Có thể nói rằng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam ngày càng mở rộng. Đặc biệt mới đây do hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực và đặc biệt là đầu tháng 2/2016, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng thu hút vốn FDI giải ngân cũng tăng lên mạnh mẽ. Theo số liệu chính thức của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong tháng 1/2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,33 tỷ USD, tăng 101,2% so với cùng kỳ năm 2015. Điểm sáng khác thể hiện ở vốn giải ngân tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2015, ước đạt 800 triệu USD. Rõ ràng đây là tín hiệu tích cực trong thu hút FDI trong những năm tới.
Bảng 9.1: Tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giai đoạn 2000 – 2015
1. Chính sách tiếp cận thị trường
Chính sách tiếp cận thị trường ngày càng được hợp nhất và hoàn thiện nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Năm 1987, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã được Quốc hội thông qua, sau đó được sửa đổi nhiều lần vào các năm 1990, 1992, 1993, 1996, 2000. Năm 2005, Quốc hội đã thông qua Luật đầu tư. Luật này thay thế Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996. Gần đây nhất Luật đầu tư năm 2005 được thay thế bằng Luật đầu tư 2014 được được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2014. Luật này quy định nhiều hình thức bảo đảm đầu tư cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, được hưởng nhiều ưu đãi về thuế suất thu nhập, thuế nhập khẩu, thuế đất… với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, luật còn ưu đãi ở nhiều ngành lĩnh vực và hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư khi vào Việt Nam.
Ưu đãi về đất đai: Thông qua một số văn bản như Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư; Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ quy định miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước; Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước (Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2013). Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các nhà đầu tư nước ngoài được: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày dự án hoàn thành đưa vào hoạt động trong vòng 3 năm, 7 năm, 11 năm, 15 năm tùy theo danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư. Đặc biệt đối với dự án nông nghiệp: Đặc biệt ưu đãi đầu tư miễn tiền sử dụng đất. Ưu đãi đầu tư: giảm 70% tiền sử dụng đất. Khuyến khích đầu tư: Giảm 50% tiền sử dụng đất.
2. Chính sách xúc tiến đầu tư
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã có những thay đổi về cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực từ đầu tư nước ngoài. Để thu hút dòng vốn FDI hỗ trợ cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đất nước đề ra trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, năm 2014 Quốc hội Việt Nam đã quyết định thông qua Luật Đầu tư mới, cho phép doanh nghiệp có vốn FDI từng bước được hưởng những ưu đãi như các doanh nghiệp trong nước.
Luật đã quy đinh nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp này được hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế thu đất đối với doanh nghiệp có vốn nước ngoài sử dụng lao động địa phương và đạt tỷ lệ nhất định về sản phẩm xuất khẩu…Bên cạnh đó, các cơ quan ban ngành từ trung ương tới địa phương các cấp cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc đào tạo công nhân địa phương, nhằm khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên sử dụng lao động địa phương. Các cơ quan ban ngành liên quan thì định kỳ tổ chức triển lãm và hội thảo chuyên đề, mở rộng sự liên hệ của doanh nghiệp địa phương với thị trường bên ngoài, giúp doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội thương mại.
Việt nam cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức thành lập các văn phòng xúc tiến thương mại tại Việt nam. Trong đó có một số văn bản hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như: Nghị định số 100/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định về thành lập và hoạt động văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam. Thông tư số 06/2012/TT-BCT ngày 27 tháng 3 năm 2012 của Bộ Công Thương quy định chi tiết trình tự, thủ tục cấp giấy phép thành lập và hoạt động văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam
Ngày 29 tháng 8 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới. Với định hướng nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; tăng cường thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỷnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt các quan điểm, định hướng và tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực… Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư: tăng cường xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn lớn, đa quốc gia; đồng thời, chú trọng xúc tiến đầu tư đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
3. Chính sách ưu đãi thuế
Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Sau nhiều năm Chính phủ thực hiện cải cách chính sách ưu đãi thuế TNDN, đã giúp môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng trở nên cạnh tranh hơn khuyến khích thu hút vốn đầu tư nước ngoài thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quá trình giảm thuế TNDN từ 32% năm 1997 xuống còn 28% năm 2003 và tiếp tục giảm còn 25% từ năm 2009 đã chứng minh điều đó.
Từ 1987 đến năm 2004, với khu vực có vốn ĐTNN, tuỳ theo lĩnh vực, địa bàn đầu tư, doanh nghiệp được áp dụng thuế suất ưu đãi 10%, 15% và 20% và miễn, giảm thuế tương ứng, trong đó mức miễn thuế tối đa là 4 năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo. Giai đoạn từ năm 2004 đến nay, Quốc hội ban hành Luật thuế TNDN số 09/2003/QH11 ngày 17/6/2003, đây là văn bản mà ưu đãi các nhà ĐTNN được hưởng mức giá dịch vụ đầu vào bình đẳng như các nhà đầu tư trong nước. Luật này đã tạo ra một môi trường đầu tư bình đẳng và hấp dẫn hơn. Tạo điều kiện cho việc gia nhập các tổ chức cũng như ký các hiệp định song phương sau này. Tiếp đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X và Chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010, ngày 13/6/2008 Quốc hội ban hành Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 thay thế cho Luật Thuế TNDN số 09/2003/QH11.
Mới đây Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013 của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Nghị định 92/2013/NĐ-CP ngày 13/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng. Thông tư 141/2013/TT-BTC ngày 16/10/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 92/2013/NĐ-CP ngày 13/8/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng được ban hành với nhiều ưu đãi cho đầu tư nước ngoài.
Luật này đã làm chuyển biến tích cực trong phân bổ nguồn lực, thu hẹp diện ưu đãi theo ngành, lĩnh vực để khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và tập trung vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước…Với các cải cách thuế có tính bước ngoặt nêu trên, vốn ĐTNN thực hiện hàng năm từ năm 2008 đến này ngày càng tăng và đều đạt từ 10 tỷ USD trở lên.
Về thuế Xuất, nhập khẩu: Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11, Luật Đầu tư nước ngoài, và các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể là yếu tố góp phần vào việc gia tăng liên tục đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cụ thể các văn bản này quy định một số ưu đãi như:
Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công cho nước ngoài và khi xuất trả sản phẩm cho phía nước ngoài được miễn thuế xuất khẩu. Hay việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa để tạo tài sản cố định đối với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, lĩnh vực khuyến khích đầu tư và các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của các dự án đầu tư và lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Đặc biệt với ngành nông nghiệp sẽ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp FDI đầu tư trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản ở vùng đặc biệt khó khăn theo hướng miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo cho các dự án đặc biệt ưu đãi. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có lỗ còn được chuyển lỗ sang năm sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá năm năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ.
Bên cạnh đó từ khi Việt Nam gia nhập WTO và ký các hiệp định thương mại tự do ASEAN như ATIGA; ASEAN – Trung quốc; ASEAN – Hàn Quốc; ASEAN- Ấn Độ…đã thu hút thêm được các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt, khi tham gia WTO và AEC cũng được cắt giảm thuế theo các giai đoạn giúp cho các doanh nghiệp giảm chi phí khi đầu tư vào Việt Nam.
4. Chính sách đẩm bảo đầu tư
Để đảm bảo môi trường và tạo động lực cho các nhà đầu tư nước ngoài kinh hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Chính sách đảm bảo đầu tư của Việt Nam luôn được coi trọng bắt đầu từ luật đầu tư năm 2000 đến hiện này ngày càng được đổi mới đề phù hợp với tình hình hội nhập. Năm 2014 Quốc hội đã ban hành Luật số 67/2014/QH13 Luật đầu tư 2014 và các quy định về việc đảm bảo đầu tư được quy cụ thể tại các điều 9, 10, 11, 13 và 14.
- Về việc bảo đảm quyền sở hữu tài sản trong đầu tư kinh doanh, điều 9 quy định:
- Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.
- Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Về bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh: được quy định tại điều 10 của Luật Đầu tư. Theo đó Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải thực hiện những yêu cầu sau đây:
- Ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước hoặc phải mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trong nước;
- Xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ đạt một tỷ lệ nhất định; hạn chế số lượng, giá trị, loại hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu hoặc sản xuất, cung ứng trong nước;
- Nhập khẩu hàng hóa với số lượng và giá trị tương ứng với số lượng và giá trị hàng hóa xuất khẩu hoặc phải tự cân đối ngoại tệ từ nguồn xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu; Đạt được tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng hóa sản xuất trong nước;
- Đạt được một mức độ hoặc giá trị nhất định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển ở trong nước;
- Cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại một địa điểm cụ thể ở trong nước hoặc nước ngoài;
- Đặt trụ sở chính tại địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về việc Bảo đảm chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài được quy định tại điều 11, như sau: Sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài các tài sản sau đây: Vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư; Thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh; Tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư.
- Về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật, dự trù các trường hợp thay đổi được quy định tại điều 13 nêu rõ:
- Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.
- Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.
- Trường hợp nhà đầu tư không được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều này thì được xem xét giải quyết bằng một hoặc một số biện pháp sau: Khấu trừ thiệt hại thực tế của nhà đầu tư vào thu nhập chịu thuế; Điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư; Hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục thiệt hại.
Một cách khái quát, có thể thấy chính sách thương mại về đầu tư nước ngoài ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, qua nhiều lần sửa đổi đên nay Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư đã bình đẳng trong mọi hoạt động của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng, các chính sách về đất đai, ưu đãi trong các ngành… được ban hành nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống, pháp luật chính sách liên quan đến đầu tư chưa đồng bộ và thiếu nhất quán. Các văn bản pháp luật hiện hành về hoạt động đầu tư nước ngoài chưa thực sự đồng bộ, rõ ràng, các văn bản pháp luật còn chồng chéo, tạo ra các cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng ở các cấp.
Các chính sách ưu đãi còn dàn trải, chưa tập trung đúng mức vào những ngành, lĩnh vực và địa bàn cần thu hút đầu tư. Chẳng hạn như chính sách ưu đãi đối với đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ chưa có sự khác biệt, đủ sức hấp dẫn so với các ngành khác. Chính sách ưu đãi vào những địa bàn cần thu hút đầu tư còn chung chung. Luật quy định thu hút vào địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn chẳng khác nào đầu tư dàn trải cả nước vì tỷnh nào cũng có địa bàn nghèo.
Chính sách xúc tiến đầu tư chưa hiệu quả do hoạt động xúc tiến đầu tư còn giàn trải, phân tán nguồn lực, chưa tập trung vào các đối tác, lĩnh vực trọng điểm.
Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.
3 Th8 2022
2 Th8 2022
2 Th8 2022
3 Th8 2022
3 Th8 2022
29 Th7 2022