Các định chế thương mại quốc tế

1. Liên minh Châu Âu (EU)

Cộng đồng kinh tế Châu Âu (European Economic Community – EEC), hiện là Liên minh Châu Âu hay Liên hiệp châu Âu (European Union – EU) được thành lập bởi hiệp ước Rome ký kết vào năm 1967. Các nước sáng lập bao gồm Tây Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg. Năm 1968, cộng đồng kinh tế Châu Âu bắt đầu bằng việc tự do hóa thương mại giữa các thành viên. Năm 1986, các hàng rào phi thuế quan được loại bỏ. Cộng đồng tiến tới việc tự do trong việc di chuyển giữa các nước thành viên, miễn phí trao đổi vốn và lao động (năm 1993) để đạt đến mức độ một thị trường chung thống nhất

Trong các năm qua, từ con số ban đầu là 6 nước sáng lập, Cộng đồng kinh tế Châu Âu EEC đã nâng con số thành viên lên 28 nước (bao gồm: Áo, Bỉ, Bulgaria, Cyprus, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hà Lan, Hungary, Ireland, Ý, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Slovenia, Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, Croatia và các cuộc đàm phán đang được tiến hành với Iceland, Macedonia, Thổ Nhĩ Kỳ. Tên gọi EEC cùng chính thức được đổi thành Liên minh Châu Âu EU.

Liên minh Châu Âu EU hàm ý nhiều hơn một thị trường chung, vì nó đã đưa ra nhiều chính sách, biện pháp nhằm phối hợp với các chính sách của các thành viên và các chính sách can thiệp khác nhằm đồng nhất các nền kinh tế của các thành viên thuộc liên minh

Có thể nói các thị trường nội địa Châu Âu đã trở thành hiện thực vào năm 1993. Kể từ đó, các nước thành viên EU có một chính sách chung về giá cả mặc dù còn có sự khác biệt đáng kể ở một số vùng. Nhờ có đồng tiền chung châu Âu Euro, các nước thành viên EU có sự minh bạch về giá, loại bỏ chi phí chuyển đổi tiền tệ và rủi ro tỷ giá, xu hướng được dự kiến là sẽ tiếp tục tiếp diễn. Tuy nhiên, một số chi phí khác của giao dịch (như chi phí vận chuyển) vẫn còn vì vậy sự khác biệt về giá cả vẫn được dự kiến vẫn tồn tại trong khu vực, đặc biệt trong một số ngành không có sự giao thương thương mại. Sự khác biệt về tiền lương đã giảm đáng kể từ khi các nước gia nhập EU. Từ khi thành lập liên minh châu Âu EU, tỷ lệ giao dịch thương mại nội khối đã tăng từ 42% năm 1961 lên 64% năm 2010.

  • Vận hành

Cơ cấu tổ chức của Liên minh Châu Âu EU theo tổng kết của Vụ Châu Âu – Bộ ngoại giao nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam như sau:

  • Hội đồng Châu Âu (European Council): là cơ quan quyền lực nhất của Châu Âu gồm nguyên thủ của 28 nước thành viên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch EC. Hội đồng đưa ra định hướng và ưu tiên chính trị cho cả khối. Các quyết định của Hội đồng châu Âu chủ yếu được thông qua theo hình thức đồng thuận.
  • Hội đồng Bộ trưởng (Council of the European Union): gồm đại diện (thường ở cấp Bộ trưởng) của các quốc gia thành viên là cơ quan đưa ra chính sách trong các lĩnh vực cụ thể và khuyến nghị EC xây dựng các đạo luật chung. Ngoài Hội đồng Ngoại trưởng do Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh làm chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng các Bộ trưởng khác do nước Chủ tịch luân phiên đảm nhiệm.
  • Nghị viện Châu Âu (European Parliament – EP): có chức năng chính là cùng Hội đồng Bộ trưởng ban hành luật pháp, giám sát các cơ quan của Liên minh châu Âu, đặc biệt là Ủy ban châu Âu. Nghị viện có quyền thông qua hoặc bãi miễn các chức vụ ủy viên Ủy ban châu Âu, có thẩm quyền phê duyệt ngân sách của EU.
  • Ủy ban Châu Âu (European Commission – EC): EC hoạt động độc lập, có chức năng xây dựng, kiến nghị các đạo luật của EU, thực thi, áp dụng và giám sát việc triển khai các hiệp ước và điều luật của EU, sử dụng ngân sách chung để thực hiện các chính sách chung của cả khối theo quy định.
  • Cơ quan Đối ngoại của châu Âu (European External Action Service) : Đây là Cơ quan (có nhiều chức năng và nhiệm vụ giống Bộ Ngoại giao) chuyên trách về chính sách đối ngoại và an ninh của châu Âu. Người đứng đầu EEAS là Đại diện cấp cao phụ trách về chính sách đối ngoại và an ninh kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu. EEAS hoạt động hoàn toàn độc lập và có ngân sách riêng, có nhiệm vụ kiến nghị các chính sách về đối ngoại và an ninh để các nước thành viên EU thông qua.
  • Tòa Công lý châu Âu (The Court of Justice): Có thẩm quyền tư pháp đối với các vấn đề liên quan đến luật pháp của EU. Bao gồm hai tòa chính là: “Tòa sơ thẩm châu Âu” (European General Court) và “Tòa án Công lý châu Âu” (EuropeanCourt of Justice). Tòa Công lý châu Âu bao gồm 28 thẩm phán, đại diện cho 28 quốc gia thành viên EU, do các chính phủ thỏa thuận bổ nhiệm, nhiệm kỳ 06 năm. Chủ tịch của Tòa Công lý châu Âu được bầu bởi các thẩm phán với nhiệm kỳ 03 năm có thể tái bổ nhiệm. Chủ tịch chịu trách nhiệm điều khiển các phiên xét xử cũng như các cuộc thảo luận. Tòa án có vai trò độc lập và có quyền bác bỏ những quy định của các tổ chức của Ủy ban châu Âu và Chính phủ các nước thành viên nếu những quy định này bị coi là không phù hợp với luật EU.
  • Ngân hàng Trung ương Châu Âu (The European Central Bank – ECB): phụ trách về chính sách tiền tệ của khu vực Ơ-rô (18 nước thành viên), bao gồm: ổn định giá trị của đồng Euro, ổn định cung tiền, kiểm soát lãi suất, cứu các ngân hàng của các thành viên khu vực sử dụng Euro có nguy cơ đổ vỡ. Điều hành ngân hàng là Ban giám đốc, đứng đầu là Chủ tịch và Hội đồng các Thống đốc bao gồm thành viên của Ban Giám đốc và đại diện các ngân hàng trung ương trong thuộc hệ thống các ngân hàng trung ương châu Âu (ESCB). Bốn thành viên của Ban Điều hành thường là các đại điện của ngân hàng trung ương Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha.
  • Tòa kiểm toán châu Âu (The European Court of Auditors): Cơ quan này không có quyền tư pháp nhưng có quyền (i) kiểm tra các sổ sách kế toán để bảo đảm ngân sách của Cộng đồng được chi tiêu chính xác; (ii) lập báo cáo kiểm toán cho mỗi năm tài chính đệ trình Hội đồng và Nghị viện châu Âu, và cho ý kiến về pháp luật tài chính và các hành động chống gian lận.

Ngoài ra, EU còn có một số cơ quan khác: Ủy ban kinh tế và xã hội Châu Âu, Ủy ban Vùng, Thanh tra, Kiểm soát bảo vệ dữ liệu Châu Âu, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu.

  • Tác động của liên minh Châu Âu EU đến các nước thành viên

Châu Âu luôn được coi là Châu lục phát triển về kinh tế cũng như khoa học kỹ thuật. Sự hình thành nên liên minh Châu Âu EU càng thể hiện vị thế của Châu Âu trên bản đồ kinh tế thế giới. Trong số các quốc gia giàu nhất trên thế giới, liên minh Châu Âu EU đóng góp 4 thành viên, vùng Mỹ và Trung Quốc và Nhật Bản ảnh hưởng to lớn đến cục diện kinh tế thế giới.

Từ năm 1993, khi thị trường chung được thiết lập và các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, trao đổi giữa các nước thuộc liên minh trở nên thuận tiện. Trong thời điểm những năm cuối của thập niên 1990, khi cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á nổ ra, liên minh Châu Âu vẫn đứng vững và khẳng định vị thế của mình trên thị trường tài chính, kinh tế thế giới.

Từ khi gia nhập EU, các nước thành viên sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế quan, kinh tế đối ngoại và mở rộng mối quan hệ giữa các nước thành viên. Người lao động các nước thành viên được mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm, một phần do kinh tế nước đó phát triển khi tham gia vào liên minh, một phần do người lao động có thể tự do di chuyển giữa các quốc gia nội khối, do vậy vấn đề tìm kiếm việc làm trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, việc giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các quốc gia cũng được mở rộng, tạo cơ hội cho mối quan hệ giữa các quốc gia thêm bền chặt

Một số quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro bên cạnh đồng tiền nội tệ. Việc này khiến dòng vốn trung chuyển vốn giữa các quốc gia được dễ dàng hơn. Việc chuyển đổi tiền tệ cũng bớt phần rủi ro về tỷ giá và ngoại tệ. Điều này nâng cao sức cạnh tranh của các quốc gia nội khối so với các nước ngoài liên minh

Tuy nhiên, các nước thành viên thuộc EU đang phải đối mặt với thách thức về sự chênh lệch trình độ kinh tế giữa các thành viên, điều này dễ nảy sinh bất đồng và tranh chấp giữa các quốc gia thuộc liên minh. Việc đồng ý chấp thuận các nước nhỏ gia nhập EU tạo áp lực cho các nước này trong việc nỗ lực chuyển dịch kinh tế để theo kịp trình độ phát triển của toàn khu vực, nếu không sẽ kéo theo sự phát triển chậm lại toàn khu vực. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp là minh chứng cho việc một quốc gia yếu kém có thể ảnh hưởng tới toàn bộ các quốc gia nội khối. Các quốc gia thành viên khác đã chấp nhận tìm kiếm nguồn vốn để cho Hy Lạp vay trang trải các khoản nợ công đồng thời cũng là một biện pháp giải quyết việc đồng Euro mât giá liên tục do ảnh hưởng của vụ việc Hy Lạp.

2. Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA)

Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (North American Free Trade Agreement – NAFTA) là khu vực thương mại tự do được hình thành vào những năm 1993 giữa các nước Hoa Kỳ, Mexico và Canada, nhằm loại bỏ không chỉ thuế quan mà còn tiến tới các hàng rào phi thuế quan để lưu thông hàng hóa và dịch vụ. Hiệp hội thương mại tự do Bắc Đại Tây Dương ra đời với mục tiêu nâng khả năng cạnh tranh với các thể chế kinh tế như EU, AFTA, … Tuy nhiên, hiện nay NAFTA đang bộc lộc những bất cập trong thể chế kinh tế và sự lỗi thời so với các liên minh kinh tế khác trên thế giới

Cơ quan quan sát cao nhất của NAFTA là Ủy Ban mậu dịch tự do Bắc Mỹ bao gồm: Đại diện thương mại Mỹ, Bộ trưởng ngoại thương Canada, Bộ trưởng thương mại và Phát triển công nghiệp Mexico. Ủy ban này đã thành lập các tổ công tác và cơ quan tư vấn để quản lý những hoạt động hàng ngày của hiệp định. NAFTA ra đời đã đưa ra nhiều chính sách bảo hộ sản xuất trong nội khối dẫn đến khó khăn cho nhiều quốc gia khi Mỹ và Canada là thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm xuất khẩu chính như Thái Lan, Việt Nam…

Tác động của NAFTA đối với các nước thành viên:

  • Tác động tích cực
    • Các quốc gia nội khối tận dụng được những lợi thế khi hàng rào về thuế quan được dỡ bỏ, sự di chuyển về vốn và công nghệ giữa các quốc gia trở nên dễ dàng hơn. Mexico cũng tận dung được thế mạnh của Mỹ và Canada để nâng cao năng suất lao động, tạo tính cạnh tranh đối với các quốc gia ngoại khối và quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo
    • Việc tham gia NAFTA cũng góp phần thúc đẩy thương mại giữa các nước thành viên. Đặc biệt Mexico được gia tăng nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài
  • Tác động tiêu cực
    • So với 2 quốc gia còn lại, Mexico thể hiện sự chênh lệch hẳn về trình độ kinh tế, thương mại. Do vậy, dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng việc thu hẹp khoảng cách tiền lương và thu nhập giữa Mexico và 2 nước còn lại là khá khó khăn, việc thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường còn gặp nhiều rào cản. Ngoài ra, Mỹ và Canada đối mặt với tình trang nhập cư trái phép từ Mexico. Điều này cho thấy cơ hội người dân được cải thiện cuộc sống ngay trên đất nước họ vẫn còn rất ít. Mexico còn bị lép vế trong các quy định về việc bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài
    • Sự hợp tác thống nhất giữa các thành viên thuộc NAFTA chưa cao: Có rất nhiều vấn đề nổi lên trong các chính sách của NAFTA, điển hình là làn sóng nhập cư, hợp tác quân sự và các tranh cãi về thương mại. Với các chính sách có lợi cho Mỹ, nhiều doanh nghiệp tại Canada và Mexico không hài lòng về các điều khoảng của NAFTA vì vậy việc hợp nhất Bắc Mỹ như liên minh Châu Âu EU trở nên khá xa vời

3. Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)

Mercosur (viết tắt từ tiếng Tây Ban Nha: Mercado Común del Sur) hay Mercosul (viết tắt từ tiếng Bồ Đào Nha: Mercado Comum do Sul) là một hiệp định thương mại tự do được thành lập năm 1991. Thành viên sáng lập gồm: Brasil, Argentina, Uruguay, Paraguay. Đến tháng 06/2006, Mercosur kết nạp thêm 6 thành viên, nâng tổng số thành viên lên 10. 6 thành viên bao gồm: Venezuela, Bolivia, Chile, Colombia, Ecuador và Peru. Tên chính thức của Hiệp định này là Khối thị trường chung Nam Mỹ

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế Argentina (2001 – 2002), Mercosur đã có một bước tiến trong việc củng cố liên minh và tạo nên trục quan hệ kinh tế khăng khít Argentina – Brasil. Thỏa thuận Mercosur đã mang đến các bước tiến lớn trong các lĩnh vực chính trị đối với các nước trong khối liên minh. Mercosur được đánh giá là thực thể kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là một trong những trung tâm hàng đầu về lương thực, nguyên liệu và năng lượng. Đối với các quốc gia thành viên, Mercosur có ý nghĩa kinh tế to lớn. Đơn cử như Brasil, từ việc bị ngoại quốc hóa những năm 50 của thế kỷ trước, Brasil hiện nay đã vươn lên trở thành quốc gia có nền công nghiệp lớn nhất Mỹ La Tinh và vượt tới vài lần quy mô công nghiệp của Argentina, nước đứng thứ 2 tại Nam Mỹ.

4. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations – ASEAN), được thành lập vào ngày 08 tháng 8 năm 1967 tại Bangkok, Thái Lan, với việc ký kết Tuyên bố ASEAN bởi các thành viên sáng lập của ASEAN, cụ thể là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Brunei Darussalam sau đó tham gia vào ngày 07 tháng 1 năm 1984, Việt Nam vào ngày 28 tháng 7 năm 1995, Lào và Myanmar vào ngày 23 Tháng Bảy năm 1997, và Campuchia vào ngày 30 tháng 4 năm 1999, tạo nên 10 quốc gia ASEAN ngày nay

Như đã đề ra trong tuyên bố ASEAN, các mục tiêu chính của ASEAN như sau:

  • Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực thông qua các nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác nhằm củng cố nền tảng cho một cộng đồng thịnh vượng và hòa bình của quốc gia Đông Nam Á
  • Thúc đẩy hòa bình khu vực và ổn định thông qua sự tôn trọng pháp luật trong mối quan hệ giữa các nước trong khu vực và tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc;
  • Thúc đẩy sự hợp tác tích cực và hỗ trợ lẫn nhau về những vấn đề quan tâm chung trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, kỹ thuật, khoa học và hành chính; hỗ trợ cho nhau trong các hình thức đào tạo và nghiên cứu các cơ sở trong lĩnh vực giáo dục, chuyên môn, kỹ thuật và hành chính;
  • Hợp tác hiệu quả trong các ngành kinh tế nông nghiệp và công nghiệp, mở rộng thương mại giữa các nước thành viên, bao gồm cả việc nghiên cứu các vấn đề về thương mại hàng hóa quốc tế, cải thiện giao thông và phương tiện truyền thông và nâng cao mức sống của nhân dân các nước;
  • Thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Đông Nam Á
  • Duy trì hợp tác chặt chẽ đôi bên cùng có lợi với các mục tiêu phát triển kinh tế tương tự nhau giữa các nước, làm nền tảng cho sự hợp tác bền chặt giữa các quốc gia trong khu vực.

Các nguyên tắc cơ bản trong ASEAN: Các thành viên ASEAN đã thông qua các nguyên tắc cơ bản sau đây và được quy định trong hiệp ước TAC năm 1976

  • Tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia;
  • Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau;
  • Giải quyết các bất đồng hoặc tranh chấp bằng biện pháp hòa bình;
  • Loại bỏ đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, hợp tác hiệu quả.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập ASEAN, tầm nhìn ASEAN đến năm 2020 đã được thông qua bởi các nhà lãnh đạo, khi nhất trí về việc cộng đồng ASEAN là cộng đồng kinh tế mở, yêu chuộng hòa bình, ổn định và thịnh vượng, liên kết với nhau trong quan hệ đối tác trong phát triển năng động

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 năm 2003, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã đi đến quyết định về việc thành lập Cộng đồng ASEAN

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 12 vào tháng Giêng năm 2007, các nhà Lãnh đạo khẳng định cam kết mạnh mẽ của mình để thúc đẩy việc thành lập một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và đã ký Tuyên bố Cebu về việc đẩy nhanh tiến độ cho việc thiết lập một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Cộng đồng ASEAN bao gồm ba trụ cột là Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN. Mỗi trụ cột có chức năng riêng của mình, và cùng với Sáng kiến ​​Liên kết ASEAN (IAI), Khung Chiến lược và Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn II (2009 – 2015), chúng tạo thành Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009 – 2015.

Tác động của ASEAN đến các nước thành viên:

Tác động tích cực:

  • Kinh tế các quốc gia ASEAN luôn được đánh giá có tốc độ phát triển cao nhất trong khu vực, các nước thành viên luôn có sự đồng thuận cao về các vấn đề chung của khu vực cũng như quốc tế và đã được các quốc gia trên thế giới công nhận là một tổ chức hợp tác thành công nhất của các quốc gia đang phát triển. Điều này đã làm tăng vị thế của các quốc gia thuộc khu vực trong quan hệ kinh tế với các quốc gia khác.
  • ASEAN cũng được đánh giá là thành công trong vấn đề hợp tác chính trị. ASEAN luôn xử lý ổn thỏa các tranh chấp, bất đồng giữa các nước thành viên trong khu vực tạo dựng một môi trường ổn định, hòa bình và hợp tác trên cơ sở các bên cùng có lợi. Điều này đã tạo nên một cộng đồng kinh tế vững mạnh trước sức ép của các thể chế kinh tế khác ngoài khu vực.
  • ASEAN đã xây dựng được cơ sở hợp tác song phương cũng như đa phương giữa các nước thành viên về tất cả các măt từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Điều này đã tạo nên sự gắn bó và giữ gìn môi trường kinh doanh trong khu vực luôn ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế giữa các nước thành viên.

Tác động tiêu cực:

  • Khả năng hợp tác giữa các nước thành viên còn hạn chế. Nguyên nhân là do các mặt hàng sản xuất tại các nước là tương đối tương đồng. Điều này còn dẫn đến hệ quả là đầu tư nội khối cũng gặp tương đối khó khăn. Do các nước thành viên hầu như có chung một xuất phát điểm (trừ nước lớn là Singapore) nên việc hợp tác về công nghệ cũng chưa thu được kết quả như mong muốn. Các nước thành viên vẫn chủ yếu hướng ra bên ngoài về cả kinh tế, thương mại, đảm bảo an ninh an toàn…
  • ASEAN vẫn chưa thực sự thể hiện được vai trò của mình đối với các thành viên trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua. Nguyên nhân của điều này là sự liên kết lỏng lẻo giữa các nước, việc hợp tác giữa các nước để thoát khỏi khủng hoảng còn hạn chế. Tuy nhiên, điều này cũng giúp ASEAN nhận ra những yếu điểm của mình, đặc biệt là sự phụ thuộc quá lớn vào bên ngoài và các nước lớn. Đối với các nước nhỏ và còn đang phát triển như ASEAN, việc hợp tác và đi đến một thể thống nhất là vô cùng quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh trong quan hệ của các nước trong khối với nước ngoài.

5. Khu vực thương mại tự do châu Mỹ (FTAA)

Khu vực thương mại tự do Châu Mỹ (Free Trade Area of the Americas – FTAA) là một thỏa thuận đề xuất để loại bỏ hoặc giảm bớt các rào cản thương mại giữa các quốc gia Châu Mỹ (trừ Cuba). Trong vòng đàm phán mới nhất vào tháng 11/2003, các bộ trưởng thương mại gặp nhau tại Miami, Florida, Mỹ. Một số thỏa thuận được đề xuất trong hội nghị như sau:

Mở rộng các hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Canada, Mexico, Hoa Kỳ… Chống lại đề nghị của Cuba, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Dominica, and Nicaragua và các nước thành viên Mercosur. Các vướng mắc của cuộc đàm phán tương tự như cuộc đàm phán Doha của tổ chức thương mại thế giới WTO: các nước phát triển tìm kiếm sự mở rộng thương mại dịch vụ và tăng quyền sở hữu trí tuệ, trong khi các quốc gia kém phát triển tìm cách chấm dứt trợ cấp nông nghiệp và thương mại tự do về hàng hóa nông nghiệp. Tương tự như các cuộc đàm phán với WTO, Brazil đã có một vai trò lãnh đạo trong các nước kém phát triển, trong khi Hoa Kỳ đã thực hiện một vai trò tương tự đối với các quốc gia phát triển.

Trong các cuộc đàm phán trước đó, Hoa Kỳ đã đẩy một thỏa thuận toàn diện duy nhất để giảm bớt các rào cản thương mại đối với hàng hóa trong khi đó tăng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Điều này tương tự như hiệp định thương mại tự do giữa Hoa Kỳ và Australia. Trong khi đó Brazil đề xuất các thỏa thuận song phương đảm bảo giảm mức thuế của hàng hóa, một hiệp ước về quy tắc xuất xứ và một quá trình về giải quyết tranh chấp.

Những nỗ lực để ràng buộc các nền kinh tế của Tây bán cầu vào một thỏa thuận thương mại tự do duy nhất đã bắt đầu tại Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ, vào tháng 12 năm 1994 tại Miami, Florida. Hội nghị Thượng đỉnh bao gồm tất cả nhà lãnh đạo đứng đầu nhà nước và chính phủ của 34 quốc gia trong vùng – tất cả các quốc gia ở Bắc, Trung và Nam Mỹ và Caribbean trừ Cuba – đồng ý để hoàn thành đàm phán về Khu vực mậu dịch tự do châu Mỹ vào năm 2005.

FTAA đã làm dấy lên sự phản đối rộng rãi khắp châu Mỹ. Các cuộc biểu tình lớn đã được tổ chức tại Canada, Ecuador, và gần đây nhất, gần 10 triệu người Brazil bỏ phiếu trong một đề xuất chính phủ rút khỏi cuộc đàm phán. Để chống lại điều này, các nhà đàm phán Mỹ tiến hành ký kết các hiệp định song phương với các nước FTAA tiềm năng để tạo thuận lợi cho việc thông qua các FTAA. Hiệp định Thương mại tự do Trung Mỹ (CAFTA) và Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Chile là hai ví dụ như trong chiến lược này.

Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng được tổ chức tại Mar del Plata, Argentina, trong tháng 11 năm 2005 nhưng không đạt được kết quả về bất cứ về thỏa thuận nào. Trong số 34 quốc gia có mặt tại cuộc đàm phán, 26 cam kết đã được đáp ứng sẽ được tiếp tục đàm phán vào năm 2006 tuy nhiên không có một hội nghị nào tiếp tục được tổ chức. Sự thất bại tại Hội nghị thượng đỉnh Mar del Plata đã đánh dấu cho bước thụt lùi của chương trình nghị sự FTAA

Có thể nói, FTAA đã bỏ lỡ thời hạn mục tiêu năm 2005 – kế hoạch ký kết chính thức hiệp ước. Theo sau thất bại đó là sự trì hoãn các cuộc đàm phán của Hội nghị bộ trưởng thương mại thế giới vào năm này.

6. Diến đàn hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)

Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (Asia – Pacific Economic Cooperation – APEC) là một diễn đàn kinh tế khu vực được thành lập vào năm 1989 để tăng cường các mối quan hệ về kinh tế và chính trị của các quốc gia thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 21 thành viên thuộc APEC với mục đích cuối cùng khi tổ chức ra diễn đàn là sự thịnh vượng hơn cho người dân trong khu vực bằng cách thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, toàn diện, bền vững, sáng tạo và an toàn và đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực.

Diễn đàn APEC đảm bảo rằng hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và người dân di chuyển dễ dàng giữa các nước thành viên. Các thành viên đồng thuận trong vấn đề thông qua các thủ tục hải quan nhanh tại biên giới, môi trường kinh doanh thuận lợi tại các nước và tạo ra các quy định và tiêu chuẩn trong khu vực. Ví dụ, các sáng kiến của APEC để đồng bộ hóa hệ thống quản lý là một bước quan trọng để tích hợp các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Một sản phẩm có thể được dễ dàng xuất khẩu chỉ với một tập hợp các tiêu chuẩn phổ biến trên tất cả các nền kinh tế

APEC hoạt động để giúp đỡ tất cả các nước của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tham gia vào nền kinh tế đang phát triển. Ví dụ, dự án APEC cung cấp đào tạo các kỹ năng sử dụng các yếu tố công nghệ cao cho các cộng đồng nông thôn và giúp phụ nữ bản địa xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Nhận thức được những tác động của biến đổi khí hậu, các thành viên APEC cũng thực hiện các sáng kiến để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và thúc đẩy quản lý bền vững tài nguyên rừng và biển.

Các diễn đàn được tổ chức thảo luận và hỗ trợ các thành viên đối phó với những thách thức mới đối với sự thịnh vượng của các nền kinh tế trong khu vực. Điều này bao gồm cả việc hỗ trợ các thành viên phục hồi sau thảm họa, lập kế hoạch ứng phó với đại dịch và giải quyết các vấn đề liên quan tới khủng bố toàn cầu 21 nền kinh tế thành viên của APEC bao gồm: Úc; Vương quốc Bru-nây; Canada; Chile; Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; Hồng Kông, Trung Quốc; Indonesia; Nhật Bản; Hàn Quốc; Malaysia; Mexico; New Zealand; Papua New Guinea; Peru; Philippines; Liên bang Nga; Singapore; Đài Bắc Trung Quốc; Nước Thái Lan; Nước Mỹ; Việt Nam

APEC hoạt động như một diễn đàn kinh tế và thương mại hợp tác, đa phương. các nền kinh tế thành viên tham gia trên cơ sở đối thoại cởi mở và tôn trọng quan điểm của tất cả các thành viên tham gia. Trong APEC, tất cả các nền kinh tế có một tiếng nói bình đẳng và việc ra quyết định đạt được trên cơ sở đồng thuận. Không có cam kết ràng buộc nghĩa vụ hiệp ước. Các cam kết được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và khả năng xây dựng các dự án giúp các thành viên thực hiện các sáng kiến ​​của APEC.

Cơ cấu tổ chức, gồm có: Hội nghị thượng đỉnh; Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao; Hội đồng thương mại và đầu tư; Hội đồng phát triển kinh tế; và Ủy ban hỗ trợ thương mại.

APEC ngày nay được xem như là cơ chế hợp tác hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. APEC đã thúc đẩy hợp tác và hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) và góp phần thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương. Ngoài ra, chi phí giao dịch trong khu vực đã giảm đáng kể. Các nước thành viên đang tiến hành xây dựng các kế hoạch hành động để tiến tới thuận lợi hóa trong kinh doanh., cơ chế một cửa, thẻ đi lại dành cho doanh nhân… APEC đang thể hiện vai trò đi đầu trong tự do hóa nền kinh tế toàn cầu, một diễn đàn kinh tế đa phương không thẻ thiếu trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Đóng góp lớn trong việc phát triển kinh tế giữa các nước thành viên trong khu vực, tuy nhiên APEC vẫn hàm chứa những yếu tố tiêu cực. Do hội tụ của nhiều nền kinh tế phát triển không đồng đều, những năm gần đây lại chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nên tiến trình tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại đầu tư đang bị chững lại. Hơn nữa, việc chuyển giao kỹ năng và năng lực tổ chức giữa các nước còn hạn chế do trình độ của các quốc gia là không đồng đều.

7. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund – IMF) là một tổ chức của 188 quốc gia, được thành lập để thúc đẩy hợp tác tiền tệ toàn cầu, đảm bảo sự ổn định tài chính, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, thúc đẩy việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm đói nghèo trên thế giới.

IMF đã được hình thành tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc tại Bretton Woods, New Hampshire, Hoa Kỳ, vào tháng Bảy năm 1944. 44 quốc gia tại hội nghị này tìm cách xây dựng một khuôn khổ cho hợp tác kinh tế để tránh việc lặp lại cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1930 do sự phá giá của đồng tiền

Trách nhiệm của IMF: Mục đích chính của IMF là để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế thông qua hệ thống tỷ giá hối đoái và thanh toán quốc tế cho phép nước (và các công dân của họ) để giao dịch với nhau.

Nhiệm vụ cơ bản của IMF là để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế. Điều này được thể hiện qua 3 hoạt động chính: quan sát và theo dõi nền kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế của các nước thành viên; cho vay đối với các nước có cán cân thanh toán khó khăn; và đưa ra giúp đỡ thiết thực cho các thành viên khi cần thiết. IMF giám sát các hệ thống tiền tệ quốc tế và giám sát chính sách kinh tế và tài chính của 188 nước thành viên.

Một nhiệm vụ chính của IMF cho các nước thành viên vay tiền để chống lại các cuộc khủng hoảng về tài chính. Hỗ trợ tài chính này cho phép các nước để xây dựng lại dự trữ quốc gia của họ, ổn định đồng tiền của họ, khôi phục đề tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, trong khi thực hiện các chính sách khắc phục các vấn đề khó khăn còn tiềm ẩn. Không giống như các ngân hàng phát triển, IMF không cho vay đối với các dự án cụ thể.

IMF giúp các nước thành viên thiết kế các chính sách kinh tế và quản lý vấn đề tài chính của họ hiệu quả hơn bằng cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của họ thông qua hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo từ đó phát triển tối đa năng lực nội tại của nước thành viên

Nguồn vốn của IMF được các nước thành viên đóng góp theo hình thức cổ phần. Hiện tại nước có cổ phần cao nhất là Mỹ (64 tỷ USD) và quốc gia có đóng góp thấp nhất là Tuvalu với 2.7 triệu USD. Tuy nhiên các nước có tỷ lệ góp vốn ít hầu như không có cơ hội tranh cử chức tổng giám đốc điều hành và can thiệp vào hoạt động của tổ chức này

Các quốc gia vay vốn tại IMF cần tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt về chi tiêu công và chính sách thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên sự hà khắc của các chính sách này nhiều trường hợp khiến cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn. Do vậy, các quốc gia thường cố gắng giải quyết các vấn đề bằng năng lực nội tại trước khi yêu cầu sự giúp đỡ từ phí IMF

8. Ngân hàng Thế giới (WB)

Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) bao gồm 5 tổ chức:

  • Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD): cho vay các quốc gia có thu nhập thấp và có uy tín về tín dụng thấp
  • Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA): cung cấp khoản vay không lãi suất – được gọi là các khoản tín dụng – và tài trợ cho các chính phủ của các nước nghèo nhất.
  • Tổng công ty Tài chính Quốc tế (IFC): là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung riêng vào khu vực tư nhân. Tổ chức này giúp các nước đang phát triển đạt được sự tăng trưởng bền vững bằng cách tài trợ đầu tư, huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế, và cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp và chính phủ.
  • Cơ quan bảo lãnh đầu tư đa phương (MIGA) đã được tạo ra vào năm 1988 để thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nước đang phát triển để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân. MIGA hoàn thành nhiệm vụ này bằng cách bảo lãnh cho nhà đầu tư và người cho vay.
  • Trung tâm Quốc tế Giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID) có vai trò hòa giải và là trọng tài các vấn đề tranh chấp đầu tư.

Ngân hàng Thế giới gồm 188 quốc gia thành viên. Đại diện cho ngân hàng thế giới là hội đồng thông đốc, là cơ quan hoạch định chính sách cuối cùng tại Ngân hàng Thế giới. Các thống đốc là các bộ trưởng các nước thành viên về tài chính hoặc Bộ trưởng phát triển. Họ gặp nhau mỗi năm một lần tại các cuộc họp thường niên của Hội đồng Thống đốc của Nhóm Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Theo tuyên bố của WB, nhiệm vụ chính của tổ chức này là nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các nước đang phát triển trên thế giới. Điều này giúp chống lại đói nghèo với các kết quả bền vững, giúp các nước thành viên phát huy được sức mạnh nội tại trên cơ sở cung cấp nguồn lực, chia sẻ kiến thức, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng mối quan hệ hợp tác trên cơ sở bảo vệ môi trường của các quốc gia. WB cung cấp những khoản vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp, các nguồn viện trợ không hoàn lại cho các nước thành viên với mục tiêu chính là đầu tư vào giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và phát triển nông thôn…

Tuy nhiên WB vẫn chịu nhiều chỉ trích khi nhiều quốc gia cho rằng mục đích của WB thực chất là công cụ của các nước phát triển trong việc mở cửa thị trường đối với các nước ở thế giới thứ 3 chứ không phải mục đích chính là xóa đói giảm nghèo

9. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)

Ngân hàng Phát triển Châu Á (Asian Development Bank – ADB) đã được hình thành đầu những năm 1960, là một tổ chức tài chính với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và hợp tác ở một trong những khu vực nghèo nhất trên thế giới. Một nghị quyết được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng đầu tiên về Hợp tác Kinh tế châu Á được tổ chức bởi Ủy ban Kinh tế của Liên Hợp Quốc đối với Châu Á và Viễn Đông vào năm 1963. Thủ đô Manila của Philippines được lựa chọn để ký kết việc thành lập ngân hàng vào ngày 19 /12/ 1966, với 31 thành viên đến với nhau để phục vụ cho một khu vực chủ yếu là nông nghiệp. Takeshi Watanabe là chủ tịch đầu tiên của ADB. ADB bao gồm 67 thành viên, 48 trong số đó là từ khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.

Ngân hàng Phát triển châu Á nhằm mục đích cho một châu Á và Thái Bình Dương do khỏi đói nghèo. ADB hợp tác với chính phủ các nước thành viên, các chuyên gia độc lập và các tổ chức tài chính khác là tập trung vào việc cung cấp các dự án ở các nước thành viên đó tạo ra tác động kinh tế và phát triển.

Là một tổ chức tài chính phát triển đa phương, ADB cung cấp sản phẩm: Cho vay, Hỗ trợ kỹ thuật, Tài trợ.

Khách hàng của ADB là chính phủ các nước thành viên. Ngoài ra, ADB cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp tư nhân của các nước thành viên đang phát triển thông qua các khoản đầu tư và cho vay.

Các lĩnh vực hoạt động tập trung và kết quả: Hoạt động của ADB được thiết kế để hỗ trợ ba chương trình nghị chủ yếu là: tăng trưởng kinh tế toàn diện, tăng trưởng môi trường bền vững và hội nhập khu vực. Một số lĩnh vực đầu tư chính gồm: Cơ sở hạ tầng (nước, năng lượng, giao thông vận tải, phát triển đô thị, thông tin và công nghệ truyền thông), Môi trường, Hợp tác khu vực và hội nhập, Phát triển tài chính khu vực, Giáo dục.

ADB tăng vốn thông qua phát hành trái phiếu trên thị trường thế giới. Ngoải ra, ADB cũng dựa trên sự đóng góp của các thành viên, lợi nhuận giữ lại từ hoạt động cho vay và việc trả nợ các khoản vay. ADB cung cấp các khoản vay và viện trợ cho một số quỹ đặc biệt

ADB được xây dựng như một bản sao của WB với nguồn vốn xuất phát từ Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu. Do vậy, ADB hoạt động trên cơ sở các dự án, đặc biệt là các dựa án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp, cấp vốn vay cho các ngành công nghiệp tại các nước thành viên. Mặt khác, ADB còn tham gia vào quá trình tối ưu hóa trong hoạt động ở khu vực tư nhân tại các nước thành viên

ADB tiếp tục hỗ trợ các nước thành viên trong cuộc chiến chống đói nghèo.Thông qua quỹ phát triển Châu Á, ADB giúp các quốc gia thành viên phát triển kinh tế toàn diện, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường giúp đỡ các quốc gia thành viên dễ bị ảnh hưởng bởi xung đột

ADB cũng chung tay cùng các quốc gia thành viên trong việc xây dựng môi trường lành mạnh. ADB giúp đỡ các nước thành viên trong việc áp dụng công nghệ sạch và năng lượng tái tạo để sản xuất ra điện, tài trợ cho các dự án năng lượng sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng chống đỡ với khí hậu ngày càng biến đổi…

Có thể nói ADB luôn nỗ lực trong việc tăng cường trách nhiệm của mình và bảo vệ kết quả mà các nước thành viên đã đạt được

Kết luận chương: Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là đặc trưng và xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới hiện nay, bất luận đó là nền kinh tế có quy mô và trình độ phát triển khác nhau, của quốc gia có chế độ chính trị – xã hội như thế nào. Xu thế này mở ra cơ hội hợp tác và thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng cũng gắn liền với thách thức về cạnh tranh, về thể chế, chính sách. Nếu biết tham gia vào cuộc chơi đúng cách, một quốc gia không những có thể phát huy tối đa tiềm lực của mình mà còn tận dụng được những ưu thế do các quốc gia khác mang lại. Ngược lại, nếu không có một chiến lược, chính sách đúng đắn, quá trình hội nhập cũng có thể dẫn tới sự suy yếu của một quốc gia. Chương này, trên cơ sở phân tích thực trạng, từ đó xác lập những định hướng hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế của nước ta trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.

Hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng mối quan hệ giao lưu thương mại giữa các nước, thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu và góp phần không nhỏ vào việc tăng trưởng kinh tế. Với xu thế đó. Tự do hóa thương mại kých thích cạnh tranh, đổi mới và chuyển giao kiến thức, góp phần cải thiện mức sống, đảm bảo an ninh an toàn, nâng cao kỹ năng quản trị để tạo nên một nền kinh tế hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ hơn

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu với thế giới. Tháng 12 vừa qua, Việt Nam đã chính thức ký hiệp định TPP. Ngoài ra Việt Nam còn tham gia hàng loạt các liên minh kinh tế trên thế giới (ASEAN, APEC…). Để thực hiện các nguyên tắc, giao ước chung, Việt Nam cần từng bước áp dụng các biện pháp cần thiết để giảm thiểu, nới lỏng hàng rào thuế quan, hạ thấp thuế nhập khẩu đối với các nền kinh tế đã ký cam kết, trên cơ sở các thỏa thuận song phương và đa phương. Điều này đặt ra cho Việt Nam việc nâng cao tính minh bạch, chủ động của chính sách thương mại quốc tế, đặc biệt là sự phối hợp giữa Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ Thương mại, Bộ Tài Chính, Bộ Công nghiệp với các bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và đối tác nước ngoài.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.