Quy trình công nghệ trong cửa hàng bán lẻ là tập hợp các thao tác có mối liên hệ chặt chẽ kế tiếp nhau nhằm cung ứng hàng hoá cho khách hàng với trình độ thoả mãn cao nhất và chi phí ít nhất.
Quá trình công nghệ qui định và liên kết nội dung, vị trí, thời gian và trật tự thực hiện xử lý dòng hàng từ khi hàng hoá đến cửa hàng cho đến khi bán cho khách. Sơ đồ công nghệ tổng quát quá trình công nghệ trong cửa hàng như sau (Sơ đồ 3.9).
Tuỳ thuộc vào đặc điểm của quá trình cung ứng, hàng hoá, và các phương pháp bán hàng mà có thể có 3 kiểu dòng công nghệ: (1)-Dòng hoàn chỉnh bao gồm đầy đủ 4 công đoạn; (2) – dòng ngắn hơn bao gồm 3 công đoạn; (3)- dòng ngắn nhất chỉ 2 công đoạn.
Dòng (1) áp dụng đối với những hàng hoá có thể dự trữ một số ngày tại cửa hàng trong điều kiện kho phân phối cách khá xa cửa hàng, hoặc hàng hoá phải trải qua giai đoạn biến đổi mặt hàng trong cửa hàng.
Dòng (2) áp dụng đối với những hàng hoá không thể hoặc không cần dự trữ tại cửa hàng như thực phẩm tươi sống,. ..
Dòng (3) áp dụng đối với những hàng hoá đã được chuẩn bị sẵn sàng để bán tại cửa hàng và trong những điều kiện chỉ cần nhập hàng hàng ngày mà không cần dự trữ.
Quá trình công nghệ bao gồm các nghiệp vụ có tính độc lập tương đối. Nghiệp vụ là phần đồng nhất của quá trình do một số nhân viên hoàn thành và thực hiện những tác động nhất định đến đối tượng ở một vị trí công tác với một thiết bị nào đó.
Tiếp nhận hàng hoá
Là nghiệp vụ cần thiết trong cửa hàng. Nó được thực hiện kế tiếp và đồng thời với việc bốc dỡ hàng hoá. Tổ chức tiếp nhận hàng hoá phải đảm bảo kịp thời, nhanh chóng, và giữ gìn tốt chất lượng. Tiếp nhận hàng hoá phụ thuộc vào quá trình cung ứng hàng hoá của nguồn hàng.
Nôi dung tiếp nhận hàng hoá bao gồm: tiếp nhận về số lượng và chất lượng. Các phương pháp tiếp nhận hàng hoá ở cửa hàng thường là đơn giản để nhận, nếu phát hiện hàng hoá thừa, thiếu hoặc không đảm bảo chất lượng thì phải lập biên bản để qui trách nhiệm vật chất giữa các bên. Sau khi giao nhận hàng hoá, phải tiến hành hạch toán nghiệp vụ nhập hàng để cung cấp thông tin cho kiểm soát quá trình cung ứng.
Hàng hoá sau khi tiếp nhận có thể được chuyển thẳng ra gian hàng để bán, hoặc chuyển sang bộ phận chuẩn bị hàng, và phần lớn chuyển sang phòng bảo quản để dự trữ thường xuyên cho bán ra.
Bảo quản hàng hoá trong cửa hàng
Tổ chức bảo quản hàng hoá trong cửa hàng bao gồm: phân bố và chất xếp hàng hoá, chăm sóc và giữ gìn hàng hoá.
Đối với mỗi loại hàng hoá bảo quản trong cửa hàng, cần cố định vị trí của chúng có tính đến kích thước, tần số bán, khối lượng công tác chuẩn bị hàng và điều kiện di chuyển hàng hoá ra gian hàng. Trong các cửa hàng thực phẩm, cần phải bố trí các thiết bị lạnh để duy trì chế độ bảo quản bình thường cho hàng hoá.
Việc áp dụng bao bì – thiết bị cho phép giảm bớt đáng kể thời hạn bảo quản hàng hoá trong cửa hàng, và do bđó giảm được diện tích các phòng dùng để dự trữ và bảo quản trong cửa hàng. Sử dụng bao bì – thiết bị trong các cửa hàng tổng hợp có thể giảm được từ 40- 60% diện tích phòng bảo quản, và tương ứng tăng diện tích của phòng bán hàng.
Chuẩn bị hàng để bán
Bao gồm các nghiệp vụ: mở bao bì, phân loại, làm sạch, pha lọc, lắp ráp, chỉnh lý, định lượng,.dán nhãn, bao gói. ..Đây là những nhiệm vụ hậu cần của sản xuất hoặc kho trong điều kiện hiện đại. Cần phải tập trung các nghiệp vụ chuẩn bị hàng để bán cho phép sử dụng các thiết bị, diện tích, lao động và vật liệu hiệu quả và phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng công nghệ bán hàng.
Chuẩn bị hàng hoá ở tạng thái sẵn sàng cho việc mua và tiêu dùng của khách hàng có ý nghĩa quan trọng trong kinh doanh hiện nay. Phần lớn hàng hoá được chuẩn bị bởi các ngành sản xuất công nghiệp và các kho trong hệ thống hậu cần thương mại. Điều này đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, có một bộ phận đáng kể hàng hoá đưa đến mạng lưới bán lẻ chưa được chuẩn bị sẵn sàng để bán, do đó, cần phải tổ chức chỉnh lý, bao gói trong cửa hàng để phù hợp hơn với đặc tính nh cầu của các nhóm khách hàng cụ thể.
Tổ chức bao gói trong cửa hàng cần dự tính: Tổ chức hợp lý nơi công tác; phân công lao động hợp lý; Sử dụng thiết bị và công cụ chuyên dùng. Đồng thời, phân bố thiết bị và vị trí công tác phải đảm bảo cho quá trình bao gói liên tục, giảm bớt con đường vận động của hàng hoá, bao bì và vật liệu bao gói.
Giao hàng và di chuyển hàng hoá trong cửa hàng thuộc loại lao động nặng, chi phí nhiều lao động, do đó cần phải cơ giới hoá.
Bán hàng
Là sự phối hợp giữa 2 hoạt động: hậu cần và marketing, sử dụng 3 công cụ marketing: con người, bằng chứng vật chất, và quá trình. Tuỳ thuộc vào các phương pháp bán hàng mà có các qui trình kỹ thuật bán hàng khác nhau. Các qui trình kỹ thuật bán hàng đã được nghiên cứu ở phần trên.
Bán lẻ hàng hoá là hoạt động chủ yếu của quá trình công nghệ trong cửa hàng, kết thúc quá trình hậu cần, quá trình phân phối và vận động hàng hoá.
Quá trình bán lẻ có thể được chia thành 2 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Trong giai đoạn này, nhu cầu được thể hiện và cụ thể hoá, khách hàng thực hiện việc lựa chọn hàng hoá – khách hàng hiểu biết về hàng hoá. Giai đoạn này chủ yếu hoàn thành các nghiệp vụ phục vụ, cần phải đảm bảo cho khách hàng hiểu biết tỉ mỉ về hàng hoá.
– Gai đoạn 2: Giai đoạn kết thúc. Thanh toán tiền mua hàng, bao gói và giao hàng cho khách. Giai đoạn này chủ yếu là các thao tác kỹ thuật.
Cơ cấu các thao tác của quá trình bán hàng phụ thuộc vào đặc điểm mặt hàng và đặc trưng nhu cầu mua hàng. Đặc điểm hàng: hàng đơn giản, hàng phức tạp; đặc trưng nhu cầu: nhu cầu định sẵn, nhu cầu phát sinh khi mua.
15 Th12 2020
14 Th12 2020
14 Th12 2020
3 Th1 2018
15 Th12 2020
14 Th12 2020