Doanh nghiệp và môi trường kinh doanh

1. LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP

Doanh nghiệp có thể được tổ chức dưới một trong ba hình thức cơ bản, đó là: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

Các hình thức tổ chức kinh doanh khác nhau sẽ theo đuổi mục tiêu cũng như cách thức ra quyết định điều hành kinh doanh phù hợp với đặc điểm của từng loại hình là công việc hết sức quan trọng. Bởi mỗi loại hình có đặc trưng khác nhau về hình thức sở hữu, trách nhiệm pháp lý về các khoản nợ, cách thức phân chia lợi nhuận, khả năng huy động nguồn lực cho quá trình sản xuất kinh doanh.

1.1.Doanh nghiệp tư nhân

Tổ chức kinh doanh do một người làm chủ, bỏ vốn kinh doanh và giữ quyền sở hữu đối với tất cả tài sản và chịu trách nhiệm cá nhân đối với các khoản nợ. Đặc điểm của hình thức tổ chức này là: thành lập dể dàng, linh hoạt trong các quyết định và bí mật thông tin, ít chịu sự ràng buộc bởi các qui định của chính phủ. Tuy nhiên, hình thức này gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực để mở rộng kinh doanh và thời gian kinh doanh tồn tại ngắn hơn so với các hình thức tổ chức khác.

1.2.Công ty trách nhiệm hữu hạn

Tổ chức kinh doanh do một nhóm người góp vốn và sáng lập, trách nhiệm của công ty có thể là hữu hạn. Lợi nhuận được phân chia theo tỷ lệ đóng góp vốn và quản lý của các thành viên. Đây cũng là hình thức tổ chức phổ biến, bởi tính linh hoạt và khả năng huy động năng lực và nguồn lực từ các thành viên công ty.

1.3.Công ty cổ phần

Tổ chức kinh doanh do một số người sáng lập, tài sản của công ty thuộc sở hữu của các cổ đông và có trách nhiệm hữu hạn. Điều này có nghĩa là, công ty không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và tài sản của cổ đông trong trường hợp công ty giải thể hay phá sản. Hình thức tổ chức này có thể huy động nguồn vốn để mở rộng sản xuất và thu hút các nhà quản lý giỏi để điều hành doanh nghiệp.

Mặt khác, hoạt động của doanh nghiệp còn tùy thuộc vào môi trường kinh doanh – những yếu tố tác động mà sự thay đổi của nó ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp.

2. MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

Môi trường kinh doanh bao gồm các lực lượng bên ngoài ảnh hưởng đến khả năng hoạch định và hoạt động của doanh nghiệp. Tùy thuộc vào phạm vi và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố môi trường, các nhà kinh tế phân chia các yếu tố môi trường kinh doanh thành hai nhóm: môi trường vĩ mô và môi trường vi mô.

2.1.Môi trường vĩ mô

Môi trường vĩ mô bao gồm các tác nhân bên ngoài doanh nghiệp, ảnh hưởng đến doanh nghiệp một cách gián tiếp. Thông thường, phạm vi ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành. Các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô bao gồm: kinh tế, chính trị-phát luật, văn hóa-xã hội, công nghệ và tự nhiên.

Chẳng hạn, qui định đóng cửa rừng của chính phủ sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khai thác gỗ hoặc doanh nghiệp sản xuất hàng gỗ gia dụng. Tuy nhiên, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu tổng hợp, có thể thay thế cho gỗ trong việc sản xuất các mặt hàng gia dụng hay văn phòng.

2.2.Môi trường vi mô

Môi trường vi mô bao gồm các lực lượng bên ngoài, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thậm chí với cùng một ngành, các doanh nghiệp khác nhau cũng sẽ có các lực lượng bên ngoài khác nhau như: khách hàng, đối thủ cạnh tranh, trung gian, nhà cung cấp, …

Chẳng hạn, các doanh nghiệp gia công hàng may mặc chịu ảnh hưởng khi chính phủ qui định hạn ngạch xuất khẩu. Đây là ảnh hưởng thuộc môi trường vĩ mô vì ảnh hưởng chung cho cả ngành. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể có các nhà cung cấp nguyên vật liệu riêng và thị trường cho sản phẩm may mặc có thể ở Châu Âu, Mỹ, hoặc thị trường nội địa. Đây là những lực lượng ảnh hưởng đến từng doanh nghiệp cụ thể.

Các lực lượng môi trường có thể được xem như là “không thể kiểm soát được”. Mặc dù, doanh nghiệp không thể kiểm soát được các lực lượng bên ngoài, nhưng họ có thể tác động đến chúng theo nhiều cách thức khác nhau. Chẳng hạn, các doanh nghiệp phát triển công nghệ vật liệu có thể ảnh hưởng đến nhiều công ty khác sử dụng nguyên liệu đầu vào. Sản phẩm và quảng cáo của các doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến nhận thức và quan điểm về giá trị của cá nhân và xã hội.

Môi trường kinh doanh có thể tác động đến các doanh nghiệp theo chiều hướng khác nhau, cũng có thể là cơ hội hoặc là đe dọa. Chỉ những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh mới chớp lấy cơ hội trong một khoảng thời gian nhất định. Một chiến lược phù hợp được thiết lập và thực hiện để không bỏ lỡ cơ hội và hạn chế các ảnh hưởng đe dọa. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng qui trình thu thập thông tin từ môi trường bên ngoài như: khả năng cung ứng nguồn lực, qui định pháp luật, công nghệ mới có thể áp dụng, hay hành động của đối thủ cạnh tranh và những vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai. Điều quan trọng đối với doanh nghiệp là dự báo các thay đổi về điều kiện môi trường, hoạch định thích hợp và thực hiện phản hồi chính xác.

3. KINH TẾ HỌC QUẢN LÝ

Kinh tế học quản lý trả lời các câu hỏi cơ bản như: khi nào thì một thị trường sản phẩm trở nên hấp hẫn và thu hút đầu tư mở rộng và gia nhập ngành? Khi nào thì một doanh nghiệp nên rút khỏi thị trường? Tại sao một số doanh nghiệp hoạt động tốt, trong khi một số khác thì không? Những nhà quản lý thành công là những nhà ra quyết định tốt trong các tình huống kinh doanh cụ thể và một trong những công cụ quan trọng nhất cho các nhà quản lý, đó chính là phương pháp luận kinh tế học quản lý.

3.1.Kinh tế học quản lý

Kinh tế học quản lý vận dụng lý thuyết và phương pháp kinh tế để điều hành và ra quyết định kinh doanh. Kinh tế học quản lý mô tả các qui tắc nhằm cải thiện khả năng ra quyết định quản lý và giúp cho các nhà quản lý nhận biết ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế đến tổ chức và hành vi ra quyết định trong quản lý. Kinh tế học quản lý là sự liên kết giữa các khái niệm kinh tế với các phương pháp định lượng nhằm phát triển các công cụ ra quyết định quản lý. Tiến trình này được minh họa bằng biểu đồ dưới đây.

Các quyết định quản lý thường liên quan đến các vấn đề phân bổ nguồn lực trong tổ chức, bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, nhà quản lý có thể quan tâm đến việc dự báo mối quan hệ giữa cầu và chi phí để ra quyết định giá đối với một sản phẩm và lượng sản phẩm sẽ sản xuất. Trong phạm vi kinh tế vi mô, việc vận dụng lý thuyết cầu và lý thuyết chi phí là rất hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề trong phạm vi doanh nghiệp và ngành. Trong khi đó, kinh tế vĩ mô cố gắng dự báo cầu trong tương lai bằng cách xem xét các lực lượng ảnh hưởng đến tổng thể của nền kinh tế.

Trong dài hạn, các quyết định liên quan đến việc mở rộng hay hợp tác sản xuất, phân phối nguồn lực, phát triển và mở rộng thị trường cho sản phẩm mới, quyết định đầu tư hay liên kết với các doanh nghiệp khác. Về cơ bản, những quyết định này tập trung vào việc xem xét qui mô kinh tế và đưa ra các quyết định đầu tư của doanh nghiệp, những quyết định đưa ra trong hiện tại nhằm thu được lợi nhuận trong tương lai. Các nhà kinh tế phát triển lý thuyết đầu tư để vận dụng cho các quyết định đầu tư vốn cụ thể.

3.2.Đánh giá các lựa chọn

Kinh tế học quản lý xác định các cách thức để đạt được mục tiêu một cách hiệu quả. Chẳng hạn, một doanh nghiệp nhỏ có thể tăng trưởng nhanh chóng bằng cách sử dụng hữu hiệu quảng cáo bằng phương tiện truyền thông trên phạm vi toàn quốc. Kinh tế học quản lý có thể vận dụng để xác định chiến lược định giá và sản lượng sản xuất để đáp ứng các mục tiêu ngắn hạn nhanh chóng và hữu hiệu. Tương tự như vậy, kinh tế học quản lý đưa ra các nguyên tắc sản xuất và tiếp thị cho phép doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận, trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và thị phần.

Kinh tế học quản lý có thể vận dụng cho tổ chức lợi nhuận và phi lợi nhuận. Chẳng hạn, các bệnh viện cố gắng cung cấp chất lượng chăm sóc sức khỏe y tế tốt nhất trong giới hạn về nguồn lực như: nhân viên y tế, thiết bị và các nguồn lực khác. Sử dụng các khái niệm và công cụ của kinh tế học quản lý, các nhà quản lý có thể xác định cách thức phân bổ nguồn lực tối ưu. Nói tóm lại, kinh tế học quản lý giúp các nhà quản lý tiếp cận với những qui tắc hoạt động nhằm hỗ trợ cho việc sử dụng hữu hiệu nguồn lực khan hiếm về con người và vốn. Tuân theo các qui tắc này, các doanh nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận, các cơ quan chính phủ có thể đạt được mục tiêu một cách hữu hiệu.

3.3.Ra quyết định tốt nhất

Để thiết lập các qui tắc ra quyết định thích hợp, nhà kinh tế phải hiểu được môi trường kinh tế mà doanh nghiệp hoạt động. Chẳng hạn, một nhà bán lẻ tạp phẩm cung cấp các sản phẩm có độ nhạy cảm cao đối với giá như sữa, thường có tỷ lệ markup (phần chênh lệch giữa giá bán và chi phí sản xuất) rất thấp thường 1% đến 2%. Trong khi đó, các sản phẩm có độ nhạy thấp như thuốc điều trị, thì tỷ lệ markup rất cao, khoảng 40%. Kinh tế học quản lý xem xét thực tế việc định giá để đáp ứng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận.

Tương tự như vậy, kinh tế học quản lý cũng khám phá ra rằng hạn ngạch nhập khẩu làm giảm khả năng thay thế đối với xe hơi sản xuất nội địa, làm tăng giá xe hơi và tạo nên một lợi nhuận độc quyền cho các nhà sản xuất nội địa. Tuy nhiên, kinh tế học quản lý không giải thích việc qui định hạn ngạch có phải là chính sách tốt hay không, bởi đây là quyết định liên quan đến chính sách kinh tế. Kinh tế học quản lý xem xét ảnh hưởng kinh tế đối với doanh nghiệp và ngành.

Kinh tế học quản lý cung cấp khả năng vận dụng toàn diện lý thuyết kinh tế và phương pháp luận ra quyết định. Khả năng vận dụng phù hợp với: việc quản lý của các cơ quan chính phủ, bệnh viện, trường học, bảo tàng và các tổ chức phi lợi nhuận khác; hay quản lý các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh.