1. Cơ sở hình thành hoạt động kinh doanh quốc tế
Có nhiều mục đích và động cơ thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động kinh doanh quốc tế. Trong đó có 3 động cơ chính là mở rộng cung ứng, tiêu thụ hàng hoá, tìm kiếm các nguồn lực ở nước ngoài, đa dạng hoá hoạt động kinh doanh.
a. Mở rộng phạm vi thị trường kinh doanh
Số lượng hàng hoá và trị giá hàng hoá (doanh số) được cung ứng và tiêu thụ tuỳ thuộc vào số người quan tâm đến sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp. Thị trường nội địa luôn bị giới hạn về sức mua, về nhu cầu. Nếu doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh ở thị trường nước ngoài sẽ khắc phục được sự chật hẹp của thị trường nội địa do số lượng khách hàng, sức mua và khả năng cung ứng của khách hàng trên thị trường thế giới luôn lớn hơn thị trường ở từng quốc gia. Nếu doanh nghiệp luôn mở rộng hoạt động kinh doanh ra nhiều khu vực thị trường khác nhau sẽ cho phép doanh nghiệp nâng cao doanh số kinh doanh của mình.
Việc vươn ra thị trường nước ngoài, mở rộng phạm vi tiêu thụ hàng hoá còn có tác dụng giúp cho các doanh nghiệp mở rộng khối lượng cung ứng hoặc tiêu thụ, từ đó sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu được lợi nhuận cao hơn. Vì vậy, chính việc mở rộng cung ứng hoặc tiêu thụ là một động cơ chủ yếu đối với một doanh nghiệp khi tham gia thực hiện hoạt động kinh doanh quốc tế. Mặt khác, khi phải đứng trước một thị trường nội địa đã bão hoà, các doanh nghiệp kinh doanh quốc tế bắt đầu tìm kiếm các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, khi mở ra những thị trường mới, các tổ chức kinh doanh quốc tế lại chịu áp lực phải tăng doanh số bán và lợi nhuận cho tổ chức của mình. Họ thấy rằng sự gia tăng thu nhập quốc dân đầu người và sự tăng trưởng dân số của các quốc gia đã tạo ra những thị trường đầy hứa hẹn cho hoạt động của họ.
b. Tìm kiếm các nguồn lực nước ngoài
Đối với mỗi quốc gia, các nguồn tiềm năng sẵn có không phải là vô hạn mà chỉ có giới hạn. Do vậy, để có thêm nguồn lực mới, buộc các doanh nghiệp phải vươn tới các nguồn lực ở bên ngoài. Các nguồn lực ở nước ngoài như: nhân công dồi dào và giá rẻ, thị trường tiêu thụ rộng lớn và đa dạng, nguyên vật liệu phong phú,… Đây là những nguồn lợi lớn mà các doanh nghiệp đang hướng tới nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, ngày nay nhiều nhà sản xuất, nhà phân phối cố gắng tiến hành sản xuất hay lắp ráp sản phẩm ngay ở nước ngoài và tiêu thụ ngay tại đó, tức là áp dụng rộng rãi hình thức xuất khẩu tại chỗ.
c. Mở rộng và đa dạng hoá hoạt động kinh doanh
Các doanh nghiệp thường mong muốn làm thế nào tránh được sự biến động thất thường của doanh số mua, bán và lợi nhuận. Cho nên, họ đã nhận thấy rằng thị trường nước ngoài và việc mua bán hàng hoá ở đó như là một biện pháp quan trọng giúp họ tránh được những đột biến xấu trong kinh doanh. Chính việc đa dạng hoá hình thức và phạm vi kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp khắc phục được tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực trong khuôn khổ một quốc gia. Đa dạng hoá các hoạt động thương mại và đầu tư nước ngoài cho phép doanh nghiệp khắc phục những rủi ro trong kinh doanh (phân tán rủi ro), cho phép doanh nghiệp khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh của mỗi quốc gia trong hoạt động kinh doanh nhằm tối đa hoá lợi nhuận.
2. Đặc trưng của kinh doanh quốc tế
Hoạt động kinh doanh quốc tế diễn ra giữa hai hay nhiều quốc gia và được thực hiện trong môi trường kinh doanh mới và xa lạ. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh không thể lấy kinh nghiệm kinh doanh nội địa để áp đặt hoàn toàn cho kinh doanh với nước ngoài. Các doanh nghiệp muốn kinh doanh ở môi trường nước ngoài một cách hiệu quả, trước hết phải nghiên cứu, đánh giá môi trường kinh doanh nơi mà doanh nghiệp muốn thâm nhập hoạt động. Sự khác nhau giữa kinh doanh quốc tế và kinh doanh trong nước (kinh doanh nội địa) thể hiện ở một số điểm sau:
Thứ nhất, kinh doanh quốc tế là hoạt động kinh doanh diễn ra giữa các nước, còn kinh doanh trong nước là hoạt động kinh doanh chỉ diễn ra trong nội bộ quốc gia và giữa các tế bào kinh tế của quốc gia đó.
Thứ hai, kinh doanh quốc tế được thực hiện ở nước ngoài, vì vậy các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường này thường gặp phải nhiều rủi ro hơn là kinh doanh nội địa.
Thứ ba, kinh doanh quốc tế buộc phải diễn ra trong môi trường kinh doanh mới và xa lạ, do đó các doanh nghiệp phải thích ứng để hoạt động có hiệu quả.
Thứ tư, kinh doanh quốc tế tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận bằng cách mở rộng phạm vi thị trường. Điều này khó có thể đạt được nếu doanh nghiệp chỉ thực hiện kinh doanh trong nước.
25 Th12 2020
25 Th12 2020
25 Th12 2020
25 Th12 2020
25 Th12 2020
25 Th12 2020