Những vấn đề kinh tế cơ bản đối với doanh nghiệp

Con người từ lúc sinh ra và trưởng thành đều có nhu cầu về tình yêu, sự thừa nhận xã hội, nhu cầu vật chất và tiện nghi cuộc sống. Các nhu cầu có thể được thỏa mãn từ nguồn lực sẵn có trong thiên nhiên hay được sản xuất ra bằng cách kết hợp các nguồn lực về con người, công cụ, máy móc, tài nguyên để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thỏa mãn mong muốn vật chất của con người. Điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua một cơ chế có tổ chức, đó là nền kinh tế. Những vấn đề cơ bản của nền kinh tế không chỉ thuộc phạm vi giải quyết của quốc gia, mà còn chịu ảnh hưởng của các quyết định của mỗi cá nhân trong xã hội. Bởi lẽ bất kỳ quyết định lựa chọn nào, cách thức giải quyết như thế nào, suy cho cùng là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

1. BA VẤN ĐỀ KINH TẾ CƠ BẢN

Để hiểu được sự vận hành của nền kinh tế, chúng ta phải nhận thức được những vấn đề cơ bản mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng phải giải quyết. Đó là:

ª Sản xuất cái gì?

ª Sản xuất như thế nào?

ª Sản xuất cho ai?

Chúng ta hãy xem xét cụ thể các vấn đề kinh tế cơ bản.

Sản xuất cái gì?

Vấn đề đầu tiên có thể được hiểu như là: “Sản phẩm và dịch vụ nào sẽ được sản xuất?”. Trong nền kinh tế thị trường, sự tương tác giữa người mua và người bán vì lợi ích cá nhân sẽ xác định sản phẩm và dịch vụ nào sẽ được sản xuất. Nhà kinh tế học Adam Smith trong tác phẩm “The Wealth of Nations” đã cho rằng sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất sẽ đem lại lợi ích cho xã hội.

Sự cạnh tranh làm cho các nhà sản xuất cung cấp các sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Trong việc tìm kiếm lợi nhuận, nhà sản xuất cố gắng cung cấp các sản phẩm có chất lượng cao hơn nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Điều này có thể giải thích tại sao người tiêu dùng có “quyền tối thượng” xác định những sản phẩm và dịch vụ nào sẽ được sản xuất. Một số nhà kinh tế, chẳng hạn như John Kenneth Galbraith cũng đề cập đến vấn đề này và cho rằng các hoạt động tiếp thị của các công ty lớn có thể ảnh hưởng đáng kể đến cầu tiêu dùng trong ngắn hạn. Hầu hết, các nhà kinh tế đều thống nhất rằng mặc dầu các biện pháp tiếp thị có thể ảnh hưởng cầu tiêu dùng, nhưng người tiêu dùng mới chính là người quyết định sản phẩm và dịch vụ nào sẽ được mua.

Nếu vì lý do nào đó, người tiêu dùng mong muốn tiêu dùng sản phẩm nhiều hơn, điều này sẽ làm tăng cầu. Trong ngắn hạn, sự gia tăng cầu có thể làm tăng giá cả, lượng sản xuất cũng tăng lên và lợi nhuận của các công ty trong ngành cũng cao hơn. Lợi nhuận cao trong ngành sẽ hấp dẫn các công ty mới gia nhập thị trường trong dài hạn và vì vậy cung thị trường sẽ tăng lên. Sự tăng cung sẽ làm cho giá cả hàng hóa giảm xuống trong khi đó lượng bán vẫn tiếp tục tăng lên. Lợi nhuận trong ngắn hạn do sự gia tăng cầu trong ngắn hạn dần dần sẽ bị mất đi khi giá giảm xuống. Điều này có thể giải thích sự phù hợp với khái niệm quyền tối thượng của người tiêu dùng.

Sản xuất như thế nào?

Vấn đề thứ hai có thể phát biểu một cách hoàn chỉnh như là: “Sản phẩm và dịch vụ được sản xuất bằng cách nào?”. Vấn đề này liên quan đến việc xác định những nguồn lực nào được sử dụng và phương pháp để sản xuất ra những sản phẩm và dịch vụ. Chẳng hạn để sản xuất ra điện, các quốc gia có thể xây dựng các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, điện nguyên tử. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp sản xuất nào còn phải xem xét trên khía cạnh hiệu quả kinh tế – xã hội, nguồn lực và trình độ khoa học kỹ thuật của mỗi quốc gia.

Trong nền kinh tế thị trường, các nhà sản xuất vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận sẽ phải tìm kiếm các nguồn lực có chi phí thấp nhất có thể (giả định với số lượng và chất lượng sản phẩm không thay đổi). Các phương pháp và kỹ thuật sản xuất mới chỉ có thể được chấp nhận khi chúng làm giảm chi phí sản xuất. Trong khi đó, các nhà cung cấp nguồn lực sản xuất sẽ cung cấp nguồn lực đem lại cho họ các giá trị cao nhất. Một lần nữa, “bàn tay vô hình” của Adam Smith dẫn dắt cách thức phân phối nguồn lực đem lại giá trị sử dụng cao nhất.

Để có thể lý giải tại sao một số quốc gia lựa chọn tập trung sản xuất một số hàng hóa và trao đổi với các quốc gia khác. Vấn đề ở đây liên quan đến việc xem xét chi phí cơ hội và bằng cách so sánh chi phí tương đối trong việc sản xuất các hàng hóa, các quốc gia sẽ sản xuất và trao đổi hàng hóa trên cơ sở chi phí cơ hội thấp nhất.

Sản xuất cho ai?

Vấn đề thứ ba phải giải quyết đó là, “Ai sẽ nhận sản phẩm và dịch vụ?”. Trong nền kinh tế thị trường, thu nhập và giá cả xác định ai sẽ nhận hàng hóa và dịch vụ cung cấp. Điều này được xác định thông qua tương tác của người mua và bán trên thị trường sản phẩm và thị trường nguồn lực.

Thu nhập chính là nguồn tạo ra năng lực mua sắm của các cá nhân và phân phối thu nhập được xác định thông qua: tiền lương, tiền lãi, tiền cho thuê và lợi nhuận trên thị trường nguồn lực sản xuất. Trong nền kinh tế thị trường, những ai có nguồn tài nguyên, lao động, vốn và kỹ năng quản lý cao hơn sẽ nhận thu nhập cao hơn. Với thu nhập này, các cá nhân đưa ra quyết định loại và số lượng sản phẩm sẽ mua trên thị trường sản phẩm và giá cả định hướng cách thức phân bổ nguồn lực cho những ai mong muốn trả với mức giá thị trường.

2. NỀN KINH TẾ: TỔNG QUAN

Dĩ nhiên trong nền kinh tế thực, thị trường không thể quyết định tất cả các vấn đề này. Trong hầu hết các xã hội, chính phủ tác động đến cái gì sẽ được sản xuất, sản xuất bằng cách nào và ai sẽ nhận những sản phẩm và dịch vụ. Chi tiêu của chính phủ, các qui định về an toàn và sứckhỏe, qui định mức lương tối thiểu, luật lao động trẻ em, các qui định về môi trường, hệ thống thuế và các chương trình phúc lợi có ảnh hưởng quan trọng đến các thức giải quyết các vấn đề cơ bản trong bất kỳ xã hội nào.

2.1.Các thành phần của nền kinh tế

Để hiểu được nền kinh tế vận hành như thế nào, chúng ta hãy xem xét các thành phần của nền kinh tế và sự tương tác lẫn nhau giữa các thành phần này. Trong nền kinh tế giản đơn, các thành phần của nền kinh tế bao gồm: hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ.

Hộ gia đình bao gồm một nhóm người chung sống với nhau như một đơn vị ra quyết định. Một hộ gia đình có thể gồm một người, nhiều gia đình, hoặc nhóm người không có quan hệ nhưng chung sống với nhau. Chẳng hạn, hai sinh viên cùng thuê trọ một phòng.

Hộ gia đình là nguồn cung cấp lao động, tài nguyên, vốn và quản lý để nhận các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền lãi và lợi nhuận. Hộ gia đình cũng đồng thời là người tiêu dùng các hàng hóa và dịch vụ.

Doanh nghiệp là tổ chức kinh doanh sở hữu và điều hành các đơn vị kinh doanh của nó. Đơn vị kinh doanh là một cơ sở trực thuộc dưới hình thức nhà máy, nông trại, nhà bán buôn, bán lẻ hay nhà kho mà nó thực hiện một hoặc nhiều chức năng trong việc sản xuất và phân phối sản phẩm hay dịch vụ.

Một doanh nghiệp có thể chỉ có một đơn vị kinh doanh, hoặc cũng có thể gồm nhiều đơn vị kinh doanh. Trong khi đó, một ngành gồm một nhóm các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm giống hoặc tương tự nhau.

Để tạo ra sản phẩm và dịch vụ, các doanh nghiệp sử dụng các nguồn lực như: nhà máy, thiết bị văn phòng, phương tiện vận tải, mặt bằng kinh doanh và các nguồn lực khác. Các nhà kinh tế phân chia nguồn lực thành các nhóm:

–    Tài nguyên là nguồn lực thiên nhiên, “quà tặng của thiên nhiên”, tham gia vào quá trình sản xuất, bao gồm: đất trồng trọt, tài nguyên rừng, quặng mỏ, nước, …

–    Vốn hay còn gọi là đầu tư, nhằm hỗ trợ cho quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm. Chẳng hạn, công cụ máy móc, thiết bị, phân xưởng, nhà kho, phương tiện vận tải, … vốn ở đây không phải là tiền, bản thân tiền thì không tạo ra cái gì cả trừ khi tiền được dùng để mua sắm máy móc, thiết bị và các tiện ích phục vụ cho sản xuất thì mới trở thành vốn.

–     Lao động chỉ năng lực về trí tuệ và thể lực tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Chẳng hạn, lao động tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, bán hàng, …

–    Quản lý là khả năng điều hành doanh nghiệp. Người quản lý thực hiện các cải tiến trong việc kết hợp các nguồn lực tài nguyên, vốn, lao động để tạo ra hàng hóa và dịch vụ; đưa ra các quyết định về chính sách kinh doanh; đổi mới sản phẩm, kỹ thuật, cải cách quản lý; người quản lý gắn trách nhiệm với các quyết định và chính sách kinh doanh. Vì vậy, người quản lý cũng là người chịu rủi ro.

Chính phủ là một tổ chức gồm nhiều cấp, ban hành các luật, qui định và vận hành nền kinh tế theo một cơ chế dựa trên luật. Chính phủ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công cộng như: an ninh quốc phòng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giao thông, giáo dục. Bằng cách thay đổi và điều chỉnh luật, qui định, thuế. Chính phủ có thể tác động đến sự lựa chọn của các hộ gia đình và doanh nghiệp.

2.2.Dòng luân chuyển trong nền kinh tế

Biểu đồ dòng luân chuyển dưới đây minh họa dòng dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ và nguồn lực giữa hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ. Như biểu đồ minh họa, các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ trên thị trường sản phẩm cho các hộ gia đình. Trong khi đó, các hộ gia đình cung cấp các nguồn lực trên thị trường nguồn lực (tài nguyên, lao động, vốn và quản lý) cho các doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa.

Dòng tiền tệ cũng đi kèm với dòng dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ và nguồn tài nguyên. Như biểu đồ minh họa, hộ gia đình sử dụng thu nhập (từ việc cung cấp nguồn lực) để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Mối quan hệ tương quan giữa thị trường sản phẩm và thị trường nguồn lực có thể dể dàng nhận thấy thông qua biểu đồ này. Hộ gia đình có thể chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ từ thu nhập có được do cung cấp nguồn lực. Tương tự như vậy, các doanh nghiệp chỉ có thể trả lương, tiền lãi, tiền thuê và lợi nhuận từ doanh thu do bán hàng hóa và dịch vụ cho các hộ gia đình.

Như biểu đồ cho thấy, chính phủ thu thuế từ hộ gia đình và doanh nghiệp và cung cấp các dịch vụ công cộng trở lại. Để tạo ra các dịch vụ công cộng, chính phủ mua các nguồn lực từ các hộ gia đình và doanh nghiệp. Đồng thời, chính phủ cũng thanh toán cho các hộ gia đình và cho các doanh nghiệp.

Biểu đồ trên mô tả mối quan hệ giữa các thành phần trong kinh tế thông qua các tương tác trên thị trường sản phẩm và thị trường nguồn lực. Thực tế, không phải tất cả thu nhập của hộ gia đình đều chi tiêu hết vào hàng hóa và dịch vụ, một số thu nhập dành để tiết kiệm dưới hình thức đầu tư. Khi đó, các trung gian tài chính (ngân hàng và các tổ chức tài chính) đóng vai trò trung gian trong việc dịch chuyển nguồn vốn cho các nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp.

Trong nền kinh tế toàn cầu, thương mại phải được xem xét trong các nền kinh tế. Nhập khẩu làm dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ từ thị trường nước ngoài vào thị trường nội địa. Trong khi đó, xuất khẩu dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ từ thị trường nội địa ra thị trường nước ngoài. Xuất khẩu ròng chính là phần chênh lệch giá trị hàng hóa và dịch vụ giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Khi đó, xuất hiện dòng tiền ròng chảy vào trong nước nếu như xuất khẩu ròng dương và ngược lại.

2.3.Các mô hình của nền kinh tế

Xã hội có thể vận dụng nhiều cách thức và cơ chế phối hợp để giải quyết các vấn đề kinh tế. Các mô hình của nền kinh tế phân loại dựa trên hai tiêu thức sau:

ª Quan hệ sở hữu về nguồn lực sản xuất.

ª Cơ chế phối hợp và định hướng các hoạt động của nền kinh tế.

Nền kinh tế thị trường được đặc tính bởi quan hệ sở hữu tư nhân về nguồn lực sản xuất và sử dụng hệ thống thị trường và giá cả để phối hợp và định hướng các hoạt động kinh tế.

Trong một nền kinh tế như vậy, các thành phần của nền kinh tế vì lợi ích cá nhân sẽ ra các quyết định nhằm tối đa thu nhập. Thị trường là một cơ chế mà ở đó các quyết định và sở thích cá nhân được truyền thông và phối hợp với nhau. Thực tế, các sản phẩm và dịch vụ được tạo ra và các nguồn lực được cung cấp dưới điều kiện cạnh tranh thị trường thông qua hành động độc lập của người mua và người bán trên thị trường.

Nền kinh tế thị trường thúc đẩy sử dụng nguồn lực hiệu quả, gia tăng sản lượng, ổn định việc làm và tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, vai trò của chính phủ là rất hạn chế (trong việc hoạch định, kiểm soát và biện pháp can thiệp của chính phủ). Vai trò của chính phủ chủ yếu là nhằm:

–     Bảo vệ quyền sở hữu tư nhân về nguồn lực sản xuất.

–     Thiết lập hành lang pháp lý phù hợp với kinh tế thị trường.

Nền kinh tế kế hoạch được đặc trưng bởi quyền sở hữu công cộng đối với mọi nguồn lực và quyền đưa ra các quyết định kinh tế bởi nhà nước thông qua cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Nhà nước quyết định cơ cấu các ngành, đơn vị sản xuất và phân bổ sản lượng và các nguồn lực sử dụng để tổ chức quá trình sản xuất.

Các doanh nghiệp sở hữu bởi chính phủ và sản xuất theo định hướng của nhà nước. Nhà nước giao kế hoạch sản xuất và định mức chi tiêu cho các doanh nghiệp và hoạch định phân bổ nguồn lực cụ thể cho các doanh nghiệp để thực hiện các mục tiêu sản xuất này.

Nền kinh tế hỗn hợp nằm giữa hai thái cực của kinh tế thị trường và kinh tế kế hoạch. Hầu hết, các quốc gia hiện nay đều vận dụng mô hình kinh tế hỗn hợp. Nền kinh tế hỗn hợp phát huy ưu điểm của nền kinh tế thị trường, đồng thời tăng cường vai trò của chính phủ trong việc điều chỉnh các khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường.

3. VAI TRÒ CỦA CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ

Một trong những hiệu quả của thị trường, đó là sự hữu hiệu kinh tế – điều này có nghĩa là, không ai có thể trở nên tốt hơn mà không làm cho người khác tồi tệ đi.

Vai trò của chính phủ có thể chia thành hai nhóm: chính sách vĩ mô và chính sách vi mô. Chính sách vi mô giải quyết việc cung cấp hàng hóa công cộng, điều chỉnh khiếm khuyết thị trường và tăng cường cạnh tranh. Chính sách vĩ mô được chia thành hai nhóm: chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chính sách tiền tệ và kiểm soát lượng tiền lưu thông và các khoản tín dụng và chính sách tài khóa để định hướng chính phủ trong việc chi tiêu và thuế.

Vai trò của chính phủ đối với các hoạt động của nền kinh tế, bao gồm:

ª Cung cấp một nền tảng pháp lý:

Chính phủ ban hành các luật và qui định nhằm tạo môi trường hoạt động hữu hiệu cho các hoạt động của nền kinh tế. Các hoạt động cụ thể như: xác định quyền sở hữu của các doanh nghiệp, điều chỉnh các mối quan hệ trong nền kinh tế và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

ª Duy trì năng lực cạnh tranh:

Cạnh tranh là cơ chế vốn có trong nền kinh tế thị trường. Trong hầu hết các nền kinh tế, sản xuất hiệu quả đạt được ở mức cạnh tranh cao thông qua các công cụ như: quyết định cung cầu nhằm xác định giá cả thị trường và qui định về giá, chống độc quyền, …

ª Phân phối thu nhập:

Chính phủ có thể tác động vào nền kinh tế trong việc phân phối thu nhập giữa các hộ gia đình thông qua: các chính sách và các chương trình (trợ cấp thất nghiệp, hưu trí và chăm sóc sức khỏe cộng đồng), can thiệp thị trường (điều chỉnh giá và hỗ trợ giá) và thuế thu nhập cá nhân.

ª Điều chỉnh phân bố nguồn lực xã hội:

Các nhà kinh tế nhận thấy rằng hai khiếm khuyết trong việc phân bổ nguồn lực không hiệu quả của nền kinh tế thị trường, đó là: sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho xã hội (chủng loại và số lượng), sản phẩm và dịch vụ công cộng.

ª Ổn định nền kinh tế:

Hầu hết, các chức năng của chính phủ là nhằm mục tiêu ổn định và hỗ trợ nền kinh tế để đạt hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực và bình ổn giá cả.