Kinh tế học là gì?

Điều trước tiên mà chúng ta đề cập là định nghĩa về “kinh tế học”. Các nhà kinh tế thường định nghĩa kinh tế học như là ngành nghiên cứu cách thức cá nhân và xã hội sử dụng các nguồn lực khan hiếm để thỏa mãn nhu cầu vô hạn của con người. Sự khan hiếm nguồn lực đòi hỏi cá nhân, xã hội phải đưa ra quyết định lựa chọn và các nhà kinh tế cố gắng tiếp cận, giải quyết và tranh luận các vấn đề kinh tế như một nhà khoa học. Mục đích là nhằm hiểu cách thức vận hành và cải thiện thế giới tốt hơn.

1. KINH TẾ HỌC

Để xem xét khái niệm này cụ thể hơn, hãy nghĩ tình huống của chính bạn. Liệu bạn có đủ thời gian cho các công việc mà bạn mong muốn thực hiện hay không? Bạn có khả năng trang trải cho các hàng hóa và dịch vụ cho nhu cầu vật chất của bạn hay không? Các nhà kinh tế cho rằng mọi người mong muốn nhiều thứ, thậm chí cả những người giàu có nhất trong xã hội cũng không nằm ngoài hiện tượng này. Vấn đề nguồn lực hạn chế và nhu cầu vô hạn cũng có thể vận dụng cho tổng thể xã hội. Liệu bạn nghĩ về một xã hội mà ở đó mọi nhu cầu có thể được thỏa mãn hay không? Hầu hết các xã hội đều mong muốn chăm sóc sức khỏe tốt hơn, chất lượng giáo dục cao hơn, giảm tỷ lệ nghèo và một môi trường trong sạch hơn. Điều đáng tiếc là xã hội không đủ các nguồn lực để đáp ứng các mục tiêu này.

1.1.Định nghĩa kinh tế học

Vấn đề khan hiếm nguồn lực yêu cầu các nền kinh tế hay các đơn vị kinh tế phải giải quyết đối với sự lựa chọn. Các nhà kinh tế cho rằng: Kinh tế học là “khoa học của sự lựa chọn”. Kinh tế học tập trung vào việc sử dụng và quản lý các nguồn lực hạn chế để đạt được thỏa mãn tối đa nhu cầu vật chất của con người. Đặc biệt, kinh tế học nghiên cứu hành vi trong sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong thế giới nguồn lực hạn chế.

Dựa vào hành vi kinh tế, các nhà kinh tế phân kinh tế học theo hai mức độ phân tích khác nhau: kinh tế học vĩ mô và kinh tế học vi mô.

Kinh tế học vĩ mô nghiên cứu nền kinh tế quốc dân và kinh tế toàn cầu, xem xét xu hướng phát triến và phân tích biến động một cách tổng thể, toàn diện về cấu trúc của nền kinh tế và mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành của nền kinh tế.

Mục tiêu phân tích của kinh tế học vĩ mô nhằm giải thích giá cả bình quân, tổng việc làm, tổng thu nhập, tổng sản lượng sản xuất. Kinh tế học vĩ mô còn nghiên cứu các tác động của chính phủ như thuế, chi tiêu, thâm hụt ngân sách lên tổng việc làm và thu nhập. Chẳng hạn, kinh tế học vĩ mô nghiên cứu chi phí cuộc sống bình quân của dân cư, tổng giá trị sản xuất, chi tiêu ngân sách của một quốc gia.

1.2.Kinh tế học vi mô

Kinh tế học vi mô nghiên cứu các quyết định của các cá nhân và doanh nghiệp và các tương tác giữa các quyết định này trên thị trường. Kinh tế học vi mô giải quyết các đơn vị cụ thể của nền kinh tế và xem xét một cách chi tiết cách thức vận hành của các đơn vị kinh tế hay các phân đoạn của nền kinh tế.

Mục tiêu của kinh tế học vi mô nhằm giải thích giá và lượng của một hàng hóa cụ thể. Kinh tế học vi mô còn nghiên cứu các qui định, thuế của chính phủ tác động đến giá và lượng hàng hóa và dịch vụ cụ thể. Chẳng hạn, kinh tế học vi mô nghiên cứu các yếu tố nhằm xác định giá và lượng xe hơi, đồng thời nghiên cứu các qui định và thuế của chính phủ tác động đến giá cả và lượng sản xuất xe hơi trên thị trường.

Sự phân biệt kinh tế học vĩ mô và vi mô không có nghĩa là phải tách rời các vấn đề kinh tế một cách riêng biệt. Nhiều vấn đề liên quan đến cả hai. Chẳng hạn, sự ra đời của video game và sự phát triển của thị trường sản phẩm truyền thông. Kinh tế học vĩ mô giải thích ảnh hưởng của phát minh lên tổng chi tiêu và việc làm của toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó, kinh tế học vi mô giải thích các ảnh hưởng của phát minh lên giá và lượng của sản phẩm này và số người tham gia trò chơi.

2. KHOA HỌC VÀ CHÍNH SÁCH KINH TẾ

Các nhà kinh tế không chỉ nghiên cứu các vấn đề kinh tế và còn tiếp cận giải quyết vấn đề theo nhiều cách thức khác nhau. Các cách tiếp cận khác nhau có thể được tóm tắc như sau:

ª Khoa học kinh tế

ª Chính sách kinh tế

Khoa học kinh tế cố gắng tìm hiểu nền kinh tế vận hành như thế nào. Trong khi đó, chính sách kinh tế cố gắng cải thiện hoạt động của nền kinh tế. Khoa học và chính sách kinh tế đôi khi trùng lắp nhau theo nhiều phương diện. Chúng ta hãy xem xét cụ thể hơn hai cách tiếp cận này của các nhà kinh tế.

2.1.Khoa học kinh tế

Kinh tế học là khoa học xã hội (cùng với khoa học chính trị, triết học và xã hội học) và nhiệm vụ chính của các nhà kinh tế là khám phá sự vận hành của nền kinh tế. Để làm được điều đó, các nhà kinh tế

–     Nhận thức vấn đề,

–     Đưa ra các giả định,

–     Phát triển các mô hình,

–     Xây dựng các giả thuyết và

–     Kiểm định mô hình.

Một mô hình kinh tế dựa trên một số ràng buộc (giả định) để đưa ra các giả thuyết kinh tế. Sau đó, các nhà kinh tế tiến hành kiểm định các giả thuyết thông qua các dữ kiện kinh tế phù hợp. Nếu các giả thuyết đưa ra không phù hợp với dữ kiện thì tiến hành xây dựng mô hình và ràng buộc mới. Các mô hình thiết kế giúp chúng ta hiểu các nguyên lý kinh tế cơ bản về cách thức vận hành của nền kinh tế. Ngoài ra, mô hình giúp các doanh nghiệp đưa ra các quyết định về giá và lượng sản xuất, giúp các hộ gia đình đưa ra các quyết định tiêu dùng và giúp chính phủ xây dựng các chính sách kinh tế.

Để giải quyết các vấn đề kinh tế, các nhà kinh tế tiến hành thu thập dữ liệu, xây dựng mô hình và các ràng buộc theo nhiều cách thức khác nhau. Chính vì vậy, chúng ta thường nhận thấy đôi khi có sự bất đồng trong các tranh luận giữa các nhà kinh tế. Sự bất đồng cũng có thể xuất phát từ quan điểm, giá trị của các nhà kinh tế đối với vấn đề kinh tế đặt ra.

2.2. Chính sách kinh tế

Chính sách kinh tế tập trung vào việc đề xuất cho các hoạt động của chính phủ và thiết kế hoạt động cho các tổ chức nhằm cải thiện năng lực hoạt động của nền kinh tế. Các nhà kinh tế đóng hai vai trò riêng biệt trong việc thiết lập các chính sách kinh tế.

Thứ nhất, các nhà kinh tế xem xét kết quả của các chính sách đề xuất. Chẳng hạn, các nhà kinh tế tham gia vào việc cải cách điều kiện y tế sẽ cố gắng xem xét về chi phí, lợi ích và hiệu quả của từng chính sách trên phương diện tài chính và tổ chức của lĩnh vực y tế. Khi các nhà kinh tế tham gia vào các vấn đề về môi trường sẽ cố gắng xem xét chi phí, chất lượng không khí đô thị do thay đổi các qui định về khí thải ôtô. Và khi các nhà kinh tế tham gia vào thị trường tài chính sẽ xem xét ảnh hưởng của lãi suất đến sự thay đổi thị trường chứng khoán và việc làm. Thứ hai, các nhà kinh tế đánh giá lựa chọn chính sách trên phương diện tốt hay xấu. Để làm được điều đó, các nhà kinh tế đưa ra các mục tiêu của chính sách. Việc đưa ra các mục tiêu cụ thể, rõ ràng làm cho quá trình phân tích chính sách có tính khách quan và khoa học. Vì vậy, các nhà kinh tế phát triển các tiêu chí cho việc đánh giá trên phương diện chính trị và xã hội. Có bốn mục tiêu điển hình trong các chính sách kinh tế, đó là: hữu hiệu, công bằng, tăng trưởng và ổn định.

ª Hữu hiệu:

Sự hữu hiệu đạt được khi chi phí sản xuất thấp nhất có thể và người tiêu dùng thỏa mãn tối đa có thể với hàng hóa và dịch vụ cung cấp. Có ba điều kiện để đạt được sự hữu hiệu về kinh tế: sản xuất hữu hiệu, tiêu dùng hữu hiệu và trao đổi hữu hiệu.

Sản xuất hữu hiệu đạt được khi mỗi doanh nghiệp tạo ra sản lượng với chi phí thất nhất có thể. Tiêu dùng hữu hiệu đạt được khi mọi người tiêu dùng mua tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tốt nhất theo đánh giá của họ. Và trao đổi hữu hiệu khi mọi người chuyên môn hóa nghề nghiệp để mang lại lợi ích cao nhất có thể.

ª Công bằng:

Sự hữu hiệu kinh tế không nhất thiết là đạt được sự công bằng. Sự hữu hiệu kinh tế có thể mang lại thu nhập cao cho một số người và thu nhập thấp cho một số người khác. Các nhà kinh tế luôn mong muốn đạt được sự hữu hiệu kinh tế trong sự thống nhất cao về sự công bằng. Sự công bằng cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự bất đồng trong các chính sách kinh tế.

ª Tăng trưởng:

Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng sản lượng sản xuất trên bình quân đầu người. Kết quả gia tăng năng suất có thể do lợi thế về công nghệ, đầu tư lớn vào thiết bị và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đôi khi làm cạn kiệt do sử dụng tài nguyên quá mức, nó phá huỷ sự cân bằng sinh thái và ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, các nhà kinh tế không chỉ xem xét sự tăng trưởng của chính sách kinh tế mà còn xem xét ảnh hưởng của chính sách đối với sự tăng trưởng trong tương lai.

ª Ổn định:

Ổn định kinh tế là sự giảm thiểu các biến động lớn trong tốc độ tăng trưởng kinh tế, việc làm và giá cả bình quân. Hầu hết, các chính sách vĩ mô tập trung vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sự bất ổn của nền kinh tế.

3. KINH TẾ HỌC THỰC CHỨNG VÀ CHUẨN TẮC

Để có thể giải thích tại sao có sự tranh luận và bất đồng giữa các nhà kinh tế, chúng ta hãy xem xét các nhà kinh tế vận dụng phân tích thực chứng và chuẩn tắc trong kinh tế học.

3.1.Kinh tế học thực chứng

Kinh tế học thực chứng cố gắng đưa ra các phát biểu có tính khoa học về hành vi kinh tế. Các phát biểu thực chứng nhằm mô tả nền kinh tế vận hành như thế nào và tránh các đánh giá. Kinh tế học thực chứng đề cập đến “điều gì là?”. Chẳng hạn, một phát biểu thực chứng là “thất nghiệp là 7% trong lực lượng lao động”. Dĩ nhiên, con số 7% này dựa trên các dữ liệu thống kê và đã được kiểm chứng. Vì vậy, không có gì phải tranh cãi với các phát biểu thực chứng.

3.2.Kinh tế học chuẩn tắc

Trái lại, kinh tế học chuẩn tắc liên quan đến các đánh giá của cá nhân về nền kinh tế phải là như thế này, hay chính sách kinh tế phải hành động ra sao dựa trên các mối quan hệ kinh tế. Kinh tế học chuẩn tắc đề cập đến “điều gì phải là?”. Chẳng hạn, một phát biểu chuẩn tắc là “thất nghiệp phải được giảm xuống”.

Sự phân biệt giữa kinh tế học thực chứng và chuẩn tắc giúp chúng ta hiểu tại sao có sự bất đồng giữa các nhà kinh tế. Thực tế, sự bất đồng bắt nguồn từ quan điểm của mỗi nhà kinh tế khi nhìn nhận vấn đề.

Chẳng hạn, một chương trình phỏng vấn trên truyền hình về chính sách thương mại của chính phủ trong thời gian đến. Một nhà kinh tế ủng hộ chính sách tự do thương mại. Trong khi đó, một nhà kinh tế khác cho rằng chính phủ nên tăng cường rào cản thương mại. Về kinh tế học thực chứng, cả hai nhà kinh tế đều thừa nhận rằng mở rộng thương mại là có lợi cho tổng thể nền kinh tế. Mặc dầu, điều này cũng có ảnh hưởng đến một số thành phần nào đó của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự bất đồng của họ về chính sách là do các giá trị khác nhau. Nhà kinh tế thứ nhất nhấn mạnh lợi ích của tổng thể nền kinh tế, trong khi nhà kinh tế thứ hai nhấn mạnh vào việc hạn chế ảnh hưởng của chính sách đối với một nhóm hay ngành nào đó cần được bảo hộ. Tuy rằng cả hai nhà kinh tế cùng có kết luận thực chứng như nhau, nhưng kết luận chuẩn tắc thì lại khác nhau do các giá trị khác nhau về chính sách của chính phủ. Trên phương diện truyền thông, các nhà kinh tế thường không có đủ thời gian để giải thích rõ về quan điểm. Điều này làm cho chúng ta cảm nhận rằng các nhà kinh tế không thống nhất với nhau trong chính sách kinh tế của chính phủ.