Thanh toán chính là khâu hoàn thiện quy trình kinh doanh và việc đẩy nhanh quá trình quay vòng vốn là việc vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp. Lợi ích to lớn mà thương mại điện tử đem lại cho doanh nghiệp đó là phương thức thanh toán điện tử an toàn và nhanh chóng. Thanh toán điện tử là một trong những vấn đề cốt yếu của thương mại điện tử. Thiếu hạ tầng thanh toán, chưa thể có thương mại điện tử hoàn toàn được. Do vậy, hệ thống thanh toán điện tử hiện nay là tâm điểm phát triển của các công ty nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn với chi phí thấp hơn. Những cải tiến trong thanh toán hàng hóa và dịch vụ hứa hẹn đem lại những cơ hội kinh doanh mới mẻ cho các doanh nghiệp.
1. Cuộc cách mạng về thanh toán
Theo Sapsford (xuất bản năm 2004): “một đồng tiền có thể sẽ là tất cả nếu con người muốn như thế”. Thế kỷ thứ 10 trước công nguyên, thực phẩm thường được đem ra trao đổi với nhau. Các đồng tiền bằng kim loại đã xuất hiện tại Hy lạp và Ấn độ khoảng giữa thế kỷ thứ 10 và 6 trước công nguyên và được dùng trong mua bán trong 2000 năm. Vào thời Trung cổ, các thương nhân Ý đã dùng phương thức thanh toán bằng Séc. Tại Mỹ, tiền giấy được phát hành tại bang Massachusetts vào năm 1960. Đến năm 1950, thẻ tín dụng được hãng Diners Club giới thiệu đến công chúng. Đến tận bây giờ, tiền giấy đã được sử dụng phổ biến nhất, còn Séc thì phổ biến trong việc thanh toán phi tiền mặt.
Ngày nay, chúng ta đang ở giữa cuộc cách mạng thanh toán, với phương thức thanh toán bằng thẻ điện tử đang dần thay thế cho thanh toán bằng tiền mặt và Séc. Năm 2003, việc sử dụng kết hợp giữa thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trong nội bộ công ty lần đầu tiên đã chiếm lĩnh ưu thế hơn việc thanh toán bằng tiền mặt và Séc ( theo thống kê năm 2004 của Cục dự trữ liên bang Mỹ). Thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng chiếm khoảng 52% thanh toán nội bộ, còn lại là tiền mặt. Từ năm 1999 đến năm 2003, việc sử dụng thẻ tín dụng trong thanh toán đã tăng lên từ 21% đến 31%, trong khi thanh toán bằng tiền mặt giảm xuống từ 39% còn 32% (theo thống kê năm 2004 của Cục dự trữ liên bang Mỹ).
Một số hình thức thanh toán yêu cầu cần có phần mềm và phần cứng để có thể hoạt động. Hầu hết các hình thức đó yêu cầu người sử dụng phải cài đặt các phần mềm chuyên dùng để có thể chấp nhận thanh toán.
2. Khái niệm về thanh toán điện tử
Khi kinh doanh trên mạng Internet doanh nghiệp và cá nhân có thể tiến hành và quản lý mọi giao dịch thông qua một hệ thống thanh toán mà chỉ cần một chiếc máy tính với một trình duyệt và kết nối mạng.
Theo báo cáo Quốc gia về kỹ thuật thương mại điện tử của Bộ thương mại: Thanh toán điện tử cần được hiểu theo nghĩa rộng được định nghĩa là việc thanh toán tiền thông qua các thông điệp điện tử thay cho việc trao tay tiền mặt. Theo nghĩa hẹp: thanh toán điện tử có thể hiểu là việc trả tiền và nhận tiền hàng cho các hàng hóa, dịch vụ được mua bán trên mạng Internet.
Các phương thức thanh toán trực tuyến phổ biến hiện nay bao gồm:
– Thẻ thanh toán
– Thẻ thông minh
– Ví điện tử
– Tiền điện tử
– Thanh tóan qua điện thoại di động
– Thanh toán điện tử tại các kiốt bán hàng
– Séc điện tử
– Thẻ mua hàng
– Thư tín dụng điện tử
– Chuyển tiền điện tử (EFT – Electronic Fund Transfering)
Trong các phương tiện thanh toán điện tử trên, thì thẻ thanh toán được coi là phương tiện phổ biến nhất, đặc biệt là thẻ tín dụng do tính tiện lợi và phổ dụng của nó (nhất là tại Mỹ và các nước phát triển). Ba loại thẻ thanh toán phổ biến gồm: thẻ tín dụng (credit card, là thẻ cho phép chủ thẻ chi tiêu tới một hạn mức tín dụng nhất định), thẻ ghi nợ (debit card, là thẻ chi tiêu dựa trên số dư tài khoản thẻ hay tài khoản tiền gửi) và thẻ mua hàng (charge card, là thẻ cho phép chủ thẻ chi tiêu và tiến hành thanh toán các khỏan chi tiêu đó định kỳ, thường vào cuối tháng). Các nhà cung cấp thẻ nổi tiếng và được chấp nhận nhất hiện nay là Visa, MasterCard, American Express Card và EuroPay. Trong 3 loại thẻ trên, thanh toán bằng thẻ tín dụng chiếm khoảng 90% tổng giá trị các giao dịch qua mạng internet. Chấp nhận thanh toán qua thẻ tín dụng giúp các doanh nghiệp xây dựng được niềm tin với khách hàng hơn, nâng cao doanh thu bán hàng do cung cấp giải pháp thanh toán tiện lợi và tiết kiệm cho doanh nghiệp thời gian và công sức để xử lý nghiệp vụ thanh toán.
Tại Việt Nam, hiện nay thanh toán điện tử qua mạng vẫn chưa phổ biến. Thanh toán điện tử đang được coi là một trở ngại lớn cho sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam. Một trong các nguyên nhân đó là chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh vấn đề thanh toán điện tử: các ngân hàng Việt Nam chưa liên kết được với các Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng quốc tế để thanh toán qua mạng, hoặc các Ngân hàng Việt Nam chưa đủ khả năng công nghệ để cung cấp tài khoản thanh toán qua mạng cho khách hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp thương mại điện tử phải áp dụng nhiều phương thức thanh toán khác nhau, kể cả kết hợp với các phương thức truyền thống như
Dưới đây là ví dụ về một doanh nghiệp bán lẻ qua mạng sử dụng một số hình thức thanh toán điện tử điển hình tại Việt Nam:
Trong các hình thức thanh toán trên, hình thức thanh toán sử dụng thẻ tín dụng là nhanh nhất do khách hàng có thể đặt hàng qua mạng và thực hiện các giao dịch thanh toán ngay lập tức.
3. Quy trình thanh toán bằng thẻ tín dụng trực tuyến
Quy trình thanh toán bằng thẻ tín dụng trực tuyến trải qua các bước sau:
– Người mua hàng sau khi lựa chọn sản phẩm, quyết định mua hàng sẽ nhập vào các thông tin thẻ tín dụng lên trang web của người bán.
– Các thông tin thẻ tín dụng được gửi thẳng tới Ngân hàng mở merchant account (hoặc bên cung cấp dịch vụ thanh toán) mà không lưu tại máy chủ của Người bán
– Ngân hàng mở merchant account gửi các thông tin thẻ tín dụng tới Ngân hàng cấp thẻ tín dụng.
– Ngân hàng cấp thẻ tín dụng sau khi kiểm tra các thông tin sẽ phản hồi lại cho Ngân hàng mở merchant account. Phản hồi có thể là chấp nhận thanh toán (ghi có cho tài khoản của Người bán) hoặc từ chối.
– Dựa trên phản hồi của Ngân hàng cấp thẻ tín dụng, người bán sẽ thực hiện đơn hàng hoặc từ chối.
Toàn bộ quá trình trên chỉ diễn ra trong vài giây và do đó, người mua sẽ bị trừ tiền trên tài khoản đồng thời người bán cũng sẽ nhận được khoản thanh toán trong vài giây.
Hình 4.1. Quy trình thanh toán điện tử bằng thẻ tín dụng qua mạng
* Phân bổ chi phí trong quy trình thanh toán bằng thẻ tín dụng:
Với những giao dịch thông thường, nếu giao dịch có giá trị 100 USD thì doanh nghiệp sẽ chỉ thu phí xử lý 0.16 USD và 2.5 USD cho Ngân hàng phát hành thẻ. Với những giao dịch có giá trị nhỏ (khoảng dưới 20 USD, ví dụ mua bài báo điện tử, trò chơi hay tải nhạc), các chi phí giao dịch tối thiểu có thể được áp dụng (thường là 25-35 cent hoặc 2%-3% giá trị giao dịch).
* Điều kiện để có thể chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng
Để chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, doanh nghiệp cần đảm bảo tính bảo mật qua mạng đối với các thông tin thanh toán thông qua giao thức SSL và SET . Tiếp theo, doanh nghiệp cần có Tài khoản chấp nhận thanh toán điện tử (Merchant Account) mở tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng và cổng thanh toán điện tử (Payment Gateway).
Merchant account là một tài khoản đặc biệt, cho phép chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Việc thanh toán bằng thẻ tín dụng chỉ có thể tiến hành thông qua dạng tài khoản này. Payment gateway là một chuơng trình phần mềm cho phép chuyển dữ liệu của các giao dịch từ website của người bán sang trung tâm thanh toán thẻ tín dụng để hợp thức hoá quá trình thanh toán thẻ tín dụng. Giao thức SSL (Secure Socket Layer) là giao thức sử dụng các chứng thực điện tử để xác thực và mã hóa thông điệp dữ liệu nhằm đảm bảo tính riêng tư hay bí mật của các thông tin dùng trong thanh toán điện tử
Quy trình đăng ký tài khoản người bán (merchant account) để chấp nhận thanh toán điện tử
Doanh nghiệp có thể có chấp các khoản thanh toán điện tử bằng thẻ thông qua tài khoản người bán (merchant account) được cấp bởi các nhà cung cấp merchant account sau đây:
* Nhà cung cấp trực tiếp dịch vụ thanh toán điện tử
Đó là các ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng. Những đơn đặt hàng đã hoàn tất sẽ được gửi từ website của người bán đến ngân hàng thông qua Payment Gateway. Tuy nhiên, ngân hàng thường là những nhà cung cấp rất thận trọng trong việc chứng nhận cho bất kỳ thương nhân nào chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Vì người bán hoàn toàn có khả năng biết các thông tin về thẻ tín dụng của người mua. Để đảm bảo an toàn, các ngân hàng thường yêu cầu người bán khi mở tài khoản merchant accout phải thực hiện một khoản đặt cọc lớn, thêm vào đó là phí tối thiểu hàng tháng và các phí thu trên những giao dịch được thực hiện. Do vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng nên trực tiếp mở merchant account.
* Nhà cung cấp trung gian dịch vụ thanh toán điện tử
Hoạt động với tư cách là một trung gian giữa doanh nghiệp và nhà cung cấp trực tiếp. Doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ này và phải trả một tỷ lệ chiết khấu từ 2% đến 3%. Tỷ lệ chiết khấu là khoản tiền mà bạn phải trả cho nhà cung cấp dịch vụ thanh toán đối với từng giao dịch. Ví dụ: Nếu như số tiền bạn thu được từ một giao dịch nào đó là 100 USD, tỷ lệ chiết khấu 2%. Như vậy, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian sẽ thu 2 USD của giao dịch đó. Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam, các ngân hàng chưa cung cấp dịch vụ này do còn thiếu các định chế về pháp lý.
* Bên thứ ba cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử
Nhà cung cấp thứ ba chuyển quá trình thanh toán thẻ tín dụng từ đơn đặt hàng trên trang web của bạn bằng chính tài khoản của họ. Khi doanh nghiệp ký kết với nhóm các nhà cung cấp này, việc thanh toán của khách hàng sẽ được thực hiện thông qua tài khoản của nhà cung cấp Merchant Account. Doanh nghiệp sẽ không cần phải quan tâm đến tính chân thực của những người sở hữu thẻ tín dụng vì các nhà cung cấp dịch vụ sẽ là những người trực tiếp bán hàng, còn bạn với vai trò của một người bán hàng, bây giờ bạn sẽ là đại lý cung cấp hàng.
Những dịch vụ này thường được những nhà kinh doanh trực tuyến với quy mô nhỏ quan tâm, đặc biệt là những người mới bắt đầu tiếp cận với hình thức kinh doanh này. Rất đơn giản bởi vì, tuy chi phí cho các giao dịch kiểu này thường cao hơn chi phí phải trả cho những nhà cung cấp trực tiếp, nhưng doanh nghiệp sẽ không phải trả phí dịch vụ tối thiểu hàng tháng và không phải đặt cọc bất kỳ một khoản tiền nào mà chỉ phải trả chi phí trên những giao dịch được thực hiện.
4. Rủi ro chấp nhận thanh toán thẻ trực tuyến
Mặc dù doanh nghiệp bán hàng có thể đã sử dụng SSL để bảo mật, doanh nghiệp vẫn có thể phải chịu các rủi ro nếu chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng trực tuyến. Các rủi ro này không phụ thuộc vào bảo mật các thông tin trong quá trình giao dịch mà nằm ngay ở các yếu tố thông tin đầu vào và các nghiệp vụ giao dịch thanh toán điện tử.
– Sử dụng thẻ bất hợp pháp: Nếu thẻ thanh toán bị sử dụng trái phép, người chủ thẻ không chấp nhận các khoản thanh toán đó. Khi đó ngân hàng phát hành thẻ sẽ ghi có lại cho chủ thẻ và đòi lại tiền từ người bán.
– Người mua thay đổi quyết định mua hàng: Nếu khách hàng trước đó đồng ý thanh toán nhưng sau đó từ chối, và ngân hàng phát hành thẻ đồng ý với từ chối đó, người bán sẽ phải chịu thiệt hại. Người bán có thể tránh những trường hợp tương tự như vậy bằng cách đưa ra bằng chứng chủ thẻ đã xác nhận thanh toán và nhận hàng. Hoặc giao dịch được thực hiện với chữ ký số, tuy nhiên hình thức xác nhận này rất đắt và rườm rà đối với hầu hết các giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng trực tuyến.
– Mất trộm các thông tin của thẻ: Các trường hợp hacker đột nhập vào máy tính của doanh nghiệp nơi chứa các dữ liệu về thông tin thẻ tín dụng. Doanh nghiệp có thể tránh trường hợp này bằng cách lưu trữ các dữ liệu này trên một máy tính độc lập, không thể truy cập trực tiếp được từ internet.
24 Th12 2020
25 Th12 2020
25 Th12 2020
24 Th12 2020
25 Th12 2020
24 Th12 2020