1. Điều kiện hiệu lực của hợp đồng điện tử
* Hình thức
Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu. Hợp đồng điện tử có thể là hợp đồng được thảo và gửi qua thư điện tử hoặc là hợp đồng “Nhấn nút đồng ý” (Click, type and browse) qua các trang web bán hàng.
* Nội dung
Nội dung của hợp đồng điện tử bao gồm các điều khoản thỏa thuận giữa các chủ thể. Cách hiển thị nội dung của hợp đồng điện tử
– Hiển thị không có đường dẫn: “without hyperlink”, người bán thường ghi chú ở cuối mỗi đơn đặt hàng rằng: “Hợp đồng này tuân theo các điều khoản tiêu chuẩn của Công ty”. Tuy nhiên, cách thức này có nhược điểm là chưa đủ mạnh để thu hút sự chú ý của khách hàng và nếu khách hàng có để ý đi nữa thì họ cũng không biết tìm các điều khoản của công ty ở đâu.
– Hiển thị có đường dẫn: “with hyperlink”: Ở trường hợp này, cũng có sự ghi chú giống trường hợp trên nhưng có đường dẫn đến trang web chứa các điều khoản tiêu chuẩn của công ty. Cách thức này được phần lớn người bán trực tuyến sử dụng. Nhược điểm của phương pháp này là chưa chắc khách hàng đã vào trang web để đọc các điều khoản nói trên.
– Hiển thị điều khoản ở cuối trang web: theo cách hiển thị này, thay vì đường dẫn tới một trang web khác thì người bán trực tuyến để toàn bộ điều khoản ở cuối trang. Khách hàng muốn xem hết trang web thì buộc phải thực hiện thao tác cuộn trang và buộc phải đi qua các điều khoản. Tất nhiên, việc đọc hay không tùy thuộc vào chính bản thân khách hàng nhưng nó cũng thể hiện rõ thiện chí của người bán trong việc muốn cung cấp, chuyển tải và đưa nội dung hợp đồng đến tay khách hàng.
– Hiển thị điều khoản ở dạng hộp thoại (Dialogue box): khách hàng muốn tham gia giao kết hợp đồng phải kéo chuột qua tất cả các điều khoản ở cuối trang rồi mới tới được hộp thoại “tôi đồng ý” hoặc “tôi đã xem các điều khoản hợp đồng”. Khi click chuột vào hộp thoại này thì coi như hợp đồng đã được giao kết. Phương pháp này khắc phục được nhược điểm của hai phương pháp trên ở chỗ: khi khách hàng click chuột vào hộp thoại có nội dung như trên, họ sẽ tự có nhu cầu và phải đọc những điều khoản mà họ đồng ý ràng buộc bản thân. Tuy nhiên, cách thể hiện nội dung này không phải là không có nhược điểm, đó là người truy cập sẽ cảm thấy nản khi phải đọc những điều khoản dài ở cuối trang. Họ có thể bỏ cuộc giữa chừng, đặc biệt là khi mua bán những mặt hàng có giá trị thấp.
Trong các cách hiển thị nói trên, hiển thị ở dạng hộp thoại được sử dụng nhiều hơn cả. Trường hợp người mua vào kho hàng trực tuyến của người bán để đặt hàng cũng vậy. Sau khi chọn lựa hàng hóa, họ chỉ có thể gửi được đơn đặt hàng sau khi đã cuộn hết trang web để đọc toàn bộ điều khoản liên quan đến nội dung của hợp đồng và click chuột vào hộp thoại “Gửi đơn đặt hàng và đồng ý với mọi điều khoản ở trên”.
2. Một số điểm cần lưu ý khi sử dụng hợp đồng điện tử
2.1. Vấn đề bản gốc và lưu trữ hợp đồng
Trong thương mại truyền thống, các hợp đồng thường được kết thúc với nội dung sau “hợp đồng này thường được chia thành 4 bản có giá trị ngang nhau”, có nghĩa là có 4 bản gốc hợp đồng. Bản gốc là thể hiện tính toàn vẹn của thông tin chứa đựng trong văn bản, đảm bảo thông tin trong tài liệu không bị thay đổi, là bằng chứng có tính quyết định về sự tồn tại hợp đồng giữa các bên.
Đối với hợp đồng điện tử, vì được thể hiện qua thông điệp dữ liệu nên có thể sao, lưu, phát tán trên mạng, do đó mà có thể tạo ra nhiều bản gốc. Vì thế, khái niệm “bản gốc” và “lưu trữ” trong hợp đồng điện tử trở nên khó khăn hơn. Hợp đồng điện tử thường được lưu trữ trong hệ thống thông tin của các bên dưới dạng thông điệp số. Nếu các thông điệp số đó bị sửa đổi thì không thể xác định được đâu là bản gốc. Để giải quyết được các vấn đề này, thì trước tiên cần phải sử dụng một số biện pháp nhất định để đảm bảo các thông địêp số không bị thay đổi, đảm bảo được sự nguyên vẹn và tính chính xác. Đây là công việc phức tạp, đòi hỏi có sự kết hợp chặt chẽ cả vấn đề kỹ thuật công nghệ với vấn đề pháp lý mà các bên giao kết không thể bỏ qua nếu muốn có đủ chứng cứ hợp lệ cho một vụ tranh chấp. Sau đây là một số điều luật điều chỉnh vấn đề bản gốc và lưu trữ hợp đồng điện tử:
– Theo Luật giao dịch điện tử:
Điều 12. Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản:
“Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết”. Điều 13. Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc: “Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc khi đáp ứng được các điều kiện sau đây: 1. Nội dung của thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một thông điệp dữ liệu hoàn chỉnh. Nội dung của thông điệp dữ liệu được xem là toàn vẹn khi nội dung đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu; 2. Nội dung của thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.” |
-Theo nghị định về Thương mại điện tử:
Điều 9. Giá trị pháp lý như bản gốc: “1. Chứng từ điện tử có giá trị pháp lý như bản gốc nếu thỏa mãn đồng thời cả hai điều kiện sau:
a) Có sự đảm bảo đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử từ khi thông tin được tạo ra ở dạng cuối cùng là chứng từ điện tử hay dạng khác. b) Thông tin chứa trong chứng từ điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết. 2. Tiêu chí đánh giá tính toàn vẹn là thông tin còn đầy đủ và chưa bị thay đổi, ngoài những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình trao đổi, lưu trữ hoặc hiển thị chứng từ điện tử. 3. Tiêu chuẩn về sự tin cậy được xem xét phù hợp với mục đích thông tin được tạo ra và mọi bối cảnh liên quan.” |
2.2. Thời điểm hình thành hợp đồng
Thời gian giao kết hợp đồng là yếu tố quan trọng để xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khi không có một thỏa thuận nào khác của các bên. Còn địa điểm giao kết hợp đồng là một trong những căn cứ để xác định luật điều chỉnh các giao dịch trong hợp đồng quốc tế.
Theo luật giao dịch điện tử VN quy định:
Điều 17. Thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu
Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thoả thuận khác thì thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu được quy định như sau: 1. Thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu này nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo; 2. Địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cá nhân. Trường hợp người khởi tạo có nhiều trụ sở thì địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch. Điều 19. Thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thoả thuận khác thì thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu được quy định như sau: 1. Trường hợp người nhận đã chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin được chỉ định; nếu người nhận không chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu đó nhập vào bất kỳ hệ thống thông tin nào của người nhận; 2. Địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở của người nhận nếu người nhận là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú thường xuyên của người nhận nếu người nhận là cá nhân. Trường hợp người nhận có nhiều trụ sở thì địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch. |
Bên cạnh đó, việc xác định áp dụng pháp luật nước nào để ký kết, thực hiện hợp đồng, giải quyết tranh chấp là vấn đề rất phức tạp trong tố tụng, đặc biệt là trong thương mại điện tử. Theo Luật Thương mại Việt Nam thì hợp đồng thương mại được ký kết, thực hiện tại Việt Nam hoặc có chủ thể tham gia là cá nhân, pháp nhân Việt Nam thì sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam.
25 Th12 2020
24 Th12 2020
25 Th12 2020
7 Th1 2018
24 Th12 2020
24 Th12 2020