Phương pháp tính giá trong doanh nghiệp

1 Nội dung của ph­ương pháp tính giá.

Ph­ương pháp tính giá là ph­ương pháp kế toán sử dụng thước đo tiền tệ tổng hợp và phân bổ chi phí để xác định trị giá tài sản trong các đơn vị theo những nguyên tắc nhất định.

Tài sản của các đơn vị bao gồm nhiều loại, có hình thái vật chất khác nhau. Trong quá trình hoạt động, các tài sản đó lại thường xuyên biến động thay đổi về giá trị và về hình thái vật chất để tạo nên sản phẩm mới. Vì thế, để có được những thông tin tổng hợp về tổng số tài sản hiện có của đơn vị cũng như tài sản mới hình thành, cần thiết phải sử dụng thước đo tiền tệ để xác định giá trị tài sản theo những nguyên tắc nhất định. Việc sử dụng thước đo tiền tệ trong hạch toán kế toán để xác định trị giá của tài sản được tiến hành theo những nguyên tắc nhất định gọi là phương pháp tính giá.

            Nội dung phương pháp tính giá:

  • Tổng hợp và phân bổ chi phí thực tế cấu thành nên giá của tài sản.
  • Tính toán xác định trị giá thực tế của tài sản theo những phương pháp nhất định.

Hình thức biểu hiện của phương pháp là các sổ (bảng) tính giá và trình tự tính giá.

Sổ tính giá là những tờ sổ (bảng) được sử dụng để tập hợp chi phí cấu thành giá của từng loại tài sản (đối tượng tính giá) trong đơn vị, tổ chức làm cơ sở để xác định đúng đắn trị giá của tài sản được hình thành.

Trình tự tính giá là những bước công việc được sắp xếp theo một trình tự nhất định để tiến hành tính giá cho các tài sản hình thành.

Phương pháp tính giá có ý nghĩa rất lớn trong kế toán cũng như trong quản lý các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp.

Nhờ có phương pháp tính giá, kế toán ở các đơn vị có thể tính được những chỉ tiêu sử dụng trong quản lý như: trị giá tài sản hiện có, tổng chi phí, doanh thu và lợi nhuận… do đó giúp cho việc quản lý, sử dụng tài sản trong đơn vị một cách hiệu quả nhất.

Mặt khác, quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thường xuyên tồn tại hai mặt đối lập là chi phí bỏ ra – kết quả thu về, bằng phương pháp tính giá, kế toán trong đơn vị thực hiện tính giá các tài sản mới hình thành thông qua việc ghi chép những chi phí cấu thành nên trị giá của tài sản đó. Điều đó cũng có nghĩa là hạch toán kế toán đã thực hiện việc ghi chép đầy đủ và có hệ thống các hoạt động kinh tế – tài chính diễn ra trong doanh nghiệp, góp phần quản lý có hiệu quả các hoạt động kinh tế tài chính đó. Điều này được thể hiện rõ trong việc tính giá cho những tài sản mới hình thành như: tài sản cố định, trị giá của vật tư, hàng hoá, giá thành sản phẩm mới sản xuất…

2. Các nguyên tắc tính giá.

Việc xác định trị giá của tài sản trong doanh nghiệp phải tôn trọng những nguyên tắc cơ bản sau:

Phải đảm bảo tôn trọng nguyên tắc chân thực và khách quan: tức là toàn bộ trị giá tài sản của doanh nghiệp phải được đo lường, tính toán trên cơ sở tổng số chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để có được tài sản đó. Thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi kế toán phải tập hợp được đầy đủ, đúng đắn các khoản chi phí thực tế cấu thành nên giá của tài sản, vật tư hoặc sản phẩm đó. Nguyên tắc này cũng không loại trừ một bộ phận tài sản của doanh nghiệp được hình thành không thông qua mua, bán hoặc từ sản xuất mà được hình thành từ nguồn biếu, tặng. Trong trường hợp này, trị giá của tài sản được phản ánh căn cứ vào giá trị thị trường tại thời điểm nhận tài sản, dựa trên cơ sở phù hợp với số lượng và chất lượng của tài sản.

Phải đảm bảo sự thống nhất (tức là phải tôn trọng nguyên tắc nhất quán). Việc tính giá cho các loại tài sản của doanh nghiệp phải đảm bảo sự thống nhất về nội dung và phương pháp tính toán giữa các đơn vị, giữa các kỳ hoạt động, giữa kế hoạch với thực hiện, để các chỉ tiêu của tính giá có thể so sánh được giữa các kỳ kế toán cũng như giữa các doanh nghiệp trong một ngành hoặc ngoài ngành. Mặt khác đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong tính giá còn là cơ sở cho việc tổng hợp các chỉ tiêu kinh tế trong một ngành hoặc toàn bộ nền kinh tế quốc dân như: giá trị tổng sản phẩm, tổng doanh thu, chi phí và lợi nhuận…

Như trên đã trình bày, việc sử dụng thước đo tiền tệ để xác định trị giá tài sản của doanh nghiệp được tiến hành theo những nguyên tắc nhất định. Đối với kế toán Việt Nam, để đảm bảo việc tính giá là chân thực, khách quan tôn trọng các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán đã được thừa nhận, thì khi tính giá cho các loại tài sản chủ yếu kế toán phải tôn trọng các quy định của Nhà nước về việc tính giá đối với các loại tài sản như sau:

  • Đối với tài sản cố định:

Căn cứ vào đặc điểm hình thành và vận động của tài sản cố định, yêu cầu hạch toán, yêu cầu quản lý, tài sản cố định được phản ánh theo 3 chỉ tiêu:

– Nguyên giá tài sản cố định: Là toàn bộ các chi phí thực tế đã chi ra để có tài sản cố định cho tới khi đưa tài sản cố định vào hoạt động bình thường. Nguyên giá tài sản cố định được xác định theo nguyên tắc giá phí căn cứ vào tổng chi phí trước hoạt động của tài sản. Nguyên giá tài sản cố định được xác định phụ thuộc vào nguồn hình thành tài sản. Ví dụ, đối với tài sản cố định mua ngoài, nguyên giá tài sản cố định gồm: giá thanh toán với người bán, chi phí vận chuyển, lắp đặt, chạy thử, thuế, lệ phí trước bạ phải nộp (nếu có)…

– Số khấu hao luỹ kế của tài sản cố định: là tổng cộng số khấu hao đã trích vào chi phí kinh doanh qua các kỳ kinh doanh của tài sản cố định tính đến thời điểm xác định.

– Giá trị còn lại trên sổ kế toán của TSCĐ: là trị giá thực tế của TSCĐ tại thời điểm xác định giá của TSCĐ đó. Giá trị còn lại của TSCĐ bằng hiệu số giữa nguyên giá TSCĐ và số khấu hao luỹ kế tính đến thời điểm xác định giá,

  • Đối với nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa nhập kho (tài sản lưu động tồn kho): Được tính theo nguyên tắc giá phí và phản ánh trên tài khoản kế toán theo trị giá thực tế. Tuỳ theo nguồn nhập mà trị giá thực tế của nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hoá bao gồm những chi phí cấu thành khác nhau. Chẳng hạn, nếu nhập kho từ nguồn mua ngoài thì trị giá thựuc tế của nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hoá bao gồm: Giá phải thanh toán cho người bán, chi phí vận chuyển, bốc dỡ hàng về đến kho của đơn vị, thuế phải nộp (nếu có)…

3. Trình tự tính giá:

Trong các doanh nghiệp tài sản gồm nhiều loại khác nhau, được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau: mua ngoài, tự chế biến, thuê ngoài gia công…Trị giá thựuc tế của các loại tài sản đó được cấu thành bởi các khoản chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra. Bởi vậy, để có thể tính được trị giá thực tế của mỗi một loại tài sản thì kế toán phải tập hợp được đầy đủ các khoản chi phí thựuc tế đã chi có liên quan đến từng loại tài sản (đối tượng tính giá), sử dụng những phương pháp tính toán thích hợp để tính toán, xác định đúng đắn, chính xác trị giá của mỗi loại tài sản hình thành trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Rõ ràng việc tổng hợp các khoản chi phí cấu thành nên giá của các loại tài sản, vật tư, hàng hoá là khâu rất quan trọng trong tinh giá. Trong đó, kế toán phải xác định một cách đúng đắn đối tượng tập hợp chi phí và đối tượng tính giá để đảm bảo cho việc tập hợp chi phí và tính giá một cách chính xác. Thực chất của việc xác định đối tượng tập hợp chi phí là xác định rõ phạm vi và nội dung mà các khoản chi phí này được tập hợp cho loại tài sản hoặc loại sản phẩm cụ thể nào.

Các loại tài sản, vật tư, hàng hoá được tiến hành tính giá theo những trình tự khác nhau. Tuy nhiên tính gí theo trình tự nào thì cũng phải tổng hợp được các khoản chi phí cấu thành và xác định được trị giá thực tế của tài sản, vật tư, hàng hoá. Có thể khái quát chung việc tính giá tài sản được tiến hành theo trình tự hai bước sau:

Bước 1: Tổng hợp cá chi phí thực tế cấu thành nên giá của tài sản theo đúng nội dung các khoản chi phí cấu thành giá của tài sản đó.

Việc tổng hợp các khoản chi phí thực tế cấu thành giá của tài sản có thể tiến hành trực tiếp, hoặc gián tiếp phụ thuộc vào tính chất, mối quan hệ giữa chi phí với tài sản được tính giá.

Tuỳ theo loại tài sản, vật tư, hàng hoá – đối tượng tính giá của tài sản có thể tiến hành trực tiếp hay là những khoản chi phí trực tiếp và những khoản chi phí chung.

Trong trường hợp chi phí cấu thành giá chỉ là những khoản chi phí đơn nhất, có quan hệ trực tiếp với từng đối tượng tính giá cụ thể thì việc tổng hợp những khoản chi phí naỳ được tiến hành trực tiếp cho từng loại tài sản. Chẳng hạn như tổng hợp chi phí để tính giá của nguyên liệu, vật liệu, hàng hoá mua ngoài, các khoản chi phí như giá mua, chi phí vận chuyển, bốc dỡ…được tổng hợp trực tiếp cho từng loại, từng thứ nguyên liệu, vật liệu hoặc hàng hoá nhập kho của đơn vị.

Trong trường hợp chi phí cấu thành giá bao gồm những khoản chi phí trực tiếp và những khoản chi phí chung thì việc tổng hợp chi phí cấu thành giá của tài sản được tiến hành như sau:

+ Những khoản chi phí trực tiếp được tiến hành tổng hợp trực tiếp riêng cho từng đối tượng tính giá cụ thể.

+ Những khoản chi phí chung được tiến hành tổng hợp riêng thành từng khoản chung, sau đó mới tính toán, phân bổ các khoản chi phí chung này cho từng đối tượng tính giá cụ thể theo những tiêu thức phân bổ thích hợp.

Việc tính toán, phân bổ chi phí chung cho mỗi loại tài sản được tiến hành theo công thức:


Ví dụ: Tổng chi phí cấu thành giá vật liệu, hàng hoá mua ngoài. Đối với vật liệu, hàng hoá mua ngoài chi phí cấu thành giá vật liệu, hàng hoá mua ngoài gồm giá mua, chi phí vận chuyển, bốc dỡ, bảo quản, thuế (nếu có). Giá mua, thuế thuộc lại chi phí liên quan đến từng thứ vật liệu, hàng hoá nên việc tổng hợp chi phí giá mua, thuế để tính giá vật liệu, hàng hoá được tiến hành trực tiếp, giá mua, thuế phải nộp đối với vật liệu, hàng hoá nào được tổng hợp riêng vào sổ tính giá (bảng tính giá) vật liệu, hàng hoá đó. Chi phí vận chuyển, bốc dỡ bảo quản được tiến hành trực tiếp vào sổ tính giá vật liệu, hàng hoá, nếu liên quan đến nhiều thứ vật liệu, hàng hoá thì việc tổng hợp chi phí vận chuyển, bốc dỡ, bảo quản…được tiến hành gián tiếp bằng cách tính toán, phân bổ chi phí cho từng vật liệu, hàng hoá theo công thức đã nêu.
Việc lựa chọn tiêu thức phân bổ thích hợp có ý nghĩa quan trọng để tổng hợp, tính toán chính xác chi phí cho từng loại tài sản.

Tổng hợp chi phí cấu thành giá thành thành phẩm sản xuất ra. Đối với thành phẩm do đơn vị sản xuất ra, chi phí cấu thành giá thành phẩm bao gồm chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung. Những chi phí ngày có liên quan đến một loại sản phẩm thì được tổng hợp trực tiếp để tính giá sản phẩm đó, nếu những chi phí này liên quan đến sản xuất nhiều loại sản phẩm thì được tổng hợp gián tiếp bằng cách tính toán, phân bổ từng loại chi phí cho từng loại sản phẩm theo tiêu thức phân bổ thích hợp nhu công thức đã nêu.

Bước 2: Tính toán xác định trị giá thực tế của tài sản theo phương pháp nhất định.

Việc tính toán, xác định giá của tài sản được tiến hành trên cơ sở các khoản chi phí cấu thành giá của tài sản đã tổng hợp ở bước 1 và quá trình hình thành tài sản. Quá trình hình thành tài sản trong đơn vị có thể diễn ra dứt điểm trong một thời gian nhất định hay diễn ra liên tục trong suốt thời gian hoạt động của đơn vị. Bởi vậy việc tính toán, xác định trị giá thực tế của tài sản – đối tượng tính giá cụ thể có sự khác nhau.

Trường hợp quá tình hình thành tài sản diễn ra dứt điểm trong một thời gian nhất định thì toàn bộ chi phí chi ra hình thành giá của đối tượng tính giá là trị giá thực tế của đối tượng tính giá đó. Việc tính toán, xác định giá của tài sản hình thành được tiến hành theo phương pháp giản đơn: Tổng cộng toàn bộ chi phí cấu thành giá của tài sản đã tổng hợp được ở bước 1 theo từng loại tài sản sẽ có được giá của tài sản. (trị giá thực tế của vật tư, hàng hoá mua vào, giá thành sản xuất thực tế của thành phẩm sản xuất ra). Trong trường hợp này, tính đúng đắn, chính xác của giá tài sản tính được phụ thuộc hoàn toàn vào việc tổng hợp chi phí cấu thành giá của tài sản có đầy đủ, chính xác hay không. Chẳng hạn như tính toán, xác định trị giá thực tế củ nguyên liệu, vật liệu, hàng hoá mua ngoài, sau khi tiến hành tổng hợp các khoản chi phí cấu thành giá của từng thứ nguyên liệu, vật liệu, hàng hoá, ta có thể xác định được trị giá thực tế của từng loại, từng thứ nguyên liệu, vật liệu, hàng hoá mua ngoài, đó chính là tổng số chi phí đã tổng hợp được khi quá trình thu mua kết thúc.

Trường hợp quá trình hình thành tài sản diễn ra liên tục trong suốt thời gian hoạt động của đơn vị như quá trình sản xuất sản phẩm khối lượng lớn, luôn có tài sản đã hình thành (sản phẩm hoàn thành) và tài sản đang hoàn thành (sản phẩm làm dở), tài sản đang hình thành kỳ này sẽ được đơn vị tiếp tục bỏ thêm chi phí để hình thành ở kỳ sau và cứ tiếp diễn liên tục như vậy. Trong trường hợp này việc tính toán, xác định giá của tài sản hình thành (sản phẩm hoàn thành) được tiến hành theo những phương pháp phức tạp hơn để có thể phân chi một cách đúng đắn, chính xác chi phí đã tổng hợp được thành 2 bộ phận chi phí: Chi phí tính cho tài sản đang hình thành được gọi là chi phí dở dang, chi phí tính cho tài sản đã hình thành được gọi là giá của tài sản. TRị giá thực tế của tài sản hình thành được tính toán, xác định theo công thức:

Z = C + Dđk – Dck

Trong đó:

        • Z: Trị giá thực tế của tài sản hình thành
        • C: Tổng số chi phí chi ra trong kỳ (tổng hợp ở bước 1)
        • Dđk: Chi phí dở dang kỳ trước chuyển sang kỳ này.
        • Dck: Chi phí dở dang kỳ này chuyển sang kỳ sau.

Trong trường hợp này tính đúng đắn, chính xác của giá tài sản tính được không những phụ thuộc vào tính đúng đắn, chính xác của việc tổng hợp chi phí cấu thành giá của tài sản thực hiện ở bước 1, mà còn phụ thuộc vào phương pháp phân chia chi phí thành hai bộ phận chi phí: Chi phí dở dang và gía của tài sản. Kế toán đã nghiên cứu xây dựng những phương pháp kỹ thuật tính toán khoa học để tính toán chi phí dở dang và giá của tài sản hình thành. Những phương pháp kỹ thuật tính toán khoa học để tính toán chi phí dở dang và giá của tài sản hình thành sẽ được nghiên cứu cụ thể trong giáo trình kế toán ngành.

Trình tự tính giá tài sản được thể hiện cụ thể qua việc thực hiện hạch toán kê toán các quá trình kinh doanh trong một doanh nghiệp.