Nội dung, nhiệm vụ của chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp:

1. Nội dung chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp:

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải bỏ ra hao phí về lao động sống và lao động vật hoá nhất định. Toàn bộ hao phí về lao động sống và lao động vật hoá được biểu hiện dưới hình thái tiền tệ gọi là chi phí sản xuất kinh doanh. Theo nguyên tắc giá phí, toàn bộ chi phí gắn liền với quá trình mua vật tư, công cụ được tính vào giá thực tế của nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ. Toàn bộ chi phí cho quá trình sản xuất được gọi là chi phí sản xuất. Các khoản chi phí gắn liền với quá trình bán hàng và phục vụ bán hàng được gọi là chi phí bán hàng. Các khoản chi phí liên quan đến hoạt đông chung của toàn doanh nghiệp được gọi là chi phí quản lý doanh nghiệp .

Chi phí bán hàng, chi phí quản lý của các doanh nghiệp phát sinh thường xuyên trong suốt quá trình tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng để phục vụ cho yêu cầu quản lý chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN phải được tập hợp theo từng thời kỳ: tháng, quý, năm,

Chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN trong các doanh nghiệp gồm nhiều loại với tính chất kinh tế, mục đích, công dụng và yêu cầu quản lý khác nhau. Để hạch toán đúng đắn chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN và đáp ứng yêu cầu của quản trị doanh nghiệp cần phân loại chi phí theo các tiêu thức khác nhau.

1.1. Phân loại chi phí theo nội dung, tính chất kinh tế của chi phí.

Toàn bộ chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp được chia thành các yếu tố sau:

  • Chi phí nhân viên: Là bao gồm toàn bộ chi phí về tiền lương, các khoản phụ cấp có tính lương, các khoản BHXH, BHYT, KPCĐ trích theo lương của nhân viên bán hàng, nhân viên quản lý doanh nghiệp
  • Chi phí vật liệu, công cụ dụng cụ: Là toàn bộ chi phí về nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, công cụ, dụng cụ, đồ dùng văn phòng…phục vụ hoạt động bán hàng và quản lý DN
  • Chi phí khấu hao tài sản cố định là toàn bộ số trích khấu hao của những tài sản cố định phục vụ hoạt động bán hàng và quản lý DN
  • Chi phí dịch vụ mua ngoài: là số tiền trả cho các dịch vụ mua ngoài phục vụ hoạt động bán hàng và quản lý DN
  • Chi phí khác bằng tiền: là toàn bộ chi phí khác phục vụ hoạt động bán hàng và quản lý DN

Phân loại chi phí theo tiêu thức này cho biết kết cấu, tỷ trọng của từng loại chi phí mà doanh nghiệp đã chi ra để lập bản thuyết minh báo cáo tài chính, phân tích tình hình thực hiện dự toán chi phí cho kỳ sau.

1.2. Phân loại chi phí theo mối quan hệ giữa chi phí với doanh thu bán hàng

Theo tiêu thức này chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp chia làm 3 loại:

– Chi phí khả biến (biến phí): là những chi phí có sự thay đổi về lượng tương quan với tỷ lệ thuận với sự thay đổi của doanh thu bán hàng trong kỳ.

Tuy nhiên, nếu tính biến phí cho một đơn vị hoạt động thì đây là khoản chi phí ổn định, không thay đổi.

Thuộc loại chi phí này có: lương của nhân viên bán hàng khoán theo doanh thu, chi phí quảng cáo theo doanh thu, chi phí vật liệu bao gói,…

– Chi phí bất biến (định phí): là những khoản chi phí không biến đổi khi mức độ hoạt động thay đổi. Nhưng khi tính cho một đơn vị hoạt động thì chi phí này lại thay đổi.

 Chi phí bất biến trong DN gồm: chi phí khấu hao TSCĐ, lương nhân viên quản lý,…

– Chi phí hỗn hợp: Là các chi phí gồm các yếu tố của định phí và biến phí. ở mức độ hoạt động nhất định chi phí hỗn hợp có đặc điểm của định phí, trên mức hoạt động đó có đặc điểm của biến phí. Thuộc loại chi phí hỗn hợp có chi phí của điện thoại, Fax…

Phân loại chi phí theo cách này giúp phân tích chi phí kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận, nhằm kiểm soát hoạt đôngcủa doanh nghiệp

1.3. Phân loại chi phí theo phương pháp tập hợp chi phí và đối tượng chịu phí.

Theo cách phân loại này chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN bao gồm:

– Chi phí trực tiếp: Là những chi phí liên quan trực tiếp đến đối tượng tập hợp chi phí. Với những chi phí này kế toán căn cứ vào chứng từ ghi trực tiếp cho từng đối tượng chịu chi phí.

– Chi phí gián tiếp: Là những chi phí có liên quan đến nhiều đối tượng tập hợp chi phí mà không thể tập họp riêng được do vậy phải tập hợp chung. Đối với những chi phí này kế toán phải phân bổ cho từng đối tượng liên quan đến theo tiêu chuẩn nhất định.

Phân loại chi phí theo cách này giúp xác định phương pháp kế toán tập hợp và phân bổ chi phí cho các đối tượng được đúng đắn và hợp lý.

1.4. Phân loại chi phí theo nội dung kinh tế

Căn cứ vào nội dung kinh tế, chi phí bán hàng được chia thành các yếu tố bao gồm:

  • Chi phí nhân công: Là toàn bộ tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương mà doanh nghiệp phải trả cho nhân viên bán hàng, nhân viên đóng gói bảo quản hàng hoá, nhân viên tiếp thi vận chuyển.…Ngoài ra còn bao gồm các khoản BHXH, BHYT, KPCĐ trích theo lương trả cho cho nhân viên bán hàng, nhân viên đóng gói bảo quản hàng hoá, nhân viên tiếp thi vận chuyển…
  • Chi phí vật liệu bao bì: Là những khoản chi phí mua nguyên vật liệu, bao bì xuất dùng phục vụ cho việc đóng gói bảo quản sản phẩm, hàng hoá trong quá trình tiêu thụ, vật liệu dùng để sửa chữa, bảo quản tài sản cố đinh phục vụ bán hàng.
  • Chi phí dụng cụ đồ dùng là những chi phí mua sắm công cụ đồ dùng sử dụng ở bộ phận bán hàng như dụng cụ đo luờng, phương tiện tính toán …
  • Chi phí khấu hao tài sản cố định: Phản ánh chi phí khấu hao TSCĐ dùng ở bộ phận bảo quản, bán hàng như nhà kho, cửa hàng, phương tiện bốc dỡ vận chuyển đo lường …
  • Chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hoá: Là những khoản chi phí về vật liệu, công cụ dụng cụ, tiền lương, các khoản BHXH, BHYT, KPCĐ trả cho công nhân bảo hành và các khoản chi phí khác phát sinh trong quá trình bảo hành sản phẩm, hàng hoá .
  • Chi phí dịch vụ mua ngoài: Là những khoản chi phí mà doanh nghiệp trả về tiền dịch vụ mua ngoài trong quá trình bán hàng như tiền thuê kho, bãi, của hàng, thuê bốc vác, vận chuyển hàng hoá đi tiêu thụ, tiền hoa hồng đại lý bán…
  • Chi phí bằng tiền khác: Là toàn bộ chi phí ngoài các khoản mục trên phát sinh trong quá trình bán hàng hoá: chi phí quảng cáo, chi phí hội nghị khách hàng …

Xét theo nội dung kinh tế, chi phí quản lý doanh nghiệp bao gồm:

  • Chi phí nhân viên quản lý: Là toàn bộ tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương phải trả cho nhân viên QLDN. Ngoài ra còn bao gồm các khoản BHXH, BHYT, KPCĐ trích theo lương trả cho cho nhân viên QLDN
  • Chi phí vật liệu quản lý: Là những khoản chi phí về vật liệu dùng cho công tác quản lý doanh nghiệp như giấy, bút, văn phòng phẩm…. vật liệu sử dụng để sửa chữa TSCĐ ở bộ phận quản lý .
  • Chi phí đồ dùng văn phòng: Là những khoản chi phí mua sắm và xuất dùng các loại dụng cụ, đồ dùng văn phòng sử dụng ở bộ phân quản lý DN.
  • Chi phí khấu hao TSCĐ: Là biểu hiện bằng tiền phần giá trị hao mòn của TSCĐ dùng chung toàn doanh nghiệp như nhà của làm việc của các phòng ban, phương tiện truyền dẫn, máy móc thiết bị quản lý của văn phòng …
  • Thuế, phí và lệ phí: Là số tiền doanh nghiệp phải nộp về các khoản thuế môn bài, thuế nhà đất, , các khoản phí, lệ phí có tính chất thuế phải nộp.
  • Chi phí dự phòng: Là khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi trong KD của DN.
  • Chi phí dịch vụ mua ngoài: Là số tiền phải trả về các dịch vụ mua ngoài sử dụng ở bộ máy quản lý của DN như tiền điện, nước, điện thoại, …
  • Chi phí bằng tiền khác: Là các khoản chi phí khác phát sinh ở bộ phận quản lý kinh doanh, quản lý hành chính và các chi phí chung khác ngoài các chi phí đã nêu trên như chi phí hội nghị, tiếp khách, công tác phí, đào tạo cán bộ…

Phân loại chi phí theo cách này giúp quản lý định mức chi phí, cung cấp số liệu cho công tác quản trị chi phí của doanh nghiệp.

2. Nhiệm vụ của kế toán chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp:

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp là một chỉ tiêu chất lượng quan trọng, qua đó phản ánh trình độ tổ chức, quản lý kinh doanh của doanh nghiệp . Mức phí có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc tiết kiệm chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp không những góp phần giảm chi phí sản xuất kinh doanh nói chung, nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp, mà còn có tác dụng góp phần cải thiện nâng cao đời sống của người lao động. Do đó, không ngừng phấn đấu hạ thấp chi phí nói chung và chi phí bán hàng, chi phí quản lý nói riêng luông được coi là một vấn đề cấp bách của doanh nghiệp . Để góp phần thực hiện mục tiêu này, kế toán chi phí phải đảm bảo thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

– Ghi chép, phản ánh chính xác, kịp thời, đầy đủ các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý phát sinh trong kỳ.

– Kiểm tra chặt chẽ và có hệ thống chi phí phát sinh nhằm đảm bảo tính hợp lệ, hợp pháp của từng khoản chi phí, ngăn ngừa những hành vi tham ô, lãng phí.

– Phản ánh kịp thời và thường xuyên tình hình kế hoạch và định mức chi phí.

– Tổ chức kế toán chi phí theo từng yếu tố, từng khoản mục, và địa điểm phát sinh chi phí, nhằm đáp ứng yêu cầu của chế độ hạch toán kinh tế theo cơ chế hiện nay, phục vụ cho việc kiểm tra, phân tích và đánh giá chi phí trong kỳ.

– Cuối kỳ phải kết chuyển toàn bộ chi phí bán hàng, chi phí quản lý cho số hàng hoá đã tiêu thụ trong kỳ. Nếu doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh dài, trong kỳ không có doanh thu hoặc doanh thu thấp, kế toán phải tính toán và phân bổ chi phí để kết chuyển cho kỳ kinh doanh hoặc phân bổ cho kỳ sau nhằm xác định đúng đắn kết quả hoạt động sản xuất trong kỳ.