Nội dung các nghiệp vụ thanh toán trong doanh nghiệp và nhiệm vụ kế toán

1.  Nội dung các nghiệp vụ thanh toán trong doanh nghiệp

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp luôn luôn phát sinh các quan hệ thanh toán giữa doanh nghiệp với các tổ chức kinh tế khác. Các nghiệp vụ thanh toán phát sinh trong doanh nghiệp một cách thường xuyên liên tục bao gồm nhiều loại có nội dung kinh tế và yêu cầu quản lý khác nhau.

Căn cứ vào nội dung kinh tế, các nghiệp vụ thanh toán trong doanh nghiệp được chia thành các khoản phải thu và các khoản phải trả:

Các khoản phải thu: là một bộ phận thuộc tài sản của doanh nghiệp đang bị các đơn vị và các cá nhân khác chiếm dụng mà doanh nghiệp có trách nhiệm phải thu hồi. Các khoản phải thu trong doanh nghiệp thương mại bao gồm

  • Các khoản phải thu của khách hàng.
  • Các khoản thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
  • Các khoản phải thu nội bộ.
  • Các khoản tạm ứng cho CNV
  • Các khoản thế chấp, ký cược, ký quỹ.

Các khoản phải trả: là một bộ phận thuộc nguồn vốn của doanh nghiệp được tài trợ từ các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác mà doanh nghiệp có trách nhiệm phải trả. Các khoản phải trả trong doanh nghiệp thương mại bao gồm:

  • Các khoản tiền vay của Ngân hàng, của các tổ chức kinh tế và các cac nhân để bổ sung cho nhu cấu nguồn vốn của doanh nghiệp.
  • Các khoản phải trả cho người bán vật tư hàng hoá hay cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp.
  • Các khoản phải nộp cho Nhà nước bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí.
  • Các khoản phải trả cho CNV: tiền lương, tiền thưởng, tiền trợ cấp BHXH
  • Các khoản được phép trích trước vào chi phí sản xuất kinh doanh nhưng thực tế chưa phát sinh.
  • Các khoản phải trả trong nội bộ doanh nghiệp.
  • Các khoản phải trả phải nộp khác: tài sản thừa chưa rõ nguyên nhân, các khoản phải nộp về BHXH, BHYT, kinh phí công đoàn…
  • Các khoản tiền tài sản nhận ký quỹ, ký cược dài hạn.

Căn cứ vào thời hạn thanh toán các nghiệp vụ thanh toán được phân hành các khoản phải thu hoặc phải trả ngắn hạn hoặc dài hạn.

Các khoản phải thu hoặc phải trả ngắn hạn: là các khoản thanh toán có thời hạn hoặc phải trả trong một năm hoặc một chu kỳ kinh doanh dình thường của doanh nghiệp.

Các khoản phải thu hoặc phải trả dài hạn: Là các khoản thanh toán có thời hạn phải thu hoặc phải trả trên một năm .

2. Nguyên tắc hạch toán các nghiệp vụ thanh toán trong doanh nghiệp

Để theo dõi chính xác, kịp thời các nghiệp vụ thanh toán, cung cấp thông tin cho quản lý, kế toán cần phải quán triệt những nguyên tắc sau:

  • Phải theo dõi chi tiết từng khoản nợ phải thu, phải trả theo từng đối tượng, thường xuyên tiến hành đối chiếu, kiểm tra, đôn đốc việc thanh toán các khoản nợ phải thu, phải trả được kịp thời.
  • Phải kiểm tra, đối chiếu và có xác nhận bằng văn bản về số nợ phát sinh, số đã thanh toán và còn phải thanh toán với các đối tượng có quan hệ giao dịch, mua bán thường xuyên, có số dư nợ lớn.
  • Phải theo dõi cả về nguyên tệ và quy đổi theo “ đồng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” đối với các khoản nợ phải trả, phải thu có gốc ngoại tệ. Cuối kỳ, phải điều chỉnh số dư các khoản nợ phải thu, phải trả theo tỷ giá thực tế.
  • Phải theo dõi chi tiết theo cả chỉ tiêu giá trị và hiện vật đối với các khoản nợ phải trả, phải thu bằng vàng, bạc, đá quý. Cuối kỳ phải điều chỉnh số dư theo giá thực tế.
  • Phải phân loại các khoản nợ phải trả, phải thu theo thời gian thanh toán cũng như theo từng đối tượng, nhất là những đối tượng có vấn đề có kế hoạch và biện pháp thanh toán phù hợp.
  • Tuyệt đối không bù trừ số dư giữa hai bên Nợ, Có của một số tài khoản thanh toán như tài khoản 131,331 mà phải căn cứ vào số dư chi tiết từng bên để lấy số liệu ghi vào các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán.

3. Nhiệm vụ kế toán các nghiệp vụ thanh toán trong doanh nghiệp:

  • Theo dõi, ghi chép, phản ánh một các kịp thời, đầy đủ và chính xác các khoản phải thu, phải trả và tình hình thanh toán các khoản nợ đó, qua đó kiểm tra kiểm soát tình hình quản lý và sử dụng tài sản của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh phát hiện và ngăn chặn tình hình chiếm dụng vốn, tình hình vi phạm kỷ luật thanh toán.
  • Tổ chức kế toán chi tiết và các khoản thanh toán theo từng đối tượng có quan hệ thanh toán, từng khoản nợ theo các chỉ tiêu tổng số nợ phải thu, phải trả, số đã trả, đã trả, số còn lại phải thu, thời hạn phải thu phải trả.
  • Cung cấp kịp thời ( thường xuyên và định kỳ) những thông tin về tình hình công nợ phải thu, phải trả và tình hình thanh toán công nợ cho chủ doanh nghiệp và các cán bộ quản lý doanh nghiệp làm cơ sở, căn cứ cho việc đề ra các quyết định hợp lý trong việc chỉ đạo qúa trình sản xuất kinh doanh và quản lý tài sản của doanh nghiệp.