1. Ý nghĩa của báo cáo “Kết quả hoạt động kinh doanh”
Báo cáo “Kết quả hoạt động kinh doanh” là một báo cáo tài chính tổng hợp phản ánh doanh thu, chi phí và kết qủa của các hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp. Ngoài ra, báo cáo này còn phản ánh tình hình thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước cũng như tình hình thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, được hoàn lại, được miễn giảm và thuế giá trị gia tăng hàng bán nội địa trong một kỳ kế toán.
Báo cáo “Kết quả hoạt động kinh doanh” là bức tranh toàn cảnh về hình ảnh của doanh nghiệp sau một kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh. Nó phản ánh toàn bộ thực trạng tài chính của doanh nghiệp, khả năng sinh lời của vốn. Đồng thời, phản ánh chi tiết kết quả từng hoạt động của doanh nghiệp: Hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động tài chính, hoạt động khác.
Báo cáo “Kết quả hoạt động kinh doanh” cũng là báo cáo tài chính quan trọng cho nhiều đối tượng khác nhau nhằm phục vụ cho việc đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Số liệu ở Phần I – Lãi, lỗ giúp các nhà đầu tư tương lai có thể phân tích khả năng sinh lời của vốn, vòng quay vốn trong kỳ và lợi nhuận sinh lời trên một vòng. Đồng thời phân tích hiệu quả kinh doanh và cho biết 1 đồng doanh thu thuần có thể mang lại bao nhiêu tiền lãi cho doanh nghiệp…. Qua phân tích các chỉ tiêu trên sẽ thấy được xu hướng phát triển của doanh nghiệp, tính chất ngành nghề kinh doanh để các nhà đầu tư tương lai có những quyết định đầu tư đúng đắn.
Thông qua số liệu trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Phần II, III, có thể kiểm tra được tình hình thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước về các khoản thuế: Thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt thuế xuất – nhập khẩu … và các khoản phải nộp khác. Đồng thời số liệu phản ánh ở 2 phần này còn đánh giá được tình hình nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
2. Nội dung và kết cấu của báo cáo “Kết quả hoạt động kinh doanh”
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh gồm 3 phần:
Phần I: Lãi , lỗ
Phần này phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau mỗi kỳ hoạt động (phần I “Lãi, lỗ”). Phần này có nhiều chỉ tiêu liên quan đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh và các chỉ tiêu liên quan đến thu nhập, chi phí của từng hoạt động tài chính và các hoạt động khác cũng như toàn bộ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các chỉ tiêu thuộc phần này đều được theo dõi chi tiết theo số quý trước, quý này và luỹ kế từ đầu năm.
Phần II: Tình hình thực hiện nghĩa vụ với nhà nước
Phần này phản ánh trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước gồm các chỉ tiêu liên quan đến các loại thuế, các khoản phí và các khoản phải nộp khác (phần II “Tình hình thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước”). Các chỉ tiêu ở phần II cũng được chi tiết thành số còn phải nộp kỳ trước, số phải nộp kỳ này, số đã nộp trong kỳ này và số còn phải nộp đến cuối kỳ này cùng với số phải nộp, số đã nộp lũy kế từ đầu năm đến cuối kỳ báo cáo.
Phần III: Thuế GTGT được khấu trừ, thuế gtgt được hoàn lại, thuế gtgt được giảm, thuế gtgt hàng bán nội địa:
Phần này phản ánh số thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, được hoàn lại, được giảm và thuế giá trị gia tăng hàng bán nội địa (phần III “Thuế GTGT được khấu trừ, thuế GTGT được hoàn lại, thuế GTGT được giảm, thuế GTGT hàng bán nội địa). Phần này chi tiết các chỉ tiêu liên quan đến thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, đã khấu trừ; được hoàn lại, đã hoàn lại; được giảm, đã giảm và số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ, còn được hoàn lại, còn được giảm cuối kỳ …
12 Th10 2020
5 Th12 2020
9 Th10 2020
14 Th9 2020
14 Th9 2020
14 Th9 2020