Hiểu rõ nhân viên trong doanh nghiệp

Tuyển dụng và giữ chân nhân tài đòi hỏi những “sản phẩm nghề nghiệp” thiết kế ra phải có hút, có tiềm năng phát triển và tạo được động lực cho người lao động. Điều này đặt ra yêu cầu rằng các nhà quản lý phải hiểu biết về những mong muốn, thái độ của nhân viên cũng như những mối quan tâm của họ. Sư hiểu biết này là nhờ vào việc nghiên cứu thị trường, kinh nghiệm và sự giao tiếp thường xuyên với nhân viên trong doanh nghiệp bằng nhiều hình thức.

Nghiên cứu thị trường rất quan trọng trong tiếp thị nội bộ, nhờ nó mà doanh nghiệp có thể biết được liệu họ đã thỏa mãn được những nhu cầu về cuộc sống, công việc cho nhân viên của mình hay chưa. Doanh nghiệp sẽ giữ chân được nhân tài chỉ khi họ đáp ứng được sự hài lòng và những nhu cầu của nhân viên.

Nói chung, nhân viên rất hiếm khi đòi hỏi các yếu tố như giờ làm, đồng phục, chính sách việc làm, lợi ích và khen thưởng. Nguyện vọng của người lao động về công việc của họ sẽ thay đổi phụ thuộc vào tuổi tác, chu kỳ cuộc sống gia đình và văn hóa. Ví dụ, trong khi nhiều người muốn làm thêm giờ để được nhận thêm lương thì một số người lại muốn những ca làm việc ngắn hơn. Hay như nhiều người muốn nhận ngay tiền thưởng khi họ hoàn thành tốt công việc được giao trong khi một vài người lại muốn có những phần thưởng trong dài hạn (thăng tiến trong công việc).

Nhà quản lý hiểu rõ từng nhân viên của mình sẽ tìm cách xác định các mục tiêu cụ thể để có thể phát huy và hướng đến từng nhân viên. Nhờ đó sẽ giúp các nhân viên biết được khả nǎng của mình và tìm cách hoàn thiện những khả nǎng đó. Như vậy, các nhà quản lý vừa gián tiếp ảnh hưởng vào từng cá nhân nhưng cũng để cho họ có thể tự do phát huy tài nǎng của mình.

Doanh nghiệp không chỉ cần hiểu nhu cầu, mong muốn của người lao động mà họ cũng cần biết rằng mỗi nhân viên có một cá tính riêng mà nhà quản lý cần quan tâm. Cá tính ở đây thể hiện ở cách xử lý công việc, cách giải quyết khó khăn gặp phải hay cách bày tỏ quan điểm của mình với đồng nghiệp và cấp trên… Có người thích làm việc độc lập, có người cảm thấy thất vọng nếu không được nhà quản lý quan tâm, có người lại thích khen thưởng, khích lệ và cũng không ít người chỉ muốn người khác ngầm biểu lộ sự cám ơn.

Tuy nhiên, với những điểm yếu của nhân viên, các nhà quản lý cần biết cách quản lý làm sao để biến một nhược điểm tai hại thành vô hại để hạn chế tối đa những điểm yếu đó làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Hiểu rõ được cả điểm yếu của nhân viên là một lợi thế đối với nhà quản lý, nhờ đó mà họ sẽ cư xử và phân chia công việc cho từng nhân viên sao cho phù hợp với họ nhất.

Nói chung, trong bất kỳ một doanh nghiệp nào, định hướng khách hàng nội bộ là rất quan trọng vì sẽ rất khó cho doanh nghiệp nếu như họ không hiểu biết về đội ngũ nhân lực của mình. Nghiên cứu thị trường và giao tiếp thường xuyên với nhân viên có thể giúp doanh nghiệp thu thập được những thông tin hữu ích về những khách hàng nội bộ hiện tại và tiềm năng.

Nguồn: Nguyễn Hoàng và cộng sự (2014), Marketing nhân sự, NXB Thống kê.