Đánh giá thực hiện đối với nhân viên bán hàng

Đạt được chỉ tiêu kinh doanh đề ra là cơ sở đảm bảo cho hoạt động hiệu quả, sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp và sự thăng tiến trong sự nghiệp của nhân viên bán hàng. Nhiệm vụ quan trọng của Giám đốc bán hàng là động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhân viên bán hàng đạt được các chỉ tiêu bán hàng. Sau thời gian thực hiện, Giám đốc bán hàng cần đánh giá những nỗ lực, kết quả thực hiện của nhân viên bán hàng. Quá trình đánh giá thực hiện được tạo nên một hệ thống kiểm soát quản trị bao gồm thiết lập các mục tiêu thực hiện, so sánh kết quả nhân viên bán hàng đạt được với các mục tiêu đã đề ra, thưởng hay đưa ra các biện pháp cải thiện đối với nhân viên bán hàng.

Việc thực hiện đánh giá đối với nhân viên bán hàng nhằm mục đích:

–    Đánh giá kết quả trong thời gian đã qua.

–    Đưa ra các hoạt động để tăng doanh số bán hàng cho nhân viên trong thời gian sau.

–    Động viên nhân viên bán hàng nâng cao hiệu quả thực hiện.

Đánh giá thực hiện là cơ sở cho Giám đốc bán hàng trong các quyết định như tính lương/ thuởng, tăng lương, đề bạt, cách chức, sa thải…

Việc đánh giá đối với nhân viên bán hàng được thực hiện chính bởi người quản lý bán hàng trực tiếp: Giám sát bán hàng, Trưởng phòng bán hàng khu vực, Giám đốc bán hàng…

Nhiều công ty, người quản lý trực tiếp tham khảo ý kiến với một vài người quản lý cùng cấp hay thậm chí với quản lý cấp cao hơn:

Việc đánh giá đối với nhân viên bán hàng thường được thực hiện vào cuối năm. Quy trình đánh giá bao gồm:

–    Đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá.

–    Tiến hành đánh giá.

–    Các hoạt động tiếp theo sau đánh giá.

Các tiêu chuẩn đánh giá:

Dựa trên các yếu tố quan trọng trong các hoạt động của nhân viên bán hàng, Giám đốc bán hàng đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá. Hai nhóm tiêu chuẩn thường được áp dụng là: các tiêu chuẩn đo lường kết quả và các tiêu chuẩn đo lường hoạt động bán hàng.

Các tiêu chuẩn đo lường kết quả gồm có:

(1) Lượng bán hàng:

–    Doanh số, sản lượng bán hàng.

–    Doanh số, sản lượng bán hàng theo sản phẩm.

–    Doanh số, sản lượng bán hàng theo loại khách hàng.

(2) Tỷ lệ bán hàng:

–    Lượng bán hàng thực hiện so với hạn ngạch bán hàng.

–    Thị phần đạt được.

(3) Lợi nhuận theo sản phẩm, loại khách hàng.

(4) Đơn đặt hàng:

–    Số lượng đơn đặt hàng.

–    Giá trị trung bình đơn đặt hàng.

–    Số lượng đơn đặt hàng bị hủy.

(5) Khách hàng:

–    Số lượng khách hàng mới.

–    Số lượng khách hàng mất đi.

–    Số lượng khách hàng chậm thanh toán.

–    Tỷ lệ khách hàng mua hàng (số lượng khách hàng mua hàng/ tổng số khách hàng).

Các tiêu chuẩn đo lường hoạt động bán hàng gồm có:

–    Số cuộc gọi, thăm viếng khách hàng.

–    Số ngày làm việc.

–    Số bảng báo giá gửi đi.

–    Số lượng khách hàng phàn nàn.

–    Kiến thức về sản phẩm, chính sách bán hàng, khách hàng, các chương trình bán hàng của đối thủ.

–    Kỹ năng bán hàng.

–    Quan hệ với khách hàng.

–    Tinh thần hợp tác trong công việc.

–    Các sáng kiến.

–    Khả năng phân tích, đánh giá dữ liệu bán hàng.

–    Khả năng xử lý các tình huống.

Tiến hành đánh giá

Tiến hành đánh giá là trách nhiệm rất quan trọng trong công việc quản trị của Giám đốc bán hàng và cả đối với nhân viên bán hàng. Điều này đòi hỏi cần thiết có sự chuẩn bị tốt từ cả hai phía.

Chuẩn bị cho cuộc đánh giá, Giám đốc bán hàng cần thu thập đầy đủ các thông tin về kết quả thực hiện của nhân viên bán hàng, thông báo thời gian, địa điểm thực hiện đánh giá và soạn thảo mẫu đánh giá gửi cho nhân viên bán hàng điền vào.

Trao đổi trực tiếp giữa Giám đốc bán hàng và nhân viên:

Giám đốc bán hàng nên thảo luận chân thành, tích cực dựa trên từng tiêu chuẩn đánh giá, và cần khuyến khích nhân viên bán hàng thảo luận kết quả đạt được với từng chỉ tiêu, tự đánh giá kết quả thực hiện và đưa ra các quan điểm, ý kiến đánh giá.

Nhân viên bán hàng cần hiểu rõ kết quả đánh giá. Nếu có sự bất đồng, Giám đốc bán hàng cần giải thích cặn kẽ ngay tại cuộc đánh giá.