Tháng 12/1997, tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2020 đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua nhằm định hướng phát triển ASEAN thành một Cộng đồng ASEAN (AEC – ASEAN Economic Community). Tháng 10/2003, Hội nghị cấp cao ASEAN 9 được tổ chức đã tái khẳng định mong muốn trên trong Tuyên bố Hoà hợp ASEAN II (Tuyên bố Ba-li II). Nội dung tuyên bố nêu ra mục tiêu hình thành một cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với 3 trụ cột chính là (i) hợp tác chính trị – an ninh (Cộng đồng an ninh ASEAN – ASC), (ii) hợp tác kinh tế (Cộng đồng Kinh tế ASEAN – AEC) và (iii) hợp tác văn hoá xã hội (Cộng đồng Văn hoá Xã hội ASEAN – ASCC). Trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 tháng 1/2007, các nước thành viên thống nhất rút ngắn thời hạn hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ 2020 xuống 2015. Bốn mục tiêu chính của AEC là:
- Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: Tự do lưu chuyển hàng hoá; Tự do lưu chuyển dịch vụ; Tự do lưu chuyển đầu tư; Tự do lưu chuyển vốn và Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề.
- Một khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử.
- Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.
- Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu (WTO).
Ba hiệp định về tự do hóa được ký kết là:
- Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN (ATIGA):
Tiền thân là Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) vào năm 1992. Nguyên tắc xây dựng cam kết trong ATIGA là các nước ASEAN phải dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà ASEAN là một bên của thỏa thuận. Việt Nam gia nhập ASEAN từ năm 1995 nhưng đến năm 1999 mới bắt đầu thực thi CEPT (ATIGA sau này). Theo ATIGA, ASEAN – 6 xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 100% dòng thuế thuộc Danh mục thông thường vào năm 2010. Lộ trình với các nước nhóm CLMV là đến năm 2015; nhưng được linh hoạt giữ lại thuế suất đối với 7% số dòng thuế đến năm 2018. Trong số các FTA mà Việt Nam đã ký kết, các cam kết về cắt giảm thuế quan trọng, ASEAN là cao nhất và nhanh nhất.
Như vậy thuế nhập khẩu đã bị cắt bỏ hoặc giảm xuống còn 0 – 5% đối với khoảng 90% dòng thuế kể từ khi thực hiện giảm thuế năm 1999. Việt Nam hiện tại chỉ còn giữ lại linh hoạt 7% dòng thuế tính đến năm 2018 bao gồm các mặt hàng ô tô và linh kiện, sắt thép, linh kiện và phụ tùng xe máy, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, xe đạp và phụ tùng, rượu bia, sản phẩm chất dẻo, giấy các loại. Các dòng thuế còn lại thuộc danh mục loại trừ không cần cắt giảm thuế nhưng phải giảm xuống 5% (gia cầm sống, thịt già, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường). Xăng dầu có lộ trình cắt giảm thuế đến năm 2024 còn thuốc lá thì trong tương lai gần.
- Hiệp định Khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS):
Năm 1995, tại Bankok, Thái Lan, các bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM) đã ký kết hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) với mục tiêu: (i) Xóa bỏ các rào cản về dịch vụ giữa các quốc gia thành viên; (ii) Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ, nâng cao tính cạnh tranh trong các ngành dịch vụ của ASEAN, đa dạng hóa năng lực sản xuất; (iii) Tự do hóa sâu và rộng hơn để nâng tầm tự do hóa thương mại dịch vụ. Nội dung của AFAS tương tự Hiệp định Chung về Thương mại Dịch vụ của WTO. Năm 2003, Nghị định thư sửa đổi AFAS ký năm 2003 nhằm điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ giữa các nước ASEAN.
Kể từ thời điểm ký kết AFAS năm 1995 đến nay, trên cơ sở AFAS, các nước ASEAN đến nay đã hoàn thành 8 Gói cam kết về dịch vụ. Các gói cam kết này được thực hiện thông qua các nghị định thư do Hội đồng bộ trưởng ký kết và cập nhật đầy đủ chi tiết của tiến trình tự do hóa trong các ngành phụ trợ dịch vụ
Trong 8 gói cam kết đã ký, từ gói số 1 đến gói số 7, mức độ mở cửa dịch vụ của Việt Nam hầu hết thấp hoặc chỉ bằng so với các cam kết mở cửa dịch vụ trong WTO. Tuy nhiên, gói cam kết thứ 8, Việt Nam cam kết hội nhập sâu rộng hơn để đạt mục tiêu chuyển dịch dịch vụ tự do vào năm 2015. Cam kết thứ 8 hướng tới mục tiêu: (i) Xóa bỏ các hạn chế sản xuất và tiêu dùng trong khu vực và trên thế giới; (ii) Cho phép các đối tác nước ngoài góp cổ phần lên tới 51%; (iii) Tích cực xóa bỏ các hạn chế
- Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA):
Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA) được các bộ trưởng ASEAN ký kết tháng 2/2009 và có hiệu lực từ 29/3/2012. Hiệp đình này nhằm tạo một cơ chế đầu tư minh bạch, thông thoáng và tự do theo đúng tiêu chí hội nhập ASEAN. Căn cứ vào 2 hiệp định đầu tư ASEAN trước đó là hiệp định ASEAN năm 1997 về việc thúc đẩy và bảo vệ hoạt động đầu tư, cũng được biết đến với cái tên hiệp định đảm bảo hoạt động đầu tư ASEAN (ASEAN IGA) và hiệp định khung về hoạt động đầu tư ASEAN (thường được biết đến với tên gọi hiệp định AIA)
ACIA bao gồm 4 nội dung chính: Tự do hóa đầu tư, Bảo hộ đầu tư, Thuận lợi hóa đầu tư và Xúc tiến đầu tư. Phạm vi điều chỉnh của ACIA bao gồm cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp. ACIA đề cập đến vấn đề tự do hóa thương mại ở các ngành phi dịch vụ: sản xuất, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khai khoáng và các dịch vụ liên quan đến các ngành trên. Phạm vi điều chỉnh của ACIA bao gồm cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.
29 Th12 2021
3 Th8 2022
3 Th8 2022
3 Th8 2022
3 Th8 2022
5 Th1 2022