Chính sách thuế quan trong điều kiện tự do thương mại quốc tế

Nhìn chung, trong điều kiện tự do thương mại quốc tế, chính sách thuế quan của các quốc gia đều có tác động nới lỏng sự hạn chế thương mại thông qua việc từng bước giảm dần các mức thuế trên cơ sở các hiệp định đa phương, song phương trong khu vực và trên thế giới. Điển hình cho các thỏa thuận ở phạm vi khu vực là: EU, NAFTA, AFTA… và toàn cầu là WTO. Thương lượng trong việc xây dựng biểu thuế quan là một đặc trưng cơ bản của chính sách thuế xuất nhập khẩu trong những năm gần đây.

Một đặc trưng cơ bản trong tự do thương mại quốc tế chính là sự hình thành các liên minh thuế quan, điều này đã có những ảnh hưởng nhất định đến lượng hàng hóa được trao đổi giữa các quốc gia thuộc liên minh và các quốc gia ngoài liên minh. Nhờ có chính sách này mà khối lượng thương mại giữa các quốc gia thuộc liên minh đã tăng đáng kể, tuy nhiên nó cũng tạo ra một hàng rào ngăn cản hàng hóa của các quốc gia ngoài liên minh. Các liên minh thuế quan chủ yếu được hình thành trong phạm vi khu vực nhằm tự do hóa thương mại giữa các nước trong khu vực và bảo hộ thị trường khu vực trước sự cạnh tranh của hàng hóa đến từ bên ngoài.

Một lợi ích nữa của liên minh thuế quan trong trường hợp tự do hóa thương mại là nó giúp mỗi quốc gia tận dụng triệt để những nguồn lực có thế mạnh, loại bỏ những ngành sản xuất không hiệu quả, bên cạnh đó người tiêu dùng cũng sẽ được sử dụng những sản phẩm rẻ hơn và chất lượng đảm bảo hơn.

Những nội dung chính về thuế quan trong các thỏa thuận liên minh bao gồm 2 vấn đề:

  • Ràng buộc về thuế quan: Các nước đều được khuyến khích loại bỏ bảo hộ sản xuất trong nước bằng cách giảm thuế nhập khẩu trong đàm phán thương mại.
  • Bảo hộ các ngành sản xuất trong nước thông qua thuế quan. Mặc dù các liên minh được thành lập để thúc đẩy tự do hóa thương mại, song các nước thành viên có thể vẫn phải bảo vệ sản xuất trong nước chống lại cạnh tranh nước ngoài. Bảo vệ sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh bằng việc áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế chống phân biệt đối xử.

Như vậy, có thể thấy, trong quá trình hội nhập, việc xóa bỏ hàng rào thuế quan là tất yếu khách quan do sự ràng buộc mà các quốc gia đã cam kết với nhau trong một định chế thúc đẩy tự do hóa thương mại quốc tế. Nguyên nhân để các quốc gia cam kết và thực hiện là những lợi ích mà tự do thương mại mang lại lớn hơn những bất lợi mà nó gây ra cho các quốc gia. Mặc dù tự do hóa thương mại mang lại rất nhiều lợi ích cho các quốc gia ở những mức độ khác nhau, song bất kỳ quốc gia nào cũng luôn muốn bảo hộ nền sản xuất của mình trước sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu.

Chính vì vậy, bên cạnh việc tham gia vào các liên minh thuế quan, các quốc gia cũng có xu hướng điều chỉnh chính sách bảo hộ của mình để phù hợp hơn với quá trình tự do thương mại. Rất nhiều quốc gia sau khi đã đạt được các thỏa thuận về tự do hóa thương mại, họ sẽ tiến hành hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước theo hướng tận dụng tối đa các công cụ mà liên minh thuế quan và các bên trong các thỏa thuận khu vực chấp nhận để bảo hộ sản xuất trong nước. Đó là việc nghiên cứu và tổ chức thực thi các quy định pháp luật về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế chống phân biệt đối xử ….

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.