Công cụ phi thuế quan: Bán phá giá hối đoái

1. Khái niệm và mục đích

Tổ chức thương mại quốc tế WTO cho rằng bán phá giá hối đoái là việc xuất khẩu hàng hoá với giá thấp hơn giá của đối thủ cạnh tranh do sử dụng lợi nhuận phụ thêm thu được từ sự mất giá của đồng tiền (sự đánh sụt giá đồng tiền của nước đó so với đồng tiền của nước khác). Không giống với bán phá giá hàng hoá, khi một quốc gia bán phá giá hối đoái, giá bán hàng hóa không thấp hơn giá thành sản xuất. Giá bán ra thị trường nước ngoài có thể cao hơn giá tại thị trường nội địa và bán phá giá hối đoái xảy ra với tất cả hàng hoá một cách tự động (Gandolfo, 2014).

Xuất phát điểm của hành vi bán phá giá hối đoái là đồng tiền mất giá trong nước, sau đó phá giá đồng tiền trong nước đối với ngoại tệ (mất giá so với ngoại tệ), sức mua của đồng tiền trong nước cao hơn ở thị trường nước ngoài do đồng tiền mất giá đối ngoại cao hơn mất giá đối nội. Trong thời điểm đó, các doanh nghiệp sản xuất thanh toán nguyên liệu, tiền lương…. với số lượng đơn vị tiền tệ được ấn định trước khi phá giá đồng tiền. Đồng thời, hoạt động xuất khẩu thành phẩm sẽ thu được số ngoại tệ với lợi nhuận ngoại ngạch nhiều hơn bình thường. Hoạt động bán phá giá hối đoái có thể tiếp tục đến khi mất giá trong nước tăng bằng mất giá đối ngoại của đồng tiền. Đồng thời tiền của quốc gia mà hàng hoá xuất sang không bị phá giá hoặc phá giá ở mức thấp.

Bán phá giá hối đoái chỉ có thể xảy ra khi mất giá đối ngoại của đồng tiền phải cao hơn mất giá đối nội; các nước nhập khẩu hàng hoá của nước có đồng tiền không đồng thời phá giá đồng tiền của mình, hoặc phá giá ở mức thấp hơn; các nước không dùng những biên pháp chống phá giá hoặc không áp dụng bán phá giá hối đoái.

Các quốc gia thực hiện bán phá giá hối đoái nhằm 2 mục đích chính:

  • Nâng cao năng lực cạnh tranh một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn so với cơ chế để nền kinh tế tự điều chỉnh theo hướng suy thoái (vì khả năng cạnh tranh kém nên cầu xuất khẩu ròng giảm dẫn đến tổng cầu giảm) đi kèm với mức lạm phát thấp kéo dài cho đến khi năng lực cạnh tranh tăng lên (do tiền lương, giá cả giảm xuống đến mức có khả năng cạnh tranh). Chính phủ các nước thường sử dụng chính sách phá giá hối đoái khi có một cú sốc mạnh và kéo dài đối với cán cân thương mại.
  • Khi cầu về nội tệ giảm, Chính phủ phải dùng ngoại tệ dữ trữ để mua nội tệ vào nhằm duy trì tỷ giá hối đoái và khi ngoại tệ dự trữ cạn kiệt Chính phủ phải phá giá tiền tệ.

2. Tác động của bán phá giá hối đoái

Về lý thuyết, bán phá giá hối đoái thường được thực hiện để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa nhằm cải thiện cán cân thanh toán vãng lai. Tuy nhiên, điểm yếu của phá giá là sẽ làm tăng giá hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến lạm phát. Sau đây là một vài tác động chủ yếu của chính sách bán phá giá hối đoái:

  • Ảnh hưởng đến tài khoản vãng lai: Xuất phát từ mục tiêu của phá giá hối đoái là làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa và từ đó cải thiện cán cân thanh toán vãng lai. Khi đồng nội tệ giảm giá sẽ làm tăng tỷ giá danh nghĩa, kéo theo tỷ giá thực tăng sẽ kých thích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, cải thiện cán cân thương mại. Khi tỷ giá tăng, giá xuất khẩu rẻ đi khi tính bằng ngoại tệ, giá nhập khẩu tính theo đồng nội tệ tang (hiệu ứng giá cả). Còn khi tỷ giá giảm làm giá hàng xuất khẩu rẻ hơn đã làm tăng khối lượng xuất khẩu trong khi hạn chế khối lượng nhập khẩu (hiệu ứng số lượng). Tuy nhiên, không thể khẳng định việc bán phá giá hối đoái làm cho cán cân thương mại xấu đi hay được cải thiện, điều này tùy thuộc vào hiệu ứng giá cả và hiệu ứng số lượng cái nào trội hơn.

Về ngắn hạn, tỷ giá tăng trong khi giá cả và tiền lương trong nước tương đối cứng nhắc sẽ làm giá hàng hóa xuất khẩu rẻ hơn, nhập khẩu trở nên đắt hơn, nhu cầu xuất khẩu tăng lên, cũng như nhu cầu trong nước tăng lên. Ngoài ra, cầu hàng nhập khẩu không nhanh chóng giảm còn do tâm lý người tiêu dùng bởi khi phá giá, giá hàng nhập khẩu tăng lên nhưng người tiêu dùng có thể lo ngại về chất lượng hàng nội chưa có hàng thay thế xứng đáng làm cho cầu hàng nhập khẩu chưa thể giảm ngay. Vì vậy, trong ngắn hạn số lượng hàng xuất khẩu không tăng lên nhanh chóng và số lượng hàng nhập khẩu cũng không giảm mạnh, hiệu ứng giá cả thường có tính trội hơn hiệu ứng số lượng làm cho cán cân thương mại xấu đi.

Về dài hạn, giá hàng trong nước giảm kých thích sản xuất gia tăng. Lúc này, người tiêu dùng trong nước cũng đủ thời gian tiếp cận và so sánh chất lượng hàng trong nước với hàng nhập và các doanh nghiệp cũng có thời gian tập hợp đủ các nguồn lực để tăng khối lượng sản xuất. Khi đó, sản lượng bắt đầu co giãn, hiệu ứng số lượng có tính trội hơn hiệu ứng giá cả làm cán cân thương mại được cải thiện.

  • Ảnh hưởng đến lạm phát: Khi giá cả nhập khẩu tăng, giá cả nội địa cũng thường tăng sau khi phá giá tiền tệ. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào tỷ trọng nhập khẩu trong tiêu dùng nội địa. Mức độ ảnh hưởng sẽ lớn nếu nhập khẩu chiếm một tỷ trọng lớn trong tiêu dùng nội địa và nhà xuất khẩu đặt giá nội địa cao bằng với giá xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc tăng giá hàng nội địa cũng ảnh hưởng đến quan hệ giá cả – lương. Nếu như lương được điều chỉnh theo mức độ lạm phát thì lương sẽ tang, dẫn tới hiện tượng lạm phát leo thang gây ảnh xấu đến tiết kiệm, đầu tư, phát triển kinh tế, phân bổ thu nhập của người dân.
  • Ảnh hưởng đến sản xuất: Việc tăng giá sẽ làm giảm tiền lương thực tế trong ngắn hạn, đồng thời giảm tài sản tiết kiệm của người dân bằng đồng tiền nội địa. Hơn nữa, giảm thu nhập thực tế sẽ hạn chế người dân tiêu dùng dẫn tới giảm mức chi tiêu của quốc gia. Do vậy, thường sẽ có sự tái phân bổ thu nhập và tài sản sau khi phá giá hối đoái. Nếu việc tái phân bổ này được thực hiện ở nhóm dân số có mức tiêu dùng thấp thì chi tiêu của quốc gia vẫn giảm. Chính việc giảm chi tiêu có thể cải thiện tài khoản vãng lai, nhưng cũng làm giảm cầu đối với hàng hóa nội địa, gây ra thất nghiệp trong một số ngành kinh tế. Trong trường hợp này, quy mô sản xuất tăng hay giảm tùy thuộc vào mức độ chi tiêu chính phủ và mức độ ảnh hưởng của phá giá tiền tệ đến việc sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu.
  • Ảnh hưởng đến ngân sách Chính phủ: Việc các quốc gia phá giá tiền tệ có thể ảnh hưởng gián tiếp đến ngân sách Chính phủ, nó có thể cải thiện hay làm thâm hụt ngân sách phụ thuộc vào tầm quan trọng của các khoản thu và chi chịu ảnh hưởng trực tiếp của tỷ giá hối đoái. Về nguồn thu ngân sách bao gồm: thuế xuất nhập khẩu và viện trợ nước ngoài. Phá giá hối đoái có xu hướng làm tăng thuế thu đối với giao dịch thương mại nước ngoài. Mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào tương quan so sánh giữa thuế thu từ xuất nhập khẩu và tổng thuế thu được, độ co giãn về thuế, độ co giãn theo giá của xuất nhập khẩu. Nếu một quóc gia nhận được một lượng lớn viện trợ nước ngoài, khoản thu này cũng sẽ tăng theo tỷ lệ của phá giá tiền tệ.

Nguồn chi ngân sách gồm những khoản bù trừ nguồn thu. Nếu một quốc gia đang có một khoản nợ nước ngoài lớn, việc phá giá tiền tệ sẽ làm cho quốc gia đó phải trả khoản lãi suất lớn. Bên cạnh đó, khoản chi của Chính phủ phục vụ cho an ninh, quân sự … từ nước ngoài cũng sẽ tăng lên.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.