Ngày 1/5/2004, Liên minh châu Âu đã tiến hành mở rộng lần thứ 5 nâng tổng số các nước thành viên lên con số 25 và trở thành thể chế kinh tế – chính trị khu vực lớn nhất trên thế giới và là đối tác quan trọng của nhiều quốc gia. Có thể nói, EU là một thị trường lớn với sức tiêu thụ ổn định nên chính sách thương mại quốc tế của tổ chức nay đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là các chính sách ngoại thương.
Tất cả các thành viên của EU đều áp dụng chung một chính sách ngoại thương đối với các quốc gia ngoài khối do Ủy ban châu Âu tiến hành đàm phán và quyết định. Chính sách này bao gồm chính sách thương mại tự trị và chính sách dựa trên cơ sở hiệp định. Hai chính sách này được thực hiện dựa trên nguyên tắc công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh với các biện pháp áp dụng là thuế quan, hàng rào kỹ thuật và trợ cấp xuất khẩu. Bên cạnh đó, EU cũng tích cực mở rộng thì trường, đa dạng hóa hàng hóa và tự do hóa thương mại thông qua các chính sách khuyến khích xuất khẩu, và tự do hóa thương mại dựa trên tình hình phát triển của khối nói riêng và thế giới nói chung nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường quốc tế. Đối với các thị trường khác nhau, EU áp dụng hệ thống Ưu đãi Thuế quan phổ cập (GSP) giúp cho các nước đang phát triển và chậm phát triển vẫn có thể thâm nhập vào thị trường của khối. Đồng thời, EU còn ký nhiều hiệp định thương mại, song phương và đa phương với các nước trên thế giới như Úc, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… và duy trì các cam kết về thuế quan, số lượng sản phẩm được trợ cấp xuất khẩu,… theo đúng lộ trình đã vạch ra.
Về hệ thống thuế, với các sản phẩm mà EU chưa sản xuất được hoặc sản xuất không đủ sẽ được miễn hoặc hưởng lãi suất thấp và ngược lại, các mặt hàng khối đã sản xuất được sẽ chịu thuế suất cao. Các sản phẩm thuộc công nghệ thông tin hoặc dược sẽ được áp dụng chính sách thuế ưu đãi để thúc đẩy các mặt hàng này. Bên cạnh đó, EU còn hướng vào thực hiện chương trình mở rộng hàng hóa để đẩy mạnh hoạt động tự do hóa thương mại quốc tế đồng thời thực hiện lịch trình cắt giảm thuế quan đánh vào hàng hóa xuất nhập khẩu, dần dần xóa bỏ hạn ngạch và hỗ trợ các nước đang phát triển dễ dàng thâm nhập vào thị trường chung của khối. Ngoài ra, để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, EU còn áp dụng thuế chống phá giá, chống tài trợ và các điều kiện bảo hộ khác để đảm bảo chất lượng cho các mặt hàng xuất nhập khẩu, bảo vệ thị trường trong nước và loại bỏ những hàng hóa ăn cắp bản quyền.
Đối với từng khu vực khác nhau, EU áp dụng các chính sách thương mại khác nhau, chẳng hạn như:
Đối với các nước trong khu vực Châu Á, EU nhìn nhận đây là thị trường giàu tiềm năng với nhiều lợi ích trong tương lai, là nơi tập trung đông dân số với sức tiêu thụ mạnh. Chính vì thế, EU áp dụng nhiều chính sách thương mại ưu đãi hỗ trợ đối với khu vực này thông qua các tổ chức quốc tế như ASEAN, thông qua các hoạt động hỗ trợ mở cửa kinh tế, mở rộng môi trường đầu tư của khu vực để thúc đẩy hòa bình và an ninh. Các chính sách này vừa đảm bảo lợi ích của cả hai bên vừa khuyến khích châu Á tham gia tích cực hơn vào các mối quan hệ đa phương với các nước khu vực châu Âu. Cụ thể, đối với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn thứ hai sau Mỹ và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của EU, chính sách thương mại của EU thiên về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch nhằm bảo vệ nền kinh tế nội khối, tuy nhiên vẫn tạo điều kiện cho những hàng hóa đảm bảo chất lượng của Trung Quốc có thể thâm nhập vào thị trường. Đối với Nhật Bản, giữa hai bên từ lâu đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp cà có chiều hướng phát triển thuận lợi. EU liên tục mở rộng hợp tác thương mại với Nhật nhằm tiếp cận sâu rộng thị trường này trên nhiều lĩnh vực để mở rộng cơ hội kinh doanh và phát triển mối quan hệ. Bên cạnh đó, EU tham gia đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương với Nhật, đề cao biện pháp đối thoại để tạo được dòng chảy thương mại cân bằng hơn. Còn đối với khu vực ASEAN, đây là đối tác được EU quan tâm và coi là đối tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế. Mặc dù giữa hai bên có nhiều khác biệt nhưng trong kinh tế, cả hai bên đều tìm thấy những lợi ích nhất định nên sự hợp tác giữa hai bên luôn được đề cao và mở rộng. Cụ thể, EU dành ra khoản đầu tư lớn cho thị trường Đông Nam Á, thực hiện hai chính sách chủ đạo là Hiệp định Tự do Mậu dịch EU – ASEAN và Sáng kiến Thương mại liên khu vực ASEAN. Chính vì thế, không ngạc nhiên khi EU hiện nay trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ ba, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên không ngừng tăng lên qua các năm. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho biết mối quan hệ đầu tư giữa EU và ASEAN vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai khu vực và hy vọng trong tương lai, với việc tăng cường xúc tiến các hoạt động thương mại, đầu tư, hai bên sẽ đạt được nhiều thành tựu đáng kể hơn nữa.
Hình 10.4: Thương mại hàng hóa EU – ASEAN năm 2014
Đơn vị: Triệu Euro
Nguồn: Eurostat
Đối với Mỹ – một đối tác chiến lược, EU áp dụng chính sách tăng cường, làm sâu sắc hơn mối quan hệ với quốc gia này. Ở lĩnh vực nông nghiệp EU giảm các rào cản thương mại cho Mỹ, đồng thời tiếp tục duy trì các cơ chế đầu tư mở, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường buôn bán và việc làm phát triển. Giữa hai bên còn thành lập Hội đồng Kinh tế xuyên Đại Tây Dương nhằm thúc đẩy và duy trì sự phát triển của các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ, đầu tư, thị trường tài chính… Có thể nói, Mỹ đóng vai trò quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của EU và trong tương lai, với sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, mối quan hệ này sẽ đạt được nhiều triển vọng mới.
Đối với Nga, EU là đối tác thương mại chính, chiếm tới hơn 50% thị trường xuất khẩu của Nga trong khi Nga là đối tác cung cấp hơn 30% năng lược của EU, hơn nữa còn là đối tác quan trọng của EU nâng tầm ảnh hưởng của mình. Chính vì thế, hai bên tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ phát triển các ngành năng lượng, khoa học. Đặc biệt, việc thành lập khu vực tự do Mậu dịch Nga – EU nhằm từng bước dỡ bỏ những rào cản về nhập cư, hình thành khu vực tự do thương mại được hai bên nhiệt tình ủng hộ.
Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.
3 Th8 2022
3 Th8 2022
29 Th7 2022
3 Th8 2022
29 Th7 2022
3 Th8 2022