Ứng dụng marketing điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu

1. Khai thác hệ thống các Trade Points trên Internet để quảng cáo

Trade Point hay “tâm điểm thương mại” là một sáng kiến của tổ chức Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNCTAD), nằm trong chương trình Hiệu quả thương mại (Trade Efficiency) và Thuận lợi hoá thương mại (Trade Facilitation), sử dụng những tiến bộ về công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại nói chung và thương mại quốc tế nói riêng.

Một trong những mục đích cơ bản của Trade Point là cung cấp một website làm trung tâm tại đó có tất cả các thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh như thông tin về thị trường, hàng hoá, dịch vụ, vận tải, bảo hiểm, môi giới, các quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, thuế… Hơn nữa website này kết nối tới các tâm điểm thương mại khác để mở rộng mạng lưới thông tin trên toàn cầu. Thông qua tâm điểm thương mại, các cơ quan, tổ chức liên quan để doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần tiếp cận một địa điểm (một cửa) để có được thông tin thương mại toàn cầu.

Chương trình Trade point có ba chức năng chính:

  • Cung cấp các dịch vụ kinh doanh, thương mại
  • Cung cấp các dịch vụ thông tin thị trường, tìm kiếm bạn hàng
  • Kế nối các doanh nghiệp với nhau

Doanh nghiệp có thể sử dụng Trade point để tiến hành các hoạt động trước giao dịch (pre-transaction) như liên lạc, tìm kiếm bạn hàng, thị trường. Sau đó, nếu thuận lợi các doanh nghiệp có thể tiến tới đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng.

Tâm điểm thương mại đầu tiên trên thế giới được thành lập năm 1992 với sự tham gia của 171 nước. Hiện nay có khoảng 152 trade point tại 92 nước trên thế giới và con số này đang tiếp tục tăng nhanh.

Website http://www.wtpfed.org là một trong những tâm điểm thương mại, cho phép các tâm điểm thương mại khác trên khắp thế giới được liên kết với nhau tại đây.

 *  Khai thác các “cơ hội kinh doanh điện tử” trên Internet

Cơ hội kinh doanh điện tử hay ETO (Electronic Trade Opportunity) là một dịch vụ được nhiều doanh nghiệp quan tâm khi triển khai marketing điện tử. Nhờ dịch vụ này, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm người mua hàng, người bán hàng hay phát hiện ra nhu cầu thị trường. Dịch vụ ETO được cung cấp trên các tâm điểm thương mại, sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc các cổng thương mại điện tử. ETO cho phép các doanh nghiệp tham gia gửi các đơn chào hàng, hỏi hàng lên một địa điểm trên website và mọi doanh nghiệp trên khắp thế giới đều có thể tiếp cận được thông qua Internet. ETO là một hoạt động khá tiêu biểu của hầu hết các tâm điểm thương mại (Trade point).

 Đây thực chất là một ứng dụng của thương mại truyền thống trên Internet khi đưa các yêu cầu chào mua và chào bán lên mạng. Trong thương mại truyền thống, khi các doanh nghiệp muốn chào bán (offer) hay chào mua (inquiry) thì phải thực hiện trên các phương tiện truyền thông như tivi, đài, báo, tạp chí, fax, điện thoại hoặc hội chợ, triển lãm. Các phương tiện trên hiện nay vẫn còn hiệu quả, nhưng Internet phát triển tạo ra một phương tiện mới, một công cụ mới cho phép hầu hết doanh nghiệp có thể tham gia với chi phí rẻ hơn, nhanh hơn và hiệu quả lớn hơn.

2. Khai thác các sàn giao dịch thương mại điện tử B2B

Sàn giao dịch điện tử (Electronic marketplace) là một website, tại đó người mua và người bán gặp nhau, trao đổi và giao dịch. Trong giai đoạn này, có thể thấy các e-market place chưa được phát triển rộng để được hiểu là thị trường điện tử với đầy đủ các ý nghĩa của thị trường, nhưng với ý nghĩa là một địa điểm để các nhu cầu có thể được đáp ứng, chợ điện tử có những ưu thế to lớn hơn nhiều so với chợ truyền thống.

Doanh nghiệp có thể sử dụng e-market place để tiến hành:

– Giới thiệu, quảng bá sản phẩm dịch vụ vì đây là địa điểm tập trung để người mua và bán trên khắp thế giới gặp nhau

– Tiến hành các giao dịch điện tử trên các e-marketplace, do e-marketplace tập trung được nhiều quan hệ giữa cá nhân, tổ chức và chính phủ và có khả năng đầu tư để cung cấp các giải pháp bảo mật, thanh toán hỗ trợ cho các giao dịch điện tử của doanh nghiệp.

3. Tìm hiểu thông tin thị trường qua Sở giao dịch hàng hoá trên Internet

Sở giao dịch hàng hoá là một trong những tổ chức giao dịch mua bán hàng hoá cổ truyền nhất trong thương mại với nhiều tên gọi: commodity exchange, commodity market, corn exchange… Đây là nơi người ta tiến hành các giao dịch mua và bán hàng hoá với khối lượng lớn, những loại hàng hoá có phẩm cấp rõ ràng như kim loại, ngũ cốc, cà phê, cao su… Việc mua bán ở đây tiến hành theo những quy chế chặt chẽ thông qua những người môi giới do sở giao dịch hàng hoá chỉ định.

Sở giao dịch hàng hoá thể hiện tập trung quan hệ cung cầu về một số mặt hàng trong từng thời gian nhất định. Giá cả tại các sở giao dịch hàng hoá được các doanh nghiệp coi là tài liệu tham khảo về giá cả hàng hoá trên thị trường thế giới. Nguyên nhân cơ bản là số lượng hàng hoá được giao dịch trên các thị trường này thường rất lớn. Trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi muốn tận dụng nguồn thông tin này là khoảng cách, thời gian và chi phí.

Với sự phát triển của Internet, các sở giao dịch hàng hoá được ứng dụng công nghệ thông tin và Internet đã thực sự trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các doanh nghiệp trên khắp thế giới. Các doanh nghiệp lớn nhỏ, ở mọi nơi, mọi lúc đều có thể tiếp cận các sở giao dịch hàng hoá để khai thác, theo dõi các thông tin thị trường, giá cả, khối lượng giao dịch, xu hướng và khả năng biến động. Hơn nữa, các thông tin được cập nhật thường xuyên 24 giờ trong vòng 7 ngày, chi tiết hơn, đầy đủ hơn. Không chỉ khai thác, theo dõi thông tin, quan trọng hơn các doanh nghiệp có khả năng tham gia thực hiện các giao dịch thông qua Internet nhanh hơn, hiệu quả hơn các phương pháp truyền thống.

Doanh nghiệp có thể tham khảo các thông tin thị trường tại các website của những sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới như:

  • Sở giao dịch hàng hoá Chicago: http://www.cme.com
  • Sở giao dịch hàng hoá Châu Âu: http://www.euronext.com
  • Sở giao dịch hàng hoá Tokyo: tocom.or.jp
  • Sở giao dịch hàng hoá New York: nymex.com

4. Tìm kiếm thị trường và bạn hàng trên Internet

Một mục tiêu của các tổ chức hiện nay là làm sao ứng dụng công nghệ thông tin để khuyếch trương và bán được sản phẩm. Làm thế nào để khuyếch trương website của công ty trên mạng Internet? Đưa tên website vào các công cụ tìm kiếm, đăng ký vào các trade point, các e-market place, các danh bạ doanh nghiệp, trang vàng, trang trắng điện tử để giới thiệu sản phẩm dịch vụ của mình, giới thiệu trên các trang web về hội chợ, triển lãm là một số các biện pháp cơ bản, hiệu quả, nhanh và tiết kiệm chi phí để đạt mục tiêu này.

Mục tiêu tiếp theo là làm sao có thể tìm người mua hoặc cung cấp thông qua Internet tại các thị trường cụ thể theo khu vực địa lý hoặc theo các ngành hàng, mặt hàng mà doanh nghiệp quan tâm. Trước đây, hàng năm một số quốc gia có xuất bản Danh bạ các công ty xuất nhập khẩu, tuy nhiên để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận và sử dụng còn nhiều hạn chế. Ngày nay, Internet và web đã góp phần giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả thông qua các danh bạ trên web. Có ba loại danh bạ kinh doanh trên web, loại một chứa danh mục các danh bạ kinh doanh trên thế giới, loại hai là các danh bạ kinh doanh toàn cầu hay quốc tế và loại ba là danh bạ kinh doanh của từng nước. Ví dụ:

Loại 1: Danh bạ của Trung tâm thương mại thế giới: http://www.intracen.org. Tại đây có danh bạ các công ty và cho phép đăng ký các cơ hội kinh doanh, được chia theo cả ngành hàng và khu vực địa lý, đồng thời có những liên kết đến các danh bạ khác.

Loại 2: Danh bạ các doanh nghiệp Châu Âu, cung cấp thông tin của hơn 500.000 công ty tại 36 nước, địa chỉ: www.europages.com. Danh bạ có lẽ là một trong các cơ sở dữ liệu lớn nhất về các công ty là Kompass International Database, cung cấp thông tin về khoảng 1,5 triệu công ty trên 60 nước và 23 triệu sản phẩm, phân chia theo khu vực địa lý và mặt hàng. Địa chỉ: www.kompass.com. WLW online, địa chỉ http://web.wlwonline.en, giới thiệu 240.000 công ty cung ứng có tiềm năng tại 10 nước. World Trade Association, địa chỉ http://world.wtca.org/ gồm 300 thành viên ở 180 nước, cung cấp danh bạ gồm 140.000 nhà xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp liên quan

Loại 3: Danh bạ các doanh nghiệp của các nước cụ thể, ví dụ danh bạ các công ty của Nhật http://english.itp.ne.jp

5. Hệ thống thông tin xúc tiến thương mại trên Internet

Hoạt động hỗ trợ thương mại, xúc tiến thương mại, phát triển thương mại là một công việc mà các tổ chức quốc tế, các quốc gia, các phòng thương mại và doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề…. đã và đang tiến hành từ nhiều năm nay. Các dịch vụ chính có thể bao gồm:

Thống kê về hoạt động sản xuất, ngoại thương của các nước

Thông tin về các quy định thương mại quốc tế của các nước, các khu vực

Thông tin về các quy tắc y tế, an toàn, chất lượng liên quan đến ngoại thương

Thông tin về đấu thầu

Thông tin về danh mục các nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, các tổ chức liên quan đến thương mại

Cung cấp các tài liệu giới thiệu về kinh tế và thương mại các nước, hướng dẫn kinh doanh với từng thị trường cụ thể

Thông tin về giá cả hàng hoá

Thông tin hỗ trợ thiết lập quan hệ bạn hàng, trợ giúp các công ty nước ngoài tiếp cận với doanh nghiệp trong nước

Thông tin về các hội chợ, triển lãm quốc tế, sự kiện kinh tế trên thế giới

Giới thiệu các chào hàng, hỏi hàng, các cơ hội kinh doanh

Thông tin về vận tải hàng hoá

Thông tin về các kỹ thuật marketing quốc tế, tập quán thương mại quốc tế

Hướng dẫn kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương

Các vấn đề về pháp lý, trọng tài liên quan đến thương mại quốc tế

Không phải tại mọi tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp đều có thể tìm được các thông tin trên, tuy nhiên qua nhiều tổ chức doanh nghiệp có thể tổng hợp được những thông tin thị trường mình quan tâm. Các tổ chức xúc tiến thương mại cũng thường có sự liên hệ với nhau để doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin đầy đủ và dễ dàng hơn thông qua các liên kết trên các website với nhau.

6. Các website thông tin xúc tiến thương mại điển hình

* Website của các tổ chức xúc tiến thương mại của Chính phủ

Hầu hết các chính phủ đều có hoạt động hỗ trợ thương mại. Ví dụ, tại Mỹ, có thể tìm hiểu tại website của Bộ Thương mại Mỹ: www.usatrade.gov hoặc http://www.ita.doc.gov; Bộ Nông nghiệp Mỹ: http://www.usda.gov; Hiệp hội các nhà xuất nhập khẩu Mỹ (AAEI) http://www.aaei.org. Tại Singapore, có thể tham khảo các thông tin hỗ trợ thương mại tại Bộ công nghiệp và thương mại Singapore: http://www.mti.gov.sg; Website của Hội đồng phát triển thương mại Singapore: http://www.tbd.gov.sg. Tại Nhật bản, Tổ chức xúc tiến ngoại thương của Nhật (JETRO): www.jetro.go.jp cung cấp các thông tin xúc tiến thương mại quốc tế.

 * Website của Liên đoàn các tổ chức thương mại quốc tế (Federation of International Trade Associations) tại website http://fita.org. Tại đây có thông tin về tất cả các website xúc tiến thương mại của tất cả các nước, khu vực và được phân chia theo từng ngành hàng

* Website của các Phòng thương mại trên thế giới.

Các phòng thương mại trên thế giới là nơi hướng dẫn các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cung cấp các thông tin cũng như các hướng dẫn để doanh nghiệp tham gia thị trường, phát hiện, tiếp cận khách hàng, cung cấp các thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ để doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm… Có thể tham khảo website của một số phòng thương mại điển hình như:

* Hế thống các tổ chức khuyến khích nhập khẩu

Một số nước phát triển có chương trình xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Ví dụ như: Thụy Sỹ có chương trình khuyến khích nhập khẩu SIPPO, địa chỉ tại http://www.sippo.ch; Đan Mạch có Văn phòng Phát triển nhập khẩu từ các nước đang phát triển DIPO, địa chỉ tại: http://www.dipo.dk

* Các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới

Hệ thống các tổ chức này được phát triển để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nghiên cứu thị trường, thâm nhập thị trường, phát triển sản xuất và xuất khẩu. Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ thế giới, WASME, tại: http://www.wasmeinfo.org

 * Các hiệp hội ngành nghề

Tổ chức các Hiệp hội ngành nghề hoạt động trên thế giới từ nhiều năm nay, tại đây các doanh nghiệp liên kết với nhau theo ngành nghề, hợp tác hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm thông tin, mở rộng, bảo vệ thị trường và bảo vệ lợi ích của các thành viên. Đây là hình thức khá phổ biến của các nước, không có nước nào không có các hiệp hội ngành nghề. Với sự phát triển của Internet và những lợi ích không thể phủ nhận được của nó, nhiều Hiệp hội ngành nghề đã phát triển các website riêng của mình để hoạt động hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với các hiệp hội ngành nghề để tìm hiểu khách hàng của mình. Liên đoàn những người cung cấp đồ đạc (furniture) của Đức: www.holzhandel.de

 * Các tổ chức quốc tế và khu vực

          + Khối mậu dịch tự do Bắc Mỹ: http://www.nafta-sec-alena.org; http://www.mercosur.org.uv

          + Hiệp hội công nghiệp và thương mại Carribe: http://www.comesa.int

          + Hiệp hội các nước Đông Nam Á: http://www.aseansec.org

          + Uỷ ban kinh tế xã hội Châu Á – Thái Bình Dương: http://unescap.org

          + Uỷ ban kinh tế xã hội Châu Âu: http://europa.eu.int

          + Khu vực thị Trung Đông và Nam Phi: http://www.comesa.int

          + Các tổ chức quốc tế khác như: FAO, WTO, IMF, WB…

6. Một số vấn đề cần lưu ý khi ứng dụng marketing điện tử

 * Điều kiện để cửa hàng B2C thành công

Có nhiều điều kiện để một cửa hàng thương mại điện tử bán lẻ (B2C) thành công, tuy nhiên, các điều kiện cơ bản thường là:

Thương hiệu mạnh: Dell, Sony, eBay, Cisco

Uy tín được đảm bảo: Ford, Charles Shwab, Amazon

Khả năng số hóa: phần mềm, âm nhạc, phim

Giá cao: thiết bị điện tử, văn phòng

Tiêu chuẩn hóa: sách, CDs, vé máy bay

Hàng đóng gói: hoa, quà tặng

* Các tiêu chí đánh giá một gian hàng B2C

Khi xây dựng một gian hàng thương mại điện tử, doanh nghiệp có nhiều tiêu chí để đánh giá, tuy nhiên, mô hình 7C được coi là mô hình đánh giá khá toàn diện các yếu tố cơ bản của một gian hàng thương mại điện tử.

Nội dung (Content)

Hình thức (Context)

Liên kết (Connection)

Khách hàng (Community)

Giao dịch (Commerce)

An toàn trong giao dịch (Communication)

Cá biệt hóa (Customization)

* Nguyên nhân thất bại của các hoạt động marketing điện tử

Có thể thấy trong marketing điện tử có nhiều công ty thành công những cũng không ít công ty thất bại. Những thất bại này do một số nguyên nhân khá điển hình, cụ thể:

Coi nhẹ mục tiêu lợi nhuận

Coi nhẹ dịch vụ khách hàng

Chi phí xây dựng thương hiệu quá lớn

Không đủ vốn đề duy trì đến thời đỉểm hòa vốn

Website không hiệu quả, không hấp dẫn

7. Những lưu ý khi vận dụng marketing điện tử trong xuất nhập khẩu

Hoạt động E- Marketing tại Việt Nam hiện nay mới chỉ ở mức độ E-marketing trong giai đoạn website giao dịch, tức là các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ sử dụng website và các phương tiện điện tử khác chủ yếu nhằm mục đích tiến hành quảng bá thương hiệu và sản phẩm, cung cấp thông tin về sản phẩm dịch vụ cho khách hàng, phần lớn là loại hình quảng cáo trực tuyến nhưng dịch vụ này cũng không đem lại hiệu quả khả quan. Theo một chuyên gia về quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, tổng doanh thu từ quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 15 đến 20 tỷ đồng mỗi năm, trong đó VnExpress chiếm tới 60%

Cùng với xu thế hội nhập, nhà nước ta đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ, pháp lý để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp có thể hội nhập với xu thế phát triển của thế giới và cùng với nỗ lực của nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng đang từng bước thay đổi nhận thức cho phù hợp với xu thế mới. Việc áp dụng thương mại điện tử nói chung và hoạt động Marketing điện tử nói riêng chính là một nỗ lực điển hình của nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới.

Để có thông tin về nhận thức của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu về e- marketing, nhóm đề tài có tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 35 doanh nghiệp xuất nhập khẩu bằng cách phát phiếu điều tra qua bộ câu hỏi và thu được 1 số thông tin như sau:

Phần lớn các doanh nghiệp được hỏi là doanh nghiệp vừa và nhỏ (70% doanh nghiệp có số nhân viên dưới 100 người), nhưng tham gia vào lĩnh vực xuất nhập khẩu đã lâu. Gần 30 % doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất nhập khẩu trên 10 năm. Về loại hình sở hữu doanh nghiệp có 43% là công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân

Điều đáng quan tâm là 57 % các doanh nghiệp xuất nhập khẩu được hỏi có bộ phận chuyên trách về marketing. Về các hoạt động E-marketing đã tiến hành, thì 54% doanh nghiệp đã quảng cáo qua mạng Internet, 45% doanh nghiệp thường xuyên tìm kiếm khách hàng qua mạng, 37% doanh nghiệp nghiên cứu thị trường qua mạng Internet. Ngoài ra, các hoạt động khác như xúc tiến bán hàng qua mạng, bán hàng qua mạng, thanh toán qua mạng… cũng được các doanh nghiệp vận dụng, mặc dù tỷ lệ chưa cao.

Về chi phí cho hoạt động E-marketing, phần lớn doanh nghiệp (chiếm 45%) chi dưới 5% của doanh số bán hàng, 28% doanh nghiệp chi từ 5- 10% doanh số bán hàng. Như vây, phần lớn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chi cho hoạt động E-marketing dưới 10 % doanh thu bán hàng. Điều này cũng phù hợp với quy định chi tiêu của Bộ Tài chính Việt Nam. Cá biệt, cũng có 6% doanh nghiệp chi trên 30% doanh số bán hàng cho hoạt động E-marketing.

Phần lớn các doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc ứng dụng e- marketing, 97 % các doanh nghiệp có hơn 50% nhân viên sử dụng thành thạo máy vi tính trong công việc hàng ngày. Liên quan đến trình độ sử dụng các ứng dụng của Internet trong doanh nghiệp, 62% doanh nghiệp thành thạo trong việc gửi và nhận email cũng như tìm kiếm các thông tin trên mạng. Tuy nhiên, chỉ có 22 % doanh nghiệp thành thạo các thao tác quảng cáo và giao dịch qua mạng cũng như sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng trong quản trị bán hàng qua mạng. Tỷ lệ này cũng hợp lý, khi mà hiện nay việc bán hàng qua mạng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhìn chung chưa phổ biến.

Mặc dù các doanh nghiệp nhận thức được việc vận dụng E-marketing vào nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và đầu tư thích đáng cho hoạt động này, nhưng điều đáng lo ngại là trình độ ngoại ngữ của các nhân viên của doanh nghiệp chưa cao. Theo tự đánh giá của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu được khảo sát, 34% doanh nghiệp cho rằng có rất ít người sử dụng thành thạo ngoại ngữ ở công ty mình. Bên cạnh đó, 22% doanh nghiệp cho rằng công ty của họ có nhiều người thành thạo ngoại ngữ nhưng công việc của họ lại không liên quan gì tới marketing cũng như E-marketing. Chỉ có 25 % doanh nghiệp cho rằng nhân viên kinh doanh của họ thành thạo ngoại ngữ trong công việc và giao tiếp.

Điều đáng mừng là có 68% doanh nghiệp có website riêng của mình và hàng ngày cập nhật thông tin trên website. Khi đánh giá về hình thức và thiết kế website của doanh nghiệp mình, 37% doanh nghiệp đồng ý rằng website được thiết kế chuyên nghiệp cả về nội dung, hình thức và đảm bảo các yếu tố kỹ thuật an toàn cho giao dịch. Một bộ phận lớn doanh nghiệp thì lại cho rằng website của họ chỉ là nơi cung cấp thông tin về sản phẩm, chứ không chú trọng tới vấn đề thiết kế. Tuy nhiên, không có doanh nghiệp nào đồng ý với nhận định website của doanh nghiệp họ chỉ là nơi cung cấp địa chỉ và điện thoại của doanh nghiệp.

Điều này chứng tỏ, ít nhiều các doanh nghiệp cũng đã nhận thức và quan tâm hơn tới nội dung của các website. Khi đánh giá về các chức năng E-marketing đựơc thực hiện thông qua website, các doanh nghiệp đều đồng ý rằng, đây là nơi cung cấp thông tin về sản phẩm, doanh nghiệp, đồng thời là kênh giao dịch với khách hàng. Bên cạnh đó, ít có doanh nghiệp đồng ý với nhận định website của doanh nghiệp họ là kênh bán hàng trực tuyến với đầy đủ các chức năng

Như vậy, nhìn chung các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã có nhận thức tốt và khá quan tâm tới việc vận dụng E-marketing. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp vận dụng tốt hơn hoạt động này trong kinh doanh đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ cả từ phía Chính phủ, các bộ, ngành và bản thân các doanh nghiệp.

Tóm lại, mức độ ứng dụng thương mại điện tử và E-marketing của các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều nét khởi sắc, nhưng nhìn chung doanh nghiệp cũng chỉ mới dừng ở mức độ quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và trao đổi thông tin bằng các phương tiện điện tử. Ở cấp độ cao hơn, việc giao dịch và ký hợp đồng bằng các công cụ điện tử cũng được một số doanh nghiệp ứng dụng, nhưng con số này chưa nhiều. Trong giao dịch với các đối tác nước ngoài, doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều hơn hình thức trao đổi bằng thư điện tử, tuy nhiên với giao dịch trong nước doanh nghiệp vẫn có xu hướng sử dụng giấy tờ truyền thống. Đối với khách hàng là cá nhân, một số doanh nghiệp đã bán hàng qua mạng, thói quen mua hàng truyền thống của người Việt Nam chưa tạo cơ hội cho các dịch vụ này phát triển. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đánh giá vẫn cần thời gian đáng kể để thói quen tiêu dùng và tập quán kinh doanh trong xã hội có sự điều chỉnh tương ứng.