Triển khai hệ thống quản lý danh mục dự án trong doanh nghiệp

Bước 1 : Thành lập uỷ ban dự án

Mục tiêu cơ bản của uỷ ban dự án trong công ty là xây dựng và thiết lập định hướng chiến lược cho các dự án. Uỷ ban dự án còn có nhiệm vụ phân bổ nguồn lực cho các dự án để hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu của công ty và giám sát việc phân bổ các nguồn lực và các chuyên gia cho các dự án. Uỷ ban dự  án bao gồm các thành viên sau: các nhà quản lý cấp cao, các nhà quản lý các dự án quan trọng, trưởng văn phòng quản lý dự án, các trưởng các bộ phận chức năng mà những người này có thể phát hiện ra các cơ hội và rủi ro thách thức đối với công ty.

Bước 2: Phân loại dự án và thiết lập các tiêu chuẩn đánh giá

Các dự án được phân loại thành 3 nhóm chính như đã nêu ở phần trên: dự án bắt buộc thực hiện, dự án nâng cao hiệu quả của các hoạt động kinh doanh hiện tại, dự án chiến lược. Trong từng nhóm dự án sẽ xây dựng các tiêu chuẩn lựa chọn để phân loại các dự án tốt với các dự án không tốt. Các tiêu chuẩn lựa chọn của các loại hình dự án khác nhau có thể không cần thiết phải giống nhau tuy nhiên nhiều công ty trong thực tế áp dụng một hệ thống tiêu chí chung thống nhất cho các loại dự án khác nhau.

Thiết lập các tiêu chuẩn đánh giá bao gồm xác định các tiêu chuẩn và trọng số của từng tiu chuẩn. Các nhà quản lý rất quan tâm đến việc lựa chọn được một danh mục dự án đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực và chuyên môn nhằm thu được tỷ lệ sinh lời cao nhất từ các khoản đầu tư trong dài hạn. Các nhân tố như là phát triển ra công nghệ mới, phát triển sản phẩm mới, nâng cao hình ảnh công ty, bảo vệ môi trường, năng lực cốt lõi, phù hợp với chiến lược kinh doanh là những tiêu chí quan trọng để lựa chọn dự án. Mô hình cho điểm có trọng số thường được áp dụng để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu nêu trên.

Bước 3: Mời gọi các đề xuất dự án

Về nguyên tắc thì mọi nhân viên trong công ty đều có thể đề xuất dự án. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều công ty chỉ giới hạn đến một số bộ phận và đến một số cấp quản lý nhất định được đề xuất dự án. Nhiều công ty đã chuẩn hoá mẫu đề xuất dự án và yêu cầu bản đề xuất dự án phải mô tả và cung cấp những thông tin cơ bản phục vụ cho công tác đánh giá và lựa chọn dự án được chính xác. Bản Đề xuất dự án thông thường phải cung cấp các thông tin cơ bản về dự án như lý do tiến hành dự án trong đó nêu các cơ hội hoặc vấn đề cần khắc phục, mục đích của dự án, các sản phẩm đầu ra của dự án, ich lợi dự kiến mang lại khi tiến hành dự, án, ngân sách và các nguồn lực dành cho dự án, và thời gian thực hiện dự án. Ngoài ra đề xuất dự án còn phải đánh giá sơ bộ rủi ro như liệt kê những rủi ro chính, xác suất sảy ra rủi ro, và tác động của rủi ro.

Bước 4 : Đánh giá, sàng lọc và xếp hạng thứ tự ưu tiên các đề xuất dự án

Tại mỗi thời điểm nhất định có nhiều đề xuất dự án và thường vượt quá giới hạn nguồn lực của công ty. Để đảm bảo lựa chọn được những dự án mang lại hiệu quả nhất cho công ty và loại bỏ bớt những dự án không hiệu quả thì các đề xuất dự án được sàng lọc qua các bước công việc và được minh hoạ trong sơ đồ 2.2 dưới đây.

Quá trình sàng lọc dự án thường bao gồm các bước công việc nhỏ sau.

Người đề xuất dự án thu thập các thông tin sơ bộ về dự án và tiến hành tự đánh giá đề xuất dự án theo các tiêu chuẩn lựa chọn dự án áp dụng cho loại hình dự án đó. Nếu như đề xuất dự án không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của các tiêu chuẩn của công ty đưa ra thì ý tưởng dự án đó sẽ bị loại bỏ. Nếu như dự án đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của các tiêu chuẩn do công ty đưa ra thì người đề xuất sẽ đệ trình lên cho uỷ ban dự án xem xét.

Uỷ ban dự án sẽ đánh giá các đề xuất dự án theo các tiêu chuẩn lựa chọn đã đưa ra. Thường thường có rất nhiều đề xuất dự án được trình lên và số lượng đề xuất thường vượt quá khả năng thực hiện nhiều lần cho nên cần phải tiếp tục sơ loại  bớt những đề xuất không thực sự triển vọng trước khi được xem xét kỹ hơn. Tại bước này một số đề xuất dự án tỏ ra không phù hợp và không đáp được yêu cầu/mức tối thiểu của các tiêu chuẩn sẽ tiếp tục bị loại bỏ. Một số dự án chưa cung cấp đầy đủ dữ liệu có thể gửi trả lại yêu cầu bổ xung thêm thông tin.

Phân bổ nguồn lực và giám sát thực hiện dự án. Những dự án được chấp nhận sẽ được xếp hạng theo thứ tự ưu tiên. Những dự án có mức độ ưu tiên cao sẽ được phân bổ nguồn lực và triển khai thực hiện ngay. Một số dự án rất tiềm năng nhưng do hạn chế về nguồn lực nên chưa thể triển khai ngay được sẽ đưa vào danh sách các dự án chờ phân bổ nguồn lực hoặc được lưu trữ để tiếp tục cân nhắc cho kỳ lập kế hoạch sau. Trong bước này, uỷ ban dự án sẽ phải tiến hành đánh gía các nguồn lực của công ty và cân đối với nhu cầu sử dụng nguồn lực trong cả hiện tại và tương lai trong xuốt chu kỳ sống của dự án cho đến khi dự án được hoàn thành.

Công ty cần phải cân đối nguồn lực cho các loại hình dự án. Căn cứ vào chiến lược của công ty và định hướng của lãnh đạo cấp cao, công ty có thể phân bổ ngân sách cho các loại hình dự án theo những tỷ lệ nhất định.

Ví dụ, tỷ lệ ngân sách dành cho các dự án bắt buộc thực hiện là 20%, cho các dự án nâng cao hiệu quả kinh doanh của các hoạt động hiện tại 30% và cho các dự án chiến lược là 50%. Ngoài ra công ty cần phải hài hoà mức độ rủi ro giữa các loại hình dự án khác nhau để nhằm lựa chọn được danh mục các dự án tối ưu nhất có mức độ rủi ro chung phù hợp để đạt được các mục tiêu và chiến lược của công ty một cách hiệu quả nhất.

Bước 5 : Cập nhật hệ thống quản lý danh mục dự án

Trong quá trình hoạt động, uỷ ban dự án (cụ thể là văn phòng dự án hoặc nhóm xét duyệt dự án) phải định kỳ thực hiện các hoạt động sau :

Thông tin về quá trình lựa chọn: Quá trình lựa chọn dự án phải được thông tin đầy đủ đến mọi bộ phận và cá nhân liên quan trong công ty, ví dụ như, hệ thống tiêu chí và các hoạt động tiến hành trong quá trình lựa chọn dự án để mọi người trong công ty biết được rằng mọi hoạt động được tiến hành một cách rõ ràng, công khai, minh bạch, không chịu tác động bởi một cá nhân hoặc một bộ phận nào đó trong công ty. Những đề xuất dự án bị loại bỏ cũng phải được thông tin đầy đủ đến người đề xuất trong đó cần nêu rõ lý do tại sao dự án lại không được lựa chọn.

Thông tin về tình hình thực hiện các dự án: Cơ sở dữ liệu về danh mục các dự án bao gồm cả các dự án đang thực hiện và các dự án chờ phân bổ nguồn lực, tình hình thực hiện các dự án phải luôn được cập nhật và phải được thông tin một cách phù hợp, ví dụ, thông qua các bản tin định kỳ, bảng thông báo để mọi cá nhân bộ phận được biết.

Cập nhật về các tiêu chuẩn lựa chọn dự án. Thường xuyên cập nhật thông tin về môi trường kinh doanh và đặc điểm cạnh tranh, về định hướng và chiến lược kinh doanh của công ty trong tương lai để có những điều chỉnh phù hợp đối với các tiêu chí lựa chọn dự án.