Quản lý tổng thể dự án

1. Quản lý tổng thể dự án

Khái niệm: Quản lý tổng thể dự án là tất cả các quá trình và hoạt động cần thiết để phát hiện, xác đinh, kết hợp, hợp nhất và phối hợp các quá trình và các hoạt động quản lý dự án.

Dự án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phải trải qua các giai đoạn khác nhau. Để quản lý tốt quá trình thực hiện dự án đảm bảo cho dự án thành công đạt được các mục tiêu đề ra đòi hỏi phải quản lý thống nhất mọi quá trình diễn ra trong xuốt chu kỳ sống dự án. Trong phạm vi quản lý dự án, tính tổng thể bao gồm sự thống nhất, sự hợp nhất, sự phát biểu cụ thể và rõ ràng bằng văn bản, các hoạt động tiến hành mang tính chất toàn cục có ý nghĩa vô cùng quan trong đổi với việc thực hiện dự án và quản lý các yêu cầu dự án. Quản lý tổng thể dự án bao gồm việc đưa ra quyết định lựa chọn về phân bổ nguồn lực, chấp nhận sự đánh đổi giữa các mục tiêu cạnh tranh và phương án khác nhau, và quản lý các mối quan hệ phụ thuộc tương tác lẫn nhau giữa các lĩnh vực chuyên môn trong quản lý dự án.

Quản lý tổng thể dự án bao gồm các nội dung công việc sau: (i) phát triển văn kiện dự án, (ii) phát triển kế hoạch quản lý dự án, (iii) lãnh đạo và quản lý các hoạt động dự án, (iv) theo dõi giám sát các hoạt động dự án, (v) quản lý sự thay đổi dự án, (vi) và kết thúc dự án.

Sự cần thiết phải quản lý tổng thể dự án khi các quá trình riêng biệt có sự tương tác với nhau. Ví dụ khi chúng ta cần ước tính chi phí cần cho kế hoạch dự phòng sẽ liên quan đến các lĩnh vực quản lý chi phí, quản lý tiến độ và quản lý rủi ro. Khi rủi ro gia tăng đi kèm với các phương án huy động nhân lực khác nhau đòi hỏi các quá trình đó cần phải điều chỉnh theo một cách phù hợp. Khi kế hoạch huy động nguồn lực thay đổi, ví dụ nhân

sự chủ chốt của dự án, làm cho kế hoạch công việc dự án thay đổi sẽ kéo theo phải điều chỉnh các kế hoạch liên quan khác như kế hoạch chi phí, kế hoạch tiến độ, kế hoạch mua sắm do một số hoạt động dự án dự kiến được tiến hành đồng thời nay phải thực hiện một cách tuần tự do hạn chế về nguồn nhân lực. Kết quả đầu ra của dự án cũng phải được kết hợp một cách thống nhất với các hoạt động hiện tại của công ty mẹ hoặc của khách hàng hoặc với kế hoạch chiến lược dài hạn của công ty khi chúng ta xem xét đến cơ hội hoặc thách thức trong tương lai. Quản lý tổng thể dự án còn bao gồm cả việc quản lý các tài liệu dự án phải phù hợp với kế hoạch quản lý dự án và kết quả đầu ra của dự án.

2. Phát triển văn kiện dự án

Khái niệm: Phát triển văn kiện dự án là quá trình phát triển một bộ tài liệu dự án chính thức cho phép dự án được thực hiện và văn bản hoá những yêu cầu ban đầu nhằm đáp ứng nhu cầu và mong đợi của các chủ thể dự án.

Dự án được quyết định thực hiện bởi một ai đó bên ngoài dự án như người bảo trợ, văn phòng quản lý dự án, uỷ ban xét duyệt dự án tuy nhiên nhà quản lý dự án nên được bổ nhiệm sớm và tham gia ngay từ ban đầu vào quá trình phát triển văn kiện dự án bởi vì văn kiện dự án xác định trách nhiệm và quyền hạn của nhà quản lý dự án trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện dự án.

Để phát triển văn kiện dự án cần căn cứ vào bản mô tả sản phẩm/dịch vụ mà dự án dự kiến sẽ tạo ra, nhu cầu của doanh nghiệp (nhu cầu thị trường, nhu cầu về mặt tổ chức của công ty, yêu cầu đề xuất từ khách hàng, tiến bộ kỹ thuật, quy định pháp luật…) và dựa trên phân tích các điều kiện môi trường (tiêu chuẩn của chính phủ hoặc ngành, cơ cấu tổ chức công ty, và các điều kiện thị trường khác) và các nguồn lực của công ty về các tiêu chuẩn quy định, mẫu văn kiện dự án và cơ sở dữ liệu.

Văn kiện dự án được xây dựng dựa trên sự phân tích và đánh giá của các chuyên gia và văn kiện dự án là tài liệu ban đầu về dự án và gồm những nội dung chính sau:

  • Lý do tiến hành và mục đích của dự án
  • Các mục tiêu định lượng và tiêu chuẩn đánh giá dự án
  • Các yêu cầu chung về dự án
  • Mô tả khái quát về dự án
  • Những rủi ro chính
  • Tóm tắt các mốc thời gian thực hiện dự án
  • Tóm tắt ngân sách dự án
  • Yêu cầu về đệ trình và phê duyệt dự án (cái gì đảm bảo cho sự thành công dự án, ai ảnh hưởng đến sự thành công dự án, ai có quyền quyết định dừng thực hiện dự án)
  • Bổ nhiệm nhà quản lý dự án, trách nhiệm và quyền hạn
  • Người bảo trợ dự án hoặc người thông qua văn kiện dự án

3. Phát triển kế hoạch quản lý dự án

Khái niệm: Phát triển kế hoạch quản lý dự án là quá trình văn bản hoá các hoạt động cần thiết để xác định, chuẩn bị, tích hợp và phối hợp một cách thống nhất tất cả các kế hoạch bộ phận.

Bản kế hoạch quản lý dự án sẽ cho chúng ta biết dự án sẽ được triển khai và quản lý như thế nào. Bản kế hoạch quản lý dự án xác định dự án sẽ được thực hiện, theo dõi giám sát và kết thúc như thế nào. Để phát triển kế hoạch quản lý tổng thể dự án cần dựa trên văn kiện dự án, các kế hoạch bộ phận đã phát triển nên, căn cứ vào bối cảnh thực hiện dự án và các nguồn lực của tổ chức. Tiếp theo các chuyên gia sẽ tiến hành phân tích và đánh giá nhằm cụ thể hoá quá trình thực hiện để đáp ứng nhu cầu của dự án, chi tiết hoá các vấn đề kỹ thuật và quản lý trong bản kế hoạch quản lý dự án, xác định nguồn lực, xác đinh cơ cấu tổ chức dự án và xây dựng quy chế hoạt động của dự án. Những nội dung chính trong bản kế hoạch quản lý dự án có thể bao gồm:

  • Các giai đoạn thực hiện của chu kỳ sống áp dụng cho dự án
  • Nội dung công việc và các hoạt động cụ thể trong từng giai đoạn thực hiện dự án
  • Cách thức thực hiện các hoạt động dự án để đạt được mục tiêu của dự án
  • Quản lý những thay đổi và điều chỉnh dự án trong quá trình thực hiện
  • Cơ chế quản lý dự án
  • Cách thức duy trì sự thống nhất của các kế hoạch bộ phận
  • Cách thức báo cáo và cung cấp thông tin cho các chủ thể dự án (các bên liên quan)
  • Những cuộc họp quan trọng giữa các bên thảo luận về nội dung, phạm vi và tiến độ để hỗ trợ cho việc giải quyết các vấn đề phát sinh và các vấn đề cần ra quyết định

Khi bản kế hoạch quản lý dự án đã được thông qua thì muốn tiến hành bất kỳ một sự điều chỉnh nào trong bản kế hoạch cũng phải xuất phát từ yêu cầu điều chỉnh và phải được phê duyệt thông qua một quá trình chính tắc thống nhất gọi là quá trình quản lý sự thay đổi dự án.

Các kế hoạch cơ sở của dự án bao gồm, nhưng không giới hạn trong, các kế hoạch sau :

  • Kế hoạch tiến độ dự án
  • Kế hoạch chi phí dự án
  • Kế hoạch hoạt động/phạm vi công việc dự án

Kế hoạch quản lý dự án thường bao gồm các kế hoạch bộ phận sau :

  • Kế hoạch quản lý các yêu cầu dự án : là tài liệu trình bày các yêu cầu sẽ được phân tích, lưu trữ và quản lý như thế nào xuyên xuốt chu kỳ dự án
  • Kế hoạch quản lý phạm vi: là tài liệu mô tả phạm vi, sản phẩm và các hoạt động của dự án được xác định, liệt kê, xác nhận, quản lý và kiểm soát như thế nào
  • Kế hoạch quản lý tiến độ dự án: là tài liệu
  • Kế hoạch quản lý chi phí dự án
  • Kế hoạch quản lý chất lượng dự án
  • Kế hoạch quản lý nhân sự dự án
  • kế hoạch quản lý truyền thông dự án
  • Kế hoạch quản lý rủi ro dự án
  • Kế hoạch quản lý các hoạt động mua hàng

4 Chỉ đạo và quản lý thực hiện dự án

Chỉ đạo và quản lý các hoạt động dự án là quá trình thực hiện các hoạt động dự án đã được xác định trong bản kế hoạch quản lý dự án để đạt được các mục tiêu dự án. Nhà quản lý dự án và nhóm dự án chỉ đạo việc thực hiện các công việc trong kế hoạch dự án và quản lý các mối tương tác về mặt chuyên môn và về tổ chức diễn ra trong dự án.

Trong quá trình thực hiện dự án có thể phải thực hiện các điều chỉnh cần thiết sau :

  • Các hoạt động điều chỉnh để nhằm đưa kết quả thực hiện của dự án trong tương lai về đúng quỹ đạo theo như kế hoạch đã đề ra
  • Các hoạt động phòng ngừa nhằm hạn chế khả năng sảy ra sự cố liên quan đến các rủi ro dự án
  • Các hoạt động khắc phục sai sót bao gồm sửa chữa hoặc loại bỏ những linh kiện chi tiết không đạt yêu cầu.

Việc tiến hành điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án có thể có bao gồm những yêu cầu thay đổi trong chính sách và quy định, phạm vi công việc, chi phí và ngân sách, tiến độ thực hiện, chất lượng dự án. Những yêu cầu điều chỉnh này có thể xuất phát từ bên trong hoặc bên ngoài tổ chức và cần lưu ý là việc điều chỉnh một khía cạnh nào đó sẽ kéo theo sự thay đổi tương ứng trong các khía cạnh liên quan khác của dự án cho nên việc điều chỉnh kế hoạch cần được quản lý thống nhất. Trong quá trình thực hiện dự án phải luôn tiến hành cập nhật thông tin về tình hình thực hiện dự án và cập nhật các kế hoạch bộ phận làm cơ sở cho việc chỉ đạo thực hiện các công việc còn lại của dự án trong tương lai.

5. Theo dõi và giám sát các hoạt động dự án

Theo dõi và giám sát các hoạt động dự án là quá trình tìm kiếm chứng cứ, phân tích và điều chỉnh quá trình thực hiện để đạt được mục tiêu của dự án. Theo dõi các hoạt động dự án là một mảng của quản lý dự án. Theo dõi bao gồm thu thập, đo lường, tổng hợp và báo cáo truyền đạt thông tin về tình hình thực hiện, đánh giá các kết quả thực hiện và dự báo xu thế về tình hình thực hiện dự án trong tương lai để đưa ra những đề xuất cải thiện trong quá trình thực hiện. Liên tục theo dõi sẽ cho phép đội quản lý dự án luôn có được thông tin cập nhật về hiện trạng dự án và phát hiện ra một lĩnh vực nào đó cần được quan tâm đặc biệt. Giám sát thực hiện dự án bao gồm thực hiện các hoạt động điều chỉnh hoặc phòng ngừa hoặc tiến hành điều chỉnh kế hoạch để khắc phục các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Theo dõi và giám sát các hoạt động dự án liên quan đến những hoạt động sau:

  • So sánh kết quả thực hiện với kế hoạch
  • Đánh giá kết quả thực hiện và phân tích sự chênh lệch thực hiện với kế hoạch để xác định liệu có cần thiết phải đề xuất các biện pháp điều chỉnh hoặc phòng ngừa không
  • Xác định rủi ro mới, phân tích, thu thập bằng chứng và theo dõi các rủi rõ hiện có để đảm bảo rằng các rủi ro đã được xác định, tình trạng rủi ro được ghi chép và kế hoạch đối phó rủi ro phù hợp đã được thực hiện
  • Duy trì cơ sở dữ liệu chính xác và cập nhật về các sản phẩm đầu ra dự án và các tài liệu dự án liên quan trong xuốt quá trình thực hiện cho đến khi hoàn thành
  • Cung cấp thông tin để hỗ trợ cho việc lập các báo cáo về tình hình thực hiện, đo lường và dự báo tình hình thực hiện dự án
  • Thu thập thông tin về kết quả thực hiện các giải pháp điều chỉnh dự án

6. Quản lý sự thay đổi dự án

Quản lý sự thay đổi dự án là quá trình xem xét tất cả các đề xuất thay đổi, phê duyệt thay đổi và thực hiện thay đổi về sản phẩm dự án, về các nguồn lực dự án, về tài liệu dự án và kế hoạch quản lý dự án. Quản lý sự thay đổi dự án được thực hiện từ giai đoạn đề xuất ý tưởng dự án cho đến khi dự án hoàn thành. Đề xuất thay đổi có thể bắt nguồn từ bất kỳ chủ thể nào có liên quan đến dự án như từ khách hàng, chủ đầu tư, nhà quản lý dự án, thành viên đội quản lý dự án, và các sự kiện rủi ro.

Hệ thống quản lý sự thay đổi dự án liên quan đến việc báo cáo, giám sát và ghi chép những thay đổi trong kế hoạch quản lý dự án. Trong thực tế, hệ thống quản lý sự thay đổi dự án được thiết kế để thực hiện các hoạt động sau :

  • Xác định các yêu cầu thay đổi
  • Liệt kê tác động của các thay đổi dự kiến đến chi phí, tiến độ, chất lượng và nhân sự
  • Xem xét, đánh giá, phê chuẩn hoặc từ chối đề xuất thay đổi một cách chính tắc
  • Đàm phán và giải quyết các bất đồng của thay đổi về chi phí, tiến độ, chất lượng
  • Thông tin về sự thay đổi đến tất cả các bên liên quan
  • Phân công trách nhiệm trong quá trình thực hiện thay đổi
  • Tiến hành điều chỉnh phù hợp trong kế hoạch quản lý dự án và các kế hoạch bộ phận
  • Ghi chép và theo dõi kết quả thực hiện của các thay đổi tiến hành

Mỗi đề xuất thay đổi phải được thông qua hoặc bị bác bỏ bởi nhóm quản lý dự án hoặc một tổ chức bên ngoài nhất định nào đó. Trong nhiều dự án, nhà quản lý dự án có thẩm quyền phê duyệt một số thay đổi nhất định và được quy định rõ trong vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của nhà quản lý dự án. Trong nhiều trường hợp việc phê chuẩn đề xuất thay đổi dự án liên quan đến nhiều chủ thể và có thể qua nhiều cấp quản lý cho nên có thể thành lập nhiều hội đồng kiểm soát thay đổi đề phê duyệt hoặc bác bỏ đề xuất thay đổi. Vai trò và trách nhiệm của các hội đồng như vậy đã được làm rõ trong quy chế quản lý và kiểm soát thay đổi. Nhiều công ty lớn thành lập cơ cấu phê duyệt thay đổi gồm nhiều cấp phê duyệt khác nhau để phân định trách nhiệm rõ ràng cho từng cấp. Nếu dự án thực hiện theo một bản hợp đồng với khách hàng, khi đó các đề xuất thay đổi cần phải có được sự chấp thuận từ khách hàng.

Khi một đề xuất thay đổi được chấp thuận cần phải tiến hành các ước tính mới hoặc điều chỉnh các ước tính ban đầu về chi phí, về trình tự thực hiện các hoạt động, về tiến độ thực hiện, nguồn lực huy động, và phân tích các phương án đối phó rủi ro khác nhau. Những thay đổi này đòi hỏi phải có những điều chỉnh tương ứng và được cập nhật trong kế hoạch quản lý dự án và các tài liệu dự án khác.

Mọi thay đổi đã được chấp thuận phải được xác định và kết hợp vào trong các kế hoạch công việc và các kế hoạch khác như kế hoạch tiến độ, kế hoạch chi phí. Nếu các thay đổi không được cập nhật vào kế hoạch hoạt động và các kế hoạch bộ phận khác thì các kế hoạch dự án và kiểm soát dự án sẽ tự trở nên tự vô hiệu hoá. Một điểm mấu chốt trong  quản lý thay đổi dự án là phải ghi chép và lưu trữ lại tất cả những thay đổi trong một cơ sở dữ liệu để phục vụ cho việc thoã mãn các yêu cầu khách hàng, xác định các vấn đề trong đánh giá sau dự án, ước tính thời gian và chi phí thực hiện dự án cho khối lượng công việc còn lại.

  • Một số lợi ích có được từ việc thiết lập và duy trì một hệ thống quản lý thay đổi mang tính chính tắc là :
  • Hạn chế được những thay đổi tuỳ tiện thiếu căn cứ
  • Chi phí liên quan đến việc tiến hành thay đổi được ước tính và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu
  • Tĩnh thống nhất của các kế hoạch dự án và các tiêu chuẩn đánh giá kết quả thực hiện được duy trì
  • Việc phân bổ và sử dụng các nguồn ngân sách dự phòng được theo dõi và ghi chép
  • Trách nhiệm thực hiện những thay đổi được xác định rõ ràng
  • Ảnh hưởng và tác động của thay đổi được thông tin một cách minh bạch đến tất cả các bên liên quan
  • Các thay đổi trong phạm vi dự án sẽ được phản ánh ngay vào các kế hoạch và tiêu chuẩn đánh giá dự án

7. Kết thúc dự án

Kết thúc dự án là quá trình hoàn tất tất cả các hoạt động trong xuốt các giai đoạn thực hiện để chính thức hoàn thành dự án. Khi kết thúc dự án, nhà quản lý dự án phải xem xét lại toàn bộ các thông tin trước đây từ việc kết thúc các giai đoạn thực hiện trước đó để chắc chắn rằng toàn bộ khối lượng công việc dự án đã hoàn thành và dự án đạt được các mục tiêu đã đề ra. Do phạm vi công việc của dự án được đối chiếu với kế hoạch quản lý dự án cho nên nhà quản lý dự án phải xem xét lại toàn bộ tài liệu dự án để đảm bảo mọi công việc đã được hoàn tất trước khi kết thúc dự án. Kết thúc dự án cũng đòi hỏi phải tiến hành xem xét, điều tra và phân tích các lý do mà một dự án bị dừng thực hiện trước khi hoàn thành.

Kết thúc dự án bao gồm nhiều công việc phải thực hiện cho nên đòi hỏi phải được lập kế hoạch một cách chi tiết để tránh bỏ xót hoạt động. Nhiều công ty dựa trên kinh nghiệm thực hiện các dự án của mình đã liệt kê ra một bản danh sách mẫu dài bao gồm các hoạt động cần tiến hành khi kết thúc dự án. Bản liệt kê các hoạt động như vậy rất hữu ích và đảm bảo rằng không bỏ xót bất kỳ nội dung và vấn đề gì. Quá trình kết thúc dự án thường bao gồm 5 nhóm công việc chính sau:

  • Có được sự chấp thuận bằng văn bản từ phía khách hàng
  • Chấm dứt hoạt động mọi trang thiết bị và bàn giao tài sản cho các nhu cầu sử dụng mới – trả văn phòng, trả trang thiết bị về công ty hoặc nhà cung cấp
  • Phân công nhiệm vụ mới cho các thành viên dự án
  • Đóng sổ sách kế toán và tất toán mọi giao dịch liên quan đến dự án
  • Đánh giá dự án, đánh giá nhóm dự án, đánh giá từng thành viên dự án và nhà quản lý dự án

Dự án chỉ coi là chính thức kết thúc khi có được sự chấp thuận bằng văn bản từ phía khách hàng. Để có được sự chấp thuận từ khách hàng có thể phải tiến hành một số hoạt động nhất định như kiểm tra sản phẩm, chạy thử sản phẩm, bàn giao sản phẩm cho khác hàng hoặc cho công ty cùng với các tài liệu hướng dẫn sử dụng kèm theo, tiến hành các hoạt động đào tạo cần thiết cho khác hàng. Nếu dự án được thực hiện theo hợp đồng với khách hàng thì hai bên phải cùng ký vào văn bản chính thức chấp thuận việc bàn giao sản phẩm dự án và kết thúc hợp đồng.

Kết toán sổ sách và thanh toán mọi hoá đơn mua bán trả chậm để đảm bảo rằng mọi khoản thu chi liên quan đến dự án đều đã được hoàn tất. Có trường hợp một dự án bỏ xót chưa thanh toán một khoản mua trả chậm từ một nhà cung cấp. Một tháng sau khi đã kết thúc dự án khi mà mọi sổ sách kế toán và tài khoản giao dịch dự án đã đóng, nhóm dự án đã được phân công thực hiện nhiệm vụ mới thì nhà cung cấp đó mới gửi hoá đơn thanh toán đến. Dự án đã chính thức kết thúc không còn hoạt động nữa nên không còn nguồn tiền nào của dự án để chi trả và công ty gặp đôi chút vướng mắc về thủ tục nội bộ trong việc hạch toán khoản tiền thanh toán cho nhà cung cấp này.

Đánh giá dự án. Hầu hết các công ty ngay cả các tập đoàn lớn khi kết thúc dự án thường tập trung vào các hoạt động nghiệm thu, bàn giao và đưa dự án vào sử dụng mà thường  hay coi nhẹ công tác đánh giá dự án và việc rút ra các bài học kinh nghiệm áp dụng cho các dự án trong tương lai. Có đến 90% các dự án không tiến hành việc đánh giá dự án một cách nghiêm túc. Lý do thường được đưa ra là „chúng tôi quá bận rộn để có thể dừng công việc lại và tiến hành đánh giá để xem xét dự án đã được quản lý như thế nào‟. Đây là một điều sai lầm bởi vì nếu không đánh giá dự án một cách nghiêm túc thì rất có thể công ty sẽ lặp lại những sai lầm đã từng mắc phải ở các dự án đã tiến hành trước đó. Đánh giá dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với công ty nhằm giúp cho công ty nhận biết được mức độ thành công mà dự án đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu của các chủ thể dự án, xác định xem dự án đã được quản lý tốt hay chưa, liệu kế hoạch quản lý dự án có phù hợp với loại hình dự án cụ thể này hay không, những gì đã làm chưa tốt ảnh hưởng tiêu cực đến dự án và những gì đã làm tốt tạo nên thành công của dự án, và những đề xuất thay đổi gì được đưa ra cho các dự án tương tự tiến hành trong tương lai.

Phạm vi và mức độ chi tiết của đánh giá dự án phụ thuộc vào một số nhân tố, ví dụ như quy mô của doanh gnhiệp, tầm quan trọng của dự án, loại hình dự án – ví dụ như dự án cải tiến nhỏ, dự án nền tảng hoặc dự án đột phá, dự án xây dụng, dự án phát triển hệ thống thông tin, dự án về marketing, rủi ro dự án, quy mô dự án và các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Đánh gía dự án thường được xen xét trên hai giác độ: giác độ công ty và giác độ nhóm dự án. Đánh giá trên giác độ công ty do một nhóm nhỏ chuyên gia thực hiện bao gồm những người không có lợi ích liên quan trực tiếp đến dự án để đảm bảo việc đánh giá được khách quan. Đánh giá trên giác độ nhóm dự án được tiến hành gồm một số thành viên của nhóm dự án và cả các thành viên độc lập không thuộc dự án. Tuỳ thuộc vào từng dự án cụ thể và bối cảnh thực hiện cụ thể mà đánh giá dự án sẽ bao gồm những nội dung và vấn đề cụ thể, tuy nhiên, những nội dung chính của đánh giá dự án thường bao gồm các vấn đề sau:

Đánh giá dự án trên giác độ công ty

  1. Văn hoá công ty phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho loại hình dự án ? Tại sao không ? Tại sao có ?
  2. Sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao tương xứng với yêu cầu của dự án ?
  3. Dự án đạt được các mục tiêu ban đầu đã đề ra ?

a. Có mối liên hệ chặt chẽ giữa dự án với mục tiêu và chiến lược của công ty ?

b. Hệ thống sàng lọc và lựa chọn dự án phản ảnh những vấn đề quan trọng và ưu tiên trong tương lai của công ty ?

c. Các vấn đề về môi trường thực hiện có ảnh hưởng gì đến quản lý thay đổi dự án?

  1. Các rủi ro dự án được xác định và quản lý tốt ? Các kế hoạch dự phòng đã được xây dựng ? Các kế hoạch dự phòng đã phù hợp với thực tế ? Mức độ ảnh hưởng của các rủi ro đến dự án mạnh hơn so với dự kiến ?
  2. Các chuyên gia được phân bổ một cách hợp lý cho dự án ?
  3. Sau khi dự án kết thúc, nhóm dự án được phân công các công việc mới phù hợp ?
  4. Ý kiến đánh giá bên ngoài từ các nhà thầu như htế nào ?
  5. Dự án được khởi động và bàn giao thành công ? Khách hàng hài lòng về dự án ?

Đánh giá dự án trên giác độ đội dự án.

  1. Hệ thống lập kế hoạch và kiểm soát dự án là phù hợp với loại hình dự án ? Các dự án tương tư đều áp dụng hệ thống tổ chức và quản lý như nhau ? Tại sao không và tại sao giống ?
  2. Dự án thực hiện tuân theo kế hoạch đề ra ? Dự án hoàn thành đúng thời hạn, trong phạm vi ngân sách cho phép ?
  3. Các mối quan hệ tương tác và truyền thông với các chủ thể dự án mang tính chất hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho dự án ?
  1. Sau khi kết thúc dự án, các cán bộ dự án được phân công công việc mới một cách phù hợp ?
  2. Dự án được tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng các nguồn lực của công ty : nhân lực, trang thiết bị, tài chính ? Có mâu thuẫn về nguồn lực với các dự án khác không ? Dự án được quản lý tốt ?
  3. Ý kiến đánh giá từ các nhà thầu bên ngoài đối với dự án ?