1. Tri thức mới trong bối cảnh toàn cầu hóa
Trong xu thế toàn cầu hóa, kinh doanh không đơn thuần là trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các tổ chức, giữa các quốc gia. Trái lại, nó trở thành cuộc chiến toàn diện để giữ vững tự chủ kinh tế và khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Ba quan điểm về tri thức mới chi phối trong quản lý đương đại bao gồm:
Học thuyết biên giới mềm: Biên giới giữa các quốc gia không đơn thuần chỉ là ranh qui định bởi đất liền, biển mà còn biên giới của hàng hóa. Các cường quốc sử dụng lý thuyết này để bành trướng biên giới và tầm ảnh hưởng của mình bằng cách mở rộng thị trường hàng hóa – dịch vụ ra nước khác. Đối với các nước đang phát triển cần ý thức vị trí của mình trên thương trường cạnh tranh khốc liệt và phải có tầm nhìn thế giới trước bối cảnh hiện nay.
Quan điểm phân tích chuỗi giá trị và dòng chảy giá trị gia tăng toàn cầu: Chuỗi phân tích giá trị gồm ba phân khúc là nghiên cứu & phát triển – sở hữu trí tuệ, sản xuất, xây dựng thương hiệu và thương mại. Trong đó; hai phân khúc đầu và cuối tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cả. Đây là các phân khúc mà các cường quốc đang nắm giữ. Họ từ bỏ phân khúc làm nhiều nhưng không tạo ra giá trị gia tăng cho các nước đang phát triển. Thực tế cho thấy, các quốc gia công nghiệp hàng đầu sở hữu những thương hiệu, tập đoàn bán lẻ và nắm giữ hầu hết các phát minh sáng chế của thế giới. Từ đó, dòng chảy giá trị gia tăng chỉ chảy một chiều từ các quốc gia nghèo đến giàu; chứ không có dòng ngược lại. Các quốc gia chậm và đang phát triển nếu không biết chọn mục tiêu sống còn vào hai phân khúc trên sẽ tạo ra nguy cơ tụt hậu là tất yếu.
Quan điểm về quyền lực mềm: Đây là những ảnh hưởng mạnh mẽ của bản sắc văn hóa của một đất nước truyền tải qua hàng hóa – dịch vụ để đến các quốc gia khác. Quan điểm học thuyết này thiên về lợi ích tinh thần. Nó khác hoàn toàn với quyền lực cứng về quân sự. Các nước Châu Á đang có lợi thế nhiều hơn đối với các nước phương tây. Những tác động của quyền lực mềm được cụ thể thông qua phim hoạt hình, truyện tranh của Nhật Bản, phim truyện truyền hình nhiều tập của Hàn quốc, võ thuật Trung Hoa, … Ngày nay, sức trỗi dậy mạnh mẽ của quyền lực mềm Châu Á đang làm rung chuyển nền văn hóa đại chúng của cường quốc số một thế giới là Mỹ.
2. Tri thức
Bất cứ tổ chức nào cũng cần có tri thức. Tri thức nằm trong đầu của nhân viên. Tri thức được thể hiện qua kỹ năng, văn hóa của các thành viên, trong các dữ liệu hoạt động, các chính sách hay quy trình tác nghiệp,… Rất nhiều tổ chức “không hề biết mình có những gì” trong khi họ đang quản lý cả một nguồn tài sản vô hình rất giá trị – đó là tri thức. Ngày nay, tri thức nghiễm nhiên trở thành một tài sản quan trọng đối với các tổ chức. Khi tài nguyên thiên nhiên đã cạn kiệt, giá nhân công không còn rẻ mạt. Tỷ lệ giữa tài sản hữu hình và tài sản vô hình trong kỷ nguyên công nghiệp là 75-25 nay đã chuyển thành 25-75 trong kỷ nguyên tri thức. Các thước đo giá trị của một tổ chức cũng đã thay đổi theo hướng đem lại lợi ích thỏa mãn nhiều đối tượng liên quan khác nhau như cổ đông, nhân viên, nhà nước, người cung ứng, đối tác và cộng đồng. Tuy nhiên, thuật ngữ “tri thức” dễ bị nhầm lẫn trong quản lý tri thức. Hiện nay, “thông tin” và “dữ liệu” thường được đánh đồng với “tri thức”. Tri thức được hình thành từ trí não con người. Người ta sử dụng tri thức để tư duy. Trong các tổ chức, tri thức thường gắn liền với hệ thống tài liệu, các công việc hàng ngày, các quá trình hoạt động và các chuẩn mực kiểm tra đánh giá,… Các thông tin về khách hàng được kết hợp với những thông tin thị trường, đối thủ cạnh tranh và các kinh nghiệm để đưa ra những chính sách thích hợp về thị trường, giá cả,… Tất cả sẽ trở thành tri thức của tổ chức. Kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của từng cá nhân học được từ trường đại học, thị trường, các tổ chức mà họ đã trải qua cũng trở thành tri thức của tổ chức mà họ đang đóng góp.
3. Quản lý tri thức (QTTT)
Thuật ngữ “tri thức” xuất hiện từ thời Platon, Aristote. Nó được nghiên cứu nhiều bởi các học giả hiện đại như Macheal Polanyi (1958, 1967), Daniell Bell (1973), Alvin Toffler (1970, 1980), Peter Drucker (1993) và Ikujiro Nonaka (1991, 1995). Các học giả này đã đưa ra khái niệm tri thức là nguồn vốn hay tài sản trí tuệ của các tổ chức. Các khái niệm dữ liệu, thông tin, tri thức và sự thông thái của tổ chức cũng được phát triển bởi các học giả trên.
Khái niệm “quản lý tri thức” lần đầu tiên được đề cập đến từ đầu những năm 80. Melissie C. Rumizen, tác giả cuốn “The complete Idiot’s guide to knowledge management”, cho rằng TS. Karl-Erik Sveiby (Thụy Điển) là người đầu tiên đưa ra khái niệm tri thức tổ chức vào năm 1979 nhưng không được đón nhận. Một báo cáo gần đây của Chính phủ Hoa Kỳ cho rằng TS. Karl M. Wiig (Viện nghiên cứu tri thức – KRI) là người đầu tiên đưa ra khái niệm về quản lý tri thức trong một bài phát biểu tại Tổ chức lao động quốc tế của Liên Hợp Quốc (ILO) vào năm 1986.
Đến đầu những năm 90, quản lý tri thức thực sự khai thông như một công cụ mới trong quản lý. Thomas A. Stewart là người đầu tiên viết về quản lý tri thức với bài viết “Brainpower” trên tạp chí “Fortune” vào năm 1991. Tiếp theo đó là một chuỗi cuộc tranh luận giữa các trường phái khác nhau về quản lý tri thức. Hàng trăm trang web về quản lý tri thức ra đời. Đến nay các quan niệm khác nhau về vấn đề này vẫn tồn tại như:
- “Quản lý tri thức là một quá trình thu nhận, tổ chức, chia sẻ và sử dụng thông tin trong một tổ chức”.
- “Quản lý tri thức thực chất là bạn đang cạnh tranh dựa trên tri thức của đội ngũ nhân viên, bất kể bạn đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nào.”
- Hiệp hội quản lý tri thức Nhật Bản (JKMA) định nghĩa: “Quản lý tri thức là kiểm soát, cấu trúc có hệ thống và hiệu quả một cơ chế cho phép sử dụng đúng người vào đúng công việc và đúng thời điểm, chia sẻ và sử dụng thông tin một cách thông suốt, hướng đến mục tiêu của tổ chức. Có hệ thống có nghĩa là từng bước chọn lọc, tìm hiểu, phân tích, chia sẻ và sử dụng thông tin để tạo ra giá trị”.
- Lotus (một công ty của IBM) định nghĩa: “Quản lý tri thức là một động lực thúc đẩy sử dụng thông tin và kỹ năng nghề nghiệp một cách có hệ thống nhằm nâng cao tính hiệu quả, năng lực, sự sáng tạo, đổi mới và khả năng phản hồi nhanh chóng của tổ chức.”
Từ những quan điểm nêu trên, ta nên nhìn nhận “Quản lý tri thức là quá trình kiến tạo, chia sẻ, khai thác, sử dụng và phát triển nguồn tài sản tri thức trong tổ chức và biến những tài sản vô hình đó thành những giá trị kinh tế hay vật chất cho tổ chức”.
4. Lý do phải quản lý tri thức
Trong suốt 60 năm qua, kinh tế thế giới đã có những bước chuyển rõ rệt từ nền tảng sản xuất thuần túy sang hệ thống sản xuất dựa vào kỹ năng và tri thức. Ở Mỹ, chỉ trong vòng 40 năm, số người lao động thuần túy đã giảm gần một nửa (34% lực lượng lao động vào năm 1980 so với 57% vào năm 1940). Các nhà đầu tư cũng nghiêng về các công ty có năng lực quản lý tốt và khả năng thích nghi nhanh chóng với những thay đổi của thị trường thay vì chỉ chú trọng đến giá trị tài sản của họ. Ngày nay, tương lai và giá trị của một tổ chức phụ thuộc vào khả năng phát triển các sản phẩm/dịch vụ mới, kịp thời bắt nhịp với những nhu cầu luôn thay đổi. Cùng với cách tiếp cận truyền thống như TQM hay tái cơ cấu quá trình, các tổ chức giờ đây xem QLTT như một yếu tố để giữ vững lợi thế cạnh tranh bằng thỏa mãn khách hàng. Tóm lại, có 4 lý do dẫn đến sự xuất hiện của quản lý tri thức:
- Cạnh tranh ngày càng gay gắt đòi hỏi mỗi tổ chức phải liên tục đổi mới sản phẩm và cải tiến hoạt động dựa trên nguồn tri thức của mọi người.
- Nhu cầu học hỏi trong một tổ chức luôn tồn tại nhưng thời lượng bồi bổ kinh nghiệm và kiến thức lại giảm đi rất nhiều do phải chú trọng vào các tác nghiệp hàng ngày. Do vậy, các tổ chức cần kiến tạo và sử dụng tri thức một cách thông minh nhất để không bị tụt hậu.
- Cơ chế thị trường tạo ra nhiều khả năng lựa chọn cho người lao động. Nhu cầu thay đổi nơi làm việc của người lao động có trình độ và kỹ nâng cao là nguy cơ suy giảm nguồn tri thức của tổ chức. Khi ra đi, họ không chỉ làm giảm năng suất mà còn mang theo những tri thức của tổ chức.
- Các tổ chức thành công do nắm bắt nhanh, kịp thời, và xử lý chính xác các nguồn thông tin (thị trường, khách hàng, sản phẩm,…). Hoạt động biến các thông tin đó thành tri thức là lợi thế cạnh tranh mà không phải nhà quản lý nào cũng làm được.
5. Lợi ích của quản lý tri thức
- Tăng năng suất.
- Thúc đẩy hoạt động đổi mới.
- Cải thiện hiệu quả quản lý.
- Nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng.
- Thu hút và khai thác nhân tài.
- Khuyến khích học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
6. Quản lý tri thức hướng đến sự phát triển bền vững
Vài thập niên trước đây, phát triển bền vững (PTBV) thường được hiểu với bảo vệ môi trường. PTBV là một khái niệm bao gồm các mối quan hệ tổng hợp và có nội dung toàn diện hơn nhằm thúc đẩy xã hội phát triển cũng như thỏa mãn nhu cầu cho toàn thể thành viên sống trong cộng đồng đó. PTBV lồng ghép giải quyết một cách cân đối và hài hòa các nhu cầu về kinh tế, xã hội và môi trường đối với một quốc gia. PTBV hàm chứa sử dụng tài nguyên thiên nhiên, điều kiện môi trường để thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại nhưng không làm tổn hại lợi ích đối với các thế hệ tương lai. Ngoài ra còn tạo điều kiện cho chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn. Ngày nay, PTBV là một lựa chọn có tính chiến lược đối với mọi quốc gia trên thế giới. Tóm lại, PTBV là thịnh vượng về kinh tế, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội lẫn bền vững về môi trường sinh thái. Các chỉ tiêu về phát triển bền vững bao gồm:
- Bền vững về kinh tế cần có tốc độ tăng trưởng GDP hợp lý và ổn định, GDP/đầu người cao và thường xuyên tăng. Hơn thế nữa, cơ cấu GDP có vai trò thúc đẩy sự phát triển phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.
- Bền vững về xã hội bao gồm:
-
- Chỉ tiêu về phát triển con người (HDI) gồm 03 yếu tố cơ bản tuổi thọ, kiến thức hiểu biết và nguồn tài chính để có mức sống thích hợp.
- Chỉ tiêu bình đẳng về thu nhập phản ánh độ chênh lệch về thu nhập giữa các tầng lớp nhân dân. Các dữ liệu này thể hiện qua tỷ trọng thu nhập của tầng lớp người giàu và nghèo trong tổng thu nhập quốc dân; tỷ trọng người giàu và nghèo chiếm giữ của cải toàn xã hội; chỉ tiêu về nghèo đói, thất nghiệp và việc làm; các chỉ tiêu về bình đẳng giới như tỷ lệ tham gia của phụ nữ trong bộ máy quản lý,…
- Chỉ tiêu về giáo dục & đào tạo như tỷ lệ người biết chữ trong từng độ tuổi; tỷ lệ học sinh ở các bậc học trong từng độ tuổi; tỷ lệ sinh viên/10.000 dân; tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục – đào tạo (GDĐT) trong tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) hay tổng GDP,…
- Chỉ tiêu về y tế như tỷ lệ sơ sinh bị chết/tổng trẻ sơ sinh, tăng sức khỏe bà mẹ sinh sản; tỷ lệ giảm HIV/AIDS, sốt rét, ….; tuổi thọ trung bình; tổng số bác sĩ, giường bệnh/1000 dân; tỷ lệ hộ dân được hưởng dịch vụ y tế xã hội cơ bản; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch; tỷ lệ trẻ em dưới 12 tuổi được tiêm chủng phòng dịch bệnh, tỷ lệ chi ngân sách cho y tế trong tổng chi NSNN hay tổng GDP,…
- Các chỉ tiêu về văn hóa như số lượng báo chí, đầu sách, ấn phẩm, thông tin được phát hành cho 1000 dân; số lượng máy thu thanh, thu hình/1000 dân; số máy điện thoại/1000 dân; số lượng thư viện, câu lạc bộ/10.000 dân; số lượng nhà hát, rạp chiếu phim/10.000 dân, ….
- Các chỉ tiêu về xã hội còn các chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội; ổn định chính trị; an ninh quốc gia; độ gia tăng của tội phạm; xung đột giữa các tổ chức, đảng phái, tôn giáo, dân tộc, chủ nghĩa khủng bố hoành hành,….
- Bền vững về môi trường: Môi trường sống bao gồm các điều kiện vật lý, hóa học, sinh học, xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của muôn loài trên hành tinh xanh này. Môi trường sống của con người có chức năng cơ bản là không gian sinh tồn và phát triển của con người; nơi cung cấp tài nguyên, năng lượng và các điều kiện sinh sống cũng như phát triển sản xuất của con người; nơi chứa đựng phế thải, tái chế và xử lý chất thải của con người tạo ra trong sinh hoạt và sản xuất. Bền vững về không gian sống của con người cần đảm bảo số lượng và chất lượng như trong sạch về không khí, nước, đất, không gian về lý hóa – sinh học, cảnh quan, …. Qua quá trình sử dụng không được phép làm giảm số lượng và chất lượng của các yếu tố đó dưới giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Bền vững về tài nguyên thiên nhiên cần đảm bảo:
-
- Đối với các loại tài nguyên tái tạo được: chỉ khai thác và sử dụng trong giới hạn những tài nguyên đó. Chúng được khôi phục lại về số lượng và chất lượng do tự nhiên hoặc bằng phương pháp nhân tạo.
- Đối với những loại tài nguyên không tái tạo được chỉ cho phép khai thác và sử dụng ít hơn hoặc bằng số lượng do thiên nhiên tạo ra hoặc bằng phương pháp nhân tạo để thay thế.
- Với chức năng là nơi chứa đựng và xử lý phế thải cần quán triệt lượng phế thải tạo ra trong sinh hoạt và sản xuất của con người phải nhỏ hơn khả năng tái sử dụng, tái chế và phân hủy của tự nhiên.
Phát triển bền vững với mục tiêu tối thượng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của cuộc sống. Một trong những chỉ tiêu phản ánh chất lượng cuộc sống căn cứ vào “Báo cáo phát triển con người (HDR) do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) công bố hàng năm ”. Năm 2006, Báo cáo cho biết giá trị chỉ số phát triển con người của Việt Nam đạt 0,709 điểm và đứng thứ 109/177 nước được xếp hạng. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam liên tục tăng trong gần hai thập niên kế từ năm 1990: từ 0,618 (1990) đến 0,661 (1995); lên 0,696 (2000) và 0,709 (2004). Đây là một bước tiến dài so với HDI của năm 1990. Việt Nam nằm trong nhóm nước có chỉ số phát triển con người trung bình, cùng nhóm với Trung quốc và Nga. Dẫn đầu bảng xếp hạng năm 2006 là Na Uy, Iceland, Úc, Ireland, Thụy Điển, … Báo cáo nhận xét: “Việt Nam vẫn là một nước khá nghèo nhưng xếp hạng HDI cao hơn rất nhiều nước khác”; trong đó:
- Tỉ lệ biết chữ ở người lớn của Việt nam đạt 90,3%. Tỉ lệ này rất cao nếu xét trong mối tương quan với thu nhập hiện nay. Dẫn chứng HDI của Việt nam thấp hơn Algeria (0,728) trong khi thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương của Algeria là 6.603 USD cao gấp đôi so với Việt Nam là 2.745 USD. Trong khi đó, tỉ lệ biết chữ ở người lớn tại Algeria chỉ đạt 69,9%.
- Về chỉ số đo mức nghèo tổng hợp (HPI) của Việt Nam xếp thứ 33/102 nước đang phát triển. Chỉ số này được xem xét dựa vào số phần trăm người sống không quá 40 tuổi (ở Việt nam là 9,4%), tỉ lệ mù chữ ở người trưởng thành của người Việt Nam là 9,7%, những người không có khả năng tiếp cận với nước sạch ở Việt Nam là 15% và trẻ em bị thiếu cân là 28%. Như vậy, Việt Nam nằm trong số 1/3 các nước làm tốt hơn các nước đang phát triển khác.
- Về chỉ số phát triển liên quan đến bình đẳng giới (GDI) của Việt Nam xếp hạng 80/177 quốc gia. Tuy nhiên, nếu xét về tương quan giữa GDI và HDI, Việt Nam xếp thứ 11/132 nước. Điều này cho thấy tuy chỉ số HDI còn thấp nhưng “hàm lượng” bình đẳng giới của Việt Nam ở mức cao, đặc biệt trong lĩnh vực tuổi thọ, tỉ lệ nam nữ nhập học các cấp, tỉ lệ biết chữ.
- Tuy nhiên, các tổ chức Liên hiệp quốc chỉ ra nhiều thách thức lớn của Việt nam trong đảm bảo chất lượng và bình đẳng trong tiếp cận nguồn nước. Hơn 2/3 dân số Việt Nam vẫn bị nhiễm những căn bệnh liên quan đến nước không sạch và tình trạng kém vệ sinh. Ước tính gần 5 triệu trẻ em Việt Nam hiện không được tiếp cận nước sạch và 13 triệu trẻ em không được tiếp cận vệ sinh phù hợp.
“Báo cáo HDR cho chúng ta cơ hội tạm dừng để suy ngẫm và kịp thời nhắc nhở chúng ta rằng tăng trưởng kinh tế không phải là cái đích cuối cùng mà là phương tiện để đạt được mục tiêu phát triển cho tất cả mọi người. Giờ đây, khi Việt Nam đang phấn đấu tăng cường hội nhập quốc tế, tăng trưởng và thịnh vượng, điều hết sức quan trọng là các nhà lãnh đạo và người dân Việt Nam không rời xa mục tiêu này” – John Hendra, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam. (Nguồn: Cẩm Hà, Báo Tuổi trẻ ngày 11/11/2006, trang 16).
22 Th12 2020
21 Th12 2020
21 Th12 2020
22 Th12 2020
21 Th12 2020
22 Th12 2020