Phương pháp xây dựng hệ thống thử nghiệm là quá trình xây dựng một hệ thống thử nghiệm một cách nhanh chóng nhằm mô tả và đánh giá hệ thống để những người sử dụng có thể nhanh chóng xác định các yêu cầu cần thêm và chỉnh sửa qua quá trình sử dụng hệ thống thử nghiệm đó.
Nếu như phương pháp SDLC rất phù hợp khi cần xây dựng một hệ thống lớn và phức tạp thì phương pháp thử nghiệm này lại là giải pháp khi khó mô tả rõ ràng, cụ thể chức năng của hệ thống hay cần ngay một hệ thống để dùng thử nhằm thích nghi với sự thay đổi của môi trường.
Các bước triển khai dự án hệ thống thông tin theo phương pháp thử nghiệm
Bước 1: Xác định các yêu cầu cơ bản đối với hệ thống
Các chuyên gia công nghệ thông tin và người sử dụng cùng nhau xây dựng các yêu cầu cơ bản đối với hệ thống: sử dụng những dữ liệu nào để nhập vào hệ thống, quy trình xử lý dữ liệu, và các kết quả đạt được. Những yêu cầu này chỉ là những điểm chính, là điểm khởi đầu để xây dựng hệ thống chứ không phải là bản mô tả hoàn chỉnh hệ thống.
Bước 2: Phát triển hệ thống thử nghiệm ban đầu
Dựa trên các yêu cầu cơ bản được đặt ra, các chuyên gia sẽ xây dựng hệ thống thử nghiệm ban đầu. Bước phát triển hệ thống này có thể diễn ra trong vài ngày hoặc vài tuần tùy thuộc vào quy mô và độ phức tạp của hệ thống. Sau khi được hoàn thành, hệ thống thử nghiệm ban đầu sẽ được đưa vào sử dụng thử nghiệm.
Bước 3: Sử dụng thử nghiệm hệ thống
Trong quá trình sử dụng hệ thống, người sử dụng cần ghi lại những điểm cần bổ sung của hệ thống, những điểm họ thấy chưa phù hợp và cần sửa đổi và trao đổi với các chuyên gia về những nhận xét này.
Bước 4: Chỉnh sửa hệ thống
Các chuyên gia dựa trên những ý kiến đóng góp tiến hành chỉnh sửa hệ thống thử nghiệm. Để người sử dụng tích cực tham gia đóng góp thì các chuyên gia cần đảm bảo các yêu cầu đó sẽ nhanh chóng được thực hiện. Với những yêu cầu đơn giản, chuyên gia có thể ngay lập tức chỉnh sửa luôn, đối với những yêu cầu phức tạp thì có thể thực hiện trong vài ngày hoặc vài tuần.
Bước 3 và bước 4 sẽ diễn ra liên tục cho đến khi người sử dụng hài lòng với hệ thống.
Bước 5: Đánh giá hệ thống để đưa vào vận hành
Trước khi đưa hệ thống đã được người dùng chấp nhận cần tiến hành đánh giá tính khả thi của hệ thống khi đưa vào vận hành. Không phải tất cả các hệ thống thử nghiệm đều có thể đưa vào vận hành. Cần phải xem xét các yếu tố như chi phí vận hành và bảo trì hệ thống, các lợi ích cũng như rủi ro khi vận hành hệ thống, …trước khi quyết định chính thức đưa hệ thống thử nghiệm vào hoạt động.
Bước 6: Hoàn thiện hệ thống
Sau khi hệ thống thử nghiệm đã được lựa chọn, các chuyên gia cần tiến hành các thay đổi cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đồng thời xây dựng các tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống.
Bước 7: Cài đặt, vận hành và bảo trì hệ thống
Hệ thống mới sẽ được cài đặt và chuyển sang chế độ vận hành. Giai đoạn này có thể tiến hành dễ dàng bởi người sử dụng đã phần nào quen với việc hoạt động của hệ thống.
Đánh giá phương pháp thử nghiệm
(i) Ưu điểm
– Người sử dụng chủ động tham gia trong quá trình thiết kế và phát triển hệ thống
– Thời gian phát triển hệ thống ngắn do mức độ về các yêu cầu và giải pháp phát triển hệ thống thấp.
– Khắc phục được các vấn đề nảy sinh đối với phương pháp SDLC. Phương pháp này khuyến khích được sự tham gia tích cực của người sử dụng vào quá trình phát triển hệ thống; nhờ vậy mà loại bỏ được những sai sót thiết kế và lãng phí thường xảy ra khi các yêu cầu chưa được xác định một cách chính xác ngay tại thời điểm ban đầu.
(ii) Nhược điểm
– Người sử dụng có thể trở nên gắn bó với hệ thống thử nghiệm và không có mong muốn sử dụng hệ thống hoàn tất vì vậy có thể gây ra những bất cập trong quá trình vận hành hệ thống mới
– Đòi hỏi các chuyên gia công nghệ thông tin cần phải có các kỹ năng đặc biệt. Nếu chuyên gia không có kinh nghiệm làm việc với người sử dụng thì rất khó phát triển hệ thống.
– Khả năng hoàn thành thấp, phụ thuộc nhiều vào người sử dụng.
– Khó áp dụng cho các hệ thống cần tính toán nhiều và có nhiều thủ tục phức tạp.
– Khó xác định cách thức xây dựng một hệ thống lớn hoặc các phần của hệ thống. Khó kiểm soát trong quá trình phát triển.
25 Th12 2020
24 Th12 2020
24 Th12 2020
25 Th12 2020
24 Th12 2020
25 Th12 2020