Phương pháp của hạch toán kế toán

1. Phương pháp của hạch toán kế toán.

1.1. Các phương pháp của hạch toán kế toán.

Hạch toán kế toán là một môn khoa học kinh tế có đối tượng nghiên cứu riêng do đó có phương pháp riêng. Với đặc trưng của đối tượng kế toán và yêu cầu của thông tin kế toán, hạch toán kế toán lấy triết học biện chứng làm cơ sở lý luận, kinh tế chính trị học làm cơ sở phương pháp luận hình thành hệ thống phương pháp kế toán.

Phương pháp kế toán là các phương thức, các biện pháp kế toán sử dụng để thu thập, xử lý cung cấp thông tin về tài sản, sự biến động của tài sản và các quá trình sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý.

Hệ thống phương pháp kế toán bao gồm: phương pháp chứng từ kế toán, phương pháp tài khoản kế toán, phương pháp tính giá và phương pháp tổng hợp cân đối kế toán.

Phương pháp chứng từ kế toán là phương pháp kế toán phản ánh các nghiệp vu kinh tế tài chính phát sinh và thực sự hoàn thành theo thời gian và địa điểm phát sinh của nghiệp vụ đó vào các bản chứng từ và xử lý luân chuyển chứng từ để phục vụ công tác kế toán, công tác quản lý.

Trong quá trình hoạt động của đơn vị thường xuyên phát sinh các nghiệp vụ kinh tế gây ra sự biến động của tài sản, nguồn vốn. Các nghiệp vụ kinh tế gồm nhiều loại phát sinh ở thời gian và địa điểm khác nhau. Để phục vụ cho công tác kế toán quản lý kiểm tra việc bảo vệ sử dụng tài sản, kiểm tra các hoạt động kinh tế tài chính, hạch toán kế toán đã xây dựng phương pháp khoa học để thu nhận đầy đủ kịp thời về thông tin về mọi nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh. Đó là phương pháp chứng từ kế toán với 2 nội dung là: lập các bản chứng từ chứng minh cho các nghiệp vụ kinh tế phát sinh và tổ chức thông tin về các nghiệp vụ kinh tế theo yêu cầu quản lý và hạch toán.

Phương pháp tài khoản kế toán là phương pháp kế toán phân loại, phản ánh và giám đốc một cách thường xuyên, liên tục, có hệ thống tình hình và sự biến động của từng tài sản, từng nguồn vốn và từng quá trình sản xuất kinh doanh

Phương pháp chứng từ cung cấp các thông tin về từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh gây ra sự biến động về tài sản và nguồn vốn, các thông tin mang tính phân tán không có hệ thống. Để thu nhập thông tin tổng hợp về tình hình và sự biến động của từng đối tựợng kế toán, kế toán sử dụng phương pháp tài khoản kế toán.

Phương pháp tính giá: là phương pháp kế toán sử dụng thước đo tiền tệ tổng hợp và phân bổ chi phí để xác định giá trị thực tế của tài sản trong đơn vị theo nguyên tắc nhất định.

Tài sản trong đơn vị là đối tượng hạch toán kế toán bao gồm nhiều loại tồn tại dưới hình thái hiện vật khác nhau. Mỗi loại tài sản do các yếu tố chi phí cấu thành bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp. Vì vậy để xác định giá trị của tài sản nhằm cung cấp thông tin tổng hợp về tài sản của doanh nghiệp. Hạch toán kế toán sử dụng phương pháp tính giá với nội dung tổng hợp chi phí trực tiếp và phân bổ chi phí gián tiếp cho từng tài sản theo các nguyên tắc nhất định.

Phương pháp tổng hợp cân đối kế toán là phương pháp kế toán tổng hợp số liệu từ các sổ kế toán theo các mối quan hệ cân đối vốn có của kế toán nhằm cung cấp các thông tin theo các chỉ tiêu kinh tế tài chính về tài sản và kết quả kinh doanh của đơn vị nhằm phục vụ công tác quản lý

Trong công tác quản lý ngoài thông tin về từng nghiệp vụ kinh tế, thông tin về tình hình và sự biến động về từng tài sản, nguồn vốn và quá trình kinh doanh cần thiết phải có các thông tin tổng hợp về toàn bộ tình hình tài sản, tình hình kết quả hoạt động, để đáp ứng yêu cầu quản lý hạch toán kế toán sử dụng phương pháp tổng hợp cân đối kế toán.

1.2. Mối quan hệ giữa các phương pháp kế toán.

Các phương pháp chứng từ kế toán, phương pháp tài khoản kế toán, phương pháp tính giá và phương pháp tổng hợp cân đối kế toán là những phương pháp cấu thành hệ thống phương pháp kế toán. Các phương pháp kế toán sử dụng đều nhằm thu thập, cung cấp thông tin theo yêu cầu quản lý nhưng ở mức độ, phạm vi khác nhau. Giữa các phương pháp kế toán có mối quan hệ biện chứng bổ xung cho nhau nhằm cung cấp thông tin chính xác đầy đủ kịp thời phục vụ cho công tác quản lý. Do đó trong công tác kế toán phải sử dụng đồng thời cả bốn phương pháp, không thể sử dụng phương pháp này mà không sử dụng phương pháp khác.