1. Mục đích của báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính doanh nghiệp là một bộ phận của báo cáo kế toán doanh nghiệp, là sản phẩm của kế toán tài chính, nhằm cung cấp những thông tin kinh tế – tài chính có ích cho các đối tượng sử dụng.
Trong hệ thống kế toán doanh nghiệp hiện hành, báo cáo tài chính được xác định là loại báo cáo tổng hợp về tình hình tài sản, nguồn vốn cũng như tình hình và kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định, được thể hiện thông qua một hệ thống các chỉ tiêu có mối liên hệ với nhau do Nhà nước quy định thống nhất và mang tính pháp lệnh. Nó cung cấp cho người sử dụng thấy được bức tranh toàn cảnh về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Bản chất của báo cáo tài chính là phản ánh sự kết hợp của những sự kiện xảy ra trong quá khứ với những nguyên tắc kế toán đã được thừa nhận và những đánh giá của cá nhân, nhằm chủ yếu là cung cấp thông tin tài chính hữu ích cho các đối tượng sử dụng bên ngoài doanh nghiệp. Một mặt do thông tin trình bày trên báo cáo tài chính chủ yếu chịu sự chi phối bởi những đánh giá của người lập báo cáo tài chính, mặt khác do có sự tách biệt giữa sự sở hữu và khả năng kiểm soát của những người cung cấp vốn cho doanh nghiệp, nên báo cáo tài chính được lập đòi hỏi phải được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán độc lập.
Báo cáo tài chính của doanh nghiệp được lập với mục đích sau:
- Tổng hợp và trình bày một cách tổng quát, toàn diện tình hình tài sản, công nợ, nguồn vốn, tình hình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một kỳ hạch toán.
- Cung cấp các thông tin kinh tế, tài chính chủ yếu cho việc đánh giá tình hình và kết quả hoạt động, thực trạng tài chính của doanh nghiệp trong kỳ hoạt động đã qua và những dự đoán trong tương lai. Thông tin của báo cáo tài chính là căn cứ quan trọng cho việc đề ra các quyết định về quản lý, điều hành hoạt động SXKD, hoặc đầu tư vào doanh nghiệp của các chủ sở hữu, các nhà đầu tư, các chủ nợ hiện tại và tương lai của doanh nghiệp.
2. Nội dung của hệ thống báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính quy định cho các doanh nghiệp gồm 4 biểu mẫu báo cáo:
- Bảng cân đối kế toán (mẫu số B01 – DN).
- Kết quả hoạt động kinh doanh (mẫu số B02 – DN).
- Lưu chuyển tiền tệ (mẫu số B03 – DN).
- Thuyết minh báo cáo tài chính (mẫu số B09 – DN).
Ngoài ra để phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế, tài chính, yêu cầu chỉ đạo, điều hành các ngành, các Tổng công ty, tập đoàn sản xuất, liên hiệp các xí nghiệp, các công ty liên doanh… có thể quy định thêm các báo cáo tài chính chi tiết khác như:
- Báo cáo giá thành sản phẩm, dịch vụ.
- Báo cáo chi tiết kết quả kinh doanh.
- Báo cáo chi tiết chi phí bán hàng.
- Báo cáo chi tiết chi phí quản lý doanh nghiệp.
- Báo cáo chi tiết công nợ phải thu.
- Báo cáo chi tiết công nợ phải trả.
Nội dung, phương pháp tính toán, hình thức trình bày các chỉ tiêu trong từng báo cáo quy định được áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp.
Trong quá trình áp dụng, nếu thấy cần thiết, thì có thể bổ sung, sửa đổi hoặc chi tiết các chỉ tiêu cho phù hợp với đặc điểm hoạt động SXKD của doanh nghiệp, nhưng phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.
3. Trách nhiệm, thời hạn lập và gửi báo cáo tài chính
Tất cả các doanh nghiệp độc lập (không nằm trong cơ cấu, tổ chức của một doanh nghiệp khác), có tư cách pháp nhân đầy đủ đều phải lập và gửi báo cáo tài chính theo đúng các qui định tại chế độ này. Riêng báo cáo lưu chuyển tiền tệ tạm thời chưa qui định là báo cáo bắt buộc phải lập và gửi, nhưng khuyến khích các doanh nghiệp lập và sử dụng báo cáo tiền tệ.
Các báo cáo tài chính được lập và gửi vào cuối mỗi quí (cuối tháng thứ 3, thứ 6, thứ 9, thứ 12 kể từ ngày bắt đầu niên độ kế toán) để phản ánh tình hình tài chính của niên độ kế toán đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước và cho doanh nghiệp cấp trên theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp có Công ty con (Công ty trực thuộc) thì phải gửi kèm theo bản sao báo cáo tài chính cùng quý, cùng năm của Công ty con. Các doanh nghiệp có thể lập báo cáo tài chính hàng tháng để phục vụ yêu cầu quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp hạch toán độc lập và hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty và các doanh nghiệp hạch toán độc lập không nằm trong Tổng Công ty được gửi chậm nhất là sau 20 ngày đối với báo cáo quý, kể từ ngày kết thúc quí và chậm nhất là sau 30 ngày đối với báo cáo năm, kể từ sau ngày kết thúc năm tài chính. Đối với các Tổng Công ty, thời hạn gửi báo cáo tài chính chậm nhất là 45 ngày đối với báo cáo quý, kể từ ngày kết thúc quý và chậm nhất là 90 ngày đối với báo cáo năm, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Đối với các doanh nghiệp tư nhân, các Công ty hợp danh, thời hạn gửi báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính; còn đối với các Công ty trách nhiệm hữu hạn, các Công ty cổ phần, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các loại hình hợp tác xã, thời hạn gửi báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Trường hợp các doanh nghiệp có năm tài chính kết thúc không vào ngày 31/12 hàng năm thì phải gửi báo cáo tài chính quý IV (quý kết thúc) vào ngày 31/12, trong đó phải có số lũy kế từ đầu năm tài chính đến hết ngày 31/12.
4. Nơi nhận báo cáo tài chính:
Theo quy định, các doanh nghiệp Nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lập và gửi báo cáo tài chính cho Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước Trung ương còn phải gửi báo cáo tài chính cho Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước như Ngân hàng thương mại, Công ty xổ số kiến thiết, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp Bảo hiểm, Công ty kinh doanh chứng khoán phải gửi báo cáo tài chính cho Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính. Ngoài ra, các Công ty kinh doanh chứng khoán Nhà nước còn phải gửi báo cáo tài chính cho ủy ban chứng khoán Nhà nước.
Đối với các doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, phải đính kèm báo cáo kiểm toán vào báo cáo tài chính khi gửi báo cáo tài chính cho các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cấp trên. Riêng các Tổng Công ty 90, 91 còn phải gửi báo cáo tài chính cho Tổng cục thuế thuộc Bộ Tài chính.
Có thể khái quát thời hạn lập và nơi nhận báo cáo tài chính của DN qua bảng sau:
14 Th9 2020
14 Th9 2020
9 Th10 2020
25 Th10 2021
23 Th9 2020
14 Th9 2020