1. Pacific Airlines triển khai bán vé máy bay trực tuyến
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới IATA, vé máy bay điện tử giúp ngành hàng không tiết kiệm được khoảng 3 tỉ USD mỗi năm, giúp các hãng hàng không nâng cao tính cạnh tranh. Không những thế, việc mua vé qua mạng sẽ giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian cũng như nhiều chi phí khác.
Đầu năm 2007, ngành hàng không Việt Nam bắt tay vào triển khai hệ thống vé điện tử. Sau khi chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần và hàng không giá rẻ, hãng hàng không Pacific Airlines áp dụng hình thức bán vé máy bay điện tử trực tuyến với mục đích cắt giảm chi phí hệ thống đại lý, tăng hiệu quả công tác quản lý lịch bay, xoá bỏ chi phí in vé v.v… Đối với người tiêu dùng, sự tiện dụng và chủ động trong việc đặt vé là một lợi ích khó phủ nhận và đã có nhiều phản hồi khả quan từ khách hàng đối với phương thức bán vé này.
Để thực hiện được việc bán vé máy bay điện tử, trở ngại đầu tiên và rất khó khăn mà Pacific Airlines gặp phải là vấn đề thanh toán. Giải pháp thẻ thanh toán được xác định là công cụ quan trọng và mang tính chiến lược trong bước đầu triển khai dịch vụ này. Hiện Pacific Airlines đang sử dụng 2 phương thức thanh toán chính là thanh toán trả trước bằng thẻ tín dụng quốc tế như Visa, Visa Debit, Master Card, JCB, American Express và thanh toán tiền mặt trả sau.
Thanh toán qua thẻ tín dụng đang phát huy được thế mạnh của mình và chiếm tỷ trọng lớn trong khối lượng thanh toán của Pacific Airlines. Tính đến ngày 15/12/2007, theo báo cáo của Công ty Hàng không Cổ phần Pacific Airlines, khoảng 65% tổng số vé bán trực tuyến được thanh toán bằng thẻ tín dụng. Riêng đối với thẻ Techcombank Debit, mỗi tháng ước tính có khoảng 700 giao dịch mua vé Pacific Airlines và tính đến thời điểm hiện tại đã có hàng nghìn khách hàng tham gia đặt vé qua mạng trong số 20.000 khách hàng sử dụng thẻ.
Nhằm tạo thuận lợi hơn cho khách hàng trong việc thanh toán, Pacific Airlines đang phối hợp với Công ty Cổ phần thẻ Smartlink triển khai hỗ trợ thanh toán qua thẻ nội địa ConneCT24 và các loại thẻ khác do ngân hàng phát hành. Bên cạnh đó, Pacific Airlines sẽ bổ sung thêm kênh thanh toán nhờ thu qua các đơn vị có mạng lưới phủ rộng toàn quốc như các chi nhánh ngân hàng, điểm bưu điện, đại lý bán thẻ điện thoại.
Việc chuyển đổi sang kinh doanh hàng không giá rẻ và bán vé trực tuyến đã giúp Pacific Airlines tiết kiệm được 50% chi phí hạ tầng bán vé. Những kết quả cụ thể mang lại cho hãng hàng không này từ việc triển khai bán vé điện tử qua mạng có thể thấy qua con số tăng trưởng khách hàng trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước là 38%. Hệ số sử dụng ghế trước kia chỉ đạt hơn 70% nay đạt khoảng 85%.
Việc phát triển dịch vụ bán vé máy bay trực tuyến là một nỗ lực rất lớn của hãng hàng không phối hợp cùng các đơn vị thanh toán nhằm gia tăng giá trị, tạo sự tiện lợi và thoả mãn tối đa cho khách hàng. Đối với Pacific Airline, đây là bước tiến quan trọng về mặt công nghệ, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh mở cửa thị trường. Các hình thức thanh toán điện tử được khẳng định là cần thiết, thương mại điện tử là công cụ mang tính chiến lược cho các hãng hàng không giá rẻ như Pacific Airlines.
2. 123mua! với thanh toán điện tử
123mua! được biết đến như một website B2C khá trẻ nhưng hoạt động có hiệu quả trong thời gian qua. Số lượng đơn hàng năm 2007 tăng mạnh so với năm 2006. Trung bình mỗi tháng năm 2006 123mua! nhận được 150 đơn hàng, nhưng đến năm 2007, con số này tăng hơn 16 lần, đạt khoảng 2500 đơn hàng/tháng. Một trong những nguyên nhân cơ bản để 123mua! tạo được sức hút thị trường là chiến lược thanh toán cho việc bán hàng trên website. Ban đầu, dựa trên nền tảng khách hàng có sẵn từ các trò chơi trực tuyến đang triển khai, 123mua! xác định đối tượng mua hàng chủ yếu là các game thủ sử dụng thẻ trả trước VinaGame để thanh toán tiền hàng. Nhưng để phát triển website bán hàng sâu rộng hơn, phù hợp với chiến lược kinh doanh, 123mua! buộc phải bổ sung các công cụ thanh toán khác. Đến tháng 12/2007, 123mua! đưa ra 6 lựa chọn thanh toán cho khách hàng bao gồm thẻ Visa &Master, thẻ trả trước VinaGame, thẻ đa năng Đông Á, chuyển tiền qua ngân hàng, chuyển tiền qua bưu điện và giao hàng – thu tiền tận nơi.
Chức năng của thẻ trả trước VinaGame cũng giống như hình thức khấu trừ tiền hàng vào tài khoản của khách. Loại hình thanh toán này hiện vẫn đang chiếm vị trí quan trọng trong các phương tiện thanh toán được sử dụng. Đối với khách hàng không tham gia trò chơi của VinaGame hay ở địa phương xa, họ thường sử dụng phương thức chuyển tiền qua bưu điện và chuyển khoản qua ngân hàng. Đến tháng 8/2007, 123mua! cho phép khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế Visa và Master. Ngay sau đó, lượng sử dụng thẻ trả trước VinaGame giảm và chuyển sang sử dụng phương thức thanh toán này. Tháng 10/2007, thẻ đa năng Đông Á chính thức được đưa vào sử dụng tại website. Loại thẻ này cũng nhận được phản ứng tích cực trong thời gian đầu từ phía người sử dụng.
Hiện tại, do lượng khách hàng đến với 123mua! đại đa số là game thủ nên thanh toán bằng thẻ trả trước VinaGame vẫn chiếm đa số. Chiếm vị trí thứ hai sau thẻ trả trước VinaGame là hình thức chuyển tiền qua bưu điện. Đây là hình thức truyền thống và mang tính tình thế khi thanhtoán điện tử chưa phổ biến. Khi việc thanh toán qua thẻ Visa, Master và thẻ đa năng Đông Á được đưa vào triển khai, tỷ lệ sử dụng các công cụ thanh toán đã có một số dịch chuyển hợp lý.
Do những phương thức này được ứng dụng sau nên tỷ lệ sử dụng chưa cao khi đặt trong mối tương quan tổng thể. Song lợi ích lâu dài mà hai phương thức này mang lại là mở rộng được phạm vi khách hàng tiềm năng, không chỉ trong nước mà còn hướng ra thị trường nước ngoài trong những năm tới.
Điểm nhấn trong toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam năm 2007 chính là sự phát triển nhanh của thanh toán điện tử. So với những năm trước đây, thị trường thanh toán điện tử 2007 đã đạt được những cải tiến lớn trong việc đa dạng hoá các phương thức thanh toán, mở rộng đối tượng cung cấp và ứng dụng dịch vụ. Nét đổi mới này có được là nhờ nỗ lực của các đối tượng tham gia bao gồm người tiêu dùng, ngân hàng và nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Tuy nhiên, năm 2007 mới chỉ là điểm khởi đầu, thanh toán điện tử vẫn cần tiếp tục duy trì, đẩy mạnh đà phát triển hiện thời đồng thời nhanh chóng khắc phục những điểm yếu còn tồn tại. Một mạng thanh toán thống nhất sẽ là bàn đạp vững chắc cho thương mại điện tử Việt Nam cất cánh trong những năm tiếp theo.
24 Th12 2020
24 Th12 2020
25 Th12 2020
25 Th12 2020
24 Th12 2020
24 Th12 2020