Khái niệm và mục đích của việc lập kế hoạch kinh doanh

1. Khái niệm lập kế hoạch kinh doanh

Đây là khâu giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác kế hoạch hóa doanh nghiệp, nó là quá trình xác định các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch và đề xuất chính sách, giải pháp áp dụng. Kết quả của việc lập kế hoạch là một bản kế hoạch của doanh nghiệp được hình thành và nó chính là cơ sở cho việc thực hiện các công tác sau của kế hoạch hóa. Bản kế hoạch của doanh nghiệp là hệ thống các phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và các chỉ tiêu nguồn lực vật chất, nguồn lực tài chính cần thiết cho việc thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp.

Do vậy, lập kế hoạch kinh doanh là quá trình nghiên cứu, phân tích và tổng hợp, soạn thảo từ đó đưa ra một bản kế hoạch kinh doanh cụ thể

2. Mục đích của việc lập kế hoạch kinh doanh

Các nhà quản trị cần phải lập kế hoạch bởi vì lập kế hoạch cho biết phương hướng hoạt động tương lai, làm giảm sự tác động của những thay đổi từ môi trường, tránh được sự lãng phí và dư thừa nguồn lực, và thiết lập nên những tiêu chuẩn thuận tiện cho công tác kiểm tra. Hiện nay, trong có chế thị trường có thể thấy lập kế hoạch có các vai trò đối với các doanh nghiệp, cụ thể như sau:

– Kế hoạch là một trong những công cụ có vai trò quan trọng trong việc phối hợp nỗ lực của các thành viên trong một doanh nghiệp. Lập kế hoạch cho biết mục tiêu và cách thức đạt được mục tiêu của doanh nghiệp. Khi tất cả nhân viên trong cùng một doanh nghiệp biết được doanh nghiệp mình sẽ đi đâu và họ sẽ cùng nhau phối hợp, hợp tác và làm việc một cách có tổ chức. Nếu thiếu kế hoạch thì con đường đi tới mục tiêu của doanh nghiệp sẽ khó khăn và không có hiệu quả

– Lập kế hoạch có tác dụng làm giảm tính bất ổn định của doanh nghiệp, hay tổ chức. Sự bất ổn định và thay đổi của môi trường làm cho công tác lập kế hoạch trở thành tất yếu và rất cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà quản trị. Lập kế hoạch buộc những nhà quản trị phải nhìn về phía trước, dự đoán được những thay đổi trong nội bộ doanh nghiệp cũng như môi trường bên ngoài và cân nhắc các ảnh hưởng của chúng để đưa ra những giải pháp ứng phó thích hợp

– Lập kế hoạch làm giảm được sự chồng chéo và nwhnxg hoạt động làm lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp. Khi lập kế hoạch thì những mục tiêu đã được xác định, những phương thức tốt nhất để đạt được mục tiêu đã được lựa chọn nên sẽ sử dụng nguồn lực một cách có hiệu quả, cực tiểu hóa chi phí bởi vì nó chủ động vào các hoạt động hiệu quả và phù hợp

– Lập kế hoạch sẽ thiết lập được những tiêu chuẩn tạo điều kiện cho công tác kiểm tra đạt hiệu quả cao. Một khi doanh nghiệp không xác định được là mình phải đạt tới cái gì và đạt tới bằng cách nào thì đương nhiên sẽ không thể xác định được liệu mình có thực hiện được mục tiêu hay chưa, và cũng không thể có được những biện pháp để điều chỉnh kịp thời khi có những lệch lạc xảy ra. Do vậy, có thể nói nếu không có kế hoạch thì cũng không có kiểm tra

Như vậy, lập kế hoạch là hết sức quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà quản trị. Nếu không có kế hoạch thì nhà quản trị có thể không biết tổ chức, khai thác con người và các nguồn lực khác nhau của doanh nghiệp một cách có hiệu quả, thậm chí sẽ không có được một ý tưởng rõ ràng về cái họ cần tổ chức và khai thác. Không có kế hoạch, nhà quản trị và nhân viên sẽ rất khó đạt được mục tiêu của mình, đồng thời họ cũng không biết khi nào và ở đâu cần phải làm gì.