1. Khái niệm sản phẩm
Hiểu và mô tả đúng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp đưa ra bán trên thị trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống marketing hỗn hợp của doanh nghiệp.
Việc xác định đúng sản phẩm, hàng hoá có ảnh hưởng lớn đến khả năng tiêu thụ và khai thác cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Thông thường khi nói về sản phẩm hàng hoá các doanh nghiệp thường chỉ quan tâm đến “hàng hoá hiện vật” hay “hàng hoá cứng” mà doanh nghiệp đang chế tạo hay kinh doanh, tức là nó chỉ bao hàm những thành phần hoặc yếu tố có thể quan sát được. Quan điểm này đã dẫn đến những hạn chế về khả năng tiêu thụ cũng như hạn chế về khả năng phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiếp cận và mô tả sản phẩm, hàng hoá theo quan điểm của marketing là một quan điểm hoàn thiện hơn trong việc mô tả sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp khi doanh nghiệp muốn tăng cường khả năng cạnh tranh và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện của nền kinh tế thị trường hiện đại.
Chúng ta đều biết rằng, mục tiêu mua một sản phẩm nào đó của khách hàng là nhằm thoả mãn nhu cầu của họ, để thoả mãn nhu cầu khách hàng luôn quan tâm đến tất cả các khía cạnh khác nhau xoay quanh sản phẩm cơ bản mà người bán đưa ra cho họ trước, trong và sau khi mua hàng. khách hàng luôn muốn sự thoả mãn toàn bộ nhu cầu chứ không chỉ quan tâm đến một bộ phận đơn lẻ. Trong trường hợp này thì theo khách hàng sản phẩm của doanh nghiệp bao gồm tất cả các yếu tố vật chất (hiện vật) và phi vật chất (dịch vụ) và các yếu tố khác có liên quan mà doanh nghiệp đã đưa ra để thoả mãn nhu cầu cụ thể của họ.
Như vậy theo quan điểm của marketing, sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp có thể được định nghĩa như sau:
Sản phẩm, hàng hoá là bất cứ những cái gì có thể thoả mãn được nhu cầu hay mong muốn của khách hàng và được chào bán trên thị trường với mục đích thu hút sự chú ý mua sắm, sử dụng hay tiêu dùng.
Theo quan niệm này, hàng hóa bao hàm cả những vật thể hữu hình và vô hình (các dịch vụ), bao hàm cả những yếu tố vật chất và phi vật chất. Ngay cả những sản phẩm hữu hình thì cũng bao hàm cả những yếu tố vô hình. Có thể liệt kê thế giới sản phẩm, bao gồm: các sản phẩm vật chất và dịch vụ do các ngành trong nền kinh tế quốc dân tạo ra, sự kiện, con người, địa điểm, tổ chức, ý tưởng và tổng hợp. Như vậy, sản phẩm có thể hoàn toàn hữu hình, chủ yếu là vô hình (dịch vụ) hoặc kết hợp cả hai. Hình thức cuối cùng là phổ biến.
Như vậy sản phẩm có thể là:
- Một chiếc xe máy: đáp ứng nhu cầu đi lại
- Một kiểu tóc mới: đáp ứng nhu cầu làm đẹp
- Chuyến đi du lịch: đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi
- Biểu diễn của các ngôi sao ca nhạc: đáp ứng nhu cầu giải trí
- Dịch vụ giải đáp điện thoại: đáp ứng nhu cầu thông tin
Như vậy, sản phẩm cho dù được thiết kế, cải tiến và hoàn thiện như thế nào bao giờ cũng là sản phẩm cho người tiêu dùng, vì người tiêu dùng, để đảm bảo rằng thông qua việc tiêu dùng sản phẩm khách hàng sẽ nhận được những giá trị sử dụng, những lợi ích mà người ta mong đợi.
2. Cấp độ các yếu tố cấu thành đơn vị sản phẩm
Trong thực tế hàng hóa được được xác định bằng đơn vị hàng hoá: Đơn vị hàng hoá là một đại lượng được đặc trưng bằng đơn vị, độ lớn, giá cả, vẻ bề ngoài và các thuộc tính khác.
Đơn vị sản phẩm vốn là một chỉnh thể hoàn chỉnh chứa đựng những yếu tố, đặc tính và các thông tin khác nhau về sản phẩm. Những yếu tố, đặc tính và thông tin đó có thể có những chức năng Marketing khác nhau. Khi tạo ra một mặt hàng người ta thường xếp các yếu tố đặc tính và thông tin đó theo ba cấp độ có những chức năng Marketing khác nhau
Ba cấp độ cấu thành sản phẩm
Các cấp độ sản phẩm
- Sản phẩm cốt lõi: Sản phẩm cốt lõi có chức năng cơ bản là trả lời câu hỏi: Về thực chất, sản phẩm này thỏa mãn những điểm lợi ích căn bản nhất mà khách hàng sẽ theo đuổi là gì? Đó chính là những giá trị quan trọng nhất mà nhà kinh doanh bán cho khách hàng. Những lợi ích cơ bản tiềm ẩn đó có thể thay đổi tùy những yếu tố hoàn cảnh của môi trường và mục tiêu cá nhân của khách hàng, nhóm khách hàng trong bối cảnh nhất định. Điều quan trọng sống còn đối với các doanh nghiệp là nhà quản trị Marketing phải nghiên cứu tìm hiều khách hàng để phát hiện ra những đòi hỏi về các khía cạnh lợi ích cốt yếu khác nhau tiềm ẩn trong nhu cầu của họ. Chỉ có như vậy doanh nghiệp mới tạo ra những sản phẩm có khả năng thỏa mãn đúng và tốt những lợi ích mà khách hàng mong đợi.
Việc phụ nữ mua mỹ phẩm không phải họ mua những hoá chất dùng để bôi mặt mà thực ra họ mua niềm hy vọng. Nhiều công ty mỹ phẩm nắm bắt được điều này nên họ đã thiết kế những quảng cáo rất hấp dẫn như: Với Pond’s mọi phụ nữ đều đẹp hơn … Giám đốc của hãng mỹ phẩm hàng đầu thế giới Revlon đã phát biểu: ở xưởng chúng tôi sản xuất sản phẩm còn các cửa hàng chúng tôi bán những niềm hy vọng.
- Sản phẩm hiện thực: Đó là những yếu tố phản ánh sự có mặt trên thực tế của sản phẩm. Những yếu tố đó bao gồm: các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, các đặc tính, bố cục bề ngoài, đặc thù, nhãn hiệu và bao gói. Trong thực tế, khi mua những lợi ích cơ bản, khách hàng dựa vào những yếu tố này. Và cũng nhờ các yếu tố này nhà sản xuất khẳng định sự hiện diện của mình trên thị trường, đó cũng là những chỉ dẫn để người mua tìm đến doanh nghiệp, họ phân biệt hàng hóa của hãng này so với hãng khác.
- Sản phẩm bổ sung hay còn gọi là sản phẩm hoàn chỉnh: Đó là những yếu tố như: bảo hành, lắp đặt, vận hành, giao hàng, tín dụng, …Chính những yếu tố này đã tạo ra sự đánh giá mức độ hoàn chỉnh khác nhau trong sự nhận thức của người tiêu dùng đối với một mặt hàng hay nhãn hiệu cụ thể. Khi mua những lợi ích cơ bản của một hàng hóa bất kỳ khách hàng nào cũng thích mua nó ở mức độ hoàn chỉnh nhất. Đến lượt mình, chính mức độ hoàn chỉnh về lợi ích cơ bản mà khách hàng mong đợi lại phụ thuộc vào những yếu tố bổ sung mà nhà kinh doanh sẽ cung cấp cho họ. Vì vậy, từ góc độ nhà kinh doanh, các yếu tố bổ sung trở thành một trong những vũ khí cạnh tranh của các nhãn hiệu hàng hóa.
3. Phân loại sản phẩm
Chiến lược Marketing của một doanh nghiệp khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm của sản phẩm. Để có chiến lược Marketing đúng cần phân loại sản phẩm. Trong hoạt động Marketing các cách phân loại có ý nghĩa đáng chú ý là:
a) Phân loại hàng hóa theo thời hạn sử dụng và hình thái tồn tại
Theo cách phân loại này, hàng hóa được phân loại thành:
- Hàng hóa lâu bền: là những vật phẩm thường được sử dụng nhiều lần
- Hàng hóa sử dụng ngắn hạn: Là những vật phẩm được sử dụng một lần hay một vài lần
- Dịch vụ: Là những đối tượng được bán dưới dạng hoạt động, ích lợi hay sự thỏa mãn.
b) Phân loại hàng tiêu dùng theo thói quen mua hàng
Thói quen mua hàng là yếu tố rất cơ bản ảnh hưởng đến cách thức hoạt động Marketing. Theo đặc điểm này hàng tiêu dùng được phân loại thành các loại sau:
- Hàng hóa sử dụng thường ngày: Đó là hàng hóa mà người tiêu dùng mua cho việc sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt. Đối với loại hàng hóa này, vì được sử dụng và mua sắm thường xuyên nên nó là nhu cầu thiết yếu, khách hàng hiểu biết hàng hóa và thị trường của chúng.
- Hàng hóa mua ngẫu hứng: Đó là những hàng hóa được mua không có kế hoạch trước và khách hàng cũng không chủ ý tìm Đối với những hàng hóa này khi gặp cộng với khả năng thuyết phục của người bán khách hàng mới nảy ra ý định mua.
- Hàng hóa mua khẩn cấp: Đó là những hàng hóa được mua khi xuất hiện nhu cầu cấp bách vì một lý do bất thường nào đó. Việc mua những hàng hóa này không suy tính nhiều.
- Hàng hóa mua có lựa chọn: Đó là những hàng hóa mà việc mua diễn ra lâu hơn, đồng thời khi mua khách hàng thường lựa chọn, so sánh, cân nhắc về công dụng, kiểu dáng, chất lượng, giá cả của chúng.
- Hàng hóa cho các nhu cầu đặc thù: Đó là những hàng hóa có những tính chất đặc biệt hay hàng hóa đặc biệt mà khi mua người ta sẵn sàng bỏ thêm sức lực, thời gian để tìm kiếm và lựa chọn chúng.
- Hàng hóa cho các nhu cầu thụ động: Đó là những hàng hóa mà người tiêu dùng không hay biết và thường cũng không nghĩ đến việc mua chúng. Trường hợp này thường là những hàng hóa không có liên quan trực tiếp, tích cực đến nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như: Bảo hiểm…
c) Phân loại hàng tư liệu sản xuất
Tư liệu sản xuất là những hàng hóa được mua bởi các doanh nghiệp hay các tổ chức. Chúng cũng bao gồm nhiều thứ, loại có vai trò và mức độ tham gia khác nhau vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức đó. Người ta chia chúng thành các loại như:
- Vật tư và chi tiết: Đó là những hàng hóa được sử dụng thường xuyên và toàn bộ vào cấu thành sản phẩm được sản xuất ra bởi nhà sản xuất. Thuộc nhóm này có rất nhiều mặt hàng khác nhau: có loại có nguồn nguồn gốc từ nông nghiệp, từ trong thiên nhiên hoặc vật liệu đã qua chế biến.
- Tài sản cố định: Đó là những hàng hóa tham gia toàn bộ, nhiều lần vào quá trình sản xuất và giá trị của chúng được dịch chuyển dần vào giá trị sản phẩm do doanh nghiệp sử dụng chúng tạo ra.
- Vật tư phụ và dịch vụ: Đó là những hàng hóa dùng để hỗ trợ cho quá trình kinh doanh hay hoạt động của các tổ chức và doanh nghiệp.
3 Th12 2020
3 Th12 2020
3 Th12 2020
3 Th12 2020
3 Th12 2020
3 Th12 2020