Rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế

1. Rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế

Như một tất yếu khách quan, khi các hàng rào thuế quan được các nước giảm sử dụng theo xu hướng tự do hóa thương mại, các hàng rào phi thuế quan trong thương mại quốc tế ngày càng được gia tăng áp dụng để bảo hộ sản xuất trong nước. Trong các hàng rào phi thuế quan, hệ thống rào cản kỹ thuật được xem là một trong những nhóm biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn hàng xuất khẩu, đặc biệt là hàng xuất khẩu của các nước đang phát triển. Các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế rất đa dạng và được áp dụng rất khác nhau ở các nước tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng nước. Các rào cản này được chia làm các loại hình sau:

1.1 Các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật, an toàn vệ sinh dịch tễ:

Cơ quan chức năng đặt ra các yêu cầu liên quan chủ yếu đến kích thước, hình dáng, thiết kế, độ dài và các chức năng của sản phẩm. Theo đó, các tiêu chuẩn đối với sản phẩm cuối cùng, các phương pháp sản xuất và chế biến, các thủ tục xét nghiệm, giám định, chứng nhận và chấp nhận, những quy định, phương pháp thống kê, thủ tục chọn mẫu, phương pháp đánh giá rủi ro liên quan, các yêu cầu về an toàn thực phẩm, … được áp dụng. Mục đích của các tiêu chuẩn và quy định này là nhằm bảo vệ an toàn, vệ sinh, bảo vệ sức khoẻ, đời sống động vật – thực vật, bảo vệ môi trường, … Tiêu chuẩn thường được áp dụng trong thương mại là HACCP đối với thủy sản và thịt

1.2 Các tiêu chuẩn chế biến và sản xuất theo quy định môi trường:

Đây là các tiêu chuẩn quy định sản phẩm cần phải được sản xuất, sử dụng, vứt bỏ như thế nào? Những quá trình này có làm tổn hại đến môi trường hay không? Các tiêu chuẩn này được áp dụng cho giai đoạn sản xuất với mục đích nhằm hạn chế chất thải gây ô nhiễm và lãng phí tài nguyên không tái tạo. Áp dụng những tiêu chuẩn này ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, làm tăng giá thành và tác động đến sức cạnh tranh của sản phẩm.

1.3 Các yêu cầu về nhãn mác:

Biện pháp này được quy định chặt chẽ bằng hệ thống văn bản pháp luật, theo đó các sản phẩm phải được ghi rõ tên sản phẩm, danh mục thành phần, trọng lượng, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, xuất xứ, nước sản xuất, nơi bán, mã số mã vạch, hướng dẫn sử dụng, bảo quản, … Quá trình xin cấp nhãn mác cũng như đăng ký thương hiệu kéo dài hàng tháng và rất tốn kém, nhất là ở Mỹ. Đây là một rào cản thương mại được sử dụng rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các nước phát triển.

1.4 Các yêu cầu về đóng gói bao bì:

Gồm những quy định liên quan đến nguyên vật liệu dùng làm bao bì, những quy định về tái sử dụng, xử lý và thu gom sau quá trình sử dụng, … Những tiêu chuẩn và quy định liên quan đến những đặc tính tự nhiên của sản phẩm và nguyên vật liệu dùng làm bao bì đòi hỏi đóng gói phải phù hợp với tái sinh hoặc tái sử dụng. Các yêu cầu về đóng gói bao bì cũng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm do sự khác nhau về tiêu chuẩn và quy định của mỗi nước, cũng như chi phí sản xuất bao bì, các nguyên vật liệu dùng làm bao bì và khả năng tái chế ở mỗi nước là khác nhau.

1.5 Phí môi trường:

Phí môi trường thường được áp dụng nhằm 3 mục tiêu chính: thu lại các chi phí phải sử dụng cho môi trường, thay đổi cách ứng xử của cá nhân và tập thể đối với các hoạt động có liên quan đến môi trường và thu các quỹ cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Các loại phí môi trường thường gặp gồm có:

  • Phí sản phẩm: áp dụng cho các sản phẩm gây ô nhiễm, có chứa các hóa chất độc hại hoặc có một số thành phần cấu thành của sản phẩm gây khó khăn đối với thải loại sau sử dụng.
  • Phí khí thải: áp dụng đối với các chất gây ô nhiễm thoát vào không khí, nước và đất hoặc gây tiếng ồn.
  • Phí hành chính: áp dụng kết hợp với các quy định để trang trải các chi phí dịch vụ của chính phủ để bảo vệ môi trường.
  • Phí môi trường: được thu từ nhà sản xuất hoặc người tiêu dùng hoặc cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

1.6 Nhãn sinh thái:

Được dán nhãn sinh thái nhằm mục đích thông báo cho người tiêu dùng biết là sản phẩm thân thiện với môi trường. Các tiêu chuẩn về dán nhãn sinh thái được xây dựng trên cơ sở phân tích chu kỳ sống của sản phẩm, từ giai đoạn tiền sản xuất, sản xuất, phân phối, tiêu thụ, thải loại sau sử dụng. Qua đó đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với môi trường của sản phẩm ở các giai đoạn khác nhau trong toàn bộ chu kỳ sống của nó. Sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thường được gọi là “sản phẩm xanh”. Chúng có khả năng cạnh tranh cao hơn so với sản phẩm cùng chủng loại nhưng không dán nhãn sinh thái do người tiêu dùng thường thích và an tâm khi sử dụng các “sản phẩm xanh”. Ví dụ, trên thị trường Mỹ, các loại thủy sản có dán nhãn sinh thái thường có giá bán cao hơn, ít nhất 20%, có khi gấp 2-3 lần thủy sản thông thường cùng loại.

2. Tình hình áp đặt rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu đối với hàng nông sản, thực phẩm

2.1 Các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật và an toàn vệ sinh:

Đây sẽ là một trong những rào cản được phát huy tác dụng nhiều nhất, đặc biệt là đối với hàng thủy sản từ các nước đang phát triển. Đáp ứng những đòi hỏi khắt khe, đôi khi quá đáng của các nước phát triển mà trình độ khoa học – kỹ thuật – công nghệ đã đi trước hàng thập kỷ đối với các nước đang phát triển là cả một vấn đề hết sức nan giải, đòi hỏi một sự đầu tư lâu dài.

a. Quy định của Mỹ: Theo Bộ Luật Liên bang Mỹ 21 CFR, chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài nào đã thực hiện chương trình HACCP có hiệu quả mới được xuất khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ. Đây là một hệ thống quản lý chất lượng mang tính phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng thực phẩm thông qua phân tích những mối nguy và thực hiện các biện pháp kiểm soát tại các điểm kiểm soát tới hạn. HACCP nhấn mạnh tính nhất thiết phải kiểm soát dây chuyền công nghệ sản xuất để đảm bảo an toàn, vệ sinh cho sản phẩm thay vì kiểm soát sản phẩm cuối cùng. Để được phép đưa hàng thủy sản vào Mỹ, doanh nghiệp phải gửi kế hoạch, chương trình HACCP cho Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). FDA xem xét kế hoạch, chương trình HACCP, khi cần sẽ phải kiểm tra. Nếu FDA kết luận là đạt yêu cầu sẽ cấp phép cho doanh nghiệp đó. FDA kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu. Nếu phát hiện có lô hàng không đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm hoặc có các vi phạm khác, lô hàng sẽ bị FDA từ chối nhập khẩu, bị gửi trả về nước hoặc tiêu hủy tại chỗ với chi phí do doanh nghiệp chịu. Đồng thời, tên doanh nghiệp sẽ bị đưa lên mạng Internet ở chế độ “Cảnh báo nhanh” (Detention). 5 lô hàng tiếp theo của doanh nghiệp này sẽ tự động bị giữ ở cảng nhập để kiểm tra theo chế độ tự động. Chỉ sau khi cả 5 lô hàng đó đều đảm bảo an toàn, vệ sinh và doanh nghiệp làm đơn đề nghị, FDA mới xoá tên doanh nghiệp đó ra khỏi danh sách “Cảnh báo nhanh”. Nếu nước xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã ký được Bản ghi nhớ (MOU) với FDA, cơ quan có thẩm quyền cao nhất về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của nước xuất khẩu tự chỉ định các doanh nghiệp được đưa thủy sản vào Mỹ mà không cần trình kế hoạch, chương trình HACCP. Tuy nhiên, FDA chỉ mới ký MOU cho mặt hàng nhuyễn thể 2 mảnh với Canada, Hàn Quốc và vài nước Nam Mỹ.

b. Quy định của Nhật Bản: Hiện nay, kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu được thực hiện theo Luật Vệ sinh thực phẩm. Ngoại trừ cá hồi có xuất xứ từ Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Đài Loan, hàng xuất khẩu không cần có giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất nhưng họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Luật Vệ sinh thực phẩm. Hàng thủy sản nhập khẩu vào Nhật Bản phải thông báo cho Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội. Khi nhận được thông báo, các thanh tra viên của Bộ sẽ có mặt tại cảng để kiểm tra sản phẩm. Quyết định xem có cần thiết kiểm tra chuyến hàng nhập khẩu hay không phụ thuộc vào sự đánh giá các yếu tố sau: đã từng vi phạm trước đó hay chưa, lịch sử nhập khẩu của một mặt hàng cụ thể, liệu đã có sự vi phạm được cơ quan hải quan báo cáo, thông tin về lĩnh vực vệ sinh của hàng hóa hay thông tin do nước xuất khẩu cấp có đầy đủ không. Các nội dung sẽ được kiểm tra gồm có:

  • Nhãn hàng
  • Kiểm tra cảm quan: màu sắc, độ tươi sáng, mùi, vị, …
  • Kiểm tra tạp chất
  • Kiểm tra nấm mốc
  • Kiểm tra container, bao bì, …

Nếu trong quá trình kiểm tra lô hàng được xem là đạt yêu cầu, giấy chứng nhận sẽ được chuyển đến cơ quan quản lý nhập khẩu. Nếu lô hàng bị kết luận là không đạt yêu cầu sẽ bị giữ lại để gửi trả về nước hoặc tiêu hủy.

c. Quy định của EU: Theo các chuyên gia thủy sản, EU có hệ thống tiêu chuẩn và an toàn vệ sinh thực phẩm vào loại nghiêm ngặt nhất thế giới. Hàng thủy sản của các nước đang phát triển đưa vào EU phải tuân thủ theo các quy định sau đây:

  • Quy định về vệ sinh: các nước muốn đưa hàng thủy sản vào EU phải nằm trong danh sách các nước được xuất khẩu vào EU. Từng lô hàng phải kèm theo giấy chứng nhận đáp ứng các yêu cầu của EU do cơ quan chức năng của nước xuất khẩu cấp.
  • Quy  định  về  chất  lượng  và  an  toàn  thực  phẩm:  theo  các  quy  chế 91/492/EEC và 91/493/EEC, các sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể về vệ sinh gồm độ tươi, độ sạch, mức nhiễm vi sinh tối đa (bao gồm các vi sinh vật gây bệnh và các vi sinh vật chỉ thị), dư lượng hóa chất (kim loại nặng, kháng sinh và thuốc trừ sâu), chất độc, độc tố sinh học biển và ký sinh trùng.
  • Quy định về giám sát: Quyết định 94/356/EEC yêu cầu nhà sản xuất có hàng thủy sản xuất khẩu sang EU phải tổ chức giám sát hoạt động sản xuất và chế biến phù hợp với HACCP. Tiêu chuẩn HACCP là điều kiện quan trọng của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào EU.

Nếu hàng nhập khẩu thủy sản bị một nước thành viên EU phát hiện có vấn đề về chất lượng lập tức bị đưa lên Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm (RASFF) cho tất cả các nước thành viên biết. Lệnh cấm và hạn chế nhập khẩu thủy sản vào EU đã được thực hiện không ít lần như trường hợp cấm nhập khẩu cá của Ấn Độ, Bangladesh và Madagascar năm 1997, bắt buộc kiểm tra toàn bộ hàng thủy sản Trung Quốc năm 2001, …

d. Quy định của một số thị trường khác: Ở các thị trường khác như Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Thái Lan, … hệ thống các tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh không nghiêm ngặt như ở Nhật, EU và Mỹ. Các nước này vẫn đòi hỏi giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền tại nước xuất khẩu hoặc nước nhập khẩu.

2.2. Các tiêu chuẩn chế biến và sản xuất theo quy định môi trường:

Mỹ là nước áp dụng các rào cản này rất triệt để. So với các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, tiêu chuẩn chế biến và sản xuất theo quy định môi trường không phổ biến bằng nhưng hiệu suất cản trở cao hơn, khả năng đáp ứng của các nước đang phát triển là rất hạn chế. Andy Urso, chuyên gia kinh tế Anh nhận định: “Những đòi hỏi về môi trường của Mỹ khiến các nước đã phát triển còn trở tay không kịp, nói chi đến các nước mới phát triển”. Mỹ đơn phương áp dụng các tiêu chuẩn để hạn chế nhập khẩu cá hồi và tôm bằng cách cấm nhập khẩu cá hồi từ những nước mà Mỹ cho rằng phương pháp đánh bắt của họ làm ảnh hưởng xấu đến cá heo và cấm nhập khẩu tôm từ những nước sử dụng lưới quét có hại cho rùa biển.

2.3. Các yêu cầu về nhãn mác:

Các nước nhập khẩu đều quy định sản phẩm thực phẩm nói chung và thủy sản nói riêng khi nhập khẩu phải được ghi nhãn đầy đủ theo danh mục do cơ quan chức năng đưa ra.

  • Phải có nhãn dán phía bên ngoài, nơi dễ nhìn thấy nhất trên các thùng chứa hoặc bao bì.
  • Nội dung trên nhãn bao gồm: tên sản phẩm, xuất xứ, nơi sản xuất, tên và địa chỉ nhà sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, sản phẩm sử dụng có thể ăn sống hay không, phương pháp bảo quản, khối lượng, mã số mã vạch.
  • FDA còn đưa ra yêu cầu phải ghi rõ thành phần, giá trị dinh dưỡng.

Một hình thức rào cản mới trong biện pháp này là đưa ra các cấm đoán về ghi tên sản phẩm. Canada, Chile và Peru từng kiện EU ra WTO vì EU chỉ cho phép sử dụng tên gọi sò Saint Jacque cho một loại sò của Pháp. Tháng 5/2002, Tổng thống Mỹ đã ký ban hành Đạo luật an ninh trang trại và đầu tư nông thôn, gọi tắt là Đạo luật H.R.2646, trong đó có điều khoản 10806 quy định chỉ có giống cá da trơn có tên khoa học là Ictaluridae nuôi trồng ở nước Mỹ mới được dùng chữ catfish để ghi nhãn mác, còn các loại cá da trơn khác không được ghi chữ catfish trên nhãn mác, bao bì. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn vào thị trường Mỹ phải chịu thiệt hại đáng kể do thay đổi thương hiệu và bao bì. Các doanh nghiệp phải in lại toàn bộ bao bì, tổ chức quảng cáo, tiếp thị, … rất tốn kém.

2.4. Các yêu cầu về đóng gói bao bì:

Hiện nay, thị trường các nước phát triển quy định tương đối chặt và tương đồng với nhau về bao bì sản phẩm. Một số điểm đáng lưu ý như sau:

  • Chất liệu bao bì đóng gói giới hạn trong một số chất cho phép, có thể tái chế và tái sử dụng. Nếu hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng được, doanh nghiệp nhập khẩu phải tốn chi phí đóng gói lại. Từ đó khiến họ không muốn mua hàng từ người xuất khẩu cũ nữa.
  • Bao bì nhựa phải đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Sự tiếp xúc giữa sản phẩm và chất nhựa của bao bì không gây ra bất cứ phản ứng và nguy hại nào. EU đã ban hành một danh sách các loại bao bì nhựa được phép sử dụng. Theo đó, các nước đang phát triển không thể sản xuất được hơn một nửa loại vật liệu làm bao bì này.
  • Các sản phẩm đóng hộp phải đáp ứng yêu cầu về kim loại. Khay bìa phải đảm bảo khi bị nung nóng không bị cong, ngả màu.

2.5. Nhãn sinh thái:

Gần đây Mỹ, EU và Nhật Bản đã cho thanh tra lại dán nhãn sinh thái đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu và đưa thêm một số tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh, bảo vệ môi trường, … vào những yêu cầu để sản phẩm dán nhãn sinh thái. Sắp đến, nhãn sinh thái kết hợp với các tiêu chuẩn và môi trường sẽ rất phổ biến, nhất là tại các nước phát triển.

2.6. Những trở ngại đối với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam:

Ngày 4/3/1999, EU ban hành quyết định số 508/1999 quy định 10 hóa chất không được phép có trong sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật, gồm có:

  • Aristolochia spp. và các chế phẩm
  • Chloramphenicol
  • Chloroform
  • Chlorpromazine
  • Colchicine
  • Dapsone
  • Dimetridazole
  • Metronidazole
  • Các nitrofuran, bao gồm cả furazolidone-Ronidazole.

Ngày 19/9/2001, EU ra quyết định số 699/EU về tăng cường kiểm tra dư lượng kháng sinh trong tôm nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam. Tháng 1/2002, EU quy định chỉ cho phép nhập khẩu lô hàng thủy sản nào có dư lượng kháng sinh chloramphenicol từ 0,3 ppb (phần tỷ) trở xuống. Tháng 3/2002, EU chính thức thông báo phát hiện ra hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này có hóa chất nitrofuran. Do đó quyết định áp dụng các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt ở cả 2 chỉ tiêu là dư lượng kháng sinh chloramphenicol và hóa chất nitrofuran đối với 100% các lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Tính đến cuối tháng 7/2002 đã có 66 lô hàng thủy sản các loại của Việt Nam bị phát hiện nhiễm các kháng sinh và hóa chất trên. Quy định mới của EU rõ ràng đang gây những khó khăn lớn cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trước đây, EU đã công nhận phương pháp và thiết bị kiểm tra dư lượng chloramphenicol của Việt Nam cũng như chấp nhận hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào EU phải có hàm lượng chloramphenicol dưới 1,5 ppb. Các phòng kiểm nghiệm tại các chi nhánh của Trung tâm kiểm tra chất lượng và vệ sinh thủy sản (Nafiquacen) hiện tại chỉ mới phân tích được chất chloramphenicol ở mức thấp nhất là 1,5 ppb. Riêng nitrofuran chưa có phòng thí nghiệm nào ở Việt Nam có khả năng phân tích được. Hiện nay, công tác quản lý sử dụng các chất kháng sinh, hóa chất ở nước ta còn rất yếu kém. Các doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của ngành. Điều đó khiến cho khi gặp các tiêu chuẩn khắt khe, thủy sản Việt Nam khó đáp ứng được. Khi có lô hàng bị phát hiện có dư lượng kháng sinh và hóa chất cao hơn mức quy định, thiệt hại đầu tiên đối với doanh nghiệp xuất khẩu là mất trắng tiền hàng do lô hàng đó không bán được nữa. Nghiêm trọng hơn, EU đã thông báo sẽ tịch thu và tiêu hủy những lô hàng đó thay vì trả về cho chủ hàng như trước đây, chủ hàng phải trả chi phí lưu kho và tiêu hủy (khoảng 7.100 USD/container). Thiệt hại sâu xa hơn, đó là sự sút giảm uy tín đối với khách hàng, tên doanh nghiệp bị đưa lên mạng cảnh báo nhanh cho toàn châu Âu. Nhiều doanh nghiệp sau khi hàng xuất khẩu bị phát hiện có dư lượng kháng sinh cao hơn quy định đã bị đối tác ở châu Âu ngưng đặt hàng. Trước tình hình trên, các doanh nghiệp trong nước tỏ ra e ngại khi xuất khẩu thủy sản sang EU. Do đó, tỷ trọng thủy sản xuất khẩu vào EU tiếp tục giảm. Lãnh đạo của một công ty xuất khẩu thủy sản đông lạnh đã lý giải sự kiện bị ngừng xuất khẩu tôm vào thị trường châu Âu như sau: “Lợi nhuận khi xuất hàng vào EU chỉ khoảng 1-2%, nhưng rủi ro có khi lên đến 100%”. Phản ứng trên rõ ràng không phải đúng vì không chỉ EU, các nước khác như Mỹ, Nhật, Canada, … cũng đang đẩy mạnh kiểm tra các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh dịch tễ. Ngay cả Trung Quốc và Hồng Kông, thị trường thường được nhìn nhận là dễ dãi nhất trong nhóm thị trường chủ lực của thủy sản Việt Nam cũng đang nâng cao những tiêu chuẩn đối với hàng thực phẩm. Mỹ cấm sản phẩm cá tra và cá basa của Việt Nam ghi nhãn catfish theo điều khoản 10806 của Đạo luật H.R.2646 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta. Với vị trí là nước xuất khẩu cá da trơn lớn nhất vào Mỹ, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biện pháp này. Xét về mặt ngư học, catfish Việt Nam và catfish Mỹ đều là catfish. Tháng 10/2001, theo đề nghị của FDA với Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Bộ Thủy sản Việt Nam đã tổ chức lấy mẫu và gửi mẫu cá cho Phòng thí nghiệm của FDA tại Washington. Trên cơ sở mẫu cá được cung cấp, FDA đã công nhận tên cá tra và cá basa vẫn có đuôi catfish. Cụ thể, cá basa được mang 1 trong 5 tên thương mại là basa, bocourti, bocourtifish, basa catfish, bocourti catfish và tên khoa học là Pangasius bocourti. Cá tra được mang 1 trong 3 tên thương mại là swai, striped catfish, sutchi catfish và tên khoa học là Pagasius hypophthalmus. Ảnh hưởng của biện pháp này thật sự không nhỏ. Các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta phải đăng ký lại nhãn hiệu cũng như thay đổi toàn bộ bao bì, nhãn mác, … rất tốn kém.