Khái niệm, vai trò, chức năng về marketing

1. Các khái niệm cơ bản của marketing

1.1.Các khái niệm cơ bản trong marketing

a) Nhu cầu

Nhu cầu là cảm giác thiếu hụt một cái gì đó mà con người cảm nhận được và cần được thoả mãn. Nhu cầu ở đây được hiểu là nhu cầu tự nhiên, nó tồn tại vĩnh viễn. Các  nhà kinh doanh chỉ có thể phát hiện ra nó để tìm cách đáp ứng nó.

Nhu cầu của con người rất phức tạp và đa dạng. Nó  bao gồm những nhu cầu cơ  bản về sinh lý, nhu cầu về an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu được tôn trọng và cả nhu cầu tự khẳng định mình. Mặt khác, nhu cầu được biểu hiện khác nhau trong những điều kiện  và hoàn cảnh khác nhau.

b) Mong muốn

Mong muốn là nhu cầu đặc thù, tương ứng với trình độ văn hoá và nhân cách của mỗi người. Mong muốn được biểu hiện ra thành những thứ cụ thể có khả năng thoả mãn nhu cầu bằng phương thức mà nếp sống văn hoá của xã hội  đó vốn quen thuộc. Chẳng  hạn, khi đói, người Việt Nam muốn ăn cơm, người Châu Âu muốn ăn bánh mì.

Như vậy mong muốn của con người đã là sự nhận thức chủ quan của nhu cầu tự nhiên. Các nhà kinh doanh cần có những giải pháp hướng nhu cầu tự nhiên của người    tiêu dùng vào những hàng hoá do họ sản xuất ra.

Tuy nhiên, mong  muốn của con người thường là vô hạn. Khi thoả mãn  mong  muốn của mình họ thường bị giới hạn chịu sự chi phối của khả năng thanh toán. Vì thế,  nếu chỉ làm cho người tiêu dùng có mong muốn về những sản phẩm của doanh nghiệp là chưa đủ. Họ cần phải xác định những mong muốn này có được đảm bảo bằng khả năng   chi trả hay không? Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp phải xác định được yêu cầu tiêu   dùng của thị trường.

c) Yêu cầu

Yêu cầu là mong muốn của con người kèm theo điều kiện có khả năng thanh toán. Yêu cầu chính là sự biểu hiện cụ thể của việc tiêu dùng hàng hoá dịch vụ trên thị trường.

Từ nhu cầu đến yêu cầu tiêu dùng là một quá trình. Quá trình này không chỉ phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của người mua mà nó còn chịu ảnh  hưởng rất  mạnh  mẽ của các giải pháp Marketing từ phía người bán.

d) Sản phẩm

Sản phẩm là tất cả những gì có thể thoả mãn nhu cầu hay mong muốn và được  cung ứng trên thị trường nhằm mục đích thu hút sự chú ý, mua, sử dụng hay tiêu dùng.

Thuật ngữ “sản phẩm” thường gợi trong trí óc ta một vật thể vật chất như là cái ô  tô, tivi, xe máy…vì vậy, ta thường dùng “sản phẩm” và “dịch vụ” để phân biệt vật thể vật chất và cái không sờ mó được. Tuy nhiên cái cốt lõi của sản phẩm là nó thoả mãn nhu    cầu hay mong muốn, mua một sản phẩm chính là mua lợi ích mà sản phẩm đó đem lại. Chẳng hạn, mua xe máy để cung cấp dịch vụ đi lại, mua hộp mỹ phẩm không phải để bày mà  để cung cấp một  dịch vụ làm cho người ta đẹp hơn. Như vậy, sản phẩm là những  công cụ để truyền tải lợi ích. Người bán phải ý thức được rằng, công việc của họ là bán những lợi ích hay dịch vụ chứa đựng trong những sản phẩm, có khả năng thoả mãn nhu  cầu hay mong muốn của khách hàng chứ không phải bán những đặc tính vật chất của sản phẩm.

e) Trao đổi

Trao đổi là hành vi thu được một vật mong muốn từ người nào đó bằng sự cống hiến trở lại vật gì đó. Trao đổi là một trong bốn cách để người ta nhận được sản phẩm mà họ mong muốn (tự sản xuất, chiếm đoạt, cầu xin và trao đổi)

Trao đổi là khái niệm cốt lõi của marketing. Để một cuộc trao đổi tự nguyện có thể tiến hành thì cần thoả mãn năm điều kiện sau:

  • Có ít nhất 2 bên
  • Mỗi bên có một cái gì đó có thể có giá trị đối với bên kia
  • Mỗi bên có khả năng giao dịch và chuyển giao thứ mình có
  • Mỗi bên có quyền chấp nhận hoặc từ chối sản phẩm đề nghị của bên kia
  • Mỗi bên đều tin là cần thiết và có lợi khi quan hệ với bên kia

f) Giao dịch:

Nếu hai bên cam kết trao đổi đã đàm phán và đạt được một thoả thuận, thì ta nói một vụ giao dịch đã xảy ra. Giao dịch chính là đơn vị cơ bản của trao đổi. Giao dịch là  một cuộc trao đổi mang tính chất thương mại những vật có giá trị giữa hai bên.

g) Thị trường

Thị trường là tập hợp khách hàng hiện có và sẽ có của doanh nghiệp có chung một nhu cầu hay mong muốn, sẵn sàng và có khả năng tham gia trao đổi để thoả mãn nhu cầu hay mong muốn đó

1.2. Khái niệm Marketing

Hiện nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về Marketing. Mỗi định nghĩa nêu lên được một số nét bản chất của Marketing và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Marketing. Một số các định nghĩa tiêu biểu của Marketing.

Định nghĩa 1: Theo viện nghiên cứu Marketing Anh: “Marketing là chức năng  quản lý doanh nghiệp về mặt tổ chức quản lý toàn bộ các hoạt động kinh doanh, từ việc phát hiện ra và biến sức mua của người tiêu dùng thành nhu cầu thực sự của một mặt    hàng cụ thể đến việc đưa hàng hoá tới người tiêu dùng cuối cùng nhằm đảm bảo cho  Doanh nghiệp thu nhập được lợi nhuận như dự kiến”.

Định nghĩa 2: Định nghĩa của Học viện Hamilton (Hoa Kỳ) “Marketing là hoạt động kinh tế mà trong đó hàng hoá được đưa từ người sản xuất đến người tiêu thụ”

Định nghĩa 3: Định nghĩa của Uỷ ban các Hiệp hội Marketing  Hoa  Kỳ:  Marketing là việc tiến hàng các hoạt động kinh doanh có liên quan trực tiếp đến dòng vận chuyển hàng hoá và dịch vụ từ người sản xuất đến người tiêu dùng”

Định nghĩa 4: Theo Philipkotler: “Marketing là một dạng hoạt động  của  con người nhằm thoả mãn những nhu cầu và mong muốn của họ thông qua trao đổi”.

Chúng ta có thể nêu ra nhiều định nghĩa khác nhau về Marketing, nhưng nhận xét chung về những định nghĩa khác nhau đó là:

Marketing là một dạng hoạt động của con người nhằm thoả mãn những nhu cầu   và mong muốn của họ thông qua trao đổi về một loại sản phẩm –dịch vụ nào đó trên thị trường.

Như vậy, các định nghĩa về Marketing đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự trao đổi lợi ích để qua đó thoả mãn các mục tiêu của cả người bán lẫn người mua. Việc nghiên cứu nhu cầu là hoạt động cốt lõi của Marketing.

2. Vai trò và các chức năng cơ bản của Marketing

2.1.Vai trò của marketing

Trong nền kinh tế thị trường, mỗi doanh nghiệp là một chủ thể kinh doanh, một cơ thể sống của đời sống kinh tế. Cơ thể đó cần có sự trao đổi chất với môi trường bên    ngoài- thị trường. Quá trình trao đổi chất đó càng diễn ra thường xuyên, liên tục với quy mô càng lớn thì sức sống và sự trường tồn của cơ thể đó càng mãnh liệt. Ngược lại, sự   trao đổi đó diễn ra yếu ớt thì cơ thể sẽ ốm yếu. Sự trao đổi của doanh nghiệp với môi trường bên ngoài chính là sự trao đổi hàng hoá. Trong kinh doanh hiện đại, Marketing đóng vai trò quan trọng, thể hiện trên một số khía cạnh:

*Đối với doanh nghiệp:

  • Marketing góp phần hướng dẫn, chỉ đạo phối hợp các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhờ đó mà các quyết định đề ra trong sản xuất kinh doanh có cơ sở khoa học
  • Marketing giúp doanh nghiệp nhận biết được cần sản xuất cái gì? bao nhiêu? bán ở đâu và bán bao nhiêu để thu được lợi nhuận
  • Marketing giúp doanh nghiệp nhận được thông tin phản hồi từ khách hàng để kịp thời bổ sung, cải tiến, nâng cao đặc tính sử dụng để thoả mãn nhu cầu khách hàng
  • Marketing ảnh hưởng lớn đến tiết kiệm chi phí, doanh số bán và lợi nhuận của doanh nghiệp

*Đối với người tiêu dùng: Marketing là hoạt động để phát hiện và thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng do đó người tiêu dùng được đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi về hàng hoá và dịch vụ một cách tốt nhất

* Đối với xã hội:

  • Hoạt động nghiên cứu nhu cầu thị trường, đảm bảo kế hoạch phát triển kinh tế mang tính hiện thực và khả thi
  • Hoạt động Marketing được triển khai rộng rãi ở nhiều doanh nghiệp làm cho của cải xã hội tăng lên với chất lượng tốt hơn, sản phẩm đa dạng phong phú, giá thành hạ sẽ kiềm chế được lạm phát, bình ổn giá cả trong và ngoài nước
  • Hoạt động Marketing thúc đẩy doanh nghiệp cạnh tranh để thu hút khách hàng. Đó cũng là động lực để xã hội phát triển
  • Marketing giúp tăng lượng hàng hoá và dịch vụ tiêu thụ từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo thêm công ăn việc làm, đời sống được nâng

2.2. Chức năng của marketing

  • Chức năng nghiên cứu thị trường, phân tích các tiềm năng và nhu cầu tiêu dùng để thoả mãn chúng ở mức độ cao nhất.

Thị trường rất phức tạp, gồm nhiều loại khách hàng, với nhu cầu tiêu dùng đa    dạng phong phú. Có nhu cầu đã xuất hiện, nhu cầu đang tiềm ẩn, có nhu cầu đang tàn lụi. Do đó, nhiệm vụ của Marketing phải phát hiện được nhu cầu và tìm ra  các  biện  pháp thích hợp để khai thác, định hướng phát triển thị trường, thoả mãn nhu cầu thị trường ở mức độ cao nhất.

  • Chức năng thích ứng sản phẩm, từ đó tăng cường khả năng thích ứng của doanh nghiệp, tạo thế chủ động cho doanh nghiệp trong điều kiện thị trường thường xuyên biến động, tăng cường hiệu quả kinh
  • Chức năng tổ chức và hoàn thiện hệ thống phân phối sản phẩm: Để đưa sản phẩm hàng hoá đến tay người tiêu dùng cuối cùng thì doanh nghiệp phải thông qua các hoạt động phân phối. Nó không chỉ đưa sản phẩm hàng hoá đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất mà còn tiết kiệm được chi phí một cách thấp nhất.
  • Chức năng tiêu thụ hàng hoá: Trong kinh doanh hàng hoá sản xuất ra được tiêu  thụ nhanh chóng sẽ trực tiếp kích thích sản xuất phát triển, đẩy nhanh vòng quay của vốn và chống lại rủi ro. Muốn đẩy nhanh quá trình tiêu thụ, ngoài việc thực hiện tốt chính    sách sản phẩm và chính sách phân phối hàng hoá, các doanh nghiệp cần chú ý tới chính sách định giá và các phương pháp thúc đẩy tiêu thụ cùng nghệ thuật bán hàng.
    • Chức năng tăng cường hiệu quả của sản xuất kinh doanh: Toàn bộ hoạt động Marketing phải quán triệt nguyên tắc hiệu quả và phải hướng vào việc tối đa hoá việc sản xuất kinh
    • Ngoài ra, người ta còn nói đến một số chức năng khác như phối hợp với kế hoạch hoá, yểm trợ bán hàng…