Chính sách thương mại quốc tế của Malaysia

Kể từ khi giành được độc lập từ thực dân Anh vào năm 1957, Malaysia đã dần dần chuyển đổi từ một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu với nguồn thu chính từ xuất khẩu cao su tự nhiên và thiếc để trở thành một trong những nhà sản xuất các thiết bị điện và điện tử lớn nhất trên thế giới. Hiện nay, Malaysia là một quốc gia thương mại lớn với lượng hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu chiếm đến 85% GDP (năm 2014). Điều đáng nói ở đây là sự thành công của quốc gia này không phải đến từ những điều kiện thuận lợi bên ngoài mà xuất phát từ những tác động tích cực của chính sách kinh tế đối ngoại, đặc biệt là chính sách thương mại và đầu tư quốc tế đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Malaysia. Có thể nói, thế giới bắt đầu ghi nhận sự phát triển của nền kinh tế Malaysia từ sau những năm 1980.

Cụ thể, bắt đầu từ năm 1980, thay vì duy trì chính sách thương mại bảo hộ, chủ yếu hướng nội, Malaysia đã thực hiện mở cửa nền kinh tế nước nhà bằng chiến lược công nghiệp hóa hướng ra xuất khẩu. Trong giai đoạn đầu này, Malaysia chủ yếu khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên nên mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cao su, dầu cọ, dầu khí,… để xuất sang các nước phát triển. Đồng thời, chính phủ nước này cũng đã tích cực thực hiện các biện pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hàng hóa nội địa có cơ hội tiếp cận với thị trường quốc tế. Chẳng hạn, chính phủ đã miễn giảm thuế doanh thu đối với các ngành hàng và sản phẩm xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu trong nước, xóa bỏ hàng rào phi thuế quan và đưa ra mức trợ cấp hợp lý đối với những hàng hóa liên quan đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu còn được chính phủ hỗ trợ tín dụng và cho vay với lãi suất thấp cũng như thành lập trung tâm xúc tiến thương mại MATRADE, tổ chức các hội chợ hàng xuất khẩu để kết nối thị trường Malaysia với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sang thập kỷ sau, Malaysia đã thay đổi chính sách thương mại quốc tế của mình bằng cách đa dạng hóa thị trường, tức là thay vì chỉ xuất khẩu sang các nước phát triển, nước này đã mở rộng sang các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là thị trường ASEAN và Trung Quốc. Các biện pháp Malaysia đã áp dụng trong thời gian này bao gồm (1) tăng cường ký kết các hiệp định song phương và đa phương với các nước, trong đó có Việt Nam (năm 2008); (2) trở thành thành viên của các tổ chức kinh tế như ASEAN (1967) và WTO (1995); (3) hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước trong việc thanh toán bằng việc ký kết các thỏa thuận giữa ngân hàng trung ương Malaysia với các ngân hàng nước ngoài và (4) hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu và phát triển thị trường thông qua việc xây dựng các trung tâm thông tin với những tin tức cập nhật và hữu ích nhất.

Có thể nói, Malaysia là nước ủng hộ mạnh mẽ hệ thống thương mại đa phương, đặc biệt là tổ chức Thương mại Thế giới WTO, tích cực tham gia vào các tổ chức kinh tế như Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và nhóm Cairns (bao gồm 18 nước xuất khẩu nông sản với mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do các mặt hàng nông sản thông qua đàm phán đa phương). Cho đến nay, Malaysia đã ký kết và thực hiện FTA song phương với Australia, Nhật Bản, Pakistan, New Zealand, Chile và Ấn Độ. ASEAN đã ký kết FTA với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand. Malaysia cũng đang theo đuổi đàm phán FTA song phương với Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Malaysia và Úc là các bên đàm phán hiện nay về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Các con số thống kê từ Đại học Michigan (Mỹ) cho thấy, so với thế giới, Malaysia đang đứng thứ 21/136 về xuất khẩu, 25/136 về nhập khẩu và 16/136 về cán cân thương mại. Số liệu cụ thể về tình hình xuất nhập khẩu được thể hiện trong biểu đồ sau:

Hình 10.1: Tình hình xuất nhập khẩu của Malaysia 2015

Nhìn vào số liệu trong biểu đồ trên có thể thấy tình hình xuất nhập khẩu của Malaysia có nhiều biến động trong năm tuy nhiên trị giá xuất khẩu luôn lớn hơn nhập khẩu. Hiện nay nước này xuất khẩu và nhập khẩu nhiều nhất các mặt hàng: thiết bị điện tử, dầu khí, máy móc công nghiệp, nhựa,… sang các nước như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan,… Những thành công mà Malaysia đạt được trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa sang thị trường quốc tế có thể kể đến trong năm 2014: là nước thứ 3 trên thế giới xuất khẩu rau quả và thiếc, nước thứ 8 trên thế giới xuất khẩu gỗ, nước thứ 9 trên thế giới xuất khẩu thiết bị điện tử và cao su,… Để đạt được vị trí này chính là nhờ các chính sách thương mại quốc tế đã tác động tích cực đến tình hình thương mại, thể hiện ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, chính sách thương mại quốc tế của Malaysia đã có bước đi đúng đắn khi chuyển từ xu hướng bảo hộ, hướng nội sang hướng mở cửa, tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước và các mặt hàng xuất khẩu nhằm bằng cách phát triển mạnh các ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng các khu chế xuất nhằm tạo đà và môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các công nghệ, mặt hàng mới đáp ứng thị trường thế giới. Chính vì thế, các mặt hàng xuất khẩu của Malaysia ngày càng đa dạng và chất lượng hơn, thể hiện ở cán cân thương mại của nước này luôn đạt thặng dư ở mức cao.

Thứ hai, chính phủ Malaysia đã đưa ra các chính sách thương mại quốc tế tập trung đầu tư cho các ngành là thế mạnh của nước này, chẳng hạn như ô tô, sản phẩm viễn thông, điều hòa,… thay vì những sản phẩm phải dựa vào điều kiện thuận lợi bên ngoài. Chính vì thế, có thể nhận thấy các mặt hàng xuất khẩu của quốc gia này đa số là những mặt hằng đã qua tinh chế, được xử lý, chế tác bằng công nghệ cao thay vì những sản phẩm thô như thời gian trước.

Thứ ba, thành công có thể coi là lớn nhất của chính sách thương mại quốc tế của Malaysia chính là đã mở rộng mối quan hệ thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới. Tính đến năm 2000, nước này đã ký hiệp định thương mại với 50 quốc gia trên thế giới, tham gia vào nhiều tổ chức xúc tiến thương mại để mở rộng và tìm kiếm thị trường tiềm năng cũng như trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư nước ngoài. Hầu hết các đối tác lớn của Malaysia hiện nay đều là những quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Singapore, Trung Quốc,… hứa hẹn sẽ giúp nền kinh tế nước này tiếp tục phát triển vượt bậc trong tương lai.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.