Cạnh tranh không hoàn hảo

1. THỊ TRƯỜNG ĐỘC QUYỀN

Một thị trường độc quyền được đặc tính bởi:

ª  Chỉ có một người bán,

ª  Không có sản phẩm thay thế,

ª  Rào cản thâm nhập thị trường.

Những rào cản thị trường đối với các doanh nghiệp có thể tồn tại do:

–     Qui mô kinh tế,

–     Hành động của các doanh nghiệp,

–     Hành động của chính phủ.

Nếu tồn tại độc quyền do qui mô kinh tế thì doanh nghiệp có qui mô lớn có thể sản xuất với mức chi phí thấp hơn các doanh nghiệp có qui mô nhỏ. Biểu đồ dưới đây minh họa điều này. Khi một ngành mới phát triển sẽ có nhiều doanh nghiệp nhỏ tồn tại. Chẳng hạn, giả sử các doanh nghiệp đều có chi phí trung bình là “ATCo”. Nếu một doanh nghiệp có qui mô lớn hơn các doanh nghiệp khác, thì doanh nghiệp đó sẽ có chi phí trên mỗi đơn vị sản xuất thấp hơn các doanh nghiệp khác (như minh họa của đường ATC’). Điều này cho phép doanh nghiệp cung cấp sản lượng với mức giá thấp hơn (P’ chẳng hạn). Với mức giá này thì các doanh nghiệp qui mô nhỏ sẽ bị thua lỗ (lưu ý rằng các doanh nghiệp nhỏ sẽ có lợi nhuận kinh tế bằng không tại mức giá Po, nhưng tại mức giá P’ thì doanh nghiệp nhỏ bị lỗ và doanh nghiệp lớn sẽ có lợi nhuận kinh tế).

Trong tình huống này, các doanh nghiệp nhỏ sẽ rút lui khỏi ngành hoặc sát nhập với các doanh nghiệp khác để đạt qui mô cao hơn, ít nhất là bằng với qui mô của doanh nghiệp lớn hiện tại. Để duy trì sự phát triển (hoặc là mở rộng bên trong hoặc mua lại các doanh nghiệp nhỏ), thì chi phí trung bình của doanh nghiệp vẫn tiếp tục giảm. Khi đó, các doanh nghiệp nhỏ sẽ mất dần đi cho đến khi chỉ còn một doanh nghiệp qui mô lớn tồn tại. Một quá trình diễn ra trong một ngành như vậy được gọi là độc quyền tự nhiên, là do kết quả của quá trình cạnh tranh dẫn đến độc quyền ngành.

Khái niệm “độc quyền tự nhiên” có thể được minh họa thông qua sự phát triển của ngành viễn thông. Trong những năm đầu, mỗi thành phố thường tồn tại một vài nhà cung cấp dịch vụ. Khi đó, khách hàng muốn thực hiện các cuộc gọi bên ngoài thành phố thì phải thuê bao 3 hoặc 4 nhà cung cấp dịch vụ. Dần dần, sự phát triển của công nghệ viễn thông và nhà cung cấp nào có nhiều khách hàng nhất sẽ có chi phí trung bình thấp hơn. Thực tế này trong ngành viễn thông ở Mỹ có thể giải thích tại sao AT&T đưa ra mức giá thấp hơn và mua lại các công ty không có khả năng sinh lợi. Mặt khác, chính phủ cũng nhận ra rằng chi phí sẽ tốn kém hơn khi tồn tại nhiều doanh nghiệp nhỏ như vậy. Chính vì vậy, mà chính phủ Mỹ cho phép AT&T hoạt động như một nhà độc quyền qui định và chính phủ qui định mức giá cung cấp các dịch vụ này.

Doanh nghiệp có thể có được năng lực độc quyền bằng cách sở hữu nguồn lực đặc biệt. Chẳng hạn, một doanh nghiệp có thể tăng chi phí ẩn để tăng rào cản thâm nhập ngành. Chi phí ẩn này như chi phí quảng cáo để tăng nhận thức về nhãn hiệu sản phẩm. Nếu như một doanh nghiệp chi một khoản tiền lớn cho quảng cáo, thì các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng phải chi một khoản tiền tương tự. Nếu như doanh nghiệp đầu tư vào nhà xưởng và thiết bị thì có thể thu hồi (ít nhất là một phần) trong trường hợp doanh nghiệp rút lui khỏi ngành. Tuy nhiên, những chi phí ẩn (chẳng hạn quảng cáo) thì không thể thu hồi được nếu rút lui khỏi ngành. Điều này chính là một trong những rào cản đối với các doanh nghiệp muốn gia nhập ngành.

Bằng sáng chế và phát minh cũng đem lại cho doanh nghiệp sở hữu nó một năng lực độc quyền. Khi bằng sáng chế được bảo hộ, điều này khích thích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Chẳng hạn, phần mền Windows của Microsoft được đăng ký bản quyền và đem lại cho công ty một năng lực độc quyền trong một khoảng thời gian khá dài.

Độc quyền cục bộ là độc quyền tồn tại trong một khu vực địa lý cụ thể. Trong nhiều khu vực địa lý, hay hành chính, chính phủ có thể qui định hay đặc ân đối một doanh nghiệp hay tổ chức nào đó được phép cung cấp một hàng hóa hay dịch vụ cụ thể (chẳng hạn như tờ báo hàng ngày của địa phương).

2. QUYẾT ĐỊNH SẢN XUẤT

Đường cầu của doanh nghiệp

Đường cầu của doanh nghiệp độc quyền cũng chính là đường cầu thị trường (do chỉ có một doanh nghiệp trên thị trường). Vì đường cầu của doanh nghiệp là đường dốc xuống, do đó doanh thu biên sẽ nhỏ hơn giá của hàng hóa đó (mối quan hệ này đã được đề cập trong chương trước). Như đã đề cập trước đây, doanh thu biên là:

–     Dương khi cầu co giãn,

–     Bằng không khi cầu co giãn đơn vị,

–     Âm khi cầu kém co giãn.

Mối quan hệ này được minh họa trong biểu đồ dưới đây. Như biểu đồ cho thấy, tổng doanh thu sẽ tối đa tại mức sản lượng mà ở đó cầu là co giãn đơn vị (và MR = 0). Giả định rằng doanh nghiệp mong muốn tối đa hóa doanh thu, thì đây là mức sản lượng sản xuất tốt nhất cho doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp muốn tối đa hóa lợi nhuận thì cần phải xem xét cả doanh thu và chi phí và mức sản lượng trong trường hợp này được xác định tại MR= MC.

Cũng như trong các thị trường khác, doanh thu trung bình (AR) bằng với giá của hàng hóa (lưu ý rằng AR = TR/Q = (P×Q)/Q = P). Do đó, giá được xác định trên đường cầu chính là doanh thu trung bình tương ứng với các mức sản lượng.

Quyết định sản xuất ngắn hạn

Như đã đề cập trước đây, một doanh nghiệp sẽ tối đa hóa lợi nhuận sẽ sản xuất ở mức sản lượng mà ở đó doanh thu biên bằng với chi phí biên (miễn là P > AVC).

Với doanh nghiệp độc quyền được minh họa trong biểu đồ trên, MR = MC tại mức sản lượng Qo. Khi đó, mức giá bán tương ứng là Po. Từ khi mức giá (Po) lớn hơn chi phí trung bình (ATCo) tại mức sản lượng này, doanh nghiệp sẽ nhận được lợi nhuận kinh tế. Lợi nhuận của doanh nghiệp độc quyền này khác với lợi nhuận mà doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo nhận được do có rào cản thâm nhập ngành đối với thị trường độc quyền.

Dĩ nhiên, doanh nghiệp độc quyền cũng có thể bị lỗ như minh họa trong biểu đồ dưới đây. Trong biểu đồ này, doanh nghiệp bị lỗ như phần tô đậm dưới đây. Do giá cao hơn AVC nên doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động trong ngắn hạn và chỉ rời khỏi ngành trong dài hạn. Lưu ý rằng sở hữu độc quyền không nhất thiết tồn tại lợi nhuận kinh tế.

Doanh nghiệp độc quyền chỉ đóng cửa khi giá thấp hơn AVC trong ngắn hạn. Điều này được minh họa trong biểu đồ trên.

Thông thường, mọi người vẫn thường nghĩ rằng nhà độc quyền có thể chọn bất kỳ mức giá nào và họ sẽ nâng giá để tăng lợi nhuận. Thực tế, độc quyền cũng như những thị trường khác, đó là nhà độc quyền muốn tối đa hóa lợi nhuận sẽ phải sản xuất ở mức sản lượng mà ở đó MR = MC. Đây cũng là mức giá duy nhất ấn định cho ngành, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị

giảm nếu như mức giá cao hơn mức giá Po (MR = MC) này.

Không có đường cung trong độc quyền

Chúng ta nhớ lại, đường cung của doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo là phần chi phí biên (MC) nằm trên chi phí biến đổi trung bình (AVC). Đường cung được xác định theo qui tắc biên P = MC, bởi các doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo có đường cầu co giãn hoàn toàn (hay giá bằng với doanh thu biên).

Khi giá tăng lên hay giảm xuống, doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo di chuyển lên hay xuống đường chi phí biên. Chúng ta nhận thấy rằng ứng với mỗi mức giá tương ứng với mỗi mức sản lượng nhất định và vì vậy xác định được đường cung trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

Trong khi đó, doanh nghiệp độc quyền không có đường cung. Lý do là không có quan hệ thống nhất giữa giá và lượng cung như minh họa ở biểu đồ trên. Giá và lượng cung tùy thuộc vào vị trí của đường cầu. Trong khi doanh nghiệp độc quyền có đường cầu dốc xuống, đường doanh thu biên nằm dưới đường cầu, bởi doanh nghiệp muốn tăng lượng bán thì phải giảm giá. Cũng giống như doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo, doanh nghiệp độc quyền chọn sản lượng tại MR = MC, nhưng vì doanh thu bên nhỏ hơn giá (giá được xác định trên đường cầu) và vì vậy trong những điều kiện khác nhau (sự thay đổi cầu) sẽ có các mức giá khác nhau mà ở đó MR = MC với cùng mức sản lượng. Do đó, không có quan hệ thống nhất giữa giá và lượng cung, nên không có đường cung của doanh nghiệp độc quyền. Trong trường hợp này, có nhiều mức giá khác nhau để tối đa hóa lợi nhuận.

Cân bằng dài hạn và chi phí xã hội

Phần phía trái của biểu đồ dưới đây minh họa thặng dư sản xuất và thặng dư tiêu dùng trong thị tường cạnh tranh hoàn hảo. Phần phía phải của biểu đồ minh họa phần mất mát của thặng dư sản xuất và thặng dư tiêu dùng do độc quyền. Như biểu đồ cho thấy, doanh nghiệp độc quyền nâng mức giá từ Ppc lên Pm trong khi lượng giảm từ Qpc xuống còn Qm. Mức giá cao hơn và lượng ít hơn trong độc quyền làm cho thặng dư tiêu dùng giảm tương ứng với diện tích PmCBPpc. Trong đó, một phần thặng dư tiêu dùng chuyển sang thặng dư sản xuất, tương ứng với diện tích PmCEPpc. Khi so sánh hiệu quả của độc quyền và cạnh tranh hoàn hảo trong dài hạn, ta thấy xã hội chịu một phí tổn ròng, được gọi là chi phí xã hội do độc quyền tương ứng với diện tích CBF, gồm phần mất mát thặng dư tiêu dùng (CBE) và thặng dư sản xuất (EBF).

Một số nhà kinh tế cho rằng sự đe dọa cạnh tranh tiềm năng buộc các doanh nghiệp độc quyền sản xuất và cung cấp sản lượng nhiều hơn với giá thấp hơn. Như minh họa từ biểu đồ dưới đây cho thấy chi phí xã hội sẽ nhỏ hơn nếu như có ít rào cản thị trường hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp sợ sự can thiệp của chính phủ (dưới hình thức can thiệp giá hay luật chống độc quyền) nhằm luôn duy trì mức giá thấp hơn trong ngành độc quyền.

Một điểm nữa liên quan đến việc so sánh sản lượng cung cấp trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo và độc quyền đó là qui mô kinh tế. Mặt khác, nếu xét về qui mô kinh tế thì doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo có thể sản xuất và cung cấp mức sản lượng cao hơn so với độc quyền và doanh nghiệp lớn có thể sản xuất với chi phí thấp hơn so với doanh nghiệp nhỏ. Khi có sự hiện diện của qui mô kinh tế sẽ làm giảm thiểu chi phí xã hội trong độc quyền.

Về mặt lý thuyết, các doanh nghiệp trong các ngành cạnh tranh luôn chịu áp lực từ đối thủ. Điều này yêu cầu các doanh nghiệp phải tăng cường hiệu quả để tồn tại. Nhưng các doanh nghiệp độc quyền được bảo vệ bởi rào cản thâm nhập. Chính vì vậy, họ không chịu áp lực đổi mới công nghệ, thậm chí chi phí sản xuất lớn hơn mức chi phí thấp có thể. Câu giải thích đó là các nhà quản lý có thể theo đuổi các mục tiêu: tăng trưởng, điều kiện làm việc dễ dàng hơn, bố trí công việc cho bạn bè, người thân. Điều này làm phát sinh chi phí sử dụng nguồn lực không hiệu quả. Chi phí sử dụng nguồn lực không hiệu quả phát sinh khi doanh nghiệp không có động lực sử dụng các nguồn lực hiệu quả do doanh nghiệp không bị đe dọa bởi áp lực cạnh tranh. Ngoài ra, một số doanh nghiệp phải chi một khoản tiền đáng kể cho các hoạt động tìm kiếm và duy trì năng lực độc quyền. Bởi rào cản thâm nhập ngành có thể tùy thuộc vào qui định hay giấy phép đặc quyền kinh doanh. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp phát sinh chi phí tìm kiếm năng lực độc quyền. Các hoạt động tìm kiếm năng lực độc quyền không có lợi cho xã hội bởi các chi phí này không liên quan đến chi phí sử dụng nguồn lực cho hoạt động sản xuất. Cả hai chi phí trên cấu thành chi phí xã hội. Chi phí này không làm tăng sản lượng của doanh nghiệp, nhưng rõ ràng làm tăng chi phí.

3. CHÍNH SÁCH CÔNG ĐỐI VỚI ĐỘC QUYỀN

Như đã đề cập trong các phần trên, thị trường độc quyền phân bổ nguồn lực không hữu hiệu, là do sản xuất thấp hơn lượng sản xuất hiệu quả (khi so với thị trường cạnh tranh hoàn hảo) và giá bán cao hơn chi phí biên. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách giải quyết các vấn đề độc quyền theo các cách thức sau:

ª  Thúc đẩy cạnh tranh đối với ngành độc quyền,

ª  Điều chỉnh hành vi của nhà độc quyền bằng các qui định,

ª  Chuyển độc quyền tư nhân sang độc quyền nhà nước.

Tăng cường năng lực cạnh tranh

Mỗi ngành độc quyền đều có năng lực độc quyền nhất định, chính phủ có thể can thiệp năng lực độc quyền thông qua luật chống độc quyền. Luật chống độc quyền là cách thức để gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Trong những trường hợp cụ thể, chính phủ có thể hạn chế việc sát nhập. Chẳng hạn như ngăn chặn sự sát nhập của hai công ty nước giải khát Coca-Cola và PepsiCo., hoặc chính phủ có thể chia nhỏ các công ty. Năm 1984, chính phủ Mỹ chia nhỏ công ty viễn thông AT&T thành 8 công ty nhỏ hơn. Trong những trường hợp như vậy, luật chống độc quyền nhằm ngăn chặn sự liên kết hay hợp tác của các công ty theo cách thức làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì việc sát nhập làm tăng hiệu quả sản xuất là do sự cộng hưởng (qui mô hay quản lý). Vấn đề đặt ra đối với chính sách công là xác định việc sát nhập hay chia nhỏ các công ty có làm gia tăng phúc lợi của xã hội hay không. Do đó, các phân tích chi phí – lợi nhuận phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định cho phép việc sát nhập hay chia nhỏ các công ty.

Điều chỉnh hành vi nhà độc quyền

Giải pháp công thường áp dụng đối với độc quyền tự nhiên như các công ty điện, nước. Theo đó, những công ty này không được phép tùy tiện trong việc điều chỉnh giá nếu như không có sự phê chuẩn của cơ quan chức năng chính phủ. Vậy thì mức giá được xác định như thế nào là hợp lý đối với độc quyền tự nhiên.

–     Nếu mức giá qui định bằng với chi phí biên, thì giá sẽ thấp hơn chi phí trung bình. Điều này sẽ làm cho các doanh nghiệp độc quyền rút khỏi thị trường.

–     Trong trường hợp giá qui định bằng với chi phí trung bình, doanh nghiệp độc quyền có lợi nhuận kinh tế bằng không (lợi nhuận thông thường) và làm phát sinh chi phí xã hội.

Vì vậy, vấn đề đối với qui định giá trong độc quyền phải đảm bảo cho doanh nghiệp độc quyền có lợi nhuận từ chi phí thấp hơn. Điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp này nỗ lực đổi mới sản xuất, quản lý để giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận.

Chuyển đổi hình thức sở hữu

Một cách thức khác để giải quyết vấn đề độc quyền là chuyển hình thức độc quyền tư nhân sang độc quyền nhà nước. Chẳng hạn như các công ty bưu chính viễn thông, điện, nước. Tuy nhiên, chính sách này cũng gây ra các vấn đề tiềm năng thuộc về trách nhiệm điều hành quản lý. Những người quản lý điều hành các công ty độc quyền tư nhân luôn phải chịu áp lực từ việc cắt giảm chi phí. Trong trường hợp người quản lý thực hiện công việc yếu kém, thì nguy cơ sa thải là rất lớn. Trong khi đó, những người quản lý trong các công ty độc quyền nhà nước điều hành yếu kém sẽ gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng và nguồn thu thuế của chính phủ.