Ngày nay, hoạt động vận chuyển hàng hoá trong doanh nghiệp khá đa dạng, phức tạp, tương tác với nhiều chức năng logistics khác và có thể tiếp cận ở nhiều mức độ khác nhau. Có lúc nhằm mục đích cung ứng vật liệu đầu vào và bổ sung dự trữ cho quá trình sản xuất-kinh doanh. Có lúc đặt mục đích cao nhất là cung ứng hàng hoá phục vụ khách hàng. Thêm nữa thị trường dịch vụ vận tải cũng hết sức phong phú và sôi động với nhiều đơn vị có lợi thế cạnh tranh trên từng địa bàn hoạt động. Bởi vậy để đạt được mục đích tối ưu hoá hoạt động vận chuyển hàng hoá nói riêng và hệ thống logistics nói chung trong doanh nghiệp, nhà quản trị phải có tầm nhìn chiến lược và khả năng phối hợp nhiều phương án vận chuyển khác nhau. Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và mạng internet, khả năng đưa ra các quyết định phối hợp vận chuyển ngày càng mở rộng.
1. Phối hợp vận chuyển căn cứ theo mật độ khách hàng và khoảng cách
Doanh nghiệp cần cân nhắc đến mật độ khách hàng và khoảng cách từ doanh nghiệp/trung tâm phân phối tới địa điểm giao hàng khi thiết kế mạng lưới vận chuyển để từ đó có các phương án phối hợp khác nhau trên từng khu vực (xem bảng 3.3).
Khi doanh nghiệp phục vụ số lượng khách hàng lớn với mật độ dày đặc xung quanh một trung tâm phân phối thì phương án tốt nhất là sử dụng đội vận chuyển riêng để chủ động cung ứng và khai thác tối đa công suất phương tiện với tuyến đường vòng. Trong trường hợp mật độ khách hàng đông nhưng khoảng cách xa DC thì vận chuyển riêng với tuyến đường vòng là lãng phí bởi lượt về không hàng của đội xe. Lúc này việc sử dụng dịch vụ vận chuyển công cộng cho quãng đường dài tới kho/DC gần khu vực khách hàng sẽ hiệu quả hơn. Từ kho/DC thì có thể sử dụng đội xe vận chuyển riêng (nếu có) hoặc vận chuyển hợp đồng theo tuyến đường vòng để rải hàng tới mạng lưới khách hàng cần cung ứng. Khi mật độ khách hàng trong một địa bàn thưa thớt thì việc sử dụng vận chuyển hợp đồng với đơn vị vận tải nhỏ (không đầy xe = LTL) thì sẽ tối ưu hơn. Bởi đơn vị này có thể phối hợp các lô hàng của các chủ hàng khác cho cùng một tuyến đường. Còn vận chuyển bưu kiện thường được coi là phương án lựa chọn hợp lí khi mật độ khách hàng rất thấp mà khoảng cách vận chuyển lại xa.
Phương án vận chuyển căn cứ theo mật độ khách hàng và khoảng cách.
2. Phối hợp vận chuyển theo qui mô khách hàng
Doanh nghiệp phải tính đến qui mô và địa điểm khách hàng khi thiết kế mạng lưới và tuyến đường vận chuyển. Khi đáp ứng những đơn hàng lớn thì có thể vận chuyển đầy xe hoặc đầy toa tàu (TL/CL), còn với những khách hàng nhỏ thì nên sử dụng đơn vị vận tải nhỏ, vận chuyển không đầy xe (LTL) hoặc vận chuyển theo tuyến đường vòng.
Khi cung ứng hàng hoá cho khách sẽ có 2 loại chi phí: chi phí vận chuyển và chi phí giao nhận hàng. Trên cùng một quãng đường thì chi phí vận chuyển là không đổi cho dù là khách hàng lớn hay nhỏ, nhưng chi phí giao hàng đối với khách hàng nhỏ sẽ lớn hơn nếu tính trên từng đơn vị hàng hoá. Bởi vậy nếu giao hàng cho tất cả khách hàng (bất kể qui mô lớn hay nhỏ) theo cùng một tần số thì sẽ không phải là phương án tối ưu. Do đó người ta thường phân loại khách hàng theo qui mô: lớn (L), vừa (M) và nhỏ (S), rồi sử dụng tuyến đường vòng để cung ứng cho khách hàng với tần số khác nhau.
Ví dụ, có thể bổ sung dự trữ cho khách hàng lớn 6 lần/2 tuần; khách hàng vừa là 3 lần/2 tuần và khách hàng nhỏ là 2 lần/2 tuần. Nếu trên một địa bàn vận chuyển doanh nghiệp có 1 khách hàng lớn (L), 2 khách hàng qui mô vừa (M1, M2) và 3 khách hàng qui mô nhỏ (S1, S2, S3) thì có thể phối hợp vận chuyển để đáp ứng nhu cầu khách hàng như sau: (L, M1, S1); (L, M2; S2); (L,M1,S3); (L,M2,S1); (L,M1,S2); (L,M2,S3). Như vậy mỗi chuyến hàng vẫn vận chuyển được đầy xe, khách hàng lớn thì được giao hàng nhiều lần hơn, tương ứng với mức tiêu thụ hàng hoá và chi phí giao nhận hàng của họ.
3. Phối hợp vận chuyển và dự trữ hàng hoá
Các phương án phối hợp giữa vận chuyển và dự trữ hàng hoá cần được cân nhắc tuỳ thuộc vào qui mô nhu cầu thị trường và loại hình sản phẩm (xem bảng 3.4). Đối với những mặt hàng có giá trị cao và có nhu cầu đặt hàng lớn thì có thể chia nhỏ dự trữ chu kì để tiết kiệm chi phí vận chuyển bằng cách sử dụng các phương tiện vận chuyển chi phí thấp để bổ sung loại hình dự trữ này. Bên cạnh đó, có thể phối hợp vận chuyển dự trữ bảo hiểm của nhiều mặt hàng thuộc nhóm này để giảm chi phí dự trữ, đồng thời sử dụng phương tiện vận chuyển nhanh để đáp ứng đòi hỏi của khách hàng. Còn với những mặt hàng giá trị cao mà nhu cầu thị trường thấp thì nên phối hợp vận chuyển tất cả các lô hàng để giảm chi phí dữ trữ hàng hoá.
Đối với các mặt hàng giá trị thấp thì vận chuyển càng có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong cạnh tranh xuất khẩu. Chi phí vận chuyển những nhóm hàng như cát, đá, sỏi, than, xi măng, sắt, thép, cà phê, cao su… có thể chiếm đến 50% giá trị lô hàng. Vì vậy thiết kế tuyến đường và tổ chức vận chuyển tối ưu sẽ góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Cụ thể, với các mặt hàng có tốc độ lưu chuyển cao, nhu cầu thị trường lớn mà có giá trị thấp thì không nên phối hợp vận chuyển các lô hàng dự trữ các loại mà nên vận chuyển qua trung tâm phân phối gần với khách hàng để tiết kiệm chi phí vận chuyển. Với những mặt hàng giá trị thấp, nhu cầu thị trường cũng thấp thì nên phối hợp khi vận chuyển dự trữ bảo hiểm để giảm chi phí vận chuyển, và có thể sử dụng phương tiện chi phí thấp để bổ sung dự trữ chu kì.
8 Th12 2020
8 Th12 2020
7 Th12 2020
8 Th12 2020
7 Th12 2020
7 Th12 2020