Ngân hàng với thanh toán điện tử

1. Dịch vụ ngân hàng trực tuyến (Internet Banking)

1.1. Tình hình phát triển chung

          (i) Số lượng

Dịch vụ ngân hàng trực tuyến là một khái niệm bắt đầu phổ biến trong vài năm gần đây khi số lượng ngân hàng cung cấp dịch vụ này tăng mạnh từ năm 2004.

Tốc độ phát triển của dịch vụ ngân hàng trực tuyến là một minh chứng rõ ràng cho những thay đổi trong hoạt động thanh toán từ phía ngân hàng nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Sự chuyển biến này hoàn toàn phù hợp với tốc độ và xu thế phát triển của thương mại điện tử Việt Nam. Khi thương mại điện tử ngày càng phổ biến trong xã hội, thanh toán điện tử sẽ là một nhu cầu tất yếu để thúc đẩy các bước phát triển tiếp theo.


* Dịch vụ khác bao gồm quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán, mở, sửa L/C, chuyển tiền ra nước ngoài, yêu cầu giải ngân hoặc trả nợ, đăng ký sử dụng các sản phẩm của ngân hàng, thanh toán qua website.

Nguồn: Khảo sát của Vụ thương mại điện tử, Bộ Công Thương tháng 12/2007

Ngân hàng hiện được coi là một trong những lĩnh vực dịch vụ phát triển nhanh, với sự tham gia năng động của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cùng với tiến bộ của công nghệ thông tin, các ngân hàng khó có thể bỏ qua các ứng dụng công nghệ trong việc nâng cấp dịch vụ của mình. Điều này được minh chứng rõ nét qua tốc độ gia tăng số lượng ngân hàng cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến trong thời gian qua.

          (ii)  Tính năng

Kết quả khảo sát các website cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến cho thấy nhiều điểm tương đồng giữa các ngân hàng. Các website đều có cấu trúc hợp lý, đơn giản và hướng dẫn cụ thể để khách hàng dễ dàng truy cập và thao tác thực hiện yêu cầu của mình.

Một dịch vụ ngân hàng trực tuyến hoàn chỉnh cần có những tính năng thông tin và tính năng thanh toán hoá đơn, cụ thể như sau:

                   Tra cứu số dư tài khoản;

                   Tra cứu thông tin ngân hàng;

                   Sao kê tài khoản hàng tháng;

Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể tận dụng kênh giao dịch trực tuyến để cung cấp thêm một số dịch vụ chuyên ngành khác như chuyển đổi ngoại tệ, đăng ký mở thư bảo đảm tín dụng (L/C), chuyển tiền ra nước ngoài, đăng ký sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng khác, v.v…Cho tới cuối năm 2007, hầu hết các ngân hàng vẫn chưa thể triển khai dịch vụ ngân hàng trực tuyến toàn diện.

Tuy nhiên, những tính năng cơ bản và mang lại lợi ích ban đầu cho người tiêu dùng đã được đưa vào hoạt động tại tất cả 18 ngân hàng triển khai dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Trong đó, tra cứu số dư tài khoản cá nhân và thông tin sao kê hàng tháng là tính năng phổ biến nhất. Tính năng này giúp khách hàng ngồi tại chỗ với máy tính nối mạng có thể kiểm tra số dư tài khoản và nhật ký chi tiêu của mình mỗi tháng mà không cần phải đến ngân hàng hoặc chờ nhận thông tin từ ngân hàng gửi đến qua đường bưu điện.

Tính năng cơ bản thứ hai vẫn thuộc nhóm cung cấp thông tin. Những thông tin có tính thay đổi thường xuyên như tỷ lệ lãi suất tiết kiệm, tỷ giá ngoại tệ, vàng, v.v… cũng được cung cấp cho khách hàng một cách nhanh và chính xác thông qua dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Một tính năng khác được nhiều ngân hàng đưa vào hoạt động là cho phép chuyển khoản trong cùng hệ thống ngân hàng. Thay bằng việc phải đến các điểm giao dịch của ngân hàng trong một khoảng thời gian làm việc nhất định, người tiêu dùng có thể đặt lệnh chuyển khoản vào bất cứ lúc nào từ một máy tính nối mạng. Tính năng này giúp khách hàng tiết kiệm và chủ động được thời gian giao dịch. Hiện mới chỉ có 4 ngân hàng là Kỹ thương, Indovina, Á Châu và chi nhánh CitiBank Việt Nam cho phép chuyển khoản ngoài hệ thống trên tổng số 8 ngân hàng có chức năng chuyển khoản trực tuyến.

Một trong những cản trở đối với việc cung cấp trực tuyến dịch vụ chuyển khoản ngoài hệ thống là mối lo về mức độ an toàn, bảo mật của khách hàng cũng như năng lực của ngân hàng lõi (core banking) chưa đảm bảo. Tuy nhiên, con số 4 ngân hàng triển khai dịch vụ chuyển khoản ngoài hệ thống cũng cho thấy một tín hiệu khả quan về nỗ lực của các nhà cung cấp trong việc tạo nhiều tiện ích hơn nữa cho người sử dụng và mở rộng phạm vi của giao dịch ngân hàng trực tuyến.

          (iii) Một dịch vụ gia tăng mới của ngành ngân hàng

Ngân hàng trực tuyến là một dịch vụ gia tăng mới của các ngân hàng trong hai năm trở lại đây, mang lại nhiều lợi ích cho cả ngân hàng và người tiêu dùng. Dịch vụ ngân hàng trực tuyến được nhận định là lợi thế cạnh tranh trong tương lai gần của các ngân hàng tại thị trường Việt Nam. Cả ngân hàng trong nước và nước ngoài đều đang từng bước triển khai dịch vụ này. Citibank là một ví dụ điển hình của ngân hàng nước ngoài triển khai dịch vụ trực tuyến tại chi nhánh ở Việt Nam.

 1.2. CitiBank Việt Nam với dịch vụ ngân hàng trực tuyến

Năm 1995, Citibank là ngân hàng đầu tiên áp dụng hệ thống ngân hàng điện tử cho phép khách hàng tự thực hiện giao dịch qua mạng. Năm 2006, Citibank tiếp tục mở rộng dịch vụ để cung cấp cho khách hàng thông tin trực tuyến về trạng thái giao dịch thương mại của mình. Sau đó, Citibank triển khai giao diện đầu tư trực tuyến toàn cầu cho các quyền chọn đầu tư trong và ngoài nước.

Đến tháng 4/2007, Citibank Việt Nam đã chính thức giới thiệu sản phẩm toàn cầu đến Việt Nam là hai kênh dịch vụ Ngân hàng trực tuyến gồm dịch vụ Đầu tư Citibank Online và Dịch vụ thanh toán Thương mại điện tử CitiConnectSM. Với hai dịch vụ trực tuyến nêu trên, ngân hàng trực tuyến mà Citibank cung cấp được coi là khá hoàn hảo đối với người tiêu dùng. Dịch vụ trực tuyến cung cấp cho khách hàng bao gồm:

Thông tin báo cáo:

  • Tổng kết các khoản chi tiêu của tài khoản
  • Thông tin các khoản giao dịch
  • Thông tin lãi suất
  • Báo cáo của ngân hàng
  • Các chức năng nghiệp vụ
  • Thanh khoản, đầu tư điện tử
  • Chuyển khoản trong và ngoài hệ thống, chuyển khoản toàn cầu.

Các dịch vụ ngân hàng Việt Nam hiện nay tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn khá nghèo nàn, trong đó các dịch vụ dựa trên nền công nghệ thông tin còn ít và chưa đáp ứng được yêu cầu kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế của WTO, các ngân hàng trong nước sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với những ngân hàng quốc tế có thế mạnh vượt trội cả về vốn, công nghệ, dịch vụ và năng lực quản lý. Thực tế này đang đặt ra yêu cầu cho ngành ngân hàng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng phải nỗ lực hiện đại hoá công nghệ, nâng cấp dịch vụ cho khách hàng. Ngân hàng trực tuyến chính là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đồng thời giúp các ngân hàng cung cấp dịch vụ một cách nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả hơn, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Ngân hàng trực tuyến thực sự là một xu thế tất yếu, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho ngân hàng và người tiêu dùng. Vì vậy, xu hướng phát triển của ngân hàng trực tuyến được dự đoán khả quan trong bối cảnh hội nhập và bùng nổ Internet như hiện nay.

2. Một số ngân hàng triển khai hiệu quả dịch vụ ngân hàng trực tuyến

          (i) Thanh toán biên mậu qua hệ thống ngân hàng trực tuyến

Theo thống kê của Trung tâm Thông tin thương mại (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2006 xấp xỉ 10 tỷ USD và dự báo đến 2010 đạt 15 tỷ USD. Riêng tại cửa khẩu Móng Cái, kim ngạch hai chiều năm 2006 vượt 2,1 tỷ USD, dự kiến năm 2007 sẽ lên tới 2,3 tỷ USD, tăng 9% so với 2006.

Mặc dù thanh toán biên mậu đang tăng trưởng nhanh nhưng hiện nay các ngân hàng thương mại lớn như Ngân hàng Công thương (Incombank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tại khu vực biên giới Việt – Trung chỉ áp dụng hình thức thanh toán thủ công là giao nhận chứng từ trực tiếp. Theo đó, vào một khoảng thời gian quy ước trong ngày, cán bộ ngân hàng hai bên sẽ “đi bộ” qua cửa khẩu để chuyển giao chứng từ thanh toán. Tại Móng Cái, khách hàng đến chi nhánh Incombank giao dịch từ đầu giờ làm việc buổi sáng thì phải chờ đến 3 giờ chiều (giờ Hà Nội), các giao dịch này mới được chuyển giao cho Ngân hàng Công thương Trung Quốc và ngược lại. Đến cuối ngày làm việc, các ngân hàng mới xử lý chứng từ và hạch toán “Có” vào tài khoản người thụ hưởng và hôm sau, người thụ hưởng mới được sử dụng tiền trong tài khoản của mình.

Quy trình thao tác thủ công này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc giao thương giữa khách hàng hai nước. Doanh nghiệp phải chấp nhận rủi ro hàng xuống cấp do giao dịch chậm trễ, gây tổn thất lớn. Sau một tháng phối hợp thử nghiệm với Ngân hàng Công thương Trung Quốc, ngày 10/8/2007, Incombank Việt Nam đã giới thiệu phương pháp thanh toán ngân hàng trực tuyến cho hơn 100 khách hàng của mình tại cửa khẩu Móng Cái. Theo đó, khách hàng đến giao dịch xuất trình chứng từ, ngân hàng chuyển tiền sẽ khởi tạo lệnh chi và truyền qua Internet cho ngân hàng thanh toán với tổng thời gian thực hiện 30 phút/giao dịch. Ngay sau đó, người thụ hưởng có thể nhận được tiền, khi khoản tiền đó được ghi “Có” vào tài khoản của mình. Trường hợp khách hàng cần chuyển tiền gấp, ngân hàng chuyển tiền sẽ gọi điện cho ngân hàng thanh toán ngay sau khi hoàn tất việc truyền lệnh chi trên Internet, để ngân hàng thanh toán truy cập vào Internet thực hiện ngay lệnh chi. Như vậy, phương thức thức thanh toán biên mậu này sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, an toàn về vốn, tránh rủi ro trong quá trình chuyển chứng từ thủ công. Đồng thời, đồng vốn được quay vòng nhanh hơn và chi phí giao dịch giảm xuống. Dịch vụ ngân hàng trực tuyến biên mậu này cũng giúp địa phương không bị thất thu thuế do kiểm soát tốt lượng tiền cũng như hợp đồng kinh tế giữa các bên qua hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, dịch vụ ngân hàng trực tuyến còn góp phần hạn chế lưu thông tiền mặt trên thị trường, nhờ đó cải thiện tình hình tiền giả xâm nhập vào hệ thống lưu thông.

 Theo Báo cáo từ Ngân hàng Incombank, tính đến tháng 11/2007, tổng giá trị giao dịch bằng hình thức này đạt khoảng 2,5 tỷ đồng, trong đó phí thanh toán là 1,3 triệu đồng. Ước tính phương thức thanh toán này sẽ hút giao dịch từ thị trường phi chính thức vào giao dịch chính thức qua ngân hàng và giá trị giao dịch sẽ được nâng từ 70% lên 90% vào thời gian tới. Trước những ưu điểm mà dịch vụ ngân hàng trực tuyến mang lại, Incombank đã mở rộng triển khai hình thức thanh toán này tại một số cửa khẩu biên giới khác với Trung Quốc. Cùng với Incombank, ngân hàng Agribank cũng triển khai dịch vụ này tại cửa khẩu Móng Cái vào ngày 24/8/2007. Ngân hàng trực tuyến áp dụng trong thanh toán biên mậu sẽ có cơ hội phát triển hơn nữa trong bối cảnh nhu cầu giao thương ngày một nhiều giữa Việt Nam và Trung Quốc.

          (ii) Ngân hàng Đông Á – nhiều loại hình dịch vụ cho ngân hàng trực tuyến

Khảo sát của Vụ Thương mại điện tử, Bộ Công Thương cho thấy Ngân hàng Đông Á là một trong số những ngân hàng tiên phong trong việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Ngân hàng Đông Á chính thức triển khai dịch vụ ngân hàng trực tuyến vào ngày 15/8/2005. Quá trình phát triển và hoàn thiện của dịch vụ tính đến nay trải qua 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, dịch vụ ngân hàng trực tuyến của Đông Á chỉ cho phép khách hàng kiểm tra số dư tài khoản (tài khoản cá nhân và doanh nghiệp) và xem, in sao giao dịch. Một năm sau đó, dịch vụ tiến thêm bước mới bằng việc cung cấp tiện ích chuyển khoản trong nội bộ ngân hàng với hạn mức từ 50 nghìn đồng/lần đến 500 triệu đồng/lần. Tiện ích này giúp khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí để thực hiện các giao dịch chuyển khoản. Thay vì phải trực tiếp xếp hàng tại các quầy giao dịch, người tiêu dùng có thể thực hiện thao tác chuyển khoản một cách nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi. Tiện ích đánh dấu bước phát triển mới, đưa dịch vụ ngân hàng trực tuyến của Ngân hàng Đông Á tới nhiều người sử dụng hơn.

Tháng 1/2007, chỉ có 11.000 khách hàng đăng ký sử dụng. Nhưng đến tháng 2/2007, số lượng đã tăng đột biến lên khoảng 117 nghìn người. Các tháng tiếp theo dịch vụ vẫn duy trì được số tài khoản đăng ký tăng dần đều. So với số người đăng ký sử dụng dịch vụ tin nhắn ngân hàng, dịch vụ ngân hàng trực tuyến tỏ ra có sức hút lớn hơn dù tiện ích cung cấp ở cả hai loại hình này như nhau. Sự khác biệt này là do đối tượng khách hàng của dịch vụ ngân hàng trực tuyến bao gồm cả doanh nghiệp, trong khi đó tin nhắn ngân hàng chỉ dừng lại ở đối tượng khách hàng cá nhân. Điều này cũng phần nào lý giải được trị giá chuyển khoản qua SMS chỉ bằng khoảng 2% tổng giá trị giao dịch ngân hàng trực tuyến.

Trong giai đoạn ba, dịch vụ tiếp tục được bổ sung thêm chức năng thanh toán trực tuyến khi mua hàng tại www.golmart.com.vn, www.123mua.com.vn và mua thẻ trả trước cho các loại thẻ di động, thẻ Internet, điện thoại cố định. Ngoài ra, Ngân hàng còn phối hợp với công ty VTC Intecom để triển khai dịch vụ nạp tiền vào tài khoản Vcoin hoặc nạp tiền vào tài khoản di động. Số lượng và giá trị giao dịch của hoạt động này cũng tăng bình quân 50%/tháng. Bắt đầu từ quý I/2008, việc chuyển khoản sẽ không chỉ bó hẹp trong nội bộ Đông Á mà khách hàng có thể thực hiện chuyển khoản tới bất kỳ ngân hàng nào. Ngoài ra, ngân hàng cũng đang xúc tiến việc tạo liên kết chiến lược với các nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm khác để đẩy mạnh tiện ích thanh toán trực tuyến.

3. Dịch vụ tin nhắn ngân hàng (SMS Banking)

3.1. Thông tin chung

          *  Tiện ích của dịch vụ

Cùng với ngân hàng trực tuyến, dịch vụ tin nhắn ngân hàng ra đời như một bước tiếp theo trong tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ của các ngân hàng. Tận dụng sự phổ biến của điện thoại di động, nhiều ngân hàng đã bổ sung thêm tiện ích mới này nhằm phục vụ khách hàng ở mức tốt hơn.

Tiện ích của dịch vụ tin nhắn ngân hàng được chia thành 2 nhóm theo nhu cầu sử dụng là nhóm cung cấp thông tin và nhóm thanh toán. Việc phân loại nhóm tiện ích nhằm đánh giá mức độ triển khai dịch vụ và phản ánh phần nào nhu cầu của thị trường hiện nay. Khảo sát của Vụ Thương mại điện tử cho thấy, tất cả các ngân hàng triển khai dịch vụ tin nhắn đều có tiện ích cung cấp thông tin. Mục đích của nhóm tiện ích này là giúp khách hàng cập nhật những thông tin cơ bản nhất một cách tiện lợi thông qua thiết bị di động. Ngân hàng Hàng Hải còn đưa ra tính năng cung cấp thông tin về thư tín dụng (L/C) và chứng từ thanh toán xuất nhập khẩu của doanh nghiệp dựa trên nhu cầu thanh toán quốc tế rất lớn của khách hàng. Đây được coi là một điểm tạo khác biệt trong dịch vụ của ngân hàng này nhằm thoả mãn tốt hơn nhu cầu của đối tượng khách hàng doanh nghiệp.

 Chưa phổ biến như các tiện ích thông tin, nhóm tiện ích thanh toán chính là tiêu chí giúp so sánh sự phát triển của dịch vụ giữa các ngân hàng khác nhau. Trong 16 ngân hàng triển khai dịch vụ tin nhắn ngân hàng, có 6 ngân hàng đã triển khai nhóm tiện ích thanh toán. Nhóm tiện ích này cũng có thể được chia làm 2 loại là thanh toán các khoản chi liên quan đến hoạt động ngân hàng (như thanh toán thẻ tín dụng, chuyển khoản) và thanh toán các loại hoá đơn hay mua hàng trực tuyến.

Các tiện ích dịch vụ tin nhắn ngân hàng đang được triển khai bao gồm:

* Nhóm cung cấp thông tin:

(1) Số dư tài khoản;

(2) Liệt kê giao dịch của tài khoản.

(3) – Lãi suất tiết kiệm;

– Tỷ giá tiền tệ;

– Địa điểm đặt máy ATM và phòng giao dịch.

(4) – Hạn mức tín dụng;

– Tình hình hoạt động tín dụng;

– Thông tin về L/C và chứng từ thanh toán XNK.

* Nhóm thanh toán:

(5) Chuyển khoản.

(6) – Thanh toán thẻ tín dụng;

– Thanh toán hoá đơn;

– Mua hàng trực tuyến.

Kết quả khảo sát cho thấy đa số các ngân hàng đồng thời triển khai hai dịch vụ tin nhắn ngân hàng và ngân hàng trực tuyến. Hai dịch vụ này hầu hết cùng cung cấp một số loại tiện ích cho khách hàng và được coi là hai công cụ bổ trợ đắc lực cho nhau. Trong số các ngân hàng đã triển khai hai dịch vụ trên, chiếm phần lớn là ngân hàng thương mại trong nước. Đây là một tín hiệu đáng mừng về tính năng động của ngân hàng Việt Nam. Các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như ngân hàng ANZ hay CitiBank hiện chỉ triển khai dịch vụ ngân hàng trực tuyến.

3.2. Ứng dụng của dịch vụ tin nhắn trong thanh toán cho thương mại điên tử

Một nội dung được các doanh nghiệp quan tâm khi phát triển dịch vụ thanh toán qua tin nhắn di động là tính năng thanh toán tiền điện, nước, hoặc mua hàng trực tuyến, trò chơi trực tuyến. Điện, nước là hai khoản chi phí mà người dân phải thanh toán hàng tháng, song các hộ gia đình ngày nay đang gặp phải những bất tiện về thời gian đóng phí. Thanh toán qua tin nhắn có thể là một giải pháp hữu hiệu giúp người dân giải quyết các chi phí hàng tháng của hộ gia đình một cách tiện lợi. Ngoài thanh toán tiền điện, nước, dịch vụ này còn có thể được mở rộng sang các khoản thu khác như phí vệ sinh, phí truyền hình cáp, v.v…

Tuy nhiên, để phát triển dịch vụ thanh toán này, đòi hỏi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như điện, nước, điện thoại v.v… phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhiều ngân hàng thương mại khác nhau để giảm chi phí thanh toán. Do yêu cầu mang tính đặc thù đó nên phạm vi ứng dụng của dịch vụ hiện còn khá khiêm tốn bởi việc “bắt tay” cùng một lúc với các ngân hàng có tiếng như VCB, BIDV, ACB là điều không dễ. Vì vậy, đây sẽ là mảng dịch vụ có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, khi lượng sử dụng thiết bị di động ngày càng tăng.

Ngoài ra, thanh toán qua tin nhắn di động đang được mở rộng ứng dụng cho một số dịch vụ khác như mua bảo hiểm xe cơ giới của Công ty bảo hiểm Bảo Minh. Dịch vụ thanh toán được thực hiện thông qua sự hợp tác trực tiếp giữa Ngân hàng Kỹ thương và doanh nghiệp cung cấp sản phẩm. Phương thức mới này giúp ngân hàng bổ sung thêm giá trị gia tăng cho khách hàng hiện tại, mở rộng khách hàng tiềm năng và giúp tăng cường thêm kênh phân phối sản phẩm cho nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Song song với hoạt động trên, Ngân hàng Techcombank cũng triển khai dịch vụ thu tiền cước phí Internet ADSL của công ty FPT qua tin nhắn nhằm đa dạng hoá dịch vụ tin nhắn ngân hàng của mình đồng thời làm phong phú hơn các dịch vụ thanh toán qua di động nói chung trên thị trường.

Thanh toán qua tin nhắn di động đang là một loại hình thanh toán điện tử rất phổ biến và được người tiêu dùng quan tâm vì sự tiện lợi. Chỉ cần có thiết bị di động cùng một tài khoản tại ngân hàng, người tiêu dùng có thể thực hiện được nhiều giao dịch thanh toán khác nhau và chủ động được trong việc thực hiện các giao dịch đó.