Môi trường Marketing vĩ mô

1. Môi trường nhân khẩu học

Nhân khẩu học là khoa học nghiên cứu về dân số trên các khía cạnh như quy mô dân số, mật độ phân bố dân cư, tuổi tác, giới tính, chủng tộc, nghề nghiệp và các chỉ tiêu thống kê khác.

Yếu tố nhân khẩu học là yếu tố được các nhà hoạt động marketing rất quan tâm vì thị trường là khách hàng, là do con người hợp thành. Tác động của yếu tố nhân khẩu học đến hoạt động marketing của doanh nghiệp được thể hiện thông qua rất nhiều các biến số khác nhau sau đây:

  • Quy mô và tốc độ tăng dân số: Thông thường quy mô dân số càng lớn thì quy mô thị trường càng lớn, nhu cầu về sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm càng lớn, khối lượng tiêu thụ sản phẩm càng nhiều, do đó khả năng đảm bảo hiệu quả kinh doanh càng
  • Tuổi thọ và cấu trúc độ tuổi: Sự thay đổi của yếu tố này dẫn đến trình trạng thay đổi cơ cấu khách hàng tiềm năng theo độ tuổi. Từ đó tác động tới cơ cấu tiêu dùng và nhu cầu về các loại hàng hóa. Ví dụ: Tỷ lệ sinh đẻ thấp ở một số quốc gia phát triển tạo ra một cơ cấu tuổi tác già hơn trong dân chúng. Tuổi thọ dân số gia tăng thì các dịch vụ, sản phẩm phục vu cho những người cao tuổi sẽ gia tăng.
  • Cơ cấu, quy mô hộ gia đình: ảnh hưởng đến số lượng quy cách, sản phẩm cụ thể,

… khi sản phẩm đó đáp ứng cho nhu cầu chung của cả gia đình. Đặc biệt có ý nghĩa phân tích trong mối liên hệ với thu nhập của người tiêu thụ. Ví dụ: Gia đình càng có nhiều  người thì mức độ tiêu thụ càng lớn.

  • Sự chuyển dịch dân cư và xu hướng vận động: Sự hình thành hay suy giảm mức độ tập trung dân cư ở một khu vực địa lý có ảnh hưởng lớn đến sự xuất hiện cơ hội mới hoặc suy tàn cơ hội hiện tại của doanh nghiệp.

2. Môi trường kinh tế

Yếu tố kinh tế có tác động không nhỏ tới chiến lược marketing của doanh nghiệp. Bởi vì đối với khách hàng mà doanh nghiệp quan tâm thì sức mua của họ rất quan trọng   và nó là mối quan tâm của các nhà hoạt động marketing.

Sức mua của khách hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như  mức  thu nhập hiện tại, giá cả, số tiền tiết kiệm… Sự suy thoái kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cao, lãi suất vay tín dụng tăng… đều có thể ảnh hưởng đến sức mua của khách hàng.

  • Tổng sản lượng quốc gia (GNP) tác động đến nhu cầu của gia đình, doanh  nghiệp và Nhà nước vì mỗi quốc gia GNP/người tăng lên sẽ kéo theo sự tăng lên của nhu cầu về số lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ tăng về chủng loại, chất lượng, thị hiếu…   dẫn đến sự tăng lên của quy mô thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng trong từng thời kỳ nghĩa là tác động đến chiến lược của doanh nghiệp cần phải sản xuất hay    hạn chế sản xuất những loại sản phẩm hàng hóa nào.
  • Lạm phát: tác động đến chiến lược thị trường của doanh nghiệp, nếu lạm phát tăng nhanh hơn dự đoán trong chiến lược sẽ làm tăng giá cả của các yếu tố đầu vào làm tăng giá thành dẫn đến sự tăng giá bán làm khó cạnh tranh và chiến lược không thực thi được.
  • Các chính sách của Chính phủ: chính sách thuế, chính sách về xuất nhập khẩu, chính sách bảo vệ môi trường… tác động đến sản xuất, giá bán của doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến chiến lược thị trường của doanh nghiệp.

3. Môi trường tự nhiên

Yếu tố này ảnh hưởng nhiều mặt tới nguồn lực đầu vào cần thiết cho các nhà sản xuất kinh doanh và chúng có thể gây ảnh hưởng cho các hoạt động marketing trên thị trường.

Sự phát triển của công nghiệp đã kéo theo nỗi lo lắng ngày càng tăng trong dư    luận xã hội về vấn đề liệu hoạt động công nghiệp ở các nước phát triển có phá hoại môi trường tự nhiên không? Và câu trả lời là hoạt động công nghiệp hầu như bao giờ cũng    gây tổn hại cho môi trường. Chúng ta phải cố gắng tìm mọi cách để giảm bớt sự hủy hoại môi trường do công nghiệp đem lại.

Nước và không khí có thể tưởng như là những dạng tài nguyên vô tận, nhưng một số nhóm bảo vệ môi trường đã nhìn thấy mối đe doạ đối với chúng trong tương lai. Họ   chủ trương cấm bán một số thuốc dưới dạng bình xịt, bởi vì chúng có thể gây tổn hại cho tầng ozôn của khí quyển.

Việc sử dụng những nguồn tài nguyên có thể phục hồi được như rừng và lương  thực cũng đòi hỏi phải quan tâm. Để bảo vệ đất và đảm bảo đủ số lượng gỗ đáp ứng sức cầu trong tương lai, các công ty khai thác gỗ phải trồng lại rừng trên những diện tích đã chặt. Việc cung cấp lương thực có thể trở thành một vấn đề lớn, bởi vì diện tích đất nông nghiệp có giới hạn và ngày càng bị thu hẹp vì bị dành để xây dựng nhà ở và sử dụng vào mục đích thương mại.

Tất cả những nỗi lo lắng của dư luận về những vấn đề trên đã mở ra một khả năng Marketing tốt đẹp cho những doanh nghiệp nhạy bén với tình hình. Hiện nay, đang hình thành một thị trường rộng lớn về các phương tiện chống ô nhiễm như thiết bị lọc bụi và những thiết bị làm việc theo công nghệ tái sinh những nguyên liệu ban đầu. Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu tìm kiếm những phương thức sản xuất và đóng gói hàng hoá   không gây tổn hại cho môi trường..

4. Môi trường công nghệ

Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật đã làm xuất hiện nhiều sản  phẩm hiện đại  hơn, thoả mãn nhu cầu của con người ở mức cao hơn. Rất nhiều mặt hàng quen thuộc của ngày hôm nay cách đây 100 năm chưa hề tồn tại. Abraham Lincoln đã không biết xe hơi, máy bay, đèn điện là cái gì cả, John Kennedy thì cũng chưa biết máy vi tính, điện thoại di động là gì?

Ngày nay trình độ công nghệ kỹ thuật phát triển với tốc độ chóng mặt. Những ý tưởng mới được hình thành nhiều hơn, khoảng cách thời gian giữa lúc xuất hiện ý tưởng  và sự vận dụng thành công vào thực tiễn được thu hẹp nhanh chóng.

5. Môi trường chính trị, luật pháp

Những sự kiện xảy ra trong môi trường chính trị có ảnh hưởng mạnh mẽ đến   những quyết định Marketing.

Yếu tố chính trị luật pháp ảnh hưởng đến các quyết định Marketing thông  qua nhiều biến số khác nhau như: các luật lệ (luật doanh nghiệp; luật quảng cáo, luật giá, luật bảo vệ cạnh tranh chống độc quyền; luật chống kinh doanh gian lận…), các cơ quan nhà nước, các nhóm xã hội, các tổ chức hoặc cá nhân có khả  năng gây ảnh hưởng và kiểm  soát trong xã hội (nhóm bênh vực quyền lợi người tiêu dùng, hội bảo vệ người tiêu dùng…)

6. Môi trường văn hóa

Các yếu tố về văn hoá xã hội: các quan điểm về tiêu dùng hàng hoá dịch vụ của   dân cư các vùng, các địa phương, các dân tộc và quan điểm tiêu dùng của giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp ảnh hưởng đến việc hình thành các thị trường, quy mô thị trường và tác động đến nội dung của chiến lược thị trường.

Yếu tố văn hoá cũng tác động, chi phối hành vi ứng xử của người tiêu dùng, chi phối hành vi mua hàng của khách hàng.