Kế toán nguồn vốn chủ sở hữu

1. Khái niệm, nguyên tắc hạch toán và tài khoản phản ánh

Nguồn vốn kinh doanh là nguồn vốn của chủ sở hữu được dùng vào mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Số vốn này được hình thành khi mới thành lập doanh nghiệp ( do chủ sở hữu đóng góp ban đầu) và bổ sung từ kết quả kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, nguồn vốn kinh doanh do Nhà nước cấp, hoặc tổ chức hoặc bổ sung từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tặng, biếu, viện trợ không hoàn lại.

Đối với các doanh nghiệp liên doanh, nguồn vốn kinh doanh được hình thành do các bên tham gia liên doanh góp vốn và được bổ sung từ kết quả sản xuất, kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, nguồn vốn kinh doanh có thể do một hoặc một số người góp vốn.

Đối với công ty cổ phần, nguồn vốn kinh doanh được hình thành từ số tiền góp vốn cổ phần của các cổ đông hoặc được bổ sung từ kết quả SXKD theo quy định trong điều lệ hoạt động của công ty.

Khi hạch toán nguồn vốn kinh doanh, cần chi tiết theo từng loại vốn kinh doanh, từng nguồn hình thành, từng tổ chức, cá nhân góp vốn ( vốn góp ban đầu ( chi tiết theo từng đối tượng), vốn bổ sung từ kết quả kinh doanh, vốn do liên doanh góp).

Để phản ánh số hiện có, tình hình biến động tăng, giảm nguồn vốn kinh doanh của chủ sở hữu kế toán phản ánh trên tài khoản 411- nguồn vốn kinh doanh. Tài khoản này được mở chi tiết theo từng nguồn hình thành tuỳ theo tính chất doanh nghiệp và yêu cầu cung cấp thông tin cho quản lý.

Hạch toán tài khoản 411 cần tôn trọng một số qui định sau.

1- Phải tổ chức hạch toán chi tiết nguồn vốn kinh doanh theo từng nguồn hình thành vốn. Trong đó, cần theo dõi chi tiết cho từng tổ chức, từng cá nhân tham gia góp vốn.

a/ Đối với doanh nghiệp Nhà nước nguồn vốn kinh doanh có thể hạch toán chi tiết như sau:

+ Nguồn vốn NSNN (kể cả vốn có nguồn gốc từ NSNN)

+ Nguồn vốn bổ sung từ kết quả kinh doanh.

+ Nguồn vốn liên doanh

+ Nguồn vốn cổ phiếu, trái phiếu.

b/ Đối với công ty liên doanh, các doanh nghiệp cổ phần phải tổ chức hạch toán chi tiết nguồn vốn kinh doanh theo từng loại nguồn vốn ( vốn góp ban đầu, vốn bổ sung từ kết quả SXKD). Trong vốn góp ban đầu được theo dõi chi tiết cho từng thành viên tham gia liên doanh, hoặch cổ đông góp vốn.

2- Chỉ ghi giảm nguồn vốn kinh doanh khi trả lại vốn cho Ngân sách Nhà nước, trả vốn cho các cổ đông hoặc trả vốn cho các bên tham gia liên doanh hoặc giải thể thanh lý doanh nghiệp.

3- TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng vốn kinh doanh, bằng vốn khấu hao, bằng vốn vay, khi hoàn thành đưa vào sử dụng sản xuất kinh doanh chỉ cần ghi tăng giá trị TSCĐ, không ghi tăng vốn kinh doanh.

4- TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng nguồn vốn đầu tư XDCB, quỹ đầu tư phát triển, quỹ phúc lợi, khi hoàn thành đưa vào sản xuất kinh doanh thì ghi tăng giá trị TSCĐ ( Nợ TK 211/ Có TK 111,241, 331…) và ghi tăng vốn kinh doanh (Có TK411).

Kết cấu và nội dung phản ánh của TK 411- Nguồn vốn kinh doanh như sau:

Bên Nợ:

Nguồn vốn kinh doanh giảm trong kỳ do trả vốn cho Ngân sách Nhà nước, trả vốn cho các bên tham gia liên doanh và các cổ đông.

Bên Có:

Nguồn vốn kinh doanh tăng trong kỳ do được Ngân sách Nhà nước cấp, các bên tham gia liên doanh và các cổ đông góp vốn và bổ sung từ kết quả sản xuất kinh doanh hoặc do nhận quà biếu tặng, viện trợ.

Số dư bên Có:

Nguồn vốn kinh doanh hiện có của doanh nghiệp.

2.Trình tự kế toán nguồn vốn kinh doanh

  • Khi nhân vốn kinh doanh do Ngân sách Nhà nước cấp hoặc do cấp bằng tiền bằng hiện vật, ghi:

Nợ TK 111 – Tiền mặt

Nợ TK 112 – Tiền gửi Ngân Hàng

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình

Nợ TK 213 – TSCĐ vô hình

Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh

  • Khi nhận góp vốn của các bên tham gia liên doanh, ghi:

Nợ TK 111 – Tiền mặt

Nợ TK 112 – Tiền gửi Ngân Hàng

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình

Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh

  • Khi nhận được tiền góp vốn cổ phần của các cổ đông, ghi:

Nợ TK 111 – Tiền mặt

Nợ TK 112 – Tiền gửi Ngân Hàng

Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh

  • Khi nhận quà biếu, tặng hoặc tiền, hàng viện trợ không hoàn lại, ghi:

Nợ TK 156 – Hàng hoá

Nợ TK 111 – Tiền Mặt

Nợ TK 112 – Tiền gửi Ngân Hàng

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình

Nợ TK 213 – TSCĐ vô hình

Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh

  • Bổ sung nguồn vốn kinh doanh từ kết quả sản xuất, kinh doanh, ghi:

Nợ TK 421 – Lãi chưa phân phối

Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh

  • Bổ sung nguồn vốn kinh doanh từ quỹ dự phòng tài chính khi được phép của Hội đồng quản trị hoặc cơ quan có thẩm quyền, ghi:

Nợ TK 415 – Quỹ dự phòng tài chính

Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh

  • Bổ sung nguồn vốn kinh doanh từ số chênh lệch do đánh giá lại tài sản, khi được phép của cơ quan có thẩm quyền, ghi:

Nợ TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản

Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh

  • Khi đầu tư, mua sắm TSCĐ hoàn thành đưa vào sử dụng sản xuất kinh doanh, bằng nguồn vốn đầu tư XDCB, bằng quỹ đầu tư phát triển, bằng quỹ phúc lợi ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình

Nợ TK 213 – TSCĐ vô hình

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 111 – Tiền mặt

Có TK 112 – Tiền gửi Ngân hàng

Đồng thời ghi:

Nợ TK 431 – Quỹ phúc lợi khen thưởng

Nợ TK 414 – Quỹ đầu tư phát triển

Nợ TK 441 – Nguồn vốn đầu tư XDCB

Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh

  • Khi bộ phận XDCB của DN đã đầu tư xây dựng hoàn thành, TSCĐ đã được bàn giao đưa vào sử dụng, kế toán ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình

Có TK 241 – XDCB dở dang

Đồng thời ghi:

 Nợ TK 441 – Nguồn vốn đầu tư XDCB

Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh

  • Khi trả lại vốn góp cổ phần cho các cổ đông, cho các bên tham gia liên doanh, trả vốn cho ngân sách, ghi:

Nợ TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh

Có TK 111 – Tiền Mặt

Có TK 112 – Tiền gửi Ngân hàng

  • Khi nộp vốn khấu hao TSCĐ cho cấp trên theo phương pháp ghi giảm nguồn vốn kinh doan

Nợ TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh

Có TK 111 – Tiền mặt

Có TK 112 – Tiền gửi Ngân hàng

Đồng thời ghi: Có TK 009 – Nguồn vốn khấu hao

  • Khi nhận vốn khấu hao TSCĐ của cấp dưới nộp lên ghi:

Nợ TK 111 – Tiền mặt

Nợ TK 112 – Tiền gửi Ngân hàng

Có TK 136 – Phải thu nội bộ (1361)

Đồng thời ghi: Nợ TK 009 – Nguồn vốn khấu hao

  • Khi cấp vốn khấu hao TSCĐ cho cấp dưới để bổ sung vốn kinh doanh và đầu tư mua sắm TSCĐ, ghi:

Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ (1361)

Có TK 111 – Tiền mặt

Có TK 112 – Tiền gửi Ngân hàng

Đồng thời ghi: Có TK 009 – Nguồn vốn khấu hao

– Khi cấp dưới nhận vốn khấu hao TSCĐ của cấp trên để đầu tư, mua sắm TSCĐ, bổ sung vốn kinh doanh, ghi:

Nợ TK 111 – Tiền mặt

Nợ TK 112 – Tiền gửi Ngân hàng

Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh

Đồng thời ghi: Nợ TK 009 – Nguồn vốn khấu hao

  • Khi cho cấp trên, cấp dưới vay vốn khấu hao TSCĐ, ghi:

Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ (1368)

Có TK 111 – Tiền mặt

Có TK 112 – Tiền gửi Ngân hàng

 Số lãi thu được về cho vay vốn khấu hao TSCĐ, ghi:

Nợ TK 111 – Tiền mặt

Nợ TK 112 – Tiền gửi Ngân hàng

Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ

Có TK 711 – Thu nhập hoạt động tài chính

  • Vay vốn khấu hao TSCĐ của cấp trên, cấp dưới và các đơn vị nội bộ, ghi:

Nợ TK 111 – Tiền mặt

Nợ TK 112 – Tiền gửi Ngân hàng

Có TK 136 – Phải thu nội bộ

 – Trả tiền vay vốn khấu hao TSCĐ của cấp trên, cấp dưới và các đơn vị nội bộ, ghi:

Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ

Có TK 111 – Tiền mặt

Có TK 112 – Tiền gửi Ngân hàng