Ý tưởng và phân loại ý tưởng kinh doanh

1. Khái niệm

Để khởi sự một công việc kinh doanh, phải bắt đầu từ những ý tưởng kinh doanh. Ý tưởng kinh doanh là suy nghĩ, tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng về các sản phẩm/dịch vụ cụ thể mà bản thân có thể cung cấp cho thị trường. Một doanh nghiệp mới nếu chỉ sản xuất những sản phẩm, dịch vụ hiện tại và bán chúng ở những thị trường hiện tại thì đó chưa phải là một ý tưởng kinh doanh tốt. Một ý tưởng kinh doanh tốt có hai phần sau: có cơ hội kinh doanh và người chủ có kỹ năng và các nguồn lực tận dụng cơ hội đó.

Nếu doanh nghiệp biết tạo ra những cái mới, cái khác biệt về sản phẩm của mình thì sẽ tạo ra những cơ hội thành công cho mình khi gia nhập thị trường.

2. Phân loại ý tưởng kinh doanh

Ý tưởng kinh doanh được phân loại dựa trên hai quan điểm cơ bản sau: quan điểm định hướng hàng hóa và quan điểm định hướng khách hàng

3. Nguồn gốc phát sinh ý tưởng kinh doanh

Ý tưởng kinh doanh phải tạo ra được lợi thế cạnh tranh bởi không những nó lấp đầy được nhu cầu mới mà còn mang lại giá trị hoặc dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Lợi thế cạnh tranh được tạo ra từ việc hình thành sản phẩm/dịch vụ mới hoặc sử dụng công nghệ mới tạo ra sản phẩm/dịch vụ; hoặc từ một thị trường mới, từ một tổ chức mới.

Thứ nhất, sản phẩm/dịch vụ mới có thể được hình thành từ những phát minh mới hoặc bắt đầu từ sự cải tiến.

Ý tưởng kinh doanh xuất phát từ những phát minh mới thường không dễ dàng khi bắt đầu một công việc kinh doanh. Vì việc phát minh ra những sản phẩm/dịch vụ mới thường gắn liền với sự yêu thích khi sáng tạo nên nhiều khi họ ít quan tâm đến nhu cầu thị trường. Điều này gây ra những khó khăn khi khởi sự kinh doanh. Còn ý tưởng kinh doanh xuất phát từ sự cải tiến thay đổi mới sản phẩm/dịch vụ có phần dễ dàng hơn cho sự khởi đầu kinh doanh. Cải tiến thay đổi mới sản phẩm là việc cải thiện những sản phẩm hiện tại, có thể là thay đổi trọng lượng, hình dáng, màu sắc trong việc sử dụng chất liệu mới hoặc thêm các chức năng mới…

Thứ hai, có thể phát minh ra công nghệ mới hay vật liệu mới để tạo ra sản phẩm trong quá trình sản xuất. Điều này cũng giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh đối với sản phẩm hiện tại.

Thứ ba, việc tìm ra một thị trường mới hoặc một khu vực thị trường mà ở đó nhu cầu vượt cung. Đây cũng là một cơ hội tốt khi khởi sự.

Thứ tư, có thể tạo ra một tổ chức mới trong quá trình sản xuất cũng như trong phân phối.

4. Phương pháp làm nảy sinh ý tưởng kinh doanh

Trong phần này, chúng ta sẽ xem xét các kỹ thuật hình thành ý tưởng kinh doanh mới. Trên thực tế, doanh nghiệp có thể áp dụng đồng thời nhiều kỹ thuật để có ý tưởng kinh doanh tốt.

  • Phương pháp công não (Brainstorming)

Phương pháp này dùng để tạo ra các ý tưởng một cách nhanh chóng, không sử dụng để ra quyết định. Khi thực hiện phương pháp này, cần lưu ý những nguyên tắc nhất định: tập trung vào chủ đề cụ thể, không chỉ trích, tập trung vào sáng tạo hơn là đánh giá.

  • Phương pháp nhóm trọng tâm (Focus group)

Nhóm bao gồm 5 đến 10 người được lựa chọn bởi lẽ sự liên quan của họ với chủ đề được thảo luận. Thế mạnh của nhóm trọng tâm là giúp doanh nghiệp phát hiện điều gì nằm trong tâm trí khách hàng. Tuy nhiên điểm yếu là các thành viên không mang tính đại diện, kết quả không thể khái quát hóa cho tổng thể.

  • Phương pháp SCAMPER

Cách thức khác để tìm kiếm ý tưởng kinh doanh một cách sáng tạo là dựa vào mô hình SCAMPER. SCAMPER là phương pháp tư duy sáng tạo do Robert Eberle – nhà quản lý giáo dục người Mỹ – tìm ra vào đầu những năm 1970. Phương pháp SCAMPER dựa trên nguyên lý đơn giản: những thứ sáng tạo thực chất là sự thay đổi của những thứ đang tồn tại xung quanh chúng ta. Phương pháp SCAMPER gồm 7 nguyên tắc nhỏ: Substitue (Thay thế), Combine (Kết hợp), Adapt (Thích nghi), Modify (Điều chỉnh), Put to Other Uses (Sử dụng vào mục đích khác), Eliminate (Loại bỏ), Reverse (Đảo ngược). Nếu hiểu và áp dụng thành công những phương pháp này, startup trẻ có thể tìm thấy những ý tưởng khởi nghiệp đáng giá.