Mục tiêu của bước thiết kế là tạo ra một thiết kế hệ thống cơ bản và các tiêu chuẩn hệ thống chi tiết. Bước này cũng tạo ra kế hoạch và ngân sách dự án chi tiết cần thiết để xây dựng hệ thống. Đây cũng là thời điểm mà những người sắp thực hiện biết được nhà quản lý muốn gì và bản thân họ tự đề ra phải làm như thế nào. Đây cũng là thời điểm nhà quản lý thực hiện các điều chỉnh và hoàn thiện mục tiêu dự án, những người sắp thực hiện dự án xem xét những công việc trước đó đã hoàn thành hay chưa.
Ở cuối bước thiết kế có thể dự đoán khả năng thành công hay thất bại của dự án. Nếu những người thực hiện dự án hoàn thành bước này với kết quả tiêu chuẩn thiết kế hệ thống rõ ràng và hoàn toàn tự tin vào khả năng xây dựng hệ thống theo các tiêu chuẩn này thì dự án sẽ thành công. Trong trường hợp ngược lại, nếu các tiêu chuẩn được xây dựng còn quá mơ hồ, chưa hoàn chỉnh hay khó hiểu, và những người thực hiện dự án không chắc về khả năng thành công thì dự án sẽ bị thất bại.
Bước này bắt đầu với việc nhà quản lý dự án xem xét lại mục đích dự án, các thiết kế hệ thống cơ bản và mục tiêu của từng nhóm dự án. Công việc của nhóm được tổ chức bởi những người có kiến thức về kinh doanh, kỹ thuật và kinh nghiệm cần thiết để thực hiện các thiết kế hệ thống cơ bản.
Những người thực hiện dự án cần biết rõ định hướng của nhà quản lý cấp cao và mục đích của dự án. Các vấn đề cụ thể về mục tiêu và ngân sách dự án cần được xác định rõ vào thời điểm này. Nếu cần, có thể thực hiện điều chỉnh các vấn đề được phát hiện trong giai đoạn này.
Trong bước này, chỉ khi nào những thành viên trong nhóm dự án hiểu được mục đích và mục tiêu của dự án, thì họ mới có thể tham gia xây dựng kế hoạch chi tiết công việc với nhà quản lý dự án. Có 2 việc chính cần làm trong quá trình thiết kế:
+ Xây dựng quy trình chi tiết cho hệ thống mới.
+ Xây dựng và thử nghiệm hệ thống mẫu.
Thiết lập bảng tiến độ công việc đảm bảo hoàn thành theo tiến độ đó. Chia thời gian còn lại từ bước thiết kế sau cùng thành 2 hoạt động thiết kế chính. Tách từng hoạt động thành một bộ gồm nhiều công tác. Sau đó xác định thời gian cần thiết để thực hiện từng công tác một cách hợp lý. Đừng tốn thời gian quá nhiều vào việc phân tích, kiểm tra và kiểm tra lại kết quả của từng hoạt động.
Bước thiết kế nên hoàn thành trong vòng từ 1 đến 3 tháng. Trong hầu hết các công đoạn, công việc của 2 hoạt động chính này có thể được thực hiện đồng thời hay song song với nhau. Trong một vài trường hợp, công việc có thể được hoàn thành ít hơn 1 tháng. Không nên để công việc nào kéo dài quá 3 tháng. Nếu việc thiết kế kéo dài hơn 3 tháng, nó thể hiện việc thiếu tập trung vào một vấn đề cụ thể hoặc thiếu sự tổ chức hiệu quả của dự án.
1. Xây dựng quy trình chi tiết cho hệ thống mới
Nhóm dự án nên xem lại các tiêu chuẩn hệ thống được mô tả trong giai đoạn xác định. Các tiêu chuẩn này có thể là sự phối hợp mục tiêu của 4 yếu tố:
– Dịch vụ khách hàng
– Hiệu quả làm việc nội bộ
– Tính linh động của nhu cầu
– Phát triển sản phẩm
Trước khi mô tả khái quát quy trình chi tiết cho hệ thống mới, nhà quản lý dự án phải hướng dẫn thành viên nhóm dự án động não nhóm để đưa ra các tiêu chuẩn này. Nhà quản lý dự án phải động viên nhóm đưa ra ý tưởng tự do và giúp nhóm dự án tránh rơi vào tình trạng phê bình và bàn luận quá sớm về những việc không nên làm. Thay vì như vậy, hãy tập trung nói về cách thức thực hiện công việc như thế nào. Đưa ra các ý tưởng để đạt được các tiêu chuẩn trên càng nhiều càng tốt. Những ý tưởng này là các nguyên liệu thô có thể kết hợp với nhau để tạo ra thiết kế quy trình của hệ thống mới.
2. Xây dựng và thử nghiệm hệ thống mẫu
Khi quy trình chi tiết cho hệ thống mới được thiết kế xong, bước tiếp theo là thử nghiệm hệ thống. Thử nghiệm hệ thống là kỹ thuật dùng để thiết kế một hệ thống mới, hỗ trợ hiệu quả cho quy trình mới. Lưu đồ quy trình sẽ cung cấp tính logic và trình tự thực hiện quy trình được dùng, chỉ ra lượng thông tin và loại thông tin mà hệ thống mới cần có. Có 2 loại thử nghiệm hệ thống:
+ Thử nghiệm giao diện người sử dụng.
+ Thử nghiệm kết cấu kỹ thuật.
Điều này tương tự như việc thiết kế một tòa nhà. Nếu bạn đang thiết kế một tòa nhà, bạn phải tạo ra 2 loại bản thiết kế. Bản thiết kế thứ nhất thể hiện cấu trúc các tầng nhà và mặt tiền nhà nhằm xác định xem nó như thế nào. Loại thứ hai là thiết kế các thành phần khác như đường dây điện, hệ thống dẫn nước để tạo nên cấu trúc cho tầng nhà và mặt tiền nhà ở. Thiết kế này cho thấy cách thức xây dựng hệ thống.
Trong quá trình thiết kế hệ thống, giao diện người sử dụng xem như bảng thiết kế các tầng và mặt tiền nhà vì nó thể hiện ngoại cảnh hệ thống và cách thức một người nào đó phải làm xuyên suốt hệ thống. Tương tự với cấu trúc kỹ thuật của tòa nhà là kết cấu kỹ thuật của một hệ thống: phần cứng, hệ điều hành và phần mềm cơ sở dữ liệu. Những phần này được dùng hỗ trợ cho giao diện người sử dụng.
Giao diện người sử dụng và kết cấu kỹ thuật được thiết kế song song với nhau. Đây là một quy trình lặp nhằm tạo ra sự cân đối giữa giao diện người sử dụng, chức năng hệ thống và kết cấu kỹ thuật hạ tầng. Mục đích là xác định thiết kế tổng thể nhằm cung cấp một sự cân bằng hoàn hảo giữa chức năng hệ thống và tính dễ dàng khi sử dụng.
a) Thử nghiệm giao diện người sử dụng
Đã có nhiều tác giả viết và nói về thiết kế giao diện người sử dụng cho các hệ thống máy tính. Một trong các quan điểm quan trọng nhất là giao diện người sử dụng cần phải rõ ràng và trực diện. Điều này có nghĩa là khi một người nào đó đã có những hiểu biết sơ lược về hoạt động hệ thống máy tính, họ có thể tìm hiểu và dùng thử hệ thống máy tính mới này trong vòng 20 phút. Giao diện hệ thống được thiết kế càng tốt, người sử dụng càng tốn ít thời gian hơn để tìm hiểu cách dùng được nó.
Tạo ra một giao diện người sử dụng thử nghiệm là xác định quy trình chi tiết cho hệ thống mới. Lưu đồ quy trình sẽ cho biết những hoạt động nào được thực hiện trong trình tự nào và cần dữ liệu nào hỗ trợ cho các hoạt động đó. Việc xây dựng các trình tự trên màn hình máy tính liên quan đến việc xác định các dòng quy trình và cho phép người sử dụng thu thập dữ liệu trong các quy trình đó.
b) Thử nghiệm kết cấu kỹ thuật cho hệ thống.
Giao diện người sử dụng của hệ thống đang ngày càng được cải tiến. Cần phát triển thiết kế phụ song song để lựa chọn và kiểm tra các thành phần kỹ thuật được dùng để xây dựng hệ thống. Nên sử dụng phầm mềm và phần cứng máy tính để ra quyết định. Các khối dữ liệu ứng dụng phải cụ thể và chọn một ngôn ngữ chương trình nhất định. Tất cả các thành phần này phải được tập hợp trong một môi trường thử nghiệm và kiểm tra xem có hoạt động như giới thiệu hay không. Kết hợp các phần và đảm bảo chúng thực sự hoạt động theo đúng những gì nhà cung cấp phần mềm đã nói.
Chỉ đến khi nào một thành phần kỹ thuật nào đó được đưa vào sử dụng ít nhất 2 năm thì mới có thể xem như xác suất thành công của nó bằng giá trị danh nghĩa. Những người phụ trách về kỹ thuật trong nhóm thiết kế phải tự thẩm định xem tất cả các thành phần này có hoạt động được với nhau hay không. Điều này có nghĩa là cần phải tiến hành nhiều cuộc kiểm tra khác nhau và điều phối để đưa ra dữ liệu benchmarking. Nhóm thiết kế kỹ thuật phải chọn lựa thay đổi các thành phần hoặc có thể phải thay đổi cả thiết kế cấu trúc kỹ thuật nếu các thành phần này được cho là không hoạt động như mong muốn ban đầu.
Khối dữ liệu ứng dụng phải được cài đặt vào phần cứng trên nền của hệ thống điều hành sẽ được chạy. Bất kỳ phần mềm ứng dụng nào được dùng cũng cần phải cài đặt. Sau đó, dữ liệu thử nghiệm sẽ được sao chép vào bộ phận thử dữ liệu và hoạt động. Đây là bộ phận xử lý và kiểm tra sự vận hành của toàn bộ cấu trúc. Nên viết một số mã nguồn đơn giản để có thể chuyển dữ liệu từ thành phần này đến thành phần khác để kiểm tra giao diện dữ liệu và tốc độ mạng LAN, WAN và kết nối Internet. Cuối hoạt động thử nghiệm, kết cấu kỹ thuật phải thể hiện được yêu cầu của hệ thống mới mà nó hỗ trợ. Nếu thử nghiệm không cho thấy được hệ thống sẽ hoạt động tốt thì việc cố gắng xây dựng một phiên bản sản xuất của hệ thống sử dụng kết cấu kỹ thuật này là vô nghĩa.
9 Th12 2020
9 Th12 2020
9 Th12 2020
8 Th12 2020
9 Th12 2020
8 Th1 2018