Quy trình khởi sự kinh doanh

Quy trình khởi sự kinh doanh gồm nhiều hoạt động. Có thể chia quá trình này thành bốn giai đoạn được thể hiện ở hình sau:

khởi sự kinh doanh 1Quy trình khởi sự kinh doanh

Bước 1: Chuẩn bị khởi sự

– Quyết định tham gia hoạt động kinh doanh.

Một cá nhân quyết định tham gia hoạt động kinh doanh là do họ muốn trở thành ông chủ, theo đuổi ý tưởng của bản thân, và tìm kiếm lợi ích tài chính.

Quyết định khởi sự kinh doanh sẽ xuất hiện khi xuất hiện những thay đổi trong cuộc đời con người. Sự thay đổi có thể ở dưới dạng tiêu cực như: mất việc, bất mãn công việc hiện tại… là các nhân tố đẩy hoặc dưới dạng tích cực như: tìm được đối tác tốt hoặc, có hỗ trợ tài chính…. là nhân tố kéo.

Ví dụ như một người bị đuổi việc, nhân tố đó sẽ thúc đẩy anh ta mở doanh nghiệp để tự làm chủ; hoặc nếu tìm thấy một cơ hội kinh doanh tốt thì mặc dù công việc hiện tại không có gì đáng phàn nàn nhưng cá nhân đó vẫn có thể thành lập doanh nghiệp kinh doanh; hoặc một người có thể được thừa kế từ một khoản tiền và đó là lần đầu tiên anh ta có đầy đủ năng lực tài chính để bắt đầu kinh doanh. Nếu những thay đổi này xuất hiện ở các cá nhân có tự tin về khả năng thành công khi khởi sự và họ cũng mong muốn trở thành doanh nhân thì các cá nhân này sẽ tiến hành các hoạt động thành lập doanh nghiệp mới.

khởi sự kinh doanh 2

Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định khởi sự

– Chuẩn bị các điều kiện về kiến thức, kinh nghiệm thái độ có thể giúp cho các cá nhân sẵn sàng chấp nhận rủi ro bước vào khởi sự kinh doanh.

Bước 2: Phát triển ý tưởng kinh doanh và lập kế hoạch kinh doanh

– Phát triển một ý tưởng kinh doanh.

Bao gồm phát hiện cơ hội kinh doanh, đánh giá và lựa chọn ý tưởng, lên kế hoạch kinh doanh và phát triển một mô hình doanh nghiệp hiệu quả. Phần lớn các cơ hội kinh doanh không tự nhiên xuất hiện mà phải do người khởi sự tìm kiếm và phát hiện. Doanh nhân phải nhanh nhạy trong nhận biết cơ hội, tìm kiếm các nguồn phát hiện cơ hội, và sau đó sáng suốt lựa chọn và đánh giá để hình thành ý tưởng kinh doanh.

– Xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Ý tưởng kinh doanh phải được diễn giải và trình bày cụ thể bằng kế hoạch kinh doanh. Kế hoạch kinh doanh là một văn bản diễn giải súc tích những khía cạnh của ý tưởng. Viết kế hoạch kinh doanh bắt buộc chủ doanh nghiệp phải suy nghĩ kỹ lưỡng về cách thức hiện thực hóa cơ hội kinh doanh: cách thức triển khai và các nguồn lực cần thiết để thực hiện ý tưởng.

Bước 3: Triển khai hoạt động kinh doanh

Tiến hành các hoạt động để thành lập doanh nghiệp mới, tìm kiếm các nguồn lực để triển khai kinh doanh và đưa doanh nghiệp vào hoạt động, bao gồm thiết kế văn phòng, lựa chọn địa điểm kinh doanh, tuyển chọn nhân lực, mua sắm tài sản, tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết… Đây cũng là giai đoạn cuối cùng của việc đặt nền móng tạo lập doanh nghiệp mới.

Bước 4: Phát triển hoạt động kinh doanh

Để tạo dựng nền tảng cho một doanh nghiệp phát triển lâu dài, ổn định, bền vững ngay từ giai đoạn đầu khi thành lập chủ doanh nghiệp đã phải thực hiện các công việc thiết lập quan hệ với các đối tác chiến lược, bạn hàng, khách hàng, với các cơ quan quản lý vĩ mô và thực thi chiến lược phát triển thích hợp lâu dài.