Khoa học quản lý với tư cách là một khoa học xã hội, cũng như các khoa học khác, muốn nhận thức được đối tượng của nó nhất thiết phải vận dụng những phương pháp nghiên cứu chung và những phương pháp nghiên cứu cụ thể.
1. Các phương pháp chung
Để làm rõ quy luật và tính quy luật của quản lý, Khoa học quản lý phải vận dụng các phương pháp nghiên cứu cơ bản. Đó là các phương pháp:
– Phương pháp biện chứng duy vật
– Phương pháp logic – lịch sử
– Phương pháp trừu tượng hoá
Các phương pháp này đều được các khoa học khác sử dụng trong nghiên cứu để nhận thức bản chất đối tượng của chúng. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng các phương pháp này, mỗi một khoa học đều có cách tiếp cận riêng.
* Phương pháp biện chứng duy vật
Phương pháp biện chứng duy vật là phương pháp xem xét các sự vật, hiện tượng và quá trình của thế giới khách quan trong mối liên hệ tác động qua lại, trong sự vận động biến đổi và phát triển theo quy luật của chúng.
Quản lý là một trong những hiện tượng, quá trình của thế giới hiện thực. Để nhận thức bản chất và quy luật của quản lý, Khoa học quản lý cần thiết phải vận dụng phương pháp biện chứng duy vật.
Bằng phương pháp biện chứng duy vật, khoa học quản lý chỉ ra rằng: quản lý là một trong những dạng hoạt động hoặc lao động đặc biệt của con người. Nhưng nó không tồn tại biệt lập mà có quan hệ mật thiết với điều kiện kinh tế xã hội ở những giai đoạn phát triển nhất định. Nói cụ thể hơn, hoạt động quản lý không phải là một dạng hoạt động quản lý thuần tuý tự nó và vì nó. Hoạt động quản lý gắn liền với các dạng hoạt động cụ thể của con người, nó tất yếu nảy sinh khi có sự tham gia hoạt động của nhiều người. Tuy nhiên, trong vô lượng các hoạt động của con người thì hoạt động sản xuất vật chất đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của con người, của xã hội, đồng thời, nó có ý nghĩa quyết định đối với tính chất của hoạt động quản lý.
Mặt khác, với tư cách là một dạng hoạt động có tính độc lập tương đối, quản lý luôn gắn với một tổ chức hay một hệ thống xác định. Hệ thống này bao gồm các nhân tố bên trong và chịu sự tác động của những yếu tố bên ngoài. Sự tương tác của chúng tạo nên quy luật vận động biến đổi và phát triển của quản lý. Đó là sự biểu hiện của mối liên hệ bên trong của hệ thống quản lý và mối liên hệ giữa hệ thống quản lý với môi trường quản lý.
Mối quan hệ quản lý được tạo nên bởi sự tác động qua lại giữa chủ thể quản lý với đối tượng quản lý thông qua các công cụ, phương tiện quản lý để đạt tới mục tiêu quản lý xác định. Thông qua mối quan hệ quản lý mà hình thành quy luật quản lý và tính quy luật của quản lý.
Quy luật quản lý thực chất là thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa mục tiêu quản lý, nội dung quản lý và phương thức quản lý. Tính quy luật quản lý được biểu hiện ở việc xây dựng và thực thi các nguyên tắc quản lý, quy trình quản lý, các phương pháp quản lý, phong cách quản lý và nghệ thuật quản lý.
Quy luật quản lý và tính quy luật quản lý xét đến cùng là sản phẩm của “quy luật hoàn cảnh” hay nói cụ thể là sản phẩm của sự kết hợp giữa những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Nhận thức đúng đắn và vận dụng sáng tạo quy luật quản lý trong thực tiễn là nhân tố cốt lõi quyết định sự phát triển của quản lý.
* Phương pháp logic – lịch sử
Phương pháp logic – lịch sử còn được gọi là phương pháp kết hợp giữa logic với lịch sử, hoặc là phương pháp thống nhất giữa logic với lịch sử.
Phương pháp logic là phương pháp xem xét các sự vật, hiện tượng của thế giới trong mối liên hệ nội tại, tất yếu cũng như những cái chung, cái giống nhau, có tính lặp lại của sự vận động, biến đổi và phát triển của chúng (xem xét sự vật trong tính đồng đại của nó, hay là xem xét sự vật về mặt không gian).
Phương pháp lịch sử là phương pháp xem xét các sự vật, hiện tượng của thế giới qua các giai đoạn phát sinh, hình thành, phát triển và tiêu vong của chúng (xem xét sự vật về mặt lịch đại của nó, hoặc xem xét sự vật về mặt thời gian).
Để nhận thức được bản chất và quy luật của sự vận động, biến đổi và phát triển của sự vật thì phải kết hợp cả hai phương pháp: phương pháp logic và phương pháp lịch sử, hay là phương pháp logic – lịch sử.
Bằng phương pháp logic – lịch sử, khoa học quản lý chỉ ra rằng mỗi một loại hình và cấp độ quản lý đều có quá trình phát sinh, hình thành, phát triển và mất đi của nó; đồng thời các loại hình quản lý khác nhau (quản lý kinh tế, quản lý hành chính, quản lý nhân lực…) đều có mối liên hệ nhất định với nhau, đều có những cái chung, cái giống nhau, cái lặp lại hay là tính quy luật của chúng. Tính quy luật của chúng được biểu hiện ở chỗ bất cứ loại hình quản lý nào cũng đều phải xác lập và thực thi mục tiêu quản lý phù hợp, nội dung quản lý đúng đắn và phương thức quản lý hợp lý. Bất cứ loại hình quản lý nào cũng phải xây dựng và thực hiện các nguyên tắc quản lý, quy trình quản lý, phương pháp quản lý, phong cách quản lý và nghệ thuật quản lý… Tuy nhiên, những cái chung, cái lặp lại, cái giống nhau đó khi vận dụng vào các loại hình quản lý cụ thể lại mang những nét đặc thù.
* Phương pháp trừu tượng hoá
Phương pháp trừu tượng hoá là phương pháp xem xét các sự vật hiện tượng của thế giới khách quan không phải ở tất cả các mặt, các yếu tố, các thuộc tính của nó, mà nó gạt bỏ những hiện tượng bên ngoài đa dạng, phong phú, những yếu tố ngẫu nhiên để hướng tới cái điển hình, cái cốt lõi nhằm vạch ra bản chất và các cấp độ bản chất của sự vật.
Phương pháp trừu tượng hoá nếu được vận dụng một cách đúng đắn sẽ là sức mạnh của tư duy khoa học. Phương pháp này không làm cho tư duy xa rời hiện thực mà giúp hiểu rõ hiện thực ở cấp độ bản chất, quy luật vận động của hiện thực – điều mà nhận thức cảm tính không làm được.
Nhờ có phương pháp trừu tượng hoá, khoa học quản lý giúp chúng ta nhận thức được rằng: trong sự đa dạng, phong phú, muôn hình muôn vẻ của các loại hình và cấp độ quản lý (như đã trình bày ở tiểu tiết 1.1.4) nhưng bản chất của quản lý là biểu hiện mối quan hệ tác động giữa con người với con người (bản chất cấp 1). Tuy nhiên, mối quan hệ đó không phải là mối quan hệ giữa con người với con người nói chung mà là quan hệ giữa chủ thể quản lý (người quản lý) với đối tượng quản lý (người bị quản lý) (bản chất cấp 2). Mặt khác, trong quan hệ giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý thì quan hệ quyền lực là hạt nhân cốt lõi (bản chất cấp 3)…
Vận dụng phương pháp trừu tượng hóa, khoa học quản lý đã xác lập những “mẫu số chung” cho tất cả các lĩnh vực và cấp độ quản lý ở các nội dung liên quan tới chủ thể quản lý, đối tượng quản lý, nguyên tắc quản lý, quy trình quản lý, phương pháp quản lý…
Chính vì vậy, hệ thống tri thức chung của khoa học quản lý đóng vai trò là cơ sở lý luận và phương pháp luận cho tất cả các khoa học quản lý chuyên ngành.
2. Các phương pháp cụ thể
Ngoài những phương pháp chung như đã trình bày ở trên, khoa học quản lý còn sử dụng một số phương pháp cụ thể khác như: Phương pháp phân tích – tổng hợp, Phương pháp quy nạp – diễn dịch, Phương pháp hệ thống, Phương pháp mô hình hoá và một số phương pháp liên ngành khác.
26 Th11 2020
26 Th11 2020
1 Th12 2020
25 Th11 2020
24 Th11 2020
25 Th11 2020