Lựa chọn triết lý để thay đổi

1. Triết lý Vị kỷ

a-  Tư tưởng cơ bản

Tư tưởng cơ bản của triết lý vị kỷ được thể hiện thông qua định nghĩa sau: những người theo triết lý vị kỷ luôn cho rằng một hành vi được coi là đúng đắn và có thể chấp nhận được về mặt đạo đức là khi nó có thể mang lại điều tốt hay lợi ích cho một ai đó cụ thể. Trong hầu hết các trường hợp, cá nhân được ưu tiên hưởng lợi là bản thân, vì thế tư tưởng này có tên gọi là vị kỷ (vì/cho bản thân).

Có thể nhận ra sự hiện diện của triết lý vị kỷ thông qua những khẩu hiệu hành động như: Có lợi thì làm hay Miễn là có lợi.

b-  Giá trị của triết lý khi vận dụng trong kinh doanh và quản lý

Chọn triết lý vị kỷ làm triết lý kinh doanh, doanh nghiệp không chỉ được hưởng những lợi thế nói trên mà còn phải gánh chịu những bất lợi về hình ảnh/ấn tượng gây ra do sự thiển cận, tầm thường kém hiệu quả. Tính thiển cận trong các quyết định vị kỷ thể hiện ở việc những người theo tư tưởng này thường chỉ chú trọng đến những cái tốt có thể đo, đếm được thường là những lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất  mà bỏ qua các giá trị tinh thần, phi-vật chất, phi-lượng hoá. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng khi xét ở phạm vi đối tượng rộng hơn thay vì một cá nhân. Điều này làm cho các quyết định vị kỷ trở nên tầm thường trong cách nhìn của một xã hội đang phát triển. Sự tầm thường của các hành vi vị kỷ cũng thể hiện ở việc chúng có thể gây ra mâu thuẫn, xung đột giữa các cá nhân, thành viên xã hội và không đóng góp tích cực vào việc phát triển mối quan hệ cộng đồng tốt đẹp để xây dựng một xã hội tiến bộ, mang đậm tính nhân văn. Tính tầm thường của triết lý vị kỷ còn thể hiện ở chỗ tư tưởng này hướng hành vi, nỗ lực của con người vào việc đạt được những lợi ích vật chất tầm thường của cá nhân, và lấy đó để xây dựng hình ảnh mang đậm nét thực dụng. Đạt được lợi ích bằng cách trà đạp lên lợi ích hoặc gây thiệt hại cho người khác tất sẽ phải đối đầu với những phản ứng tự vệ; tệ hại hơn nữa nếu những người khác cũng hành động theo triết lý vị kỷ. Tình trạng sẽ trở nên bất lợi vô cùng, giống như ở một ngã tư vào giờ tan tầm không có tín hiệu giao thông kẹt cứng người, và ai cũng cố gắng len, lách để đi con đường vượt qua đám đông. Nỗ lực của mỗi cá nhân là rất lớn nhưng kết quả đạt được là rất ít. Đó chính là lý do dẫn đến việc các quyết định vị kỷ trở nên kém hiệu quả (ngắn hạn và dài hạn) đến mức nào. Doanh nghiệp thu được lợi nhuận ở một bàn tiệc xã hội bằng cách vơ vét, sẽ rất vất vả khi tìm kiếm những bàn tiệc khác để kiếm lời.

2. Triết lý Vị lợi

a-  Tư tưởng cơ bản

Tư tưởng cơ bản của triết lý vị lợi thể hiện trong định nghĩa sau: những người theo triết lý vị lợi cho rằng một hành vi đúng đắn và có thể chấp nhận được về mặt đạo đức là khi nó có thể mang lại được nhiều điều tốt, nhiều lợi ích cho nhiều người cùng hưởng.

Có thể nhận ra sự hiện diện của tư tưởng vị lợi thông qua những khẩu hiệu hành động như : Hành động vì lợi ích xã hội,  Hành động để tăng thêm phúc lợi xã hội hay Hiệu quả là trên hết.  Đối với họ, hiệu quả xã hội không chỉ là thước đo kết quả của hành vi mà còn là mục tiêu để phấn đấu.

b-  Giá trị của triết lý khi vận dụng trong kinh doanh và quản lý

Lựa chọn triết lý vị lợi làm triết lý kinh doanh, doanh nghiệp không chỉ được hưởng những lợi thế nói trên mà còn phải gánh chịu những bất lợi về hình ảnh ấn tượng gây ra do sự thiển cận, thực dụng thiếu nhân văn. Mặc dù đã có những cố gắng bằng việc bao quát một phạm vi rộng các đối tượng hữu quan và khía cạnh giá trị (lợi ích, thiệt hại; vật chất, tinh thần) trong các phép tính, nhưng tính thiển cận vẫn khó loại trừ do những khó khăn trong việc xác định các giá trị này ở các đối tượng khác nhau. Hệ quả là bài toán chỉ xuất hiện dưới hình thức các chỉ tiêu kinh tế, điều đó dẫn đến xu thế hành động vị lợi. Kết quả xác định được chỉ phản ánh một phần hệ quả của hành vi phần đo được bằng chỉ tiêu kinh tế – sẽ là không đầy đủ; việc ra quyết định dựa trên căn cứ không chính xác sẽ dẫn đến kết luận sai. Quyết định sẽ thiên vị cho các giải pháp kinh tế. Triết lý vị lợi giản đơn [Jeremy Bentham] nêu trên đã đánh đồng các giá trị, ý nghĩa vì vậy có xu thế dẫn đến tình trạng lựa chọn sống sung sướng, thoả thuê nhục dục như một chú lợn thay vì sống đau khổ, trăn trở vì nhân loại như Socrates [John Stuard Mil]. Sự tôn sùng của một bộ phận dân chúng trong xã hội đã biến thuyết vị lợi thành một thứ chủ nghĩa – chủ nghĩa vị lợi (utilititarialism).

Ngoài ra, trong các triết lý vị kỷ và vị lợicòn tiềm ẩn một hạn chế cố hữu đó là: chỉ có thể phán xét hành vi sau khi hành vi đã được thực hiện. Cố tật loại này bộc lộ trong các phương pháp phân tích sử dụng các chỉ số  tài chính (sử dụng số liệu quá khứ), phản ánh tình trạng sự đã rồi, phản ứng muộn. Trong nền kinh tế thị trường đầy biến động đầy bất thường như ngày nay, việc dự báo dựa vào số liệu quá khứ không còn đủ tin cậy để ra quyết định đối với người quản lý. Phản ứng nhanh, hành động kịp thời, phân tích và kiểm soát có tính cảnh báo sớm là những kỹ năng, phương pháp được phát triển để hoạt động một cách kết quả.

3. Triết lý Đạo đức Hành vi

a- Tư tưởng cơ bản

Tư tưởng cơ bản cơ bản của triết lý đạo đức hành vi được thể hiện thông qua định nghĩa sau: những người theo triết lý hành vi thường đánh giá tính đạo đức hay hợp lý của hành vi thông qua cách hành vi được thực hiện. Triết lý này được hoàn thiện bằng những nguyên tắc dưới đây để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.

Có thể nhận ra sự hiện diện của triết lý đạo đức hành vi thông qua các khẩu hiệu hành động sau: Tôn trọng quyền tự do cá nhân + Trong khuôn khổ pháp luật + Làm tròn nghĩa vụ bổn phận của mình đối với xã hội hay Trao quyền tự do hành động + Phù hợp trách nhiệm quyền hạn + Tham gia, đóng góp cho tập thể‖. Để thực hành triết lý này, bộ ba  nguyên tắc phải được đảm bảo. Thiếu một nguyên tắc, nguy cơ vi phạm hoặc kém hiệu lực sẽ rất cao.

b- Giá trị của triết lý khi vận dụng trong kinh doanh và quản lý

Lựa chọn triết lý đạo đức hành vi làm triết lý kinh doanh, doanh nghiệp không chỉ được hưởng những lợi thế nói trên mà còn phải gánh chịu những bất lợi về hình ảnh/ấn tượng gây ra do thiếu tinh thần đoàn kết, chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi và chủ nghĩa hình thức. Mặc dù đã có những biện pháp ngăn chặn xung đột, nhưng nguy cơ vẫn tiềm ẩn trong mối quan hệ và hệ thống tổ chức, do sự khác biệt giữa các cá nhân. Do nghĩa vụ đối với cá nhân được quy định rất cụ thể, trong khi nghĩa vụ đối với tập thể, những người hữu quan và xã hội thường không rõ ràng và hạn chế, xu thế hành động là luôn ưu tiên hoàn thành nhiệm vụ cá nhân mà xem nhẹ, thậm chí phớt lờ nghĩa vụ đối với tập thể và những người khác và với môi trường bên ngoài. Điều đó thường dẫn đến chủ nghĩa hình thức khi chỉ làm cho có hoặc làm cho xong việc. Tư tưởng cá nhân chủ nghĩa trong suy nghĩ và hành vi nêu trên dễ dẫn đến tình trạng thiếu tinh thần tương trợ, tinh thần đồng đội, những yếu tố làm xói mòn mối quan hệ con người trong tổ chức.

4. Triết lý Đạo đức Tương đối

a- Tư tưởng cơ bản

Việc tồn tại sự khác nhau giữa các cá nhân/nhóm cá nhân là thực tế và hiển nhiên. Điều đó luôn gây ra những bất đồng, xung đột giữa họ, gây khó khăn cho việc xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa họ. Mặt khác, con người cũng bị thôi thúc bởi nhu cầu hoà nhập để tồn tại và phát triển. Nhu cầu đó thôi thúc con người tìm cách học hỏi, hoà nhập. Những người theo triết lý đạo đức tương đối cho rằng một hành vi có thể được coi là phù hợp đạo đức và có thể chấp nhận được là khi nó phản ánh được các chuẩn mực nhất định của nhóm xã hội đại diện. Chuẩn mực được thống nhất trong nhóm và hành vi điển hình của các đại biểu nhóm được sử dụng làm chuẩn mực cho những ai muốn trở thành thành viên của nhóm. Đó cũng là cách một cá nhân hay tổ chức ra quyết định khi rơi vào hoàn cảnh có nhiều ý kiến, quan điểm, tiêu chuẩn khác nhau.

Có thể nhận ra sự hiện diện của triết lý đạo đức tương đối thông qua những nguyên tắc thể hiện trong các khẩu hiệu hành động sau: Tôn trọng truyền thống, Duy trì nề nếp, Hoà nhập và giữ gìn bản sắc.

b- Giá trị của triết lý khi vận dụng trong kinh doanh và quản lý

Chọn triết lý đạo đức tương đối làm triết lý kinh doanh, doanh nghiệp có thể phải gánh chịu những bất lợi về hình ảnh ấn tượng gây ra do sự thiếu nhất quán, ba phải, thiếu bản sắc riêng. Những người theo thuyết đạo đức tương đối không cho rằng có cái đúng tuyệt đối, cái sai tuyệt đối. Đúng/sai chỉ là tương đối, tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh, từng đối tượng. Lập luận và quyết định của họ không được xây dựng trên một nền tảng lý luận vững chắc của riêng mình mà tuỳ thuộc quan điểm của những đối tượng hữu quan. Cách tiếp cận như vậy dễ dẫn đến việc đưa ra những ý kiến không thống nhất, thậm chí trái ngược, mâu thuẫn về cùng một vấn đề trong những hoàn cảnh khác nhau. Điều đó không những làm sói mòn niềm tin ở các đối tượng hữu quan, mà còn tự gây khó cho bản thân khi thực hiện. Làm theo và cố chiều lòng các đối tượng hữu quan cũng có thể dẫn đến việc thụ động, mất uy tín, nhất là khi các đối tượng hữu quan đang cần sự trợ giúp, lời khuyên và chưa tìm ra lời giải. Năng lực hành động xuất sắc của doanh nghiệp khi đó càng trở nên vô duyên trong cái nhìn của đối tượng hữu quan.Thiếu dũng cảm trong việc đưa ra quan điểm, ý kiến của mình là cách tốt nhất để trở nên mờ nhạt, mất vị thế và sớm rơi vào lãng quên.

5. Triết lý Đạo đức Công lý

a- Tư tưởng cơ bản

Về tư tưởng cơ bản, triết lý đạo đức công lý không khác nhiều so với triết lý đạo đức hành vi. Sự khác biệt quan trọng của triết lý đạo đức công lý được thể hiện ở hai điểm sau:

(i) chú trọng và nhấn mạnh ý nghĩa xã hội của hành vi, và (ii) coi trọng sự khác biệt trong cân bằng. Những người theo triết lý đạo đức công lý cho rằng một hành vi có thể được coi là đạo đức và có thể chấp nhận được là khi hành động vì lợi ích của những người khác, nhất là những người bất lợi thế.

Có thể nhận ra sự hiện diện của triết lý đạo đức công lý thông qua những khẩu hiệu hành động như Hành động vì sự công bằng và bình đẳng, Đảm bảo quyền có cơ hội việc làm ngang nhau giữa mọi người hay Bình đẳng về việc làm,  Công bằng trong phân phối, Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởnng ít.

b- Giá trị của triết lý khi vận dụng trong kinh doanh và quản lý

Chọn triết lý đạo đức công lý làm triết lý kinh doanh, doanh nghiệp không chỉ được hưởng những lợi thế nói trên mà còn phải gánh chịu những bất lợi về hình ảnh/ấn tượng gây ra do tính phi thực tế và thậm chí sáo rỗng do những lúng túng, khó khăn, bất lực xảy ra khi xử lý bất đồng. Mặc dù được thừa nhận là lý tưởng, việc thực hành vẫn gặp phải những trở ngại nhất định: Thế  nào là công bằng?, Thế  nào là bình đẳng?  Sự khác nhau trong cách định nghĩa là nguyên nhân dẫn đến việc không thể tìm được giải pháp thoả mãn mọi quan điểm, đối tượng. Quan điểm của các nhóm khác nhau có thể dẫn đến hình thành những nhóm lợi ích đối chọi nhau. Mục đích cao cả về công bằng, bình đẳng không còn được quan tâm, trên hết là bảo vệ lợi ích nhóm. Triết lý về công lý có thể bị lợi dụng, công bằng và bình đẳng bị coi là mơ hồ, viển vông. Ý nghĩa tốt đẹp của triết lý chỉ còn lại là ý tưởng.

6. Triết lý Đạo đức Nhân cách

a- Tư tưởng cơ bản

Tư tưởng cơ bản của Triết lý Đạo đức Nhân cách nhấn mạnh đến vai trò của nhân cách và sự hình thành nhân cách trong việc hoàn thiện tính cách con người. Tư tưởng này được thể hiện quan định nghĩa sau: một hành vi được coi là đạo đức và đáng được coi trọng không phải là chỉ làm tốt những gì xã hội yêu cầu, mà hơn thế nữa, còn phải làm những gì mà một người có nhân cách tốt cho rằng cần phải thực hiện. Nhân cách tốt là người luôn có gắng hoàn thiện mình bằng cách tìm ra những điều mọi người mong muốn, hướng tới và tự giác, tự nguyện thực hiện không phải để trở thành thần tượng của mọi người, mà chỉ là sự nỗ lực vươn lên hoàn thiện bản thân.

Có thể nhận ra sự hiện diện của triết lý đạo đức nhân cách thông qua những phương châm hành động như: Vì lòng tự trọng, Vì tinh thần tự tôn, Luôn rèn luyện, tu dưỡng bản thân.

Triết lý đạo đức nhân cách nhanh chóng được tiếp nhận và chuyển hoá vào trong cuộc sống và hoạt hoạt động quản lý bởi những sức mạnh nó có thể tạo ra những hình ẩnh/ấn tượng về sự phù hợp với xu thế phát triển và sự tiến bộ của nhân loại, khả năng hoàn thiện tính cách, nhân cách của con người/tổ chức, tính tích cực trong việc xây dựng con người và mối quan hệ con người, và giúp định hình phong cách mang bản sắc riêng. Xã hội càng tiến bộ, càng phát triển về mặt tri thức, nhu cầu tâm lý bậc cao (Maslow) càng mạnh. Ở bậc cao nhất là vì lòng tự tôn. Mọi nỗ lực dành cho mục tiêu này càng làm con người trưởng thành và hoàn thiện, nhu cầu về lòng tự tôn càng mạnh. Suốt đời con người theo đuổi mục tiêu ngày càng cao. (Điều này trái ngược ở các triết lý vị kỷ, triết lý đạo đức hành vi). Trong quá trình theo đuổi sự hoàn thiện, con người không nhận ra rằng những đóng góp của mình cho xã hội ngày càng nhiều và ngày càng đáng trân trọng. Nhân cách của họ càng trở nên mẫu mực, đáng kính; Hành vi, lời nói của họ càng đáng trọng. Những người như vậy đã trở thành ―cầu nối giữa các nhân cách‖, tấm gương dẫn dắt mọi người noi theo. Một xã hội có nhiều người sẽ là một xã hội an bình, thịnh vượng. Một doanh nghiệp gồm những người theo đuổi những triết lý như vậy sẽ trở thành một khối bền vững và là một thương hiệu dẫn đầu.

b- Giá trị của triết lý khi vận dụng trong kinh doanh và quản lý

Chọn triết lý đạo đức nhân cách làm triết lý kinh doanh, doanh nghiệp không gặp phải bất kỳ bất lợi hay rủi ro nào về hình ảnh/ấn tượng tạo ra. Trở ngại duy nhất gắn với việc theo đuổi triết lý này là nhân cách và sự cố gắng là đại lượng khó xác minh, và không đo được bằng lợi ích kinh tế; điều đó có thể làm nản lòng ai đó, nhất là trong hoàn cảnh cá triết lý vị lợi đang gây ảnh hưởng. Phần thưởng cho những người kiên trì theo đuổi tư tưởng đạo đức nhân cách chỉ là sự tự bằng lòng với bản thân mình khi ở chặng cuối cuộc đời và một biểu tượng nhân cách âm thầm cho thế hệ sau.